Đây chính là lý do Outlast 2 tuy ám ảnh, ghê tởm nhưng lại quá lỗi mốt so với game kinh dị mới
Không có một nhân vật phản diện đủ chất, lạm dụng máu me và bạo lực, Outlast 2 trở thành một sản phẩm thiếu sáng tạo và nhạt nhẽo trong mắt một số người.
Gore, hay còn gọi là thể loại kinh dị máu me, dùng những hình ảnh có sức ấn tượng mạnh để đánh vào tâm trí người xem đã chẳng còn xa lạ gì với cộng đồng game thủ và fan của loại hình nghệ thuật thứ 7. Hồi những năm 2000, các đạo diễn phim bom tấn Hollywood đã đua nhau tạo ra những bộ phim kinh dị theo kiểu này, và thế là Saw, Final Destination, I Spit On Your Grave và hằng hà sa số những bộ phim cùng xuất hiện. Chúng có một điểm chung, đó là vừa ám ảnh, ghê tởm và kinh khủng. Nó rất khác thể loại kinh dị tâm lý như Silent Hill, và càng khác biệt so với kinh dị sinh tồn như Resident Evil.
Outlast 2, tựa game kinh dị mới ra mắt của Red Barrels cũng đi theo hướng khai thác nội dung như thế này. Tiếc thay, dù phong cách tương tự, nhưng Outlast 2 lại thiếu đi những thứ quan trọng nhất khiến cho những bộ phim kể trên trở thành đáng nhớ đối với khán giả. Trớ trêu thay, thay vì hoàn thiện và tạo ra một tựa game kinh dị ám ảnh và hấp dẫn, Red Barrels lại mắc phải sai lầm khi toàn đưa những yếu điểm của kinh dị máu me vào trong sản phẩm game của mình.
Khi chơi game, bạn sẽ không bao giờ có được một phút nghỉ giữa những hình ảnh quái dị, và bẩn thỉu, thay vì đáng sợ. Thực sự thì sử dụng tính từ “ghê tởm” lại khá hoàn hảo để mô tả tựa game mới ra mắt này. May mắn cho Red Barrels, nhờ những hình ảnh này mà chủ đề của game, vốn tập trung vào bạo lực và tự làm tổn thương bản thân đã được mô tả khá chi tiết.
Ngay ở đầu game, Blake, nhân vật chính của game phải chứng kiến cảnh một cặp vợ chồng bị tra tấn. Cô vợ bị tra tấn tới mức da của cô tróc cả ra khỏi cơ thể. Tất cả những hình ảnh kinh hoàng này chỉ để ép họ nói ra vị trí của Lynn, vợ Blake để Knoth, một gã thầy tu quái đản tìm thấy cô gái và “ngăn chặn cái thai ma giáo trong bụng cô ta”. Và rồi ở cuối game, như các bạn đã đọc được trong bài viết giải thích cốt truyện tựa game, Blake, trong cơn cuồng loạn vì bị sóng radio tẩy não điều khiển, đã chứng kiến cảnh vợ lâm bồn với những hình ảnh chỉ dành cho những người trưởng thành vì mức độ khủng khiếp của chúng.
Và phải khẳng định rằng, trên đây mới chỉ là hai trong số rất nhiều những cảnh game kinh hoàng trong Outlast 2.
Nó khiến tôi ngay lập tức nhận ra điểm tương đồng giữa Outlast và Saw. Càng về sau những phiên bản phim Saw càng tệ, mặc dù càng ngày, chúng càng leo thang về mức độ bạo lực và máu me, cùng những màn tra tấn có nằm mơ cũng không nghĩ ra nổi, ép những nhân vật trong phim phải làm đủ mọi cách, kể cả tự làm hại bản thân mình chỉ với mục đích sống sót.
Outlast 2, về cơ bản, cũng chẳng khác gì như vậy cả. Những hình ảnh ngôi mộ hay miếu thờ nho nhỏ với những con búp bê bị xé nát, hay những tài liệu bạn tìm thấy trong game mô tả rất rõ con đường trở thành một con quái vật của Sullivan Knoth dưới sự điều khiển của những tháp phát sóng tẩy não của tập đoàn Murdoff, cùng với đó là bằng chứng không thể chối cãi của những hành vi bạo lực lên trẻ em của những cư dân trong ngôi làng.
