Dạy cho trẻ biết những lễ nghi ngày Tết
Vào những ngày Tết, trẻ con thường được cha mẹ dẫn đi chúc Tết bà con, bạn bè, đồng nghiệp… hoặc được người khác tới nhà mừng tuổi lì xì. Dịp này, việc dạy cho trẻ nhỏ ý thức được những lễ nghĩa giao tiếp trong ba ngày xuân là rất cần thiết.
Lễ nghi khi làm khách
Cha mẹ hãy căn dặn con trẻ, khi đến nhà bà con vào năm mới, nhất định phải vui vẻ và lễ phép chào hỏi mọi người trong gia đình. Nếu con vẫn không quen khi gặp quá nhiều người lạ, thì cha mẹ dạy trẻ cách mỉm cười và gật đầu trước người lớn tuổi mà mình gặp. Có thể trẻ sẽ không biết hoặc không nhớ hết những người mình tiếp xúc, nhưng hành động lễ phép của trẻ sẽ khiến ai ai cũng có ấn tượng tốt.
Giúp trẻ ý thức được việc đến nhà người lạ phải ngoan ngoãn, không tự tiện chơi đùa trên sa lông, bàn ăn, những nơi mà chủ nhà trang trí dịp Tết, đặc biệt không đến gần và đụng chạm vào chỗ thờ cúng của gia đình người khác. Nếu có người lớn tuổi trong phòng, hãy đợi người lớn ngồi xuống sau đó mình mới ngồi, tránh trường hợp trẻ “tự nhiên như ở nhà”.
Hãy dặn trẻ nhớ kỹ, nhà người khác không phải là nhà của mình, những phép lịch sự cơ bản nhất định phải thực hiện nghiêm túc. Nhìn chung, có vẻ ta đang khắt khe với con trẻ, nhưng lâu dài đây là một trong những điều cơ bản khiến trẻ nên người, không bị đánh giá là thiếu lễ độ, thiếu tri thức. Biết nói lời “cảm ơn” khi nhận quà và bao lì xì từ chủ nhà, đồng thời phải tự giác “tới trình về thưa”.
Lễ nghi khi khách tới nhà
Trong trường hợp không có cha mẹ ở nhà, trẻ con cũng có thể lễ phép mời người lớn vào nhà.
Sau khi khách ngồi xuống, đứa trẻ có thể làm một số việc tiếp đãi đơn giản. Ví dụ:
- Rót trà vào cốc mời khách
- Mời khách ăn trái cây, bánh kẹo đã được bày biện sẵn trên bàn
- Phiền khách đợi một tí, xuống nhà mời ba mẹ lên…
Khi có khách tới nhà, trẻ không nên đùa giỡn cười nói lớn tiếng. Khi cha mẹ đang nói chuyện với khách không được ngắt lời hoặc chen ngang. Khi khách hỏi chuyện, trẻ phải tỏ ra lễ phép, chân thành và lịch sự, không nên gượng ép trả lời cho có lệ hoặc nói trổng không. Nếu khách có mang con cái của mình cùng đến, trẻ phải biết cách chia sẻ đồ chơi và đồ ăn, đừng ki bo hay tỏ ra khó chịu, như vậy sẽ mất vui. Khi nhận quà hoặc lì xì từ khách, con phải lấy nó bằng cả hai tay và nói lời cảm ơn. Sau khi nhận được, không được bóc quà hoặc lì xì ngay trước mặt khách, phải đợi khách về mới được mở ra xem, đây là lỗi phổ biến mà trẻ nhỏ rất hay mắc phải.
Khi khách bắt đầu có ý định ra về, trẻ cũng có thể cùng ba mẹ ra tiễn khách.
Cha mẹ hãy căn dặn con trẻ, khi đến nhà bà con vào năm mới, nhất định phải vui vẻ và lễ phép chào hỏi mọi người trong gia đình.
