Dâu Việt ngày càng quá quắt, không biết điều
Dâu Tây thì còn đổ tội cho phong tục tập quán, lối sống khác với người Việt. Còn dâu Việt thì chẳng có lý do gì để ngụy biện. Chúng nó càng ngày càng đáo để, ghê gớm và quá quắt.
ảnh minh họa
Thời nay dâu Tây hay dâu Việt cũng như nhau cả thôi. Thậm chí sống với dâu Việt, mẹ chồng còn phải bực bội hơn nhiều so với dâu Tây. Dâu Tây thì còn có thể đổ tội cho phong tục tập quán, lối sống khác với truyền thống người Việt. Mình có thể nghĩ đến khác biệt văn hóa để thông cảm cho nó. Còn dâu Việt thì chẳng có lý do gì để ngụy biện. Chúng nó càng ngày càng không biết điều và quá quắt kinh khủng.
Tôi có đứa con dâu Việt Nam 100% nhưng độ lười nhác và hỗn hào của nó thì khủng khiếp. Là dâu ta nhưng nó lại cứ thích học đòi làm dâu Tây. Chẳng hiểu bà thông gia bên ấy có con gái nghĩ gì mà chiều con quá. Bà ấy không dạy con gái làm bất cứ việc gì trước khi cho nó đi lấy chồng. Vì thế, con dâu của tôi vụng thối vụng nát, chẳng làm được việc gì nên hồn.
Đến pha ấm nước chè khi nhà có khách, nó cũng không biết pha. Tôi sai gọt quả dứa thì nó la oai oái kêu đầy gai thế này thì gọt sao được. Nó chỉ biết luộc rau và nấu vài món đơn giản. Vì thế nên mỗi lần nhà có cỗ bàn, dù 1 mâm hay 10 mâm thì một tay tôi phải làm hết tất cả mọi việc.
Đã thế con dâu của tôi còn lười biếng. Mấy lần tôi tỏ ý muốn dạy nó làm cỗ dần cho quen, nó đều gạt phắt đi rồi bảo: “Nếu mẹ mệt, con sẵn sàng đặt cỗ ở ngoài về. Vừa đỡ nhọc thân, vừa sạch sẽ, vừa ngon”. Nghe con dâu nói thế, tôi cũng chịu nó luôn.
Dù con tôi là con trai nhưng tôi vẫn dạy con cẩn thận, tránh để sau này mỗi khi không có mẹ, con tôi lại sinh hoạt thất thường, không biết chăm lo cho bản thân. Vì vậy, con trai tôi cũng khéo léo, thạo việc vô cùng.
Con dâu tôi thấy chồng nó như vậy thì càng ỷ lại. Nó bắt chồng làm việc nhà, còn nó thì ngồi thảnh thơi xem ti vi. Có lần tôi bảo nó rán chả lá lốt để chạy lên nhà rút quần áo. Đến lúc xuống thì thấy con trai đang đứng bếp trông chảo. Con dâu tôi thì ngồi bàn ăn chơi trò chơi trên điện thoại và cắn hạt hướng dương tanh tách.
Không phải tôi xót con trai phải làm việc nhà nhưng tôi bực mình khi thấy con dâu vô ý vô tứ như thế. Tôi mắng cho một trận thì nó loa mồm lên: “Anh Minh cũng đang rỗi chẳng làm gì thì mẹ cứ để anh ấy làm. Mà món này con không thạo. Anh ấy biết làm thì để anh ấy làm cho ngon. Chẳng lẽ con cứ phải hầu hạ, vất vả còn anh ấy thì được phép lười nhác?”.
Video đang HOT
Nhớ lại lúc con tôi dẫn vợ nó về ra mắt, nhìn nó cũng có học và có vẻ lễ phép, gia đình Hà Nội gốc vô cùng gia giáo. Lúc ấy, có nằm mơ tôi cũng không ngờ con tôi lại rước về cô con dâu dân chơi thứ thiệt.
