Đầu tư đồng bộ cho y tế cơ sở
Y tế cơ sở được xem là nền móng của toàn bộ hệ thống y tế quốc gia, là lực lượng chủ lực giải quyết các vấn đề chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân tại cộng đồng.
Do không có đủ kinh phí để xây mới nên Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành chỉ có thể sửa chữa chắp vá Khu Kiểm soát nhiễm khuẩn trên nền cơ sở cũ đã xuống cấp. Ảnh: H.Dung
Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 80% số trạm y tế xã, phường, thị trấn có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được tối thiểu 70% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã. Tuy nhiên, hầu hết các trạm y tế, trung tâm y tế tuyến huyện đều đang xuống cấp, thiếu nhân lực đủ chuyên môn để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh.
* Cơ sở vật chất nhiều nơi xuống cấp
Bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Kế hoạch – tài chính (Sở Y tế) cho biết, tính đến nay, 170 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có trạm y tế, có giường cấp cứu và lưu bệnh với tổng số 855 giường, đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020.
Dựa trên chức năng mà cơ sở hạ tầng của trạm y tế được đầu tư xây dựng theo 2 phân vùng: ở nông thôn, trạm y tế được xây dựng quy mô 14 phòng; ở thành thị được xây dựng với quy mô 9 phòng. Trong 170 trạm y tế xã, phường, thị trấn có 109 trạm được xây dựng với quy mô 14 phòng và 61 trạm y tế được xây dựng với quy mô 9 phòng. Có 130 trạm y tế do UBND huyện, thành phố làm chủ đầu tư được xây dựng từ trước năm 2010; 32 trạm được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2017 do Sở Y tế làm chủ đầu tư và 9 trạm y tế do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư xây dựng. Kinh phí xây mới mỗi trạm y tế khoảng từ 5-7 tỷ đồng.
Về trang thiết bị, giai đoạn 2006-2007, UBND tỉnh đã đầu tư bộ trang thiết bị hiện đại theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho 82 trạm y tế có bác sĩ. Giai đoạn 2007-2010, UBND các huyện, thành phố tiếp tục đầu tư thêm các trang thiết bị cho các trạm y tế khác. Giai đoạn 2011-2016, thực hiện xây mới 34 trạm y tế, còn 34 trạm y tế vẫn đang thiếu trang thiết bị y tế vì chưa được bố trí vốn.
Như vậy, trong vòng 8 năm qua, toàn tỉnh mới có 41 trạm y tế được xây mới, trong đó có 9 trạm y tế (ở phường Bàu Sen, TP.Long Khánh), xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom), Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ), Lang Minh (huyện Xuân Lộc), Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu), Phú Bình (huyện Tân Phú), Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), Phú Tân (huyện Định Quán) và Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) đang xây dựng chưa hoàn thành. Còn lại các trạm y tế khác đều được xây dựng từ rất lâu, qua nhiều lần sửa chữa từ nguồn vốn thường xuyên, nguồn hỗ trợ của UBND xã và nguồn sự nghiệp, đến nay cơ sở vật chất đã xuống cấp, cần được đầu tư xây mới.
Mặt khác, nhiều trang thiết bị y tế được đầu tư đến nay đã hết khấu hao nhưng vẫn đang tiếp tục sử dụng. Một số trạm y tế không có đủ trang thiết bị y tế theo quy định nên chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của người dân. Một số cơ sở y tế đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp do khó khăn về giải phóng mặt bằng hoặc chưa có nguồn vốn đầu tư.
Từ đó dẫn đến chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở giảm, điều kiện làm việc và điều kiện phục vụ bệnh nhân ở một số nơi chưa đạt yêu cầu.
Video đang HOT
* Cơ sở gặp nhiều khó khăn
Trạm y tế xã Xuân Hiệp hiện là trạm y tế xuống cấp nhất trong hệ thống các trạm y tế của huyện Xuân Lộc.
Bác sĩ Trần Văn Tiến, Trưởng trạm y tế xã Xuân Hiệp cho hay, cách đây hơn 10 năm, trạm y tế này được xây dựng theo mô hình quân dân y kết hợp. Trạm hiện có 1 bác sĩ, 1 nữ hộ sinh, 2 nhân viên dược, y sĩ kiêm lĩnh vực dân số. Do được xây dựng theo kiểu nhà cấp 4 nên cơ sở vật chất của trạm đã xuống cấp nghiêm trọng. Trạm cũng thấp hơn so với mặt đường nên cứ mưa là nước ở ngoài đường đổ vào ngập đầy sân, gây khó khăn cho việc đi lại.
Do điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp cộng với việc cách đây hơn 1 năm Trung tâm y tế huyện sáp nhập với Bệnh viện đa khoa huyện, nhiều bác sĩ nghỉ việc khiến Trung tâm y tế huyện thiếu bác sĩ nên 1 bác sĩ của trạm y tế đã chuyển ra công tác tại Trung tâm y tế huyện để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Vì thế, các loại máy siêu âm, điện tim sử dụng trước đến nay tại trạm y tế cũng chuyển về Trung tâm y tế huyện. Đến nay, trạm y tế không thực hiện khám, chữa bệnh mà chỉ làm công tác phòng chống dịch bệnh, chích ngừa vaccine. “Trạm y tế cách Trung tâm y tế huyện 4km nên người dân trong xã nếu có nhu cầu khám, chữa bệnh thường di chuyển ra trung tâm. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị bệnh đột xuất, không được sơ cấp cứu ban đầu tại trạm y tế nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến quyền lợi của người dân” – bác sĩ Tiến cho biết.
Cũng theo bác sĩ Tiến, điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, phòng ốc ẩm thấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý làm việc của bác sĩ, nhân viên trong trạm. Trong khi đó, trạm y tế xã lại không có kinh phí sửa chữa, muốn làm gì cũng phải đề xuất kinh phí của Trung tâm y tế huyện.
Còn trên địa bàn huyện Long Thành, tính đến nay chỉ mới có 4/14 trạm y tế xã, thị trấn (gồm Trạm y tế các xã Lộc An, Bình An, Long An, Long Đức) được đầu tư xây mới cách đây 5, 6 năm, còn lại đã xây dựng từ cách đây khoảng 20 năm. 4 năm nay huyện không xây dựng mới được trạm y tế nào.
Giám đốc Trung tâm y tế huyện Long Thành Nguyễn Thi Văn Văn chia sẻ: “Một số trạm y tế của thị trấn Long Thành, các xã Bình Sơn, Cẩm Đường, Phước Thái cứ mưa là ngập, dột. Do không có kinh phí để sửa chữa đồng bộ mà chỉ có thể sửa chữa chắp vá, nhỏ giọt nên tình trạng xuống cấp của các trạm y tế không được giải quyết dứt điểm”.
Ông Hồ Trung, người dân xã Tân Hiệp (huyện Long Thành) cho biết, gia đình ông có 5 người. Bản thân ông làm thợ hồ, vợ ông làm công nhân còn 3 con đang đi học. “Nếu trong nhà có ai bị cảm, sốt đều đến trạm y tế xã để khám, chữa bệnh ban đầu chứ không có điều kiện để lên các bệnh viện lớn. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất ở trạm y tế cũng không tốt nên gần đây, nếu có ai bị ốm đau gì đều ra các phòng khám tư nhân gần nhà để khám, mua thuốc uống” – ông Trung cho hay.
* Cần đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm
Không chỉ riêng các trạm y tế mà hiện nay hầu hết các trung tâm y tế trong tỉnh cũng đang xuống cấp. Trong số 3 bệnh viện đa khoa khu vực chỉ có Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh mới được đầu tư xây đồng bộ, 2 bệnh viện đa khoa khu vực còn lại đều đã xuống cấp, đặc biệt là Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám cho từ 900 đến ngàn lượt bệnh nhân ngoại trú. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất đang xuống cấp rất trầm trọng. Cụ thể, khu hành chính được xây dựng từ năm 1984, 1 phòng của 1 phó giám đốc mới đây bong tróc trần nhà, suýt gây ra tai nạn khi ông đang ngồi làm việc trong phòng. Các khoa gây mê hồi sức, xét nghiệm ngoài bị thấm, mốc, trời mưa phải lấy xô chậu để hứng nước. Bệnh viện không thể cải tạo chắp vá được vì sửa chỗ này sẽ hư chỗ kia.
“Bệnh viện đã có chủ trương, thuê được các chuyên gia đầu ngành ở TP.Hồ Chí Minh để thành lập phòng khám chuyên gia tại bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, phòng ốc không đảm bảo cũng khiến các chuyên gia, người dân cũng ái ngại hợp tác. Do đó kế hoạch lập phòng khám chuyên gia của bệnh viện bị trễ” – bác sĩ Hai bộc bạch.
Theo TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, dựa trên tình hình thực tế của y tế cơ sở, Sở Y tế kiến nghị UBND tỉnh đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo từng giai đoạn cụ thể như sau: giai đoạn 2019-2025 xây mới cơ sở vật chất và bổ sung trang thiết bị y tế cho 77 trạm y tế và mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế cho 34 trạm y tế xã còn thiếu trang thiết bị. Giai đoạn 2026-2030, xây mới cơ sở vật chất và bổ sung trang thiết bị cho 60 trạm y tế.
Song song với đó, trong giai đoạn 2019-2030, ngành Y tế kiến nghị được thường xuyên sử dụng nguồn ngân sách chi thường xuyên và các nguồn hợp pháp khác để tiếp tục cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các trạm y tế xuống cấp, nhằm đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, phục vụ người dân trong tỉnh, đặc biệt là người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh, không có điều kiện khám, chữa bệnh ở những cơ sở y tế lớn.
Lãnh đạo Sở Y tế đặc biệt kiến nghị tỉnh cần có kế hoạch đầu tư xây mới đồng bộ cho Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành vì sắp tới đây khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khởi công xây dựng đến khi hoàn thành, trên địa bàn huyện rất cần có một bệnh viện khang trang, hiện đại với đầy đủ trang thiết bị máy móc, nhân lực cần thiết để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trong, ngoài tỉnh và cả du khách nước ngoài.
Hạnh Dung
Theo Đongnai
Cần hành lang pháp lý rõ ràng
Dù đã "đẩy" nhiều bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính, nhưng 4 năm trôi qua, Bộ Y tế vẫn "nợ" các cơ sở y tế về hướng dẫn tự chủ tài chính riêng cho ngành Y tế.
Để nâng cao chất lượng khi tự chủ, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đã mời các chuyên gia y tế ở TP.Hồ Chí Minh về làm việc và "cầm tay chỉ việc" cho các bác sĩ trẻ của bệnh viện. Ảnh: K.Ngọc
Do đó, cả Sở Y tế và các cơ sở y tế vẫn đang lúng túng trong vấn đề chỉ đạo, triển khai thực hiện tự chủ.
* Nhập nhằng cơ chế thu - chi
Theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị công lập của Chính phủ, Bộ Y tế cũng bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm tự chủ tài chính ở một số bệnh viện công từ năm 2015. Do Bộ Y tế chưa có thông tư hướng dẫn tự chủ tài chính riêng cho ngành Y tế nên các bệnh viện vẫn còn phải vận dụng các điều khoản của Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập từ năm 2006. Đây là khó khăn cho các bệnh viện vì chưa được thực hiện tự chủ hoàn toàn mà mới chỉ được tự chủ về tài chính.
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, ngay khi có chủ trương tự chủ, Bộ Y tế phải có những quy định rõ ràng về vấn đề này. "Mọi thông tư hướng dẫn đáng lý phải được làm rõ trước khi bước vào thực hiện tự chủ. Với cơ chế hiện nay, nhiều cơ sở y tế rất "sợ" tự chủ vì sợ làm sai. Bài toán bệnh viện công xuống cấp; lương bác sĩ thấp, bỏ việc... sẽ vẫn tiếp tục diễn ra và không có hồi kết. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để chỉnh sửa, Nhà nước chi quỹ không đủ phải mở cơ chế để các cơ sở thu thêm của người dân một cách minh bạch, hợp lý" - TS-BS.Phan Huy Anh Vũ nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, thực tế các kỹ thuật của y tế công vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người dân. Mới đây, bệnh viện đã vay 100 tỷ đồng từ ngân hàng để đầu tư khu khám, chữa bệnh dịch vụ. Dự kiến, cuối năm 2020, khu dịch vụ này sẽ đi vào hoạt động. Khi bệnh viện xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn thì phải có quyền thu thêm, không vượt quá mