Dạy con trong gia đình 3 thế hệ thật đau đầu!
‘Tôi vừa yêu cầu con ngồi vào bàn học thì bà nội bảo bắt con học làm gì nhiều để mắt bị cận. Có lần bị ông nội đánh, tôi rất bất bình nhưng không làm thế nào để góp ý được’.
Nhiều bậc cha mẹ cho biết dạy con trong gia đình có 3 thế hệ rất khó – Shutterstock
Đó là lời tâm sự của chị Lương Thị Hồng, đang sống tại lô B, chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, khi kể về những mâu thuẫn trong phương pháp dạy con của gia đình mình.
Có ông bà “bảo kê”, con không sợ bố mẹ
Chị Hồng kể: “Vợ chồng tôi sống với ba mẹ chồng từ sau khi cưới. Sinh con đến nay đã được 13 năm, thì trong suốt 13 năm này, con tôi phải chịu “áp lực” từ 2 phía là ông bà và cha mẹ. Vợ chồng tôi muốn dạy con theo kiểu hiện đại, làm bạn với con nhưng không chiều chuộng, dùng lý lẽ nhẹ nhàng phân tích để giúp con nhận thức mọi chuyện chứ không chọn cách la mắng, đánh đập. Thế nhưng ông bà thì ngược lại. Có những chuyện ông bà rất nuông chiều, nhưng khi con mà có phản ứng gì trái ngược là ông la mắng, đánh đòn chứ không cần tìm hiểu nguyên nhân, không cần thấu hiểu tâm lý con đang ở tuổi mới lớn. Nhiều lúc tôi ức chế chỉ muốn bỏ nhà đi đâu một thời gian”.
Theo chị Hồng, con gái chị 13 tuổi nhưng vẫn được ông bà nuông chiều, không cho đụng vào việc nấu cơm, rửa chén. Nhưng khi con chị xem điện thoại nhiều, ông bà lại la mắng, ném bỏ điện thoại của con. Khi con chị phản ứng “ sao ông ném điện thoại con, sao ông lại quá đáng vậy”, thì lập tức bị ông tát cho một cái như trời giáng. “Cháu ôm mặt khóc và bỏ chạy xuống đường, khiến tôi phải đuổi theo, dỗ dành mãi mới đưa con trở lại nhà được. Trong khi đó, những lúc vợ chồng tôi nghiêm khắc với con, yêu cầu con phải giữ vệ sinh sạch sẽ, học bài làm bài nghiêm túc, không được ngủ trễ… thì ông bà lại nói ngay trước mặt con là ‘ba mẹ con Na không cần phải nghiêm khắc như thế, cho con nó thoải mái một chút có sao đâu’. Được ông bà ‘bật đèn xanh’, con gái tôi tiếp tục coi phim đến khuya. Nhà có 3 thế hệ, việc dạy con thật đau đầu vậy đó!”, chị Hồng cho biết.
Hậu quả là đến giờ, con gái chị Hồng không sợ ông bà, cũng không sợ ba mẹ, vì khi ba mẹ la đã có ông bà là “đồng minh”, và khi bị ông bà la hay đánh, đã có mẹ an ủi.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Dương Quang Hùng, (đang làm việc tại Công ty thang máy Hyundai Thành Công), nhìn nhận: “Bản thân gia đình tôi cũng đang sống 3 thế hệ, tôi biết có những tình huống mâu thuẫn trong việc dạy con khiến cả nhà giận nhau. Ông bà thường có cách nghĩ truyền thống, không cần biết xã hội ngày nay đã rất khác rồi, trẻ em cũng khác xưa rồi, không thể dạy theo cách áp đặt và dùng cảm tính. Đó là chưa kể ông bà thương xót cháu theo kiểu chiều chuộng thái quá, hay phản ứng mỗi khi vợ chồng tôi dạy con, khiến con không nghe lời vì đã có ông bà “che chở”. Có lần giận quá tôi nói “con của con bố mẹ hãy để con dạy, đừng can thiệp mà cháu thành hư”, thế là mẹ tôi giận bỏ về quê cả tháng trời”.
Cần bàn bạc, thống nhất để tránh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
Video đang HOT
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, khoa Giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận định: “Ngày nay, không hiếm những gia đình sống quây quần 3 thế hệ một nhà, nhất là ở các vùng quê. Thành phố cũng có. Chắc chắn sẽ nảy sinh mâu thuẫn về các giá trị trong phương pháp dạy con. Ông bà sẽ hướng đến một giá trị khác, truyền thống hơn, và cách dạy cũng thiên về cảm xúc hơn, trong khi cha mẹ lại có một mục tiêu khác. Thông thường cha mẹ hiện đại sẽ muốn dạy con nghiêm khắc theo kiểu “lý”, dùng lý lẽ để dạy con chứ không nuông chiều thái quá hoặc nghiêm khắc theo kiểu bạo lực. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới trẻ”.
Theo tiến sĩ Phan, trong một môi trường như vậy, trẻ sẽ bị rối loạn về nhận thức, không hiểu cái nào đúng, cái nào sai và nên theo cha mẹ hay ông bà. Từ đó dẫn đến thái độ và hành vi bị mâu thuẫn nhau. Đối với trẻ có thần kinh yếu thì dẫn đến tự ti, trẻ cá tính thì dễ nổi loạn và tự theo một cách riêng của mình.
“Theo tôi, nếu gia đình 3 thế hệ thì ông bà, cha mẹ cần ngồi lại trao đổi với nhau để cùng thống nhất phương pháp dạy con, cháu. Không nên để xảy ra tình huống ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’ như cha mẹ nghiêm khắc dạy dỗ nhưng trẻ lại được ông bà ‘bảo kê’, dặn dò những điều ngược lại, thì trẻ sẽ cứ làm theo những điều mà chúng được khuyến khích, trong khi những điều đó có thể không tốt cho trẻ. Hai thế hệ cha mẹ – ông bà cần thống nhất mục đích, giá trị mà cả nhà hướng tới, nhưng giá trị này phải tương quan, phù hợp với xã hội”, tiến sĩ Phan đưa ra lời khuyên.
Theo thanhnien
Bảy phương pháp dạy con chưa bao giờ lỗi thời
Khuyến khích con hoạt động ngoài trời, làm việc nhà hay thiết lập trật tự trong gia đình là những phương pháp dạy con chưa bao giờ lỗi thời.
1. Nói "không" với trẻ
Việc nói "không" với trẻ là hoàn toàn cần thiết nếu cha mẹ muốn thiết lập kỷ luật trong nhà, nuôi dạy những đứa trẻ ngoan ngoãn, biết nghe lời. Việc nói "không" giúp trẻ không tự kiêu và nhận ra không phải mọi thứ đều quay xung quanh mình, từ đó học cách đồng cảm, chấp nhận nếu bị từ chối và học cách kiểm soát nhu cầu, cảm xúc cá nhân.
Từ chối sẽ không biến hình ảnh cha mẹ trở nên xấu xí trong mắt trẻ. Phụ huynh hãy nói "không" trong những trường hợp cụ thể, ví dụ khi trẻ đòi hỏi, yêu cầu những điều không được phép.
2. Cha mẹ không phải là bạn thân của con
Trong gia đình trước kia, vai trò, vị thế của từng thành viên được phân biệt rạch ròi, theo thứ tự. Cha mẹ luôn giữ vai trò lớn nhất trong gia đình và con cái phải vâng lời cha mẹ, thể hiện sự tôn trọng thứ bậc. Ngày nay, phụ huynh cố gắng làm bạn với con để khiến trẻ cảm thấy thân thiết, gần gũi hơn, nhưng không phải lúc nào làm bạn thân của con cũng hữu ích.
Trẻ em sẽ cảm thấy an toàn hơn khi cha mẹ thiết lập quy tắc, thể hiện vị thế của người lớn. Bạn không nhất thiết quá khắt khe nhưng những giới hạn sẽ giúp trẻ học cách tôn trọng người lớn, có trách nhiệm với bản thân và khả năng độc lập.
3. Ăn cùng nhau
Các nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng những đứa trẻ thường xuyên ngồi ăn cùng gia đình có tỷ lệ mắc bệnh tâm thần thấp hơn. Bữa ăn gia đình cho phép mọi người kết nối các thành viên trong gia đình, chia sẻ về trải nghiệm trong ngày, từ đó đưa ra lời khuyên, lời động viên và gắn bó hơn.
Nếu trẻ hình thành thói quen ăn cơm cùng gia đình, các em có cơ hội giải quyết cảm xúc tiêu cực, học về sự chia sẻ, đồng cảm và tình đoàn kết. Bữa ăn gia đình khiến trẻ cảm thấy thoải mái tinh thần sau ngày dài mệt mỏi, từ đó tiếp thêm năng lượng tích cực cho các em.
Nhưng trong vài thập kỷ trước, việc nấu ăn được coi là công việc của phụ nữ và trẻ em gái. Chúng ta không nên áp dụng suy nghĩ này. Thời đại hiện nay, người cha hay con trai cũng có thể nấu ăn và nên san sẻ công việc nhà với những phụ nữ.
