Dâu vụng
Bà Thảo bồng đứa cháu trên tay mà chán ngán thở dài: “Đứa con dâu xinh đẹp và giàu có mà tôi từng ôm mộng hóa ra chỉ là một nàng dâu vụng mà thôi!”.
Hôm ấy, con trai đưa bạn gái về ra mắt. Ông bà cứ đi ra đi vào hồi hộp chờ đợi. “Về rồi, hai đứa nó về rồi ông ơi! Nhanh, ông chỉnh lại cái áo lệch cổ rồi kìa. Nó là tiểu thư con nhà danh giá, nhìn rồi lại cười cho”.
Ông bà nhìn một lượt cô con dâu tương lai rồi xuýt xoa mừng thầm về vẻ xinh đẹp, công việc ổn định của Mai. Nhất là cái mác tiểu thư con nhà giàu nhất nhì thành phố lại khiến bà Thảo thêm phấn khích nghĩ: “Phen này khối bà bạn phải ghen tỵ với mình vì có cô con dâu vừa xinh đẹp vừa giàu có cho mà xem. Vàng ở đây chứ ở đâu!”.
Nhưng ngay trong lần gặp mặt đầu tiên, con dâu tương lai đã khiến bà một phen choáng váng vì cách nói chuyện tây ta lẫn lộn.
Khi bố chồng tương lai đề nghị Mai ở lại ăn cơm tối, Mai đã buột miệng nói: “Oh no! Cháu chỉ chơi một lát rồi good bye see you again thôi ạ!”. Bà quay sang ông há hốc miệng: “Nó nói tiếng gì vậy ông?”.
Đạt – con trai của ông bà ngồi bên bấm tay Mai thì cô mới vỡ lẽ mình đã ăn nói thiếu lịch sự với người lớn. Lúc ra về, Mai còn tươi cười chào: “Bye hai bác, cháu về đây ạ!”. Bà Thảo lại thêm một phen ú ớ.
Mai đi khỏi, bà nói lớn vào tai ông: “Nó xinh ông nhỉ? Nói tiếng Tây thì cứ gọi là vênh vếch ấy chứ. Con nhà giàu, học hành giỏi giang là phải thế ông à. Mình phải tổ chức đám cưới ngay cho hai đứa nó thôi”.
Lần thứ hai đến nhà Đạt chơi, Mai xắn tay vào bếp trổ tài nấu nướng. Trong khi cả nhà ngồi đợi dài cổ bữa cơm đầu tiên do con dâu tương lai vào bếp thì khi thức ăn đã được bày ra bàn, bà mở nắp nồi cơm thì ôi thôi, gạo vẫn còn bồng bềnh trong nước. Mai chỉ cắm điện mà quên nhấn nút “Cook”.
Thấy vậy, Mai trợn tròn mắt lên : “Oh my god! Con quên mất”. Thế là cả nhà phải tiếp tục ngồi đợi cơm chín.
Vừa về làm dâu được một tuần, Mai đã đề nghị thuê ôsin nhưng thiết nghĩ trong nhà chỉ có bốn người, công việc không mấy vất vả nên bà Thảo không đồng ý. Bà bắt đầu nghi nghi về sự vụng về của cô con dâu tiểu thư, song bà vẫn nghĩ thầm: “Nó con nhà giàu chắc chẳng phải động tay động chân đến việc gì nên không biết làm cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng không sao, có tiền là có tất cả”.
Video đang HOT
Nhiều lần bước qua phòng con dâu, đập vào mắt bà Thảo là đống chăn màn còn đang ngổn ngang trên giường, ruột gối thì nằm ngay góc nhà, vỏ gối văng mãi gầm giường… Thế mà sáng nào bà cũng thấy Mai ngồi trước bàn trang điểm thật lâu chải chải chuốt chuốt rồi vô tư đi làm… Bà lại tất tả gấp lại chăn màn trong phòng Mai cho gọn gàng.
Một bữa trưa, Mai mang cả chồng sách dạy nấu ăn to tướng về nhà. Bà Thảo khấp khởi mừng thầm: “Nàng dâu danh giá của mình cuối cùng cũng có ý thức học nấu ăn. Con nhà giàu cũng phải hơn kẻ nghèo ở cái ý thức chứ!”. Một tháng rồi vài tháng Mai miệt mài nghiên cứu sách báo nhưng “mèo vẫn hoàn mèo”. Bà Thảo tiếp tục phải chứng khiến những tình huống dở khóc dở cười của con dâu.
