Dày công biến đất hoang thành trang trại trù phú tiền tỷ
Trút bỏ bộ quân phục, ông Đỗ Công An (thôn Tân An, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) đã dày công biến khu đất hoang hóa thành trang trại trù phú, mỗi năm cho thu nhập gần nửa tỷ đồng.
Bản lĩnh quân nhân
Năm 1986, ông Đỗ Công An xuất ngũ trở về địa phương. Trong lúc loay hoay chưa biết làm gì để phát triển kinh tế gia đình, ông tìm đến khảo sát khu đất chiêm trũng bị bỏ hoang của địa phương vì quanh năm mất mùa, cấy lúa không được, làm màu cũng không xong. Nhiều người bảo có cho không cũng chẳng nhận, thế mà ông An lại nhìn thấy cơ hội ở khu đất này.
Ông đã mạnh dạn đổi ruộng và khai mở khu đất hoang để lập trang trại nuôi cá giống, nuôi lợn và trồng cây ăn quả. “Do đất trũng khó canh tác nên tôi đã đổ xuống không biết bao nhiêu công sức, tiền của. Ngày nào cũng vậy, tôi ra khỏi nhà từ sáng sớm, đến tối mịt mới trở về. Dù đầu tắt mặt tối nhưng làm việc gì tôi cũng phải tính toán kĩ càng, tận dụng từng mét đất” – ông An kể.
Ngoài trồng cây ăn quả, nuôi cá giống, ông An còn chăn nuôi lợn rất thành công. Ảnh: Tùng Anh
Nhận thấy nhu cầu cá giống của bà con rất cao, ông tìm mua cá giống của những trung tâm giống thuỷ sản có uy tín ở Bắc Ninh và Vĩnh Phúc về nuôi. Trên diện tích 2 mẫu ao, chia thành 3 ô, ông chuyên thả các loại cá: Trắm, trôi, chép, mè. Để cá sống khoẻ, ông An đầu tư máy sục khí, vào những ngày thời tiết oi bức, ông sục khí khắp ao từ 10 giờ tối đến sáng hôm sau. “Nuôi cá giống nó cũng đỏng đảnh, cầu kì lắm. Chỉ cần thay đổi nhiệt độ là cá cũng thay đổi theo, giống con người hay hắt hơi, sổ mũi vậy. Mình không sâu sát, cá dễ chết lắm. Nhất là khu thả cá phải ở nơi tương đối kín gió mới phát triển được” – ông An chia sẻ.
Nhờ kiên trì, chịu khó, đàn cá của ông phát triển tốt, mỗi năm ông xuất thị trường từ 6 – 7 tấn cá giống, thu lãi từ 120 -150 triệu đồng.
Bội thu từ quả ngọt
Năm 2008, khi thấy cây vải, nhãn không còn mang lại hiệu quả cao, ông chuyển đổi sang trồng 300 cây ổi. Tiếp đó, ông trồng 100 gốc bưởi Diễn, 30 gốc bưởi da xanh. Theo thời gian, cây bưởi, ổi lớn dần và cho thu nhập đều đặn. Riêng bưởi Diễn, mỗi năm thu khoảng 100 triệu đồng. Còn 30 gốc bưởi da xanh, mỗi gốc cũng cho 30 – 40 quả, tổng thu nhập khoảng 30 – 40 triệu đồng, vườn ổi cũng cho nguồn thu khoảng 90 triệu đồng. Từ trồng trọt, cho gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Video đang HOT
Theo ông An, để cây trồng phát triển tốt, khâu chăm sóc là quan trọng nhất. Sau khi thu hái, người trồng phải làm cỏ, bón phân chuồng và phân vô cơ. “Vườn ổi có bao nhiêu quả, khi to bằng ngón tay cái tôi đều bọc lại từng quả để phòng ruồi vàng đục quả. Mình phải quan tâm, chăm sóc nó từng ly từng tý, nó sẽ cho mình quả ngọt” – ông An nhấn mạnh.
Để tận dụng tối đa diện tích đất, ông An còn xây chuồng nuôi lợn thương phẩm và lợn nái. Tính sơ mỗi năm 4 lứa xuất bán cả lợn giống và lợn thịt, trừ chi phí, ông cũng bỏ túi khoảng 100 triệu đồng.
Theo Danviet
Anh thợ điện đổi đời nhờ nuôi lợn bằng thảo dược
Sử dụng thức ăn thảo dược vào mô hình nuôi lợn hương của mình, chàng thợ điện Phùng Ngọc Vĩnh đã nhanh chóng thành công và cung cấp cho thị trường một nguồn thịt lợn sạch và chất lượng.
