Đây là 4 nhân vật bị ghét nhiều nhất trên truyền hình Việt những ngày qua
Nhân vật phản diện khiến khán giả căm thù thì không nói làm gì, nhưng vẫn có những kiểu nhân vật bị ghét vì đủ thứ lý do đấy.
Trong số các nhân vật trên phim thì có lẽ những nhân vật bị ghét vì độc ác, đa đoan và giả dối là được nhắc đến nhiều hơn cả. Nhiều khi sau khi bộ phim kết thúc, khán giả vẫn nhớ về những nhân vật đáng ghét này hơn cả nhân vật chính. Đây là một điểm khá đặc trưng trong phim truyền hình Việt bởi các nhà làm phim thường có xu hướng xây dựng nhân vật sao cho thật ác độc, thật thâm hiểm để kích động sự phẫn nộ của khán giả, tạo được hiệu ứng bàn tán sôi nổi trong thời gian phim đang chiếu.
Bên cạnh đó, cũng có không ít các trường hợp nhân vật đáng ra được xây dựng để không bị ghét nhưng do tay nghề kịch bản kém nên vẫn khiến khán giả khó chịu bởi hành động, suy nghĩ vô lý, không hợp với logic thông thường. Dưới đây là danh sách 4 nhân vật khiến khán giả khó chịu nhất trên truyền hình Việt thời gian gần đây.
1. Diệu trong Cả Một Đời Ân Oán
Kiểu nhân vật con dâu hay mẹ chồng ác độc vẫn luôn là một “đặc sản” của phim Việt trên truyền hình. Nhân vật cô con dâu Diệu ( Lan Phương) trong Cả Một Đời Ân Oán chính là một trong số các nhân vật như vậy. Diệu là vợ của Phong (Hồng Đăng) – con trai riêng của ông Quang. Dù có yêu Phong thật nhưng một trong những mục đích lớn nhất của Diệu khi lấy anh là để có một phần thừa kế trong miếng gia sản kếch xù mà ông Quang đã gây dựng được.
Tại công ty Vũ Gia cũng là công ty của gia đình Phong, Diệu cố tìm cách can thiệp vào mọi chuyện hòng đạt được mục đích của mình và khiến cho nhà chồng xào xáo. Với sự nanh nọc, thủ đoạn chất chứa trong ánh mắt luôn hằn học và xoáy sâu vào người đối diện, diễn xuất của Lan Phương trong phim đã biến nhân vật này trở thành một trong những nhân tố hấp dẫn nhất trong suốt quá trình phần 1 của bộ phim diễn ra.
2. Quyên trong Tình Khúc Bạch Dương
Bên cạnh Cả Một Đời Ân Oán thì Tình Khúc Bạch Dương cũng tạo dấu ấn không kém bởi những nhân vật đáng ghét. Phim kể về chuyện tình tay tư giữa bốn người bạn từng học chung với nhau từ hồi còn ở Liên Xô. Trong đó, 14 tập đầu của bộ phim kể về mối tình rất đẹp giữa Hùng (Huỳnh Anh) và Quyên (Minh Trang). Tuy nhiên, vì những hiểu lầm dai dẳng cũng như trong lòng Quyên đã để ý đến người khác nên hai người đã chia tay sau khi Quyên kết thúc quá trình học ở Liên Xô và trở về Việt Nam trước Hùng.
Quyên lúc trẻ do Minh Trang thể hiện
Điều đáng nói là khi về nước, Quyên lại tán tỉnh Quang (Bình An), người yêu của bạn thân mình, sau đó hai người lấy nhau. Sau 30 năm chung sống không thuận lòng, Quyên lại chán Quang và tìm cách quay lại với Hùng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình của anh lúc này. Nhân vật này đáng ra không bị ghét nhưng bởi vì kịch bản xây dựng còn non tay nên đã tạo ra một làn sóng những phản hồi bất bình, khó chịu của khán giả trên mạng xã hội.