Có lần bà thấy Mai cầm cục xà bông Lifebuoy chà mạnh vào thớ thịt heo, bà hỏi để làm gì thì Mai vừa hì hục làm vừa đáp: “Thế này mới diệt chết 100% vi khuẩn gây bệnh được mẹ ạ!”. Bà Thảo mắt tròn xoe mắt nghĩ: “Nó tưởng thịt heo như cơ thể con người không bằng”.
Rồi có hôm, cả nhà chờ món thịt kho trứng mà Mai khoe mới học được. Khi Mai đặt bát thịt xuống bàn, bà Thảo được phen tròn mắt khi những quả trứng dưới “bàn tay thép” của con dâu đã nát bét tứ tung.
Đã thế, mỗi lần mắc lỗi nội trợ Mai lại chen vào mấy câu Tây Tàu khiến cả nhà thêm nhức đầu.
Cuối cùng, bà Thảo vẫn là người vào bếp nấu ăn cho bốn người sau nhiều lần “Yes, con hiểu rồi mẹ ạ!” không thành của Mai.
Đang ngồi đọc báo, bà liếc qua phòng tắm không biết nước và bọt xà phòng ở đâu chảy lềnh bềnh trên sàn. Bà chạy vào xem thì tá hỏa khi biết nguyên nhân là do Mai vừa xả xà phòng, xả nước vào bồn tắm mà không khóa vòi nước. Ngán ngẩm hơn khi nhìn lên cầu thang, bà thấy Mai vừa lau nhà vừa đeo tai phone nhún nhẩy.
Đau đầu nhất là lần bà Thảo mời bà bạn đến nhà chơi. Nồi chè đã gần được, bà dặn Mai “Con cho thêm ít đường rồi bắc xuống cho mẹ!”, Mai lặp lại điệp khúc quen thuộc “Yes” một cách nhanh nhảu. Khi cả nhà bưng bát chè lên ăn thì ai nấy cũng đều nhăn mặt vì chè mặn chát. Hóa ra, Mai đã bỏ nhầm muối vào chè, dù trên mỗi lọ gia vị bà Thảo đã ghi cẩn thận tên từng loại…
Bà Thảo “muối mặt” với bạn, còn cô con dâu lại nhanh miệng: “Sorry, sorry, chắc con nhầm!”.
Có lúc rảnh rỗi, bà Thảo thở dài trong lòng: “Từ ngày có cô con dâu trong nhà, mọi thứ đều đảo lộn hết cả”. Rồi bà tự động viên: “Dù sao nó cũng là tiểu thư con nhà giàu, có bao giờ phải làm việc nhà đâu. Mình cứ uốn nắn, chỉ bảo rồi nó sẽ hiểu và làm tốt thôi”.
Càng sống lâu với bà Thảo dường như độ vụng về của con dâu ngày càng “phát triển” hơn.
Có lần mấy ông bạn của bố chồng đến chơi và ở lại ăn cơm trưa. Khi bưng thức ăn ra, có lẽ Mai mới học được kiểu bưng bê một lúc nhiều đĩa trên tay như các anh chàng phục vụ nhà hàng. Và rồi đúng như bà Thảo lo lắng, những chiếc đĩa cùng lúc “choang, choang” trên nền nhà, thức ăn vung vãi khắp nơi. Đến lần này, bà Thảo mới thực sự ngán ngẩm về cô con dâu xinh đẹp, con nhà giàu mà bà vẫn coi là “vàng” từ trước tới nay.
Mai sinh em bé, bà Thảo càng có cơ hội chứng kiến nàng dâu vàng thể hiện sự vụng về của mình. Có lần, ông bà cứ nghe tiếng cháu khóc inh ỏi trong phòng, bà chạy vào thì cháu đã bị rơi xuống đất, một lúc lâu Thảo mới hốt hoảng tỉnh dậy biết chuyện. Phòng ngủ của vợ chồng Mai trước đã luộm thuộm nay còn bẩn thỉu hơn. Bà Thảo thường xuyên ngửi thấy mùi thum thủm bốc ra từ mấy cái bỉm bẩn vứt lăn lóc trong gầm giường. Bà có nhắc nhở, Mai lại nhanh nhảu: “Yes, con biết rồi. Chẳng qua lúc thay bỉm xong con phải bế cháu nên quên không vứt đi…”.