4. Khuyến khích hoạt động ngoài trời
Trẻ em ngày nay có xu hướng thu mình trong nhà, tiêu khiển bằng các thiết bị công nghệ hoặc Internet. Tuy nhiên, khoa học chứng minh rằng dù xã hội thay đổi theo xu hướng công nghệ hóa, trí não và sự phát triển của trẻ không có sự khác biệt so với trước kia. Điều này có nghĩa là những hoạt động ngoài trời là phương pháp hữu ích để trẻ học về bản thân và thế giới.
Những hoạt động ngoài trời giúp trẻ tìm hiểu thiên nhiên, con người, học cách làm quen, kết bạn, làm việc nhóm, phát huy tinh thần sáng tạo, độc lập và nhiều khả năng thú vị khác. Phụ huynh nên khuyến khích trẻ ra ngoài chơi, không nhất thiết phải giám sát trẻ để các em tự do khám phá và học hỏi từ khó khăn. Nếu trong khu vực sống không có không gian cho trẻ vui chơi, phụ huynh có thể khuyến khích con tham gia hoạt động ở trường như câu lạc bộ, thể thao, tham quan dã ngoại.
Ảnh: Shutterstock.
5. Làm việc nhà
Thời đại trước kia, trong gia đình không có thiết bị công nghệ hỗ trợ việc nhà nên trẻ phụ giúp cha mẹ thực hiện những công việc này. Tuy nhiên bây giờ, sinh hoạt gia đình đã trở nên tiện lợi hơn rất nhiều nhờ máy hút bụi, robot lau nhà, máy rửa bát. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ thương con thường không yêu cầu con làm việc nhà dẫn đến trẻ em hiện nay thiếu kỹ năng chăm lo gia đình.
Cha mẹ nên giao nhiệm vụ làm việc nhà cho con như cha mẹ thời trước đã làm, bao gồm rửa bát đũa, lau dọn phòng ngủ, giặt và phơi quần áo. Những kỹ năng này không chỉ khiến trẻ nhận ra giá trị của mình trong gia đình mà còn giúp các em xây dựng khả năng độc lập trong tương lai.
6. Trải nghiệm cảm giác nhàm chán
Khi những đứa trẻ hiện đại than thở rằng "Bố mẹ ơi con chán", nhiều bậc phụ huynh sẽ cho con chơi điện thoại, xem TV hoặc mua thêm đồ chơi mới. Tuy nhiên, sự buồn chán là cảm xúc hoàn toàn tự nhiên và mang lại những giá trị hữu ích cho trẻ.
Cảm giác buồn chán kích thích khả năng tư duy, sáng tạo và độc lập. Nếu mỗi khi trẻ cảm thấy chán nản, cha mẹ lập tức đưa ra gợi ý sẽ hạn chế khả năng tự suy nghĩ, tự giải quyết vấn đề của trẻ. Thay vì vậy, phụ huynh có thể nói với trẻ rằng: "Con hãy tìm việc để làm".
7. Cho phép trẻ thất bại
Thất bại là trải nghiệm hoàn toàn bình thường trong cuộc sống, nếu muốn trưởng thành, con người luôn cần đến những vấp ngã. Cha mẹ thế hệ trước cho phép con được thử, thất bại rồi tiếp tục thử lại và đối mặt với hậu quả từ hành động của trẻ.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều cha mẹ có xu hướng bao bọc con, dọn sẵn đường để con không gặp phải những khó khăn, đau khổ ngoài cuộc đời. Hành động này không hề tốt cho con như cha mẹ tưởng, trái lại sẽ khiến trẻ trở nên yếu đuối, nhu mì và nhút nhát.
Khi trẻ gặp khó khăn, hãy để con nếm trải cảm giác thất vọng, buồn bã. Những cảm xúc này có thể gây tổn thương tinh thần, nhưng qua đó các em sẽ mạnh mẽ, tự tin hơn, rút ra kinh nghiệm cho lần sau.
Tú Anh
Theo Romper/Vnexpress
7 điều cực vô lý cha mẹ thường ngăn cấm con, trong đó có việc xem phim hoạt hình Ai cũng mong con lớn lên hạnh phúc và phát triển toàn diện. Và một sai lầm là do lo lắng quá nhiều, chúng ta thay vì "giáo dục" lại ngăn cản con bằng cách "cấm" hoặc yêu cầu con dừng lại. Tất nhiên những giới hạn cần có mặt trong đời trẻ, nhưng chỉ trong chừng mực. Vì sau tất cả, để...