Đầu Xuân ghé thăm ‘Bàn tay Phật’
Khá gần thị xã Sa Pa, núi Ngũ Chỉ Sơn sừng sững hình năm ngón tay chọc thẳng lên trời xanh. Sau nhiều năm chỉ có người bản địa và thợ rừng dám trèo lên vì quá hiểm trở, vài năm trở lại đây, Ngũ Chỉ Sơn đã hình thành con đường leo dễ hơn để đón nhiều người đam mê leo núi tới khám phá đỉnh núi huyền bí, hoang sơ mà quyến rũ bậc nhất Tây Bắc.
I. Hạng A Chơ mới cất căn nhà hai tầng mái bằng được vài tháng để có nơi đón tiếp, nghỉ chân cho người leo núi Ngũ Chỉ Sơn. Căn nhà còn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa kịp lắp cửa nhưng khách đã tới đông dịp cuối tuần. Thời tiết đầu Xuân còn rất lạnh, dù vậy, vài tia nắng ấm áp đầu ngày cũng đủ làm mặt đất ẩm ướt qua một đêm sương muối bốc hơi mù mịt. Căn nhà nhỏ trên sườn đồi của A Chơ cứ như đang chầm chậm trôi trong sương khói ban mai khiến du khách tới từ chốn phồn hoa không khỏi trầm trồ…
Chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn 2.858 mét.
A Chơ là một trong những porter (người dẫn đường bản địa) gắn bó với vùng đất này từ lúc sinh ra. Anh là một trong những người góp công hình thành con đường chinh phục đỉnh hiểm trở để kéo cộng đồng leo núi tới với Ngũ Chỉ Sơn. Từ nhà Hạng A Chơ tới điểm bắt đầu leo chỉ vài trăm mét. Đường sá giờ đã tốt hơn vài năm trước rất nhiều. Xe ôtô 16 chỗ đã có thể lên tới sát nhà A Chơ nên du khách không còn phải ngồi “xe ôm” bò dốc vào như trước.
Là dãy núi cao nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Lào Cai – Lai Châu và khá gần trung tâm du lịch Sa Pa nhưng khác với nhiều ngọn núi nổi tiếng khác của tỉnh Lào Cai như Fanxipan, Ky Quan San (Bạch Mộc Lương Tử), Lảo Thẩn… Ngũ Chỉ Sơn mới chỉ nổi lên vài năm trở lại đây. Lý do đơn giản bởi ngọn núi rất hiểm trở, đường tiếp cận đỉnh núi rất khó, nhiều dốc cheo leo, vực sâu nguy hiểm nên rất ít người dám mạo hiểm chinh phục. Đến nay, người leo núi mới chạm được vào 2 “ngón tay” cao nhất trong 5 đỉnh, ngay cả những chàng trai người Mông dũng cảm cũng chưa leo được lên 3 đỉnh còn lại vì quá nguy hiểm.
Mấy năm trước, người dân bản địa đã mở đường lên đỉnh, làm thang gỗ, bố trí dây đu ở những đoạn chênh vênh sát vực sâu rất khó đi qua nên ngọn núi được mệnh danh là “đệ nhất hùng quan Tây Bắc” này mới dần trở nên quen thuộc hơn với cộng đồng leo núi Việt Nam. Cũng vì thế, từ danh xưng có phần ngạo nghễ “đệ nhất hùng quan Tây Bắc”, Ngũ Chỉ Sơn dường như đã hiền hòa, gần gũi hơn và nhiều người đã gọi đỉnh núi hùng vĩ này một cái tên mới là núi “Bàn tay Phật”. Dẫu vậy, để đến được đỉnh núi, người leo cũng phải có đủ thể lực, kinh nghiệm và kỹ năng leo núi nhất định nếu không muốn phải bỏ dở nửa chừng.
Ngũ Chỉ Sơn vươn mình kiêu hãnh giữa thung lũng Tả Giàng Phình.