Bà Thảo bồng đứa cháu trên tay mà chán ngán thở dài: “Đứa con dâu xinh đẹp và giàu có mà tôi từng ôm mộng hóa ra chỉ là một nàng dâu vụng mà thôi!”.
Theo VNE
Cậu ấm cô chiêu cậy bố mẹ giàu
Thanh Trúc giục bạn lau bát đũa hộ. Bị phản đối, cô bé 8 tuổi bĩu môi "Tớ chẳng bao giờ phải làm gì hết. Bố mẹ tớ giàu lắm, sau này tớ sẽ được thừa kế cả đống tiền".
Thanh Trúc đang học lớp 2 một trường tư có tiếng tại Hà Nội. Là con một gia đình có điều kiện, được cưng chiều, Trúc thường xuyên đi cùng bố mẹ đến các trung tâm thương mại lớn trong nước hay ra nước ngoài mua sắm, vui chơi. Quần áo, đồ dùng, đồ chơi của cô nhóc đều là hàng hiệu đắt tiền. Ngồi nói chuyện với bạn, cô bé kể vanh vách những thương hiệu nổi tiếng, giá cả đồ mình có. Bé cũng thường chê bai nhiều bạn cùng lớp dùng đồ "tầm thường, quê kệch".
Ở nhà, từ ăn uống, chuẩn bị đồ dùng đều có người giúp việc làm thay nên khi đi chơi với bạn bè ở lớp, cô bé không bao giờ chịu đụng tay tới. Trúc chẳng thích học và hay kể "bố mẹ nhiều tiền lắm, sau này tớ hưởng hết". Cô bé còn khoe không sợ cô giáo vì "cô mà dám mắng tớ, bố mẹ tớ sẽ báo với hiệu trưởng đuổi ngay. Nhà tớ đã biếu trường cả máy chiếu, laptop... cơ mà".
Ảnh minh họa: Aliexpress.com
Bé Đình Nam (Linh Đàm, Hà Nội) cũng là con một đại gia ở tỉnh lẻ mới lên định cư tại Hà Nội. Mới học lớp 1 nhưng cậu bé đã tỏ ra rất tự hào về "vị thế" của gia đình. Chỉ có một con trai nên bố mẹ Nam không tiếc con thứ gì. Hai người hay bận công việc nên thường xuyên vắng nhà, vì thế càng muốn bù đắp cho con bằng những món đồ giá trị.
Có lần Đình Nam nói với bạn: "Nhà cậu không giàu bằng nhà tớ đâu. Bố tớ có 2 ôtô, nhà tớ to lắm, nhà cậu chỉ có một người giúp việc, nhà tớ có 2 cơ. Tớ thích gì là có ngay". Trong lớp, Nam chỉ chơi với những bạn mặc đồ đẹp, và được đưa đón bằng xe hơi giống mình. "Không có ôtô là nhà nghèo rồi, chẳng có gì đâu", cậu nhóc nói.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng Tâm lý và Truyền thông cộng đồng, TP HCM cho rằng, trong những trường hợp này, vai trò quan trọng nhất là giáo dục gia đình, cách ứng xử của phụ huynh. Nhiều người vô tình hay cố ý phô trương cho con thấy sự giàu có của gia đình mình, thậm chí thể hiện để trẻ hiểu những tài sản này sau này sẽ là của chúng.
Từ đó, trẻ tự cho mình là người thuộc tầng lớp thượng lưu, được thụ hưởng mà không cần phải nỗ lực gì. Các em cũng có thể mang những niềm hãnh diện ảo về vật chất không phải do mình tạo ra, hoặc ảo tưởng cho có tiền là được người khác tôn sùng. Có nhiều em phung phí tiền bạc để được bạn bè tâng bốc, bợ đỡ.
Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, hiện nay hiện tượng trẻ kiêu ngạo, coi thường người khác vì nghĩ gia đình mình giàu sang, nhiều tiền, rất phổ biến. Đây thường không phải là lỗi của trẻ mà do các em bị nhiễm từ người lớn và môi trường sống quanh mình.