Sau tập14, phần diễn biến lúc trưởng thành của nhân vật do Thanh Mai đảm nhiệm
Video đang HOT
3. Quất trong Thương Nhớ Ở Ai
Quất là một trong số những nhân vật đáng ghét nhất trong Thương Nhớ Ở Ai. Bản thân là cán bộ văn hoá nhưng Quất lại thiếu hiểu biết về những giá trị tinh thần của quần chúng. Nhiều lần, Quất hướng các quyết sách cực đoan của mình về phía những nếp sống lâu đời của dân làng mà anh cho là nơi chứa chấp của tư tưởng phong kiến lạc hậu. Hành động điên rồ nhất, mà cũng là nấc thang đỉnh điểm trong cuộc đời của Quất là khi anh ra lệnh phá bỏ đình làng vào đúng ngày diễn ra lễ hầu đồng.
Quất là một trong những vai phản diện hiếm hoi do Thiện Tùng thể hiện
Hành động này vấp phải sự phản đối kịch liệt của dân làng, ngay cả vợ Quất cũng ra đình để can ngăn chồng. Trong cơn điên cuồng giữa sự bất lực và tức giận, Quất đã lao lên gác của đình quyết phá cho bằng được. Vợ Quất lao theo và đã bị anh xô ngã xuống đất, chết ngay tại chỗ. Cái chết của vợ Quất mang theo đứa con vẫn nằm trong bụng đi cùng. Đây là dạng nhân vật điển hình, được đạo diễn cố tình xây dựng sao cho bị ghét nhiều nhất, hết mức có thể. Bi kịch xảy ra ở đình làng là điểm nhấn đáng nhớ nhất về cuộc đời người này.
4. Thế Chột trong Người Phán Xử
Nhắc đến thành công của Người Phán Xử thì không thể không nhắc đến Thế Chột của nghệ sĩ Chu Hùng. Nhân vật này được đàn em trong giới giang hồ gọi là “lão bạo chúa”, nổi tiếng với sự tàn độc và gian xảo. Ngay từ những tập đầu, Thế Chột đã thể hiện được uy lực của mình đối với bộ đôi nhân vật chính là ông trùm Phan Quân cùng người cộng sự Lương Bổng.
Thế “Chột” qua diễn xuất của nghệ sĩ Chu Hùng
Lão bạo chúa từng có ân oán tình trường với Phan Quân nên đem lòng oán hận. Sau nhiều năm ở tù, hắn đã quay trở lại với mong muốn lật đổ Phan Thị, khiến Phan Quân phải trả giá. Đến cuối phim, khi âm mưu trả thù nham hiểm của Thế Chột được lộ ra, khán giả mới cảm nhận được sự nanh nọc, tàn độc đến rợn sống lưng của nhân vật này.
Kết
Những người bị ghét trên đây có cả phản diện và chính diện. Không phải cứ phản diện là sẽ bị ghét, đôi khi kẻ chính diện mới khiến người ta gai mắt. Có thể do biên kịch cố tình, nhưng cũng có khi quá non tay, hoặc diễn viên thể hiện chưa đúng thành ra bị phản tác dụng. Nói gì thì nói, đôi lúc chính những nhân vật này khiến khán giả quan tâm theo dõi phim, để chờ coi chừng nào họ bị… quả báo.
Theo Trí Thức Trẻ
Phim truyền hình VTV: Sau loạt "bom tấn" là đến "bom xịt"?
Sau "Sống chung với mẹ chồng" và "Người phán xử", lượng rating của phim truyền hình vẫn trồi sụt thất thường vì thiếu cái lạ, xa rời thực tế?
Những ngày qua, một trong những thông tin gây xôn xao nhất chính là Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam (VFC) khởi quay phần ngoại truyện "Người phán xử".
Được biết, phần này sẽ bao gồm 4 tập phim, là "tiền truyện" của đế chế Phan Thị, tập hợp những gương mặt "gạo cội" của "Người phán xử" như ông trùm Phan Quân, Lương "Bổng", Phan Hải...