Cũng giống như nhiều đỉnh cao khác ở Lai Châu, Lào Cai, con đường tới Ngũ Chỉ Sơn cũng phải qua Thị xã Sa Pa. Tiếp đó, chúng tôi đi xe ôtô qua đèo Ô Quy Hồ, từ quốc lộ 4D, có thể ngắm toàn bộ dãy núi này vươn lên từ thung lũng Tả Giàng Phình với hình dáng đặc biệt như bàn tay vừa đủ 5 ngón chĩa thẳng lên trời cao. Tả Giàng Phình tiếng địa phương nghĩa là “bãi đất rộng có nắng mặt trời”, nằm dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn bốn mùa sương mù bao phủ, từng được chọn làm bối cảnh cho bộ phim nổi tiếng “Thung lũng hoang vắng” của đạo diễn ặng Nhuệ Giang.
II. Từ nhà Hạng A Chơ, hành trình chinh phục “Bàn tay Phật” của chúng tôi bắt đầu lúc 9h sáng khi trời đất còn mù mịt. Cây cỏ qua một mùa đông dài khắc nghiệt ở Tây Bắc đã úa vàng mà chưa kịp trổ mầm xanh, trải dài trên con đường mòn đất đá lổn nhổn cũng một màu vàng đặc trưng chìm đắm trong sương trắng bảng lảng khiến thời gian như trôi chậm lại. Anh bạn đi cùng thốt lên: “Cảnh sắc như đang ở miền Tây Tạng, không gian có gì đó rất Phật giáo!”.
Video đang HOT
Tới thăm “Bàn tay Phật” vào một ngày may mắn, chúng tôi bắt gặp biển mây xuất hiện ngay chân núi. Toàn bộ thung lũng Tả Giàng Phình bị che phủ bởi màn mây dày đặc. Đoàn như đi trong tiên cảnh với mây quấn qua từng bước chân… trong khi đỉnh Ngũ Chỉ Sơn mờ ảo phía xa thúc gọi chúng tôi leo lên đỉnh cao nhất.
Đoàn người đi nhanh theo con đường mòn men sườn núi thoắt ẩn thoắt hiện trong mây với nhiều lòng suối cạn, băng qua những nương thảo quả xanh mướt của đồng bào. Càng trèo lên cao, cảnh sắc của Ngũ Chỉ Sơn càng lôi cuốn. Phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ với vô số dải núi đá trùng điệp nối tiếp nhau chạy dài như vô cùng vô tận. Những vạt rừng nguyên sinh dần sáng lên khi nhiệt độ lên cao và gió thổi tạt bớt sương mù tạo thêm những gam màu đặc sắc cho bức tranh đại ngàn. Rừng ở Ngũ Chỉ Sơn được cho là có thảm thực vật rất phong phú với nhiều loại cây gỗ và dược liệu quý như vàng tâm, dổi, nghiến, chò chỉ, tam thất, ngọc cẩu, linh chi… Cùng nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn nhưng so với nhiều đỉnh núi khác, số cây cổ thụ cỡ lớn ở Ngũ Chỉ Sơn còn khá nhiều.
Đặc trưng của con đường chinh phục Ngũ Chỉ Sơn là leo thang gỗ. Có lẽ đây là đỉnh núi có nhiều thang gỗ nhất Việt Nam… Đây là những khu vực đặc biệt hiểm trở mà trước đây người bình thường sẽ rất khó vượt qua để lên đỉnh. Sau này, đồng bào dân tộc phải thiết kế, lắp đặt hệ thống thang này để du khách có thể leo lên. Dù vậy, đỉnh núi này không dành cho những người sợ độ cao bởi tuy có thể bám thang vượt dốc sâu hoắm, có cả dây thừng bảo hiểm nhưng nhiều đoạn thang gỗ cheo leo cao gần hai chục mét, một bên vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu vài trăm mét… đủ khiến người yếu tim muốn bỏ cuộc. Chưa kể, có nhiều đoạn người leo phải trèo thang chui qua những khe đá rất hẹp, ngoằn ngoèo như ruột mèo để tiếp cận lối lên đỉnh núi.
Trên đường leo lên đỉnh, người leo có thể tiếp cận nhiều điểm “sống ảo” thú vị. Trong đó, Cổng Trời Ngũ Chỉ Sơn sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Gọi là Cổng Trời nhưng thực chất là “kẽ ngón tay” nằm giữa hai đỉnh núi nhỏ (người leo núi phải đi luồn vào giữa hai “ngón tay Phật” để lên đỉnh cao nhất chứ không thể trèo qua các vách đá dựng đứng). Cắm cúi leo đến thở không ra hơi trong gần 30 phút qua con dốc cao chót vót với những cơn gió quất rát mặt khi đi qua khe núi hẹp cao vút hình chữ V, người leo sẽ tới được Cổng Trời – một khoảnh đất nhỏ bằng phẳng hiếm hoi ở Ngũ Chỉ Sơn. Nghỉ ngơi ít phút lấy lại hơi thở bình thường, người leo có thể đứng ở đây thưởng ngoạn không gian đại ngàn tuyệt mỹ phía xa với trời xanh thăm thẳm trên đầu, bồng bềnh mây trắng dưới chân, thật đúng với danh xưng đệ nhất hùng quan Tây Bắc…
Những bậc thang gỗ, dây leo hỗ trợ người leo núi.
III. Từ độ cao 2.400 – 2.500 mét, gió càng gào thét dữ dội qua các khe núi hẹp. Hơi lạnh tuôn ra mù mịt từ các hốc núi khiến chúng tôi cảm giác như đang ở trong chiếc tủ lạnh khổng lồ. Đứng từ lán nghỉ ở độ cao 2.600 mét nhìn lên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, chúng tôi có cảm giác đã rất gần nhưng hóa ra đoạn cuối mới là thử thách mạnh mẽ nhất khi người leo phải luồn lách chui qua những vách đá dựng đứng.
Qua bao vất vả, sau cùng, chúng tôi cũng chạm tay vào đỉnh cao 2.858 mét, chinh phục được Ngũ Chỉ Sơn! Khác với nhiều đỉnh núi khác của top 15 núi cao ở Tây Bắc, chóp đỉnh Ngũ Chỉ Sơn được đặt trên một tảng đá lớn. Bốn phía hầu như không có cây cối che chắn nên gió thổi rất mạnh. Những khi gió giật, cảm giác người chao đảo, khó trụ vững, chúng tôi phải ngồi thụp xuống để giảm bớt cảm giác chống chếnh, dần làm quen với những cơn gió thốc rất mạnh trên đỉnh.
Lên tới đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, không gian như bừng sáng vào một ngày có nắng nhẹ đầu Xuân. Giữa muôn trùng mây, núi non trùng điệp bốn bề hút vào tầm mắt khiến người leo có cảm giác đây là nơi giao thoa đất trời. Từ đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, vào một ngày trời trong, chúng tôi có thể nhìn thấy rất nhiều các đỉnh núi cao khác của tỉnh Lào Cai như Fanxipan (cao 3.143 mét), Ky Quan San (3.046 mét) hay đỉnh Putaleng (3.049 mét) ở huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu)…
Ngắm nhìn non sông cẩm tú, chúng tôi vô cùng cảm phục những con người đã góp công khai phá, chinh phục và gìn giữ miền đất dữ dội này. Hàng triệu triệu bước chân vĩ đại từ hàng nghìn năm trước đầy gian khổ, hy sinh đến nhường nào để chúng tôi được tự hào đứng trên đỉnh núi đầy cảm xúc ngày hôm nay…
Khám phá đường hầm xuyên núi đá dựng đứng, được đào bằng tay suốt 5 năm
Một đường hầm xuyên qua vách núi dựng đứng, dài 1,2 km được đào hoàn toàn bằng tay, là lối đi duy nhất dẫn vào ngôi làng cổ hơn 600 năm tuổi.
Làng Quách Lượng gần như nằm tách biệt với thế giới do địa thế hiểm trở.