"Nếu bố mẹ quá coi trọng nhà cửa, xe cộ, coi thường những người có điều kiện kinh tế kém hơn, thì việc con họ kênh kiệu, ỷ lại vào tiền chẳng có gì lạ", nhà tâm lý chia sẻ.
Ông cho biết, có không ít phụ huynh khi con có trục trặc về tâm lý, đưa con đi trị liệu, nói sẵn sàng chi gấp 2-3 lần giá tiền để trị liệu cho con mình, hủy giờ trị liệu cho trẻ khác. Khi bị từ chối, những người này tỏ ra ngạc nhiên, vì trước đó, họ luôn nghĩ tiền có thể giải quyết được mọi việc.
Theo ông, tiền bạc, sự giàu có ít có ý nghĩa với trẻ nhỏ. Cái chúng cần là nơi để thỏa sức vui chơi, khám phá, được bố mẹ quan tâm, yêu thương. Trẻ con không hề coi trọng vật chất như người lớn. Chúng cũng chưa biết đem của cải để ra oai. Những suy nghĩ, cách nhìn nhận, lời nói của trẻ chủ yếu do hấp thụ, bắt chước những người xung quanh, nhất là bố mẹ mình.
"Xã hội ngày càng coi trọng giá trị vật chất. Không ít người tuy không khá giả nhưng vẫn cố mua được ôtô, để đối tác làm ăn tin tưởng, nâng cao hình ảnh của mình trong mắt người khác. Nhiều người trẻ đòi bố mẹ mua bằng được máy tính bảng, điện thoại cao cấp... chỉ nhằm khoe khoang, chứ thực sự không bao giờ dùng đến các tính năng của những đồ công nghệ này. Tất cả đều ảnh hưởng tới trẻ", ông Chuẩn chia sẻ.
Trẻ rất thông minh, nhạy cảm. Khi nhận biết được sự giàu có của gia đình, bản thân trẻ luôn được đáp ứng mọi nhu cầu, sự đòi hỏi của chúng sẽ ngày càng lớn hơn. Trẻ có thể tự tách mình ra khỏi tập thể, coi bản thân cao hơn người khác dựa vào những giá trị vật chất mình có. Khi đó, trẻ có thể dùng thước đo nhà lầu xe hơi = giàu có = hơn người = được phép hưởng thụ... Và lối suy nghĩ này làm hại các em.
Trẻ có thể trở nên chi tiêu phung phí, tiêu tiền vào những việc không cần thiết. Các em không quý sức lao động, thấy mọi thứ đều có thể có được một cách dễ dàng (nhờ tiền) và không cần cố gắng gì hết. Những đứa trẻ này khi lớn lên thường có sức chịu đựng kém, dễ thất bại, khó thích nghi và hòa nhập.
Ông Chuẩn cho rằng, thực tế những người giàu có nhờ lao động chân chính thường biết trân trọng giá trị đồng tiền mình làm ra, không khoe của, và biết dạy con phấn đầu học hành, khiêm tốn, chi tiêu hợp lý. Họ sẽ dạy trẻ biết tự hào về những gì do mình làm ra, chứ không phải vì những điều hưởng thụ từ người khác.
"Nếu muốn dạy trẻ biết hòa đồng với bạn bè, biết trân trọng những giá trị về nhân cách, đạo đức, lao động... thì những lời dạy dỗ suông không đủ, quan trọng là bố mẹ phải làm gương về cách ứng xử hằng ngày, không tiêu xài phung phí, sử dụng đồng tiền một cách có ý, đồng thời hạn chế thỏa mãn quá mức những nhu cầu về vật chất cho con", nhà tâm lý nói.
Theo VNE
Ví nhà chồng như... đàn heo Chỉ vì cô con dâu mới quá vô duyên mà bà mẹ chồng phải xấu hổ với người trong gia đình. Ảnh minh họa Đám cưới xong thì có bữa cơm gia đình, cô dâu run lắm. Cô cứ cầm chừng bát cơm trên tay, còn mắt thì ngó quanh xem ai vừa vơi bát là lật đật đi xới. Bà mẹ chồng...