Lễ nghi trên bàn ăn đông người
Trong bữa ăn, con trẻ phải chờ người lớn tuổi ngồi xuống trước, sau đó mình mới được phép ngồi. Tiếp đó, hãy đợi những người lớn tuổi cầm đũa trước sau đó mới đến mình. Trong khi ăn, không lật các miếng thức ăn trên đĩa để chọn món mình thích, hoặc chê khen món ăn mà bản thân không thích, không phải cứ món nào mình thích là phải giành ăn cho bằng được. Khi ăn, cố gắng nhai chậm, không tạo ra âm thanh, không nuốt ngấu nghiến cũng không ngậm thức ăn quá lâu, phải ý thức được mình đang ăn chung tập thể chứ không phải ăn theo phần như ở nhà. Khi ăn không nên nói quá nhiều, không làm chuyện riêng, không dùng điện thoại…
Được gọi vào ăn chung, nếu không thích hoặc không muốn ăn, dạy con biết cách từ chối lịch sự:
- Khi nãy con ăn nhiều quá nên còn no lắm.
- Con để dành bụng lát còn ăn bánh mứt, hạt dưa, đồ mẹ làm,…
Lễ nghi khi tiếp khách
Đầu tiên, cha mẹ nên khuyến khích con cái cởi mở, chủ động bắt chuyện với mọi người, dù lời nói ra đôi khi còn tối nghĩa, lúng túng nhưng nhìn chung ai cũng thích một đứa trẻ hòa đồng, vui vẻ. Nếu trẻ lỡ lời, phát ngôn sai, cứ cười cho qua chuyện, về nhà hãy chỉ cho trẻ thấy chỗ sai ở đâu, không la mắng trẻ chốn đông người.
Nhắc nhở con rằng khi nói chuyện với mọi người, giọng nói phải vừa phải, không nói ào ào, không giành câu nói của người khác, đặt biệt không nên nói leo. Nói chậm, đừng quá nhanh, nếu không người khác sẽ không nghe rõ. Khi nói chuyện hãy nhìn vào mắt nhau. Nhớ kỹ, đừng dạy trẻ cách nói chuyện châm biếm, chê bai để tránh làm tổn thương người khác, hướng dẫn trẻ tôn trọng người giao tiếp với mình, thái độ luôn nhiệt tình, thoải mái.
Khi khách tới nhà, trẻ con phải nhanh nhẹn đáp lại và nhiệt tình nghênh đón. Khi nhận quà hoặc lì xì từ khách, con phải lấy nó bằng cả hai tay và nói lời cảm ơn.
Những lễ nghi trên là những phép tắc lịch sự cơ bản mà ngay cả ngày thường phụ huynh cũng nên lưu ý. Có những hành vi tuy nhỏ nhặt nhưng thể hiện sự giáo dưỡng của một người. Nếu ở nhà, cha mẹ dạy trẻ khôn khéo, ra ngoài trẻ sẽ không bị người khác làm tổn thương bằng lời nhận xét tiêu cực. Hãy để một năm trơn tru, trọn vẹn, khiến cho cả nhà mình đều vui vẻ, đừng để những sơ sót từ con trẻ làm ảnh hưởng đến tình cảm khách khứa lẫn người thân trong những ngày đầu năm vui vẻ.
Theo thegioitiepthi.vn
Hạt dẻ Nhật Bản đóng gói đang được rao bán rầm rộ trên MXH cho Tết này thật sự có hương vị thế nào?
Khác với hạt dẻ tự mua về rang hoặc được rang vào bán ngay tại hàng, mới đây đã xuất hiện một loại hạt dẻ đóng gói có hương vị rất khác so với loại mà chúng ta thường ăn.
Ngày Tết, bên cạnh các loại bánh kẹo, mỗi gia đình cũng đều chuẩn bị cả các loại hạt ăn vặt để mời khách nhâm nhi như hạt dưa, hạt bí, hướng dương... Vài năm gần đây, bên cạnh các loại hạt thường thấy như trên còn xuất hiện thêm những loại mới mà trước đó ít nhà dùng trong dịp Tết như đỗ tương, hạt điều, hạnh nhân... và cả hạt dẻ nữa.
Ảnh minh hoạ
Hạt dẻ vốn đã rất quen thuộc trong mùa đông bởi đây là mùa thu hoạch, hơn nữa, loại hạt này lại rất thích hợp để ăn trong thời tiết lạnh. Cứ thử tưởng tượng, trời lạnh cóng tay mà cầm được túi hạt dẻ nóng hổi, vừa sưởi ấm vừa nhâm nhi thì còn gì thích bằng. Ngày Tết mà có ít hạt dẻ trong nhà thì khách đến cứ gọi là trầm trồ.
Thông thường, nếu muốn có hạt dẻ để ăn trong ngày Tết, các gia đình sẽ tự mua về để chế biến (luộc, rang). Tuy nhiên, mới đây đã xuất hiện một loại hạt dẻ đóng gói đã được chế biến sẵn, việc chúng ta cần làm chỉ là bỏ ra và... ăn thôi.
Thế nhưng, liệu rằng loại hạt dẻ kiểu mới này có khác biệt gì không? Hãy cùng thử khám phá nhé!
Hạt dẻ đóng gói đang được truyền tai rầm rộ cho Tết này thật sự có hương vị thế nào?
Hạt dẻ "kiểu mới" này đóng gói trong bao bì in ấn rất cẩn thận, được quảng cáo là hạt dẻ Nhật Bản. Bên trong mỗi gói (loại 260g) được chia thành 2 gói nhỏ hơn. Hạt dẻ này là loại hạt to như thường thấy, đã được rang sẵn, thậm chí khía vỏ bóc sẵn nên rất tiện lợi khi ăn chứ không phải bóc khó khăn như thông thường.
Cảm nhận đầu tiên là hạt dẻ cũng có mùi thơm nhẹ, tuy không thơm bằng hạt dẻ nóng mà chúng ta mua trực tiếp ngoài hàng. Nếu để ý kỹ còn có thể cảm nhận được một chút mùi như mùi của thuốc bắc phảng phất nhè nhẹ.
Phần ruột bên trong chủ yếu có màu nâu đậm, khi ăn thì thấy vị ngọt rõ ràng hơn đôi chút. Tuy nhiên, ruột của loại hạt dẻ này có độ ẩm nhất định chứ không được bở và bùi như thường thấy. Đáng nói là nếu để ý thì còn thấy hạt hơi có vị chua ở bên trong cùng, không rõ là do vị được tẩm ướp như vậy hay...
Bên cạnh đó, đa số ý kiến những người đã thử đều cho rằng ăn nguội như thế này không ngon bằng hạt dẻ nóng hổi mà chúng ta thường ăn. Nếu muốn nóng, có lẽ phải cho hạt dẻ này vào lò vi sóng quay hoặc cho vào chảo rang thêm vài phút.
Giá của mỗi gói hạt dẻ 260g này là khoảng 100k - 120k. So với loại hạt dẻ thường mua ở ngoài với giá dao động từ 120k - 180k/kg thì loại hạt dẻ này được đánh giá là hơi... đắt. Tuy nhiên, ưu điểm lớn nhất của loại này chính là độ tiện lợi vì không phải tự chế biến, có thể để sẵn trong nhà, khi nào cần thì lấy ra ăn hoặc mời khách ngay.
*Đánh giá chung:
- Ưu điểm:
Thuận tiện vì không cần mất công chế biến, có thể mua để sẵn trong nhà và dùng bất cứ khi nào.
Bóc vỏ rất dễ, ruột không bị vỡ khi bóc.
Vị ngọt và đậm hơn.
- Nhược điểm:
Hạt dẻ nguội, muốn ăn nóng vẫn phải chế biến lại.
Hạt dẻ kém bở, bùi, hơi chua nhẹ.
Giá cả đắt hơn so với loại thông thường.
Bạn đã thử ăn loại hạt dẻ này chưa? Hãy cho ý kiến đánh giá của mình về món ăn này, xem có nên sắm sửa cho dịp Tết này không nhé!
Theo Trí Thức Trẻ
Thị trường Tết: Hàng Việt chiếm ưu thế bằng chất lượng và mẫu mã Nhiều doanh nghiệp Việt liên tục "tung chiêu" khuyến mại kích cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Nguyên đán. Gần đến Tết Nguyên đán, tại các trung tâm thương mại không khí mua sắm tết đã nhộn nhịp, tấp nập người mua hàng hóa. Năm nay hàng hóa Việt Nam phục vụ tết chiếm ưu thế trên thị trường,...