"Người phán xử" ngoại truyện sắp ra mắt khán giả. (Ảnh: VTV)
Trong năm 2017, hai bộ phim "Sống chung với mẹ chồng", "Người phán xử" đã trở thành tâm điểm dư luận, hút lượng rating cực cao và phủ sóng khắp mạng xã hội. Thừa thắng xông lên, các nhà sản xuất liên tục chiêu đãi khán giả giờ vàng với hàng loạt phim được thu tiếng đồng bộ, quay với công nghệ 4K.
Bảo Thanh có 1 năm 2017 quá thành công nhờ "Sống chung với mẹ chồng".
Có thể kể đến "Thương nhớ ở ai" mất tới 3 năm để xử lý hậu kỳ, "Ngược chiều nước mắt" quy tụ dàn diễn viên trẻ đẹp, "Tình khúc Bạch dương" mất 7 năm với nhiều chuyến đi khảo sát thực tế tốn kém giữa Nga, Pháp và Việt Nam; bom tấn "Cả một đời ân oán" chăm chút từng góc quay khiến NSƯT Mỹ Uyên phải thốt lên "Đóng phim truyền hình mà cảm giác như đang đóng phim điện ảnh".
Ngoài VFC, khán giả còn có nhiều lựa chọn với những bộ phim do tư nhân sản xuất như: "Giao mùa" lấy bối cảnh Hà Nội xưa, "Mộng phù hoa" kể về cuộc đời "đệ nhất mỹ nữ Sài Gòn" Ba Trà, bộ phim hành động "Đánh tráo số phận" có sự góp mặt của siêu mẫu Trương Nam Thành, đả nữ Nhung Kate...
Khó xô đổ kỷ lục của "Sống chung với mẹ chồng", "Người phán xử"?
Các bộ phim kể trên có nỗ lực của nhà sản xuất, có đầu tư, có dàn diễn viên tài năng và ăn khách, thế nhưng xem ra về độ nóng vẫn chưa "thấm tháp" gì so với vài thông tin mơ hồ của "Người phán xử" ngoại truyện vừa được tung ra.
Cũng là phim Việt hoá, nhưng khi xem "Cả một đời ân oán", nhiều khán giả chia sẻ cảm nhận dường như họ đang xem một bộ phim Đài Loan cũ kỹ. Câu chuyện đánh ghen, tình tay 3 dài lê thê, trải qua hàng chục tập vẫn chưa hoá giải ; hàng loạt những mối quan hệ chồng chéo, lằng nhằng giữa con chung - con riêng, vợ cả - vợ hai, anh chồng - em dâu, mẹ chồng - dâu cũ - dâu mới... khiến khán giả bị rơi vào mê hồn trận và không hiểu vì sao lại có thể phức tạp như thế.
Sự khiên cưỡng khi đóng khung nhân vật đến mức lỗi thời: "cô dâu bạc triệu" Hồng Diễm xinh đẹp, hiền lành, cả đời phải cúi gằm mặt nhịn nhục, đã là mẹ chồng thì bà Lan (NSƯT Mỹ Uyên) phải ghê gớm, quá quắt đến mức độ vô lý, xa rời thực tế...
Hồng Đăng và Hồng Diễm trong"Cả một đời ân oán". (Ảnh VTV)
Ngoài "Cả một đời ân oán", "Tình khúc Bạch dương" được kỳ vọng sẽ thành "bom tấn" màn ảnh nhỏ vì NSƯT Vũ Trường Khoa cũng là đạo diễn của "Sống chung với mẹ chồng". Tuy nhiên, khi phim lên sóng, nhiều khán giả "chê" cách phát âm tiếng Nga của đội ngũ lồng tiếng, đạo cụ cũng chưa thật với bối cảnh thời Liên Xô cũ.
