“Đây là công trình tưởng niệm của toàn dân tộc”
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng đã nói như vậy trong cuộc trò chuyện dành cho Báo Lao Động trước lễ đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma diễn ra sáng nay (13.3) tại công viên Biển Đông – bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng với các kiến trúc sư khảo sát xây dựng khu tưởng niệm. Ảnh: B.D
Ray rứt nỗi đau máu thịt
Thưa Chủ tịch, ý tưởng xây dựng một công trình tri ân, tưởng nhớ máu xương đã đổ xuống trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền ở đảo Gạc Ma đã ra đời như thế nào?
- Đây là điều đã được nung nấu từ rất lâu rồi. Cả nỗi đau khi một phần lãnh thổ của cha ông bị tước đoạt, lòng cảm phục trước những gương chiến đấu hy sinh ngoan cường, bất khuất lẫn sự cảm thông dành cho cuộc mưu sinh nhiều trắc trở của cộng đồng ngư dân.
Có lần về quê, tôi ra thăm Lý Sơn (Quảng Ngãi), nơi xuất phát những đội hùng binh trấn nhậm Hoàng Sa năm xưa. Với người dân Lý Sơn, Hoàng Sa như mảnh vườn, thửa ruộng truyền đời tổ tông để lại. Bây giờ mỗi lần ra biển, những tàu cá Lý Sơn ngoài nỗi lo gió táp mưa sa, còn nơm nớp trong lòng nguy cơ bị o ép, xua đuổi, tấn công. Và sự thật đã có không ít gia đình bị đẩy vào tình cảnh tán gia bại sản, con em họ bị truy bức, đánh đập dã man. Những câu chuyện khiến người nghe nhói lòng.
Nhìn lại, thì thấy sự thua thiệt của ngư dân một phần do họ chưa biết liên hiệp lại. Mô hình nghiệp đoàn nghề cá hình thành trong điều kiện ấy, bắt đầu thí điểm từ Lý Sơn. Nghiệp đoàn như một điểm tựa của ngư dân, nơi họ có thể chia sẻ, hỗ trợ và tăng cường khả năng bảo vệ lẫn nhau. Từ sự hưởng ứng của đông đảo ngư dân, Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động chương trình Tấm lưới nghĩa tình, vận động cả nước chung tay giúp đỡ ngư dân – đặc biệt là những trường hợp gặp phải nhân tai thảm họa – đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ. Công đoàn đứng ra lo cả những việc rất chi ly mà không kém phần thiết thực như bảo hiểm thân tàu, lắp đặt máy liên lạc Icom…
Chúng tôi coi đó là sự tiếp sức, vừa giúp bà con cải thiện sinh kế, vừa củng cố, động viên, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Tháng 3.2014, tại TP.Đà Nẵng, cuộc giao lưu phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” được truyền hình trên sóng quốc gia, chủ đề về biển đảo, về lòng yêu nước, về những mất mát hy sinh lại tiếp tục. Sự kiện được tổ chức nhằm tri ân và thức tỉnh, đồng thời góp phần kiến tạo không gian cho tinh thần hòa giải.
Buổi giao lưu có thân nhân liệt sĩ Gạc Ma, có cả gia đình một số tử sĩ từng bỏ mình bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, đã lay động hàng triệu trái tim. “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” có một mục tiêu là xây dựng công trình tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Có người hỏi tôi, nhiều nơi ở Hoàng Sa, Trường Sa máu Việt cũng đổ xuống, sao chỉ có Gạc Ma. Câu trả lời là không ở đâu sự xả thân, tinh thần quả cảm và quyết tâm bảo vệ từng tấc đất phên giậu tổ quốc lại rực rỡ, chói sáng như Gạc Ma.
Ủng hộ từ trong nướcvà ngoài nước
Video đang HOT
Đã tròn một năm, xin Chủ tịch cho biết kết quả chương trình, thực ra là một làn sóng sôi nổi xuất phát từ cảm hứng công dân, sức mạnh của khối đoàn kết, nhất trí, không chỉ trong hệ thống công đoàn?
- Nói công đoàn chủ trì nhưng chúng tôi đã đón nhận được sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội và không chỉ bó hẹp ở phạm vi trong nước. Tháng 6.2014, dừng chân ở Cộng hòa Czech nhân chuyến tham dự một hội nghị lao động quốc tế, tôi có cơ hội chứng kiến sự quan tâm và tình cảm sôi nổi của kiều bào ở đây dành cho chương trình. Đông đảo kiều bào sinh sống tại Czech đã dành những đồng tiền khó nhọc mà họ gom góp được cho “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, cho tượng đài tâm linh tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma. Còn nhiều ví dụ như thế. Có thể nói, công trình chúng ta đặt viên đá đầu tiên hôm nay là công trình tưởng niệm của toàn dân tộc.