Từ ngày nó về nhà chồng sống với chúng tôi, tôi mới biết về độ đi bar, vũ trường, sàn nhảy của con dâu tôi so với Tây chỉ có hơn chứ không có kém. Tuần nào cũng phải đi một lần, không đi nó không chịu được. Và độ say xỉn của nó cũng chẳng kém gì so với con dâu Tây. Mấy ngày đầu tôi còn sốt ruột, đến 11 giờ con dâu chưa thấy về nên lo lắng chờ cửa, gọi điện. Nhưng giờ thì tôi kệ hết, chẳng hơi đâu chờ đợi cho mệt.
Nói thì sợ mọi người chê cười là vạch áo cho người xem lưng nhưng tôi thật sự xấu hổ với hàng xóm vì độ đi khuya về trễ của con dâu. Mà nhắc nhở, lo lắng cho vợ chồng nó, nó còn cãi mình, chê mẹ chồng lạc hậu. Con dâu còn ngụy biện: “Ngày chưa lấy chồng con toàn đi qua đêm. Giờ 11 giờ con bỏ cuộc chơi đi về là đã cực kỳ có lỗi với các bạn của con rồi”.
Tết nhất 2 đứa nó chỉ gom tiền vào và biếu tôi 20 triệu đồng rồi coi như chẳng có việc gì phải quan tâm nữa. Chúng bỏ nhà đi biền biệt vào Nam chơi đến rằm tháng Giêng mới về. Trước ngày đi làm 2 ngày thì chúng nó vác mặt về, sau đó lôi nhau về nhà ngoại. Lúc về cũng chẳng thèm mua túi quà biếu xén, quà cáp gì cho bố mẹ. Sao tôi thấy con dâu gì mà chả có ý và vô dạng đến thế là cùng!
Đau đầu nhất là vợ chồng nó lấy nhau gần 2 năm rồi vẫn không chịu đẻ. Nó bảo chưa đủ chín chắn, chưa đủ trưởng thành, còn phải phấn đấu sự nghiệp, không có thời gian.
Đấy, thời gian đẻ, chăm con thì không có nhưng chơi bời, quậy phá, mua sắm suốt ngày. Vợ chồng tôi mong cháu bao lâu, sắp xuống lỗ đến nơi mà còn lo chưa có đứa cháu đích tôn bế bồng.
Nói thật, con dâu tôi đến nước này cũng là do con trai tôi chiều và sợ vợ quá. Buồn lắm, mang nặng đẻ đau, nuôi lớn từng này nhưng nó “nhất vợ nhì trời, cha mẹ thứ bét”, một câu vợ, hai câu vợ, bênh vợ chằm chặp. Mẹ đẻ nói gì không bao giờ nghe, chỉ nghe có vợ. Nó còn bảo: “Con lớn rồi, có gia đình riêng rồi, mẹ đừng can thiệp chuyện của con”.
Tháng rồi sau bao gom góp mấy chục năm trời, tôi cố gắng mua nhà riêng, tống hai vợ chồng nó ra ngoài ở rồi. Xa con cũng hơi đau lòng nhưng thà thế còn hơn là ở chung, bực bội, khó chịu, mệt mỏi vì chúng nó. Ngày xưa tôi cũng ước mơ gia đình đông đúc, sum vầy. Nhưng giờ thì vỡ mộng hết.
Nuôi con đến lúc này, hết lòng vì con đến lúc này là hết sức lắm rồi. Nó chẳng coi mình ra gì thì sao mình phải khổ sở, buồn bực vì nó. Tống nó ra ngoài rồi mình vui thú vui tuổi già thôi.
Theo VNE
Người chồng quá quắt
Đầu tháng, Thanh quẳng cho tôi tờ giấy: "Em coi chuẩn bị cho anh về quê". Tôi nhìn tờ giấy A4 ghi gần kín cả trang. Đây là những thứ mà anh muốn đem về biếu gia đình dịp Tết.