Nuôi lợn bằng thảo dược
Khăn gói ra Bắc sau một khoảng thời gian bôn ba làm thợ điện tại thành phố Hồ Chí Minh, chàng thanh niên Phục Ngọc Vĩnh nung nấu trong mình ý định lập nghiệp.
Về miền quê Bình Yên, huyện Thạch Thất (Hà Nội), hỏi người dân, hầu như ai ai cũng biết đến trang trại lợn hương Sen Trì, hỏi về ông chủ trang trại Phùng Ngọc Vĩnh lại càng biết. Mấy năm gần đây, trang trại lợn hương Sen Trì nổi tiếng khắp vùng nhờ công thức nuôi lợn lạ.
Rót nước mời chúng tôi, anh Vĩnh kể lại mối lương duyên tình cờ với nghề nuôi lợn hương. Trước năm 2012, anh bôn ba trong thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân sửa chữa điện cho Công ty Masan food. Đầu năm 2012, anh chuyển ra Bắc lập nghiệp và nhen nhóm ý định đầu tư cải tạo trang trại Sen Trì.
Được Trung tâm khuyến nông Hà Nội tư vấn và giới thiệu quy trình chăm sóc và hiệu quả kinh tế cao từ chăn nuôi lợn hương, 6/2012, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại trên thửa đất 5,3 ha; song song việc trồng cây ăn trái và chăn nuôi lợn hương.
Cây chè đại là một trong những thảo dược không thể thiếu trong thức ăn nuôi lợn..
Được biết, lợn hương có nguồn gốc từ vùng Bát Xát (Lào Cai), thân ngắn, chân thon và bụng to. Ngoài ra, lợn có đốm đầu và đốm đuôi, ở giữa là khoang trắng, giữa trán có đốm lửa, da dày, lông dài và rậm hơn lợn Móng Cái. Với sức đề kháng cao và thích nghi với môi trường tốt nên quy trình chăm sóc lợn cũng dễ dàng. Vì vậy, mô hình ban đầu, anh Vĩnh mua 12 con giống Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản Cao Bằng rồi nhân rộng đàn lợn cho ra số lượng lớn.
Điểm độc đáo trong mô hình nuôi lợn hương của trang trại Sen Trì là sử dụng thức ăn bằng thảo dược. Anh Vĩnh cho biết: Tận dụng phế phẩm của nông nghiệp như cám mì, cám gạo, ngô trộn thảo dược như bồ công anh, thổ phục linh, kim ngân và một số loại thảo dược khác làm thức ăn nuôi lợn để đem lại chất lượng thịt thơm ngon và an toàn. Cũng chính bởi nguồn thức ăn đảm bảo, không sử dụng cám tăng trọng nên thời gian chăn nuôi tính từ lúc đẻ ra tới lúc đạt trọng lượng xuất bán 35 - 40 kg phải mất từ 7 - 8 tháng, giá bán thịt lợn hương cũng đắt hơn thịt lợn thông thường, lên tới 130.000 đồng/kg lợn hơi.
Tuy nhiên, tùy vào thời gian sinh trưởng và trọng lượng của lợn mà anh Vĩnh lại có những quy trình chăm sóc riêng. Theo anh, lợn con nuôi theo mẹ khoảng 25 ngày thì tách đàn, tập ăn bằng hỗn hợp gồm tấm gạo ninh nhừ, trộn bột ngô, bột đỗ tương rang với lá cây chè đại để tạo nguồn dinh dưỡng cho lợn sinh trưởng và phát triển tốt. Khi lợn đạt trọng lượng khoảng 20 kg đến khi xuất chuồng, anh cho lợn ăn hỗn hợp cám gạo, cám ngô, cám mì, ủ men vi sinh, rồi trộn với thảo dược, rau, chuối, bèo tây.
Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe tốt cho vật nuôi, anh bổ sung phòng bệnh bằng tỏi, nghệ, gừng; tiêm vacxin phòng tránh và khử trùng chuồng trại hàng tuần, kết hợp cả hai quy trình chăn - thả. Anh Vĩnh cho hay, anh vừa đổ bê tông 600 m2 đất để thả lợn từ 15 - 20 kg, tạo không gian cho lợn vận động, tiêu hao mỡ và năng lượng, giúp vật nuôi phát triển nhanh hơn. "Lát bê tông để lợn tránh ủi đất, ngăn ngừa nguy cơ lợn nhiễm ký sinh trùng. Đồng thời, hệ thống chuồng thả được vệ sinh sạch sẽ, phân thải tận dụng làm biogas", anh Vĩnh cho biết thêm.