Nên nói thêm, “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” có sức quy tụ, lan tỏa rộng rãi một phần vì nó ra đời đúng thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cắm sâu vào hải phận Việt Nam. Trong những tháng ngày sôi sục ấy, “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” có thêm nhiều điểm đến như lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và hậu phương sau lưng họ.
Sau một năm phát động, từ số tiền đóng góp hơn 100 tỉ đồng của các cấp công đoàn, các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, chương trình đã chi hỗ trợ quân nhân, gia đình liệt sĩ Trường Sa, thân nhân những người đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa 1,547 tỉ đồng, trong đó trao quà 75 gia đình quân nhân, mỗi gia đình 5 triệu đồng; tặng nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà ở, tặng sổ tiết kiệm cho 21 gia đình, kinh phí hỗ trợ từ 30 – 60 triệu đồng/trường hợp. Chi hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật, ngư dân bảo vệ vùng biển Việt Nam 5,031 tỉ đồng (hỗ trợ 22 tàu ngư dân Đà Nẵng, 25 tàu ngư dân Quảng Nam, 82 ngư dân Quảng Ngãi tham gia bảo vệ biển đảo 1,095 tỉ đồng; thăm hỏi, động viên 930 lượt cảnh sát biển, kiểm ngư viên, đang làm nhiệm vụ trực tiếp trên biển với số tiền 1,860 tỉ đồng; hỗ trợ hơn 100 gia đình kiểm ngư viên, cảnh sát biển có hoàn cảnh khó khăn 1,831 tỉ đồng; hỗ trợ 9 gia đình đoàn viên công đoàn tỉnh Thanh Hóa có người thân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo 100 triệu đồng và 205 triệu đồng hỗ trợ thân nhân lực lượng thực thi pháp luật tại các địa phương khác).
Khu tưởng niệm Gạc Ma là công trình tri ân của cả nước, là nỗi lòng đau đáu của không chỉ người thân 64 chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển khơi. Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tôi tha thiết kêu gọi mỗi đoàn viên công đoàn, mỗi người Việt Nam, dù bất cứ nơi đâu, hãy đóng góp một viên gạch, một mẩu tin nhắn hầu tập hợp đủ nguồn lực sớm hoàn thiện một công trình, một địa chỉ tôn vinh, hun đúc tinh thần, ý chí và những giá trị bền vững của người Việt Nam.
Thưa Chủ tịch, công trình sẽ được tiếp tục xây dựng như thế nào?
- Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực vận động và thúc đẩy quá trình xây dựng, để công trình có thể khánh thành vào ngày này năm sau, đúng dịp kỷ niệm 28 năm sự kiện Gạc Ma. Khu tưởng niệm sẽ luôn rộng cửa đón nhận tất cả những ai có nhu cầu tưởng niệm, tìm hiểu về trận chiến Gạc Ma. Tôi nghĩ đây sẽ là một địa chỉ tốt để giáo dục tinh thần yêu nước, lòng biết ơn những tấm gương vì nước quên thân. Tôi cũng hy vọng, đây sẽ là một địa điểm tham quan, du lịch hấp dẫn, bổ ích của không chỉ Khánh Hòa.
Theo Tổ phóng viên thời sự
Lao Động
Xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Sáng nay 13.3, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa, Báo Lao Động, tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Phối cảnh tổng thể khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cung cấp
Khu tưởng niệm được xây dựng trên vùng đất rộng 2,5 ha, thuộc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa). Kinh phí xây dựng tượng đài được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức công đoàn và công nhân lao động trên cả nước; đồng thời huy động từ các cơ quan, đơn vị và các tấm lòng hảo tâm của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN), cho biết khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để ghi công 64 liệt sĩ đã hy sinh ngày 14.3.1988 trong trận chiến bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc; tỏ lòng thành kính và biết ơn các anh hùng liệt sĩ hải quân; góp phần giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc VN trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng là nguyện vọng của thân nhân các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma, ngư dân, cựu chiến binh và chiến sĩ hải quân, nhân dân VN yêu nước, đồng thời góp thêm một công trình văn hóa, điểm tham quan giáo dục truyền thống.
Ông Tùng cho biết sau khi tổ chức thi tuyển thiết kế công trình khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Ban tổ chức đã chọn tác phẩm "Hành trình khát vọng" của nhóm tác giả thuộc Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) và tượng đài của tác phẩm "Những người nằm lại ở phía chân trời" của tác giả Lý Thị Liễu (Công ty TNHH mỹ thuật - nhiếp ảnh Oanh Vũ, TPH.HCM) để phối hợp thành một đồ án tổng thể, thực hiện dự án khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma.
Tượng đài Gạc Ma - Ảnh: Tổng Liên đoàn Lao Động VN cung cấp
Đại biểu nhắn tin ủng hộ xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo, mẹ Nguyễn Thị Hằng (mẹ liệt sĩ Hoàng Ánh Đông, đến từ Quảng Trị) và em Đinh Mỹ Lệ (là con liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, quê Ninh Bình) tham gia giao lưu tại buổi lễ
Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo và mẹ Nguyễn Thị Hằng rơm rớm nước mắt tại buổi giao lưu
Viên đá đầu tiên khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh: Nguyễn Chung
Tác phẩm "Những người nằm lại phía chân trời" của bà Liễu được lựa chọn để làm điểm nhấn cho cụm tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma bao gồm hình ảnh mặt trời phía sau lưng những chiến sĩ hải quân, có người ngã xuống nhưng nổi bật là hình ảnh người lính giữ vững ngọn cờ Tổ quốc trên đảo. Tượng đài được xem là trái tim của khu tưởng niệm, nhưng quần thể của khu vực còn bao gồm nhiều hạng mục khác như khu vực tưởng niệm dành cho du khách, bảo tàng ngầm... Những hạng mục này chính là tác phẩm "Hành trình khát vọng" của nhóm tác giả thuộc Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) đảm nhiệm. Lấy ý tưởng từ các yếu tố đất, nước và hòa bình, các tác giả muốn gửi đến không chỉ có sự thương tiếc với 64 chiến sĩ đã nằm xuống, mà còn là ước vọng về hòa bình, về hành trình dựng nước và giữ nước của người Việt.
Hiện nay, đồ án tổng thể đang hoàn thiện để lên dự toán toàn công trình. Dự kiến trong năm nay công trình sẽ được triển khai thi công và đến năm 2016 sẽ khánh thành.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã dành thời gian để giao lưu cùng thân nhân các gia đình liệt sĩ và cựu chiến binh Gạc Ma. Đó là cựu chiến binh Lê Hữu Thảo (Hà Tĩnh), mẹ Nguyễn Thị Hằng (mẹ liệt sĩ Hoàng Ánh Đông, đến từ Quảng Trị) và em Đinh Thị Mỹ Lệ (là con liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, quê Ninh Bình).
Không quản ngại đường xa, cựu binh Lê Hữu Thảo - một trong các chiến sĩ có mặt tại trận hải chiến năm 1988 đã lặn lội vào Khánh Hòa, tham gia lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Anh Thảo nói: "Nguyện vọng của tôi cũng như thân nhân các liệt sĩ, là có ngày mang được hài cốt của đồng đội ngoài biển về đất liền. Tuy nhiên, điều đó dường như không thể, và khu tưởng niệm này chính là nơi các thân nhân liệt sĩ và các đồng đội đi về mỗi dịp tưởng niệm ngày hi sinh của các anh".
Mẹ Nguyễn Thị Hằng (mẹ liệt sĩ Hoàng Ánh Đông) không cầm được nước mắt: "Con hi sinh, lòng mẹ đau như cắt. Mẹ đã đau lòng 27 năm nay, nhưng vẫn tự hào vì con mẹ là người quá anh hùng và dũng cảm. Con mẹ và các liệt sĩ đã đi vào những trang sử vẻ vang của dân tộc, nhưng thể xác vẫn còn mãi nằm lại với lòng biển lạnh. Bây giờ có khu tưởng niệm này là niềm an ủi lớn cho mẹ cũng như các thân nhân liệt sĩ".
Nhân lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm này, Tổng LĐLĐ VN phát động mỗi công nhân viên chức-lao động đóng góp một viên gạch (tương đương 20.000đ) hoặc tham gia nhắn tin với cú pháp "GM" gửi 1407 (mỗi một tin nhắn ủng hộ 14.000 đồng) để xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Tại buổi lễ, gần 30 cơ quan, đơn vị, cá nhân đã trao tiền, hiện vật tham gia xây dựng tượng đài Gạc Ma, trị giá gần 20 tỉ đồng. Quỹ Tấm lòng vàng Báo Lao động đã trao quà cho thân nhân liệt sĩ Gạc Ma; Tổng LĐLĐ VN quyết định tặng 1.000 lá cờ Tổ quốc cho các nghiệp đoàn nghề cá, các tàu ngư dân đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Trần Đăng - Nguyễn Chung
Theo Thanhnien
Góp gạch xây khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma sẽ được Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN tổ chức vào hôm nay (13.3) tại Nha Trang (Khánh Hòa). Toàn bộ kinh phí xây dựng được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức công đoàn và công nhân lao động trên cả nước. Phối cảnh...