Diễn viên, MC Thanh Mai có diễn xuất "cứng đờ", "một màu" khi đảm nhận nhân vật có nội tâm dữ dội, phức tạp như Quyên. Nhiều cảnh phim quay lúc đi ngủ nhưng gương mặt cô vẫn phủ lớp trang điểm dày khiến khán giả khá khó hiểu...
Diễn xuất của Thanh Mai trong "Tình khúc bạch dương" được đánh giá còn "cứng". (Ảnh: VTV)
Ngoài ra, có thể kể đến những phim khá lặng lẽ: "Giao mùa" nhạt nhoà về câu chuyện và lồng tiếng cũ kỹ, "Đánh tráo số phận" hư cấu đến độ phi lý, các cảnh hành động chưa đã và chưa tới...
Trong số này, có lẽ "Thương nhớ ở ai" là bộ phim giành được nhiều lời khen ngợi nhất. Phim hay tất nhiên được "soi" kỹ, tuy nhiên, những lần ồn ào nhất của "Thương nhớ ở ai" lại chính là cảnh nóng "sập giường" của Trà My và Lâm Vissay hay chuyện các diễn viên nữ không mặc áo ngực trên sóng truyền hình. Đây cũng là bộ phim duy nhất mang đề tài nông thôn, "động chạm" được những vấn đề về thân phận phụ nữ trong xã hội xưa, có giá trị nhân văn sâu sắc.
Cảnh nóng "sập giường" của Lâm Vissay và Trà My từng gây nhiều tranh cãi. (Ảnh: VTV)
"Nhiều phim truyền hình quá xa rời thực tế"
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đánh giá, vấn đề lớn nhất của nhiều bộ phim truyền hình hiện nay đó là quá xa rời thực tế.
"Nhiều phim quên đi những vấn đề thời sự nóng hổi, nhức nhối của xã hội, mà đề cập đến những câu chuyện quá riêng tư, "thị dân", khiến khán giả cảm thấy xa rời thực tế, không liên quan gì đến mình. Đây là bài học lớn cho các tác giả hiểu rằng, họ không có quyền từ chối những vấn đề lớn của thời đại.
Đây cũng là câu chuyện sống còn của phim truyền hình nói riêng và cả nền điện ảnh nói chung. Tính hướng dẫn và định hướng của phim truyền hình hiện nay làm chưa tốt, thậm chí còn không bằng những năm trước.
"Người phán xử" thành công vì "lạ"?(Ảnh: VTV)
"Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng" thành công bởi có nhiều chi tiết lạ nhưng thật, khai thác rất sâu tâm lý của nhân vật. Phim truyền hình không phải chỉ là vấn đề công nghệ, quan trọng nhất phải là tình tiết lạ. Rõ ràng cái lạ trong truyền hình là một tiêu chí cần đạt tới, nó bắt buộc các nhà sản xuất không thể đi mãi một con đường. Nhiều phim được đầu tư nhưng vì đi mãi một con đường, không lạ nên ít người xem.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã. (Ảnh: VTV)
"Khi đề cập đến bất cứ đề tài nào dù riêng tư hay rộng lớn của đời sống, chúng ta phải dụng công nghĩ đến cái mới lạ trong câu chuyện, để khán giả có thể tìm thấy những số phận không dễ gặp ngoài đời, những điều không thể lý giải được nhưng có thể tìm thấy trong phim. Việc nghiên cứu tâm lý khán giả cũng chưa tốt. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến lượng rating các bộ phim vẫn trồi sụt thất thường", nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết./.
Theo Xuân Phương (VOV)
Dàn diễn viên trẻ, đẹp của phim 'Tình khúc Bạch Dương' Phim quy tụ nhiều gương mặt trẻ, triển vọng như Nhã Phương, Bình An, Minh Trang, Huỳnh Anh... Lên sóng cuối tháng 1/2018, phim truyền hình Tình khúc Bạch Dương gây chú ý khi tái hiện cuộc sống của các sinh viên Việt Nam tại Nga những năm cuối thập niên 1980. Phim quy tụ nhiều diễn viên trẻ, đẹp như Bình An,...