ảnh minh họa
Nhẩm tính sơ sơ cũng phải mất gần chục triệu, chưa kể tiền vé máy bay đi về, rồi ăn uống, chi tiêu, lì xì cho con cháu ở quê... sẽ mất đứt lương, thưởng của hai vợ chồng.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là điều khiến tôi lấn cấn trong lòng. Chưa bao giờ Thanh nhắc nhở hoặc hỏi tôi xem Tết nhất có lo gì cho cha mẹ mình hay không. Anh có cha mẹ anh em, tôi cũng có; vậy mà 12 năm sống với nhau, anh chưa bao giờ nhớ đến sự tồn tại của họ trên đời mỗi dịp năm hết Tết đến. Nếu tôi thắc mắc thì anh lại bảo: "Đó là chuyện của em".
Năm nay cũng vậy. Tôi nhìn lá sớ táo quân của anh rồi nói: "Anh bớt lại một số thứ được không? Nhiều quá em không đủ tiền". Anh nhíu mày nhìn tôi: "Không được! Mỗi năm về có một lần, phải làm sao cho coi được". Tôi xòe tay ra: "Vậy anh đưa tiền đây, em đi mua cho". Anh trợn mắt: "Lại còn thế nữa à? Tiền đưa cho em hàng tháng, em làm gì mà giờ lại khảo thêm?".
Mỗi tháng anh đưa cho tôi 5 triệu đồng. Số còn lại, anh để xài riêng hay làm gì tôi không biết. Thời buổi này mà anh tưởng 5 triệu đồng là to lắm. Tôi chưa bao giờ nói với anh tiền ăn bao nhiêu, tiền học của con bao nhiêu; rồi tiền điện nước, đám tiệc, mắm muối... Nói thật, 5 triệu đồng ở cái đất Sài Gòn này chỉ đủ nuôi 1 đứa con, làm gì có chuyện dư ra để mà đút nhét cho cha mẹ, anh em mình?
Thế nhưng trong suy nghĩ của anh, có lẽ khoản tiền ấy to lắm nên ngoài việc chi phí cho gia đình, tôi còn có trách nhiệm dành dụm để năm hết, Tết đến sắm sửa mọi thứ trong nhà và lo cho anh về quê. Mỗi lần nghe tôi than thở, anh lại bảo: "Em mở báo ra mà coi. Công nhân người ta thu nhập có 3-4 triệu mỗi tháng, lại ở nhà thuê, nuôi con nhỏ mà vẫn dành dụm được...".
Trời đất ơi, anh lại còn so sánh như vậy nữa? "Sao anh không so sánh với mấy người ở nhà lầu, đi xe hơi, một bước là ra vô nhà hàng mấy sao mà lại so sánh như vậy?"- tôi hỏi lại. Thanh nhăn mặt: "Đây là hậu quả của những chuyện em đã làm. Còn trách ai nữa? Nếu em không gây ra chuyện tày đình như vậy thì bây giờ nhà mình đã giàu có, ở nhà lầu, đi xe hơi...".
Cứ mỗi lần Thanh nhắc đến điều này thì tôi không muốn tranh luận nữa. Chuyện xảy ra đã lâu rồi mà anh vẫn không quên, vẫn dùng nó như một thứ con tin để ép tôi quy thuận anh một cách vô điều kiện.
Sau đám cưới, chúng tôi còn dư ra được hơn 50 triệu. Số tiền này khi đó khá lớn. Anh quyết định mang gởi ngân hàng. Ngoài khoản tiền đó, hàng tháng, hai vợ chồng còn tiết kiệm chi tiêu để gởi thêm từ 1-2 triệu đồng. 4 năm trước, có người bạn làm ăn cần vốn, tôi đã hỏi ý kiến anh rồi mới quyết định rút tiền cho bạn vay với lãi suất khá cao. Được một thời gian, bạn làm ăn thua lỗ rồi bỏ trốn. Đến giờ vẫn không biết tăm hơi. Số tiền 200 triệu đồng tôi cho vay coi như mất trắng.