Nằm chênh vênh trên núi, được mệnh danh là "nơi hẻo lánh và nguy hiểm nhất" Trung Quốc, làng Quách Lượng ở một nơi xa xôi như vậy. Lối đi duy nhất vào làng đến nay vẫn chỉ có con đường hầm xuyên qua vách núi cao 1.700 m.
Đó là một đường hầm dài khoảng 1,2 km, được đào thủ công bằng tay trong suốt 5 năm ròng rã, cũng là thứ kết nối ngôi làng cổ hơn 600 năm tuổi với thế giới bên ngoài.
Đi xuyên qua đường hầm.
Nằm sâu trong dãy núi Thái Hành Sơn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, làng Quách Lượng gần như bị cô lập bởi địa thế hiểm trở.
Trước khi đường hầm Quách Lượng ra đời, cách duy nhất để ra ngoài là leo qua thung lũng với những vách đá dựng đứng, trơn trượt rồi bằng qua đường mòn gồm 720 bậc đá. Lối đi hiểm trở tới mức ngay cả với người dân bản địa nhiều kinh nghiệm cũng thấy rợn người.
Một đường hầm xuyên vách núi được đào thủ công, kết nối làng với thế giới bên ngoài. (Nguồn: THX)
Suốt thời gian dài sống trong cô lập, tới năm 1972, dân làng cử ra 13 thanh niên khỏe mạnh, bắt tay vào việc xây đường hầm xuyên vách núi. Không có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, nhóm thanh niên dùng búa để đập hàng chục tấn đá.
Đường hầm hiểm trở khi nhìn từ trên cao.
5 năm làm việc liên tục, một đường hầm cùng tên với ngôi làng xuất hiện. Con đường hoàn thành vào tháng 5/1977, nhưng chỉ đủ rộng để 2 ô tô di chuyển thật chậm tránh nhau. Tuy nhiên, ở những đoạn đường hầm xoắn, nếu tài xế không nhớ đường và đủ kinh nghiệm rất dễ lao xuống vực bởi xung quanh là điểm mù của khúc cua.
Kể từ ngày có đường hầm, dù ban đầu mọi thứ còn thô sơ nhưng cũng đủ thông thương. Ngôi làng cổ bắt đầu có tiếng tăm và thu hút khách du lịch. Hiện ở làng vẫn lưu giữ 13 bức tượng tạc mô phỏng hình ảnh của 13 thanh niên có công đào núi làm hầm.
Dọc theo đường hầm có khoét những ô cửa sổ để thông gió, khí.
Dọc theo đường hầm có 35 ô cửa sổ để đổ đất đá, cho phép ánh sáng chiếu vào và không khí lưu thông bên trong. Cũng nhờ công trình nhân tạo này, việc đi lại đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều so với trước.
Làng Quách Lượng nằm cách thành phố Trịnh Châu chừng 120 km về phía Bắc, thuộc khu thắng cảnh Wanxianshan. Du khách có thể tới đây bằng tàu hỏa, bắt chuyến tàu tại nhà ga xe Tân Hương là gần nhất. Khi dừng ở thị trấn Huixian, du khách tiếp tục đi xe bus tới khu thắng cảnh Wanxianshan.
Ngôi làng hơn 600 năm tuổi đang đẩy mạnh du lịch đón khách.
Hiện đường hầm và làng Quách Lượng đã trở thành điểm nhấn du lịch ở tỉnh Hà Nam. Gói tour đưa khách tới thăm làng có giá khoảng 80 NDT/người. Nắm bắt xu hướng, người dân địa phương cũng đang nỗ lực thúc đẩy du lịch tại ngôi làng cổ.
Trải nghiệm cung đèo tuyệt đẹp Ở độ cao 800 m so với mặt biển lúc trời sắp mưa mây đen tràn qua đỉnh đèo, ngồi cách nhau chừng 5m cũng thấy không rõ mặt người, nhưng khi đám mây trôi qua thì ánh nắng vàng lại trải rộng, tiết trời trở nên ấm áp. Từ đỉnh đèo Gia Bắc phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi cảm nhận...