Dạy con tự lập, bỏ quên là hỏng!
Gấu nhà mình đặc biệt rất tự lập và không hề bám mẹ, nhờ vậy mà từ khi con mới 4 tháng tuổi, mình đã có thể quay trở lại đi làm.
Gấu nhà mình năm nay đã chuẩn bị lên lớp hai, bé đặc biệt rất tự lập và không hề bám mẹ, nhờ vậy mà từ khi con mới 4 tháng tuổi, mình đã có thể quay trở lại đi làm. Mọi người hay trêu đùa Gấu là “ông cụ non” nhưng thực sự mình rất tự hào khi có một cậu bé tự tin, mạnh dạn và đáng yêu như vậy. Mình xin chia sẻ với các mẹ phương pháp giáo dục con tự lập của gia đình mình:
Hãy cho con một khoản tiền nhất định
Nhiều bà mẹ tỏ ra e dè khi để con tiếp xúc với tiền vì sợ sẽ làm hư con. Trên thực tế mọi chuyện không phải như vậy. Ngay từ khi Gấu mới học mẫu giáo lớn, vợ chồng mình đã mua cho con một chú lợn đất xinh xắn để bé tự quản lý khoản tiền nho nhỏ mỗi tháng của mình. Gấu sẽ tự đưa ra quyết định là con nên mua kẹo hay tiết kiệm số tiền đó cho một món đồ lớn hơn. Từ đó, bé học được rất nhiều bài học về cách sử dụng tiền và tiết kiệm chúng ra sao.
Phân công trách nhiệm cho con
Hãy giao cho con một phần công việc của bạn (ảnh minh họa)
Đến tuổi khám phá thế giới xung quanh, Gấu rất hay vây lấy mẹ khi thấy mẹ nấu cơm hay giặt quần áo. Những lúc như vậy, mình không bao giờ đuổi con hay nói “con về phòng chơi đi để mẹ làm cho nhanh” mà luôn vui vẻ nói chuyện, kể cho con nghe mình đang làm gì rồi “trịnh trọng” giao cho Gấu một phần công việc trong đó như nhặt rau hay đưa giúp mẹ những cái mắc áo. Bạn cũng có thể đơn giản giao cho con những việc như dắt cún đi dạo hàng ngày và nếu như hôm nào bé không hoàn thành nhiệm vụ, bé đương nhiên sẽ phải đi dọn dẹp những món đồ mà cún đã phá tung trong nhà. Hiểu được trách nhiệm quan trọng của mình trong công việc sẽ giúp bé tăng tính tự lập.
Giao cho con việc hẹn giờ hay đặt bàn
Mỗi cuối tuần, gia đình mình đều có một buổi đưa các con đi ăn tối ở ngoài hay đi xem phim, đến các khu vui chơi. Những khi đó, mình luôn khuyến khích Gấu tự gọi điện đặt bàn cho cả gia đình hay hỏi thăm về vé và giờ mở cửa của các rạp chiếu phim. Hãy để bé giao tiếp với người lạ và cảm nhận về thế giới rộng lớn bên ngoài. Nhờ vậy, con sẽ luôn tỏ ra tự tin khi nói chuyện qua điện thoại và thấy mình như một “người lớn” thực thụ.
Khuyến khích con tự quyết định
Video đang HOT
Thay vì quyết định cho con, mình luôn đặt ra các câu hỏi về sự lựa chọn để bé suy nghĩ. Chẳng hạn như khi đi chợ cho cả gia đình, mình hay đưa Gấu đi cùng và “rủ rê” con rằng “Theo Gấu, bữa tối cả nhà mình nên ăn gì nào?” hoặc để con tự quyết định hôm nay sẽ mặc gì đi học. Nhờ vậy, Gấu luôn biết mình muốn gì và chủ động hơn trong mọi công việc.
Để con tự hoàn thành các công việc ở trường
Vợ chồng mình đã thống nhất không nên can thiệp hay tham gia quá sâu vào các hoạt động ở trường của bé. Gấu luôn được tự do làm những công việc mà cô giáo giao cho như các bài tập thủ công, làm bích báo chào mừng 20/11, làm hoa giấy để trang trí lớp học hay chịu trách nhiệm chuẩn bị cốc cho cả lớp khi đi tham quan…
Cho con tự ra ngoài một mình
Hành động này hẳn sẽ khiến một số bà mẹ lo sợ nhưng hãy dũng cảm lên nào. Hầu hết trẻ em đều thích được ra ngoài với bạn bè mà không cần bố mẹ đi cùng. Thậm chí ngay cả khi con bạn không thích như vậy, bạn cũng cần có trách nhiệm khuyến khích con hãy tự ra ngoài chơi. Mình thường để Gấu đi mua đồ giúp mẹ tại một cửa hàng gần nhà hay để con tự sang nhà bà ngoại ở gần đó một mình. Đương nhiên trong thời gian đầu mình luôn lén đi theo con để đảm bảo mọi an toàn. Được tự do đi một mình sẽ giúp Gấu học được cách tự bảo vệ bản thân và đứng vững trên đôi chân của chính mình.
Trẻ em cần được “vấp ngã”
Lưu ý cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là các mẹ hãy để con mắc lỗi, hãy để con sai và để con tự sửa. Đó là điều mấu chốt giúp con hoàn thiện khả năng tự lập. Việc bao bọc trẻ khỏi vấp ngã có thể sẽ giúp con đi được một đoạn ngắn nhưng không thể khiến con tự tin trên quãng đường đời còn đang trải dài sau này.
Theo Khám Phá
Qui tắc 'nhập môn' cho mẹ có con tập ăn dặm
Muốn tránh cảnh khổ sở vì con biếng ăn, ăn rong, khi mới bắt đầu tập ăn dặm, mẹ PHẢI tuân thủ những nguyên tắc này.
Nhà tôi có 4 chị em gái, chỉ có chị cả là làm chuyên gia dinh dưỡng, còn tôi và hai chị nữa đều theo ngành ngân hàng của bố mẹ. Thành thử ra, mọi chuyện liên quan đến nuôi con ba chị em tôi chẳng cần đi đâu xa, cứ "cơm nắm muối vừng" sang nhà chị học hỏi. Tôi vẫn nhớ mãi đợt bé Kem nhà tôi cai sữa, chuyển sang ăn dặm, không có chị đúng là tôi chẳng biết xoay xở thế nào.
Hồi ấy, mua đủ thứ từ ghế ngồi ăn, bát thìa đến yếm ăn, tôi hí hửng bắt đầu "chiến dịch". Ba ngày đầu "ra quân" tôi thất bại hoàn toàn, con hất cháo tung tóe ra sàn, khóc to hơn tiếng mẹ quát, ăn chẳng được miếng nào, rồi thì chồng, mẹ chồng không thông cảm lại còn nói "Có mỗi việc cho con ăn cũng không làm được".
Căng quá, tôi quyết định xin nghỉ hẳn 3 ngày, bế con sang nhà chị cả, nhờ chị làm mẫu, tôi thì vừa quan sát, vừa ghi chép. 3 ngày "học cho con ăn" của tôi cũng không phải là phí, sau khi từ nhà bác về, Kem ăn ngon lành. Tất cả là nhờ mấy chiêu tôi học được của chị.
1. Ăn vui như chơi
Trẻ con như tờ giấy trắng, do đó, bất kể là chuyện ăn uống hay học hành, ấn tượng đầu tiên sẽ hình thành nên chuyện yêu - ghét của trẻ. Mẹ phải có kế sách tạo niềm vui cho con ngay từ bữa đầu tiên thì sau này con mới không thấy chuyện ăn uống là cực hình, đeo yếm ăn giống đeo "gông" vào cổ.
Để thu hút sự chú ý của Kem, chị tôi nấu những món có nhiều màu sắc bắt mắt, có hôm chị còn "thiết kế" một đĩa cháo có hình mặt cười. Chị còn kể mỗi khi cho Bống nhà chị ăn rau súp lơ, chị cho con tưởng tượng mình là một chú hươu cao cổ to lớn đang "ngốn" từng cụm lá cây. Tôi tự nhủ sẽ áp dụng cách này khi Kem lớn hơn.
Những hình ảnh, màu sắc bắt mắt sẽ giúp thu hút bé trong bữa ăn (Ảnh minh họa)
2. Ăn cùng cả nhà
Sau này khi Kem biết ăn ngồi, tôi tính đến chuyện cho con ăn cùng cả nhà như lời chị khuyên nhưng tôi nghĩ con thì mới bé tí, ngồi ăn cùng mọi người đâu tiện, chỉ nguyên cho con ăn tôi cũng đã mệt phờ rồi, lấy đâu ra thời gian ăn nữa. Thế nhưng, chỉ sau bữa ăn đầu tiên tôi đã nghĩ khác.
Thấy đông người, con khá thích thú. Rồi lúc ăn, mỗi người chêm vào một câu khen, thế là con cứ nuốt tằng tằng, chẳng mấy mà hết vèo đĩa bột. Giờ tôi mới thấy cho con ăn cùng cả nhà vừa đỡ mệt, lại vừa tiết kiệm thời gian.
3. Thử vài lần trước khi bỏ
Cho con ăn dặm thời gian đầu mới cai sữa là khó khăn nhất bởi con đang chỉ quen bú sữa mẹ bỗng được đút một thứ đồ ăn có mùi vị lạ vào miệng, bé không có phản xạ nuốt vào mà thường nhè ngay ra. Nhiều mẹ khi ấy cứ nghĩ con không hợp và liên tục đổi hết từ món này sang món khác.
Thực ra, ngay sau khi cai sữa thì món nào với bé cũng lạ như nhau. Do đó, trước khi bỏ, mẹ cần kiên trì cho con ăn thử vài bữa, có thể là thử thay đổi công thức nấu, cách nêm nếm, nếu con nhất quyết không chịu thì mới chuyển sang món khác.
4. Con tự cho mình ăn
Chị dạy tôi rằng đối với chuyện ăn uống, để con ở thế chủ động, con sẽ cảm thấy phấn khích và ăn được nhiều hơn. Ví dụ, khi con còn nhỏ, mẹ chọn thìa bát theo màu sặc sỡ vì đó thường là màu con yêu thích, khi con lớn hơn, mẹ để con tự xúc bằng thìa nếu con muốn, thậm chí khi nấu đồ cho con, mẹ hãy để con cùng tham gia hỗ trợ những việc nhỏ nhặt.
Cảm giác tự mình làm hoặc mình có giúp sức sẽ khiến con thấy vui và ăn được nhiều hơn. Không kể đâu xa, ngay cả người lớn, lần nào tự nấu cũng có xu hướng ăn nhiều hơn hoặc ăn hết.
Mẹ để con tự xúc cơ! (Ảnh minh họa)
5. Cẩn thận con sặc
Sặc, mắc hóc là những điều mẹ nào cũng lo khi cai sữa và chuyển cho con sang ăn dặm. Do đó, các mẹ cần có những đề phòng và chuẩn bị nhất định cho những trường hợp không may này. Mặc dù để con tự chủ động xúc cơm ăn nhưng mẹ tuyệt đối không được để con ngồi ăn một mình.
Thêm nữa, khi cho con ăn mẹ nên hạn chế những loại thức ăn có nguy cơ gây hóc như bỏng, lạc, các loại hạt... Và điều quan trọng cuối cùng là các mẹ nên tìm hiểu và nắm rõ các bước sơ cứu khi trẻ bị hóc.
Với 5 độc chiêu được truyền dạy như trên mà tôi đã vượt qua được biết bao khó khăn khi cho Kem ăn dặm. Hi vọng các mẹ thấy hữu ích và áp dụng thành công.
Theo Khám Phá
Cảnh báo 6 chứng bệnh trẻ thường mắc khi giao mùa hè thu Giao mùa là thời điểm số lượng trẻ mắc bệnh và nhập viện gia tăng do thời tiết thay đổi đột ngột và tiềm ẩn nhiều tác nhân gây bệnh. Phụ huynh cần hết sức lưu ý và đề phòng 6 chứng bệnh trẻ thường mắc dưới đây. Cảm cúm Khi giao mùa hè sang thu, trẻ rất dễ mắc bệnh cảm cúm...