Đó là cái cớ mà anh đưa ra để hành hạ tôi, để rượu chè, để có nhân tình bên ngoài... Cay đắng hơn là từ đó đến nay, giữa anh và tôi không hề có chuyện vợ chồng dù chúng tôi vẫn ăn chung mâm, ở chung nhà. Thoạt đầu tôi nghĩ anh chỉ bị sốc một thời gian, không ngờ mọi chuyện kéo dài, rồi tôi phát hiện anh cặp kè với một người phụ nữ khác bên ngoài. Khi tôi hỏi, anh không hề chối mà còn thú nhận: "Anh không có hứng thú với em nhưng anh là đàn ông, cần giải quyết nhu cầu, em đừng có lắm chuyện".
Tôi đã cố chịu đựng, đã nhường nhịn anh đủ điều, vậy mà anh không hề có một chút chia sẻ. Quên thì thôi chớ nhớ tới là anh lại đay nghiến, dằn vặt; thậm chí anh chửi cả ba má tôi không biết dạy con... Mà chuyện ấy đâu phải một mình tôi quyết định? Cả anh cũng đồng ý rút tiền ra để cho người ta vay chứ đâu phải tôi tự tiện làm?
... "Mua đồ xong chưa? Ngày 24 là anh đi rồi đó" - 3 hôm trước, Thanh nhắc lại. Tôi đưa trả lại anh 5 triệu: "Anh tự lo đi. Từ đây cha mẹ ai nấy lo". Tôi điên lắm rồi. Bao nhiêu uất ức dồn nén bấy lâu khiến tôi thấy mình căng lên như một quả bóng và không biết sẽ nổ lúc nào. "Cái gì? Em nói lại coi?"- anh dằn từng tiếng. Tôi cũng không chịu thua: "Tôi nói anh tự lo. Từ đây về sau, cha mẹ ai thì người đó lo. Tưởng anh biết điều, ai dè anh không hề có một chút lương tâm. Chuyện mất tiền, đâu phải lỗi của một mình tôi? Anh cũng tham, cũng đồng ý mà, còn trách ai nữa? Đừng có thấy tôi nhịn mà làm tới. Tôi nói lại cho anh rõ, từ nay trở đi, thân ai nấy lo. Anh ở nhà của tôi thì phải đóng tiền nhà, tiền cơm, tiền nuôi con...".
Chưa bao giờ anh thấy tôi làm dữ như vậy nên chựng lại: "Em bị làm sao vậy?". Có lẽ đến bây giờ anh mới nhớ là anh đang ở trong ngôi nhà mà tôi đã mua bằng tiền của ba má tôi cho trước khi lấy chồng. Tôi nhớ lúc đó ba tôi đã nói: "Con lớn tuổi hơn nó nên phải biết thủ thân. Có cái nhà thì dù sau này có chuyện gì cũng không vất vưởng". Tôi không ngờ ba tôi đã thấy xa như vậy.
Có lẽ những điều tôi nói ra khiến Thanh giật mình. Càng giật mình hơn khi tôi quyết định dừng mọi cuộc thương lượng. Tôi đã quá ngán ngẩm cuộc hôn nhân này bởi ngoài 2 đứa con, tôi thấy mình chẳng có niềm vui nào khác. Và bây giờ, ở tuổi 38, tôi đã nhen nhóm trong đầu ý định chấm dứt mọi thứ.
"Suy nghĩ cho kỹ để sau này khỏi hối hận. Lớn tuổi rồi, muốn làm lại cũng không dễ đâu" - anh hai tôi nói. Thật sự là trong đầu tôi chưa hề nghĩ tới chuyện phải làm lại từ đầu. Nếu hôn nhân là những gì tôi đã trải qua 12 năm nay thì nó không đáng để lặp lại. Nhưng tôi không biết nếu chỉ có một mình thì cuộc sống của mẹ con tôi sẽ thế nào bởi Thanh đã nói thẳng: "Nếu ly hôn thì cô tự nuôi con, tôi sẽ về ngoài kia".
Nếu thật sự anh bỏ mẹ con tôi lại, không biết chúng tôi sẽ sống thế nào? Liệu một người phụ nữ 38 tuổi như tôi có đủ sức để một mình nuôi dạy hai đứa con giữa bộn bề cuộc sống này không? Liệu 2 đứa con tôi sẽ lớn lên thế nào giữa những lời thị phi: "Con không cha như nhà không có nóc"?
Theo VNE