Để theo dõi quá trình chăm sóc lợn, anh Vĩnh có quyển nhật ký ghi chi tiết lợn từ lúc phối giống, dưỡng nái, sang chuồng chờ đẻ đến lúc tách đàn, nuôi lợn thịt hay gây tiếp giống... để từ đó anh biết được lý lịch của con giống, có biện pháp khắc phục cũng như tránh phối giống cận huyết để đảm bảo giống tốt.
Với quy trình chăm sóc lơn nghiêm ngặt như vậy, thịt lợn hương của anh Vĩnh luôn thơm ngon và đảm bảo vệ sinh an toàn.
Gian nan tìm đầu ra cho thịt lợn "sạch"
Khi việc sử dụng thức ăn thảo dược để chăn nuôi lợn bắt đầu có hiệu quả, ông chủ trang trại tay ngang lại phải đối mặt với bài toán khó khăn hơn: đi tìm đầu ra cho sản phẩm
"Mình mới chân ướt chân ráo, chưa có tên tuổi gì, giá cả lại cao nên gặp không khó khăn mới là lạ"- Anh Vĩnh chia sẻ
Khắc phục khó khăn đó, năm 2013, anh Vĩnh tham gia Hội chợ chăn nuôi thú y - thủy sản thành phố Hà Nội nhằm giới thiệu giống lợn hương đến người tiêu dùng. Hai năm 2014, 2015, anh liên tiếp tham gia Hội chợ sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội, đem sản phẩm bày bán. Anh bảo: "Tuy thịt ngon, an toàn nhưng lượng thịt mỡ nhiều nên người dân còn e ngại. Chỉ đến cuối năm 2015, nhờ có sự kết nối hỗ trợ của Trung Tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, sản phẩm mới thực sự được tiêu thụ rộng rãi".
Anh Vĩnh (trước) đang tư vấn cách nuôi lợn hương.
Nhấp một ngụm nước, anh Vĩnh tiếp lời: "Thịt mỡ của lợn hương ăn giòn và mát, khác hẳn với thịt lợn Móng Cái". Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường về thịt siêu nạc, năm 2015 vừa qua, anh Vĩnh đã thí nghiệm thành công khi lai lợn hương nái với lợn rừng đực, nhằm cân bằng tỉ lệ thịt nạc. Để đảm bảo con giống tốt, anh mua giống lợn rừng tại Trại giống Hoa Viên Yên Bình Thạch Thất.
Thí nghiệm đầu tiên với 20 lợn hương nái và 3 lợn rừng đực thành công, trung bình 10 con/lứa, lợn con sinh ra đốm khoang vẫn không thay đổi nhưng bụng thon hơn. Tuy độ giòn của thịt mỡ không bằng lợn hương nhưng tỷ lệ nạc cao hơn đáng kể, màu thịt nạc đỏ như thịt bò.
Bước đầu thành công, tới đây, anh Vĩnh cũng có ý định mở rộng quy mô trang trại, song song nuôi lợn hương và lai tạo lợn hương với lợn rừng. Ngoài ra, anh cũng đầu tư trồng cây dược thảo làm nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi.
Đến nay, tuy đã mở rộng quy mô trang trại, tăng cường lên tới 68 lợn bố mẹ nhưng nguồn cung cấp lợn giống và thịt lợn của anh Vĩnh cũng không đủ cung ứng ra thị trường, sản phẩm đầu ra, anh xuất giống đi các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang...., đồng thời cung cấp thịt lợn sạch cho cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội như cửa hàng số 47 Nguyên Hồng (Đống Đa), 85 Lê Hồng Phong (Hà Đông),... Ước tính mỗi năm, anh xuất bán 200 con, tương đương với 6 - 7 tấn thịt.
Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, trang trại Sen Trì được cấp giấy chứng nhân VietGAP chăn nuôi kèm theo Quyết định công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật Cục trưởng Cục Thú (2015), Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y của Chi cục Thú y thành phố Hà Nội (2015).
Giữa thời buổi cả xã hội đang chung tay chống thực phẩm bẩn, những chứng nhận trên vừa giúp anh Vĩnh cùng trại lợn hương của mình có thêm uy tín, chỗ đứng trên thị trường, vừa là động lực để ông chủ trang trại này tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp này, góp thêm một nguồn thực phẩm sạch cho xã hội.
Đỗ Thùy Mỵ
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Phá đá trồng cây, "bắt" núi cho quả ngọt Từ nhiều năm nay, hơn 30 hộ đồng bào Tày, Nùng ở xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) có thu nhập khá từ những vườn quýt trên đỉnh Phượng Hoàng. Người có công đưa cây quýt về với bà con là 2 anh em Lường Văn Triệu và Lường Văn An. Phá đá trồng cây Gia đình chị Chu Thị Niên...