Điều tệ hại là, thay vì giải thích cho hành vi này của Knoth, game lại cố gắng nhồi nhét thêm nhiều thật nhiều những hình ảnh ghê tởm khác, những hành vi bạo lực khác để gây ấn tượng với người chơi. Và qua đó, Outlast 2 cố gắng gây ấn tượng với người chơi bằng một chuỗi liên tiếp không ngừng nghỉ những hình ảnh kinh hoàng và bạo lực một cách không cần thiết.
Outlast phiên bản đầu tiên cũng không khác gì cả. Hẳn bạn còn nhớ trong DLC Whistleblower, hình ảnh nhân vật chính bị gã điên Eddie Gluskin tra tấn đã trở thành một trong những cảnh kinh tởm nhất làng game. Thế nhưng ít ra, đó là những hình ảnh bạo lực bên trong một trại tâm thần. Còn ở Outlast 2, những người dân của Temple Gate thực hiện những hành vi bạo lực hàng ngày, hàng giờ, như một thói quen vậy. Xác người ném khắp nơi, với những tư thế cho thấy rõ ràng họ đã bị tra tấn trước khi bị giết.
Qua đó, Outlast 2 cố gắng nhồi nhét sự kinh dị vào đầu của người chơi, và chỉ cho chúng ta giải lao vài phút trước khi tiếp tục bị tra tấn con mắt và tâm lý. Quay trở lại với series phim Saw. Những nhà làm phim sử dụng chiến thuật tương tự, và thậm chí còn nhồi nhét thêm những màn tra tấn chẳng liên quan gì đến cốt truyện chính của phim chỉ với một mục đích duy nhất: Gây ấn tượng.
Thay vì khiến người chơi sợ hãi, Outlast 2 lại khiến họ ghê tởm. Bạn có thể liên tưởng đến Resident Evil 7, thế nhưng hơn hẳn Outlast 2, dù rằng vẫn có những cảnh bạo lực thái quá, ví như lúc cô vợ của nhân vật chính trong RE7 hóa điên và cưa cụt cả cánh tay anh chồng, game vẫn khiến tâm lý người chơi hoảng loạn đúng nghĩa đen với những khắc họa về gia đình Baker dưới tác động tâm lý của Eveline. Tâm lý, cách hành động, lời nói của những thành viên trong gia đình này thực sự gây dấu ấn sâu đậm trong đầu của mỗi game thủ có cơ hội thưởng thức tựa game này.
Đó chính là thứ Outlast 2 không làm được. Nó không đáng sợ một chút nào. Không có một nhân vật phản diện đủ chất, lạm dụng máu me và bạo lực, Outlast 2 trở thành một sản phẩm thiếu sáng tạo và nhạt nhẽo trong mắt một số người.
Theo GameK
OUTLAST 2: Giải thích toàn bộ cốt truyện cũng như các chi tiết khó hiểu trong game
Cốt truyện Outlast 2 vô cùng khó hiểu vì nó gồm 2 câu chuyện riêng biệt vặn xoắn vào nhau, một là thế giới thực tại ngôi làng man rợ và một là thế giới ảo: ngôi trường nơi Blake chứng kiến cái chết của Jessica.
Chào anh em, có thể nói với làng game thế giới lẫn Việt Nam thì 1 tuần vừa qua là 1 tuần nóng hừng hực với Outlast 2 - trò chơi kinh dị nhất năm 2017 (tính tới thời điểm hiện tại). Bên cạnh việc nó gây ấn tượng bởi sự sợ hãi khủng khiếp xuyên suốt nhiều tiếng đồng hồ thì cốt truyện khó hiểu đến mức độ "hack não" cũng khiến người ta phải bàn tán không thôi.
Outlast 2 có cốt truyện vô cùng khó hiểu và hack não.
Video đang HOT
Hôm nay, tôi sẽ cố gắng để giải thích cốt truyện Outlast 2 một cách đơn giản dễ hiểu và ngắn gọn nhất để anh em khỏi phải bị "hack não" lần 2 sau khi chơi game.
Đầu tiên, để nói về Outlast 2 thì chúng ta cần mặc định công nhận 1 số điều sau:
- Không hề có cái gì gọi là thế lực thần thánh trong game, mọi sự kiện diễn ra đều do con người.
- Không phải thứ gì ta nhìn thấy qua đôi mắt của nhân vật chính (Blake) cũng có thật.
- Game gồm 2 câu chuyện riêng biệt vặn xoắn vào nhau, một là thế giới thực tại ngôi làng man rợ và một là thế giới ảo: ngôi trường nơi Blake chứng kiến cái chết của Jessica.
***
TỔNG QUAN CỐT TRUYỆN (TUYẾN CHÍNH: NGÔI LÀNG)
Nói một cách dễ hiểu nhất thì game bắt đầu khi nhân vật chính Blake (Blake Langermann) cùng vợ Lynn (Lynn Langermann) ngồi trên trực thăng tới vùng hoang mạc Arizona để làm phóng sự điều tra về cái chết của một cô gái vô danh được tìm thấy gần khu vực này. Bất ngờ những cái chớp sáng liên tục từ phía chân trời khiến động cơ máy bay ngừng lại và rơi xuống, kể từ lúc đó Blake bị chia cắt với Lynn.
Cảnh trực thăng rơi ở đầu game.
Blake trên đường đi tìm vợ đã khám phá ra rằng họ vừa rơi xuống một ngôi làng cực kỳ man rợ được gọi với cái tên Temple Gate (Cổng Đền ?). Người dân tại đây tách biệt với thế giới bên ngoài, vô cùng mộ đạo và tin rằng Ngày Tận thế sắp đến với loài người. Lãnh đạo đám dân cư này là cha Knoth (Sullivan Knoth).
----------
Thực chất, sự điên loạn của dân làng (giết lẫn nhau, tự sát) là vì ảnh hưởng của sóng tẩy não dưới dạng chớp sáng mà tháp radio ở gần đó phát ra. Tháp radio này do tập đoàn Murkoff (cũng là tập đoàn đứng sau những nghiên cứu khủng khiếp ở trại thương điên trong Outlast 1) xây dựng với mục tiêu biến cả vùng này thành nơi thí nghiệm cho nghiên cứu tẩy não và điều khiển con người.
Ánh sáng từ sóng tẩy não phát ra bởi tháp Radio gần làng.
Sullivan Knoth và các con chiên trong ngôi làng man rợ tin rằng Ngày Tận thế sắp đến với loài người.
Dưới sự lãnh đạo của Knoth (cũng bị ảnh hưởng của sóng điều khiển não), dân làng tin rằng mọi đứa trẻ khi sinh ra tại đây đều có thể mang trong mình sức mạnh của quỷ Satan và sẽ mang thế giới tới chỗ tận diệt, vì thế chúng giết hết trẻ em để đề phòng chuyện này.
Tuy nhiên việc hạ sát những đứa trẻ là một việc làm vô cùng khủng khiếp và nó ảnh hưởng đến tâm thần của một bộ phận người dân trong làng. Những người này bị ám ảnh và tách riêng ra khỏi cộng đồng, họ sống dưới hầm mỏ dưới tên gọi Heretics, lãnh đạo bởi 1 người phụ nữ tên Val (chính là người phụ nữ cắt tóc ngắn, màu trắng và từng liếm mặt nhân vật chính). Heretics bao gồm chủ yếu là những dân làng bị bệnh dịch, nhớp nhúa và tin rằng họ phải giúp cho những đứa bé (hay quỷ Satan) ra đời mà không bị giết.
Val (trái) - Lãnh đạo nhóm Heretics và anh em nhà Laird/Byron (phải) - lãnh đạo nhóm The Scalled.
Ngoài lực lượng của Knoth và Val ra thì còn 1 lực lượng ghê rợn thứ 3 nữa có tên The Scalled do 2 tên quái nhân Laird và Byron lãnh đạo (Laird có vóc người nhỏ thó ngồi trên vai tên khổng lồ Byron). Thành viên The Scalled sống trong khu rừng gần làng, bao gồm chủ yếu những người dân mắc bệnh giang mai hoặc lậu nhưng tưởng rằng mình bị nguyền rủa.
Tóm lại, 3 lực lượng chính tại ngôi làng mà nhân vật chính bị chúng truy đuổi từ đầu đến cuối game là lực lượng của cha Knoth (đông nhất, khóe nhất), lực lượng Heretics của Val và lực lượng The Scalled.
---------
Trở lại với nhân vật chính, sau một hồi lạc trôi trong làng, Blake tìm thấy Lynn vừa trốn thoát khỏi cha xứ Knoth. Lynn bất ngờ nói với Blake rằng mình đang mang thai (trong khi Blake hoàn toàn bất ngờ về chuyện này). Cả 2 sau đó tiếp tục bị chia cắt khi nhóm Heretics tới bắt mất Lynn (cũng là lần đầu tiên chúng ta gặp Val).
Ethan thực ra chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Blake tỉnh lại, gặp một ông già có tên Ethan và được ông này dẫn về nhà cho trú ẩn, ông ta cũng tự nhận mình là cha của cô gái mang thai chết trên xa lộ mà 2 vợ chồng nhân vật chính đang điều tra. Không lâu sau đó, Ethan bị mụ già Marta (kẻ trùm khăn cầm cái cuốc, một trong những boss chính của Outlast 2) đánh chết vì không chịu khai ra chỗ giầu Blake.
*Chú ý: Ông già Ethan không có thật mà chỉ là sản phẩm từ trí tưởng tượng của Blake. Bằng chứng cho chuyện này sẽ được giải thích ở dưới.
*Chú ý: Marta là một trong những thành viên cấp cao trong đội quân của Knoth, vô cùng dã man và có sức mạnh khủng khiếp. Mụ dùng vũ khí là chiếc cuốc được biến đổi trông gần giống như lưỡi hái để săn lùng bất cứ ai dám chống lại Knoth.
Marta - Thành viên cấp cao dưới trướng Knoth với sức mạnh khủng khiếp.
Về sau, khi tới được Nhà Thờ thì Blake khám phá ra rằng Lynn đang bị giam giữ dưới hầm mỏ (sau màn tra tấn của cha Knoth với 1 cặp vợ chồng để bắt người chồng khai ra). Từ đó trở đi là chặng đường Blake tìm đến hầm mỏ để cứu vợ.
Sau rất nhiều khó khăn (băng qua cánh rừng của The Scalled và dòng sông xác người) thì cuối cùng Blake cũng tới được hầm mỏ. Tại đây nhân vật chính tiếp tục bị lũ Heretics săn đuổi nhưng thoát được. Lợi dụng trận chiến hỗn loạn giữa nhóm người của Knoth với Heretics (sau trận chiến này Heretic bị tiêu diệt, Val cũng chết), Blake cứu được Lynn và khám phá ra rằng cô sắp sinh nở.
Heretics bị tiêu diệt ngay tại hầm mỏ.
Cả 2 chạy tìm chỗ trốn, trên đường bị Marta ngăn lại nhưng mụ bị giết bởi một thanh sắt từ trên cao rơi xuống. Cuối cùng tới Nhà Thờ, nơi Lynn không thể chịu nổi nữa và quyết định sinh đứa bé ngay tại đây, Blake là người đỡ đẻ thành công nhưng Lynn chết ngay sau đó vì mất máu.
*Chú ý: Đứa bé là không có thật, bằng chứng là ngoài việc trước khi chết Lynn nói với Blake (đang bế đứa bé) rằng "chẳng có gì ở đó cả" thì đứa bé cũng không hề có dây rốn và bóng của nó chiếu xuống sàn nhà cũng mờ ảo. Blake nhìn thấy đứa trẻ chỉ vì anh bị tác dụng của sóng điều khiển não mà thôi.
Đứa bé chỉ có trong tưởng tượng của Lynn, Blake và Knoth. Trước khi chết Lynn đã nhận ra điều này.
*Chú ý: Lynn vì tác dụng của sóng tẩy não nên ban đầu cũng nghĩ mình có thai, nhưng đến khi sắp chết thì cô mới nhìn ra sự thật trong giây lát. Nếu đã chơi Outlast 1 thì có 1 tài liệu viết rằng các bệnh nhân nữ dưới tác dụng của chương trình nghiên cứu thường hoang tưởng mình có thai.
*Chú ý: Cả khi gặp ông già Ethan và đứa bé sơ sinh, Blake đều có một phản ứng là "hoa mắt" (màn hình game mờ đi và cảm giác như chóng mặt). Đây là bằng chứng quan trọng để biết rằng khi nhìn thấy những thực thể không có thật thì nhân vật chính có trải nghiệm này. Qua đó cho thấy ông già Ethan cứu Blake là không có thực.
Blake đều có một phản ứng là "hoa mắt" (màn hình game mờ đi và cảm giác như chóng mặt) khi nhìn thấy những thực thể không có thật.
Cảnh cuối cùng, cha Knoth nói rằng "Đấng tối cao đã ngừng lời" ám chỉ tháp radio không còn phát ra sóng ánh sáng nữa và tự sát. Trước khi chết, hắn khuyên Blake nên kết liễu đứa bé vì nó là hiện thân của quỷ Satan.
Blake khập khiễng đi ra khỏi Nhà Thờ, bắt gặp cảnh dân làng đã chết hết (có thể do Knoth giết khi biết tận thế đã tới). Mặt trời bỗng chói lòa và game kết thúc bằng Credit.
Cảnh mặt trời chói lòa cuối game.
***
TỔNG QUAN CỐT TRUYỆN (TUYẾN PHỤ: NGÔI TRƯỜNG)
Dưới ảnh hưởng của sóng tẩy não, Blake thường xuyên có trải nghiệm "trở về quá khứ" khi anh còn học tại ngôi trường học cùng cô bạn thân Jessica (Jessica Gray). Cái chết của Jessica trong quá khứ khiến Blake không nguôi ám ảnh.
Trên thực tế, Jessica, Lynn và Blake là 3 người bạn thân. Jessia yêu Blake nhưng Blake lại yêu Lynn (còn Lynn coi Jessica như em gái). Trong 1 đêm Jessica đang cùng Blake tâm sự và cả 2 định về nhà Blake chơi thì bị cha Loutermilch bắt gặp.
Cha Loutermilch và Jessica.
Gã này đuổi Blake về nhà và có những hành động bạo lực (hoặc dâm ô) với Jessica. Nghe tiếng thét của cô bạn, nhân vật chính quay trở lại đuổi theo 2 người và phát hiện Jessica bị ngã từ cầu thang xuống gãy cổ chết, đằng sau là Loutermilch liên tục nói rằng đây chỉ là 1 vụ tai nạn.
Lắp ghép lại các chi tiết ảo ảnh cũng như tài liệu trong trường, chúng ta có thể đi tới kết luận rằng Loutermilch sau tai nạn trên đã dàn cảnh Jessica treo cổ chết (vì treo cổ thường cũng bị gãy cổ) để hòng qua mặt cảnh sát điều tra. Bên cạnh đó gã cũng dọa nạt Blake không cho nói ra.
Cái chết của Jessica bị che giấu bằng cách dựng hiện trường giả treo cổ.
Blake phần vì sợ hãi, phần vì cảm thấy tội lỗi khi bỏ Jessica ở lại 1 mình đã không khai ra sự thật và giữ nó như 1 nỗi ám ảnh từ khi còn bé đến tận hiện tại khi đã cưới Lynn. Chính sóng điều khiển não của tập đoàn Murkoff đã một lần nữa đào xới tất cả lên, khiến Outlast 2 trở thành sự "văn xoắn" của thế giới thực và ảo qua con mắt Blake.
*Chú ý: Nếu theo dõi kỹ sẽ thấy trình tự của tuyến cốt truyện ngôi trường được làm theo chiều ngược (tức là chắp nối các đoạn ảo ảnh của Blake từ cuối game lên đầu game sẽ ra trình tự thật). Chính việc đảo trình tự này đã khiến cốt truyện game vô cùng khó hiểu.
Con quỷ trong trường thực chất là hình ảnh tượng trưng của cha Loutermilch.
*Chú ý: Con quỷ lưỡi dài nhiều tay tại trường học chính là hình tượng cha Loutermilch qua lăng kính tưởng tượng của Blake. Ngoài bằng chứng là vết bớt trên trán ra thì việc con quỷ này có lưỡi dài, nhiều tay cũng tượng trưng cho sự dâm ô và bạo lực của gã này.
*Chú ý: Ở cảnh gặp Jessica cuối game, có người chơi thì thấy cổ Jess hằn rõ vết dây thừng treo cổ nhưng lại có người không thấy. Hiện tại vẫn chưa có kết luận nào chính xác về thay đổi này, một số giả thiết cho rằng hành động nào đó của Blake trong quá trình chơi sẽ dẫn tới 2 kết cục khác nhau như vậy.
2 kết cục của Jessica vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Đọc tới đây, chắc hẳn anh em cũng đã phần nào có được bức tranh toàn cảnh về Outlast 2 và thấy nó đỡ "khó hiểu" hơn nhiều rồi đúng không. Trên thực tế phần cốt truyện game vẫn còn rất nhiều điều để ngỏ và hy vọng rằng chúng ta sẽ giải đáp hết chúng qua DLC ra mắt trong tương lai.
Theo GameK
Đánh giá chi tiết Outlast 2: Dù ai có chê nhạt đi chăng nữa thì nó vẫn xứng là game kinh dị ám ảnh nhất 2017 Với thiên hướng sử dụng nhiều hình ảnh đậm chất kinh dị, Outlast 2 cũng bổ sung thêm những tình tiết về cốt truyện khiến người chơi phải ám ảnh trong một thời gian dài. Game sẽ bóp nghẹt tâm trí bạn bằng những câu truyện quái dị, những tình tiết kinh khủng mà dẫu có nằm mơ bạn cũng chưa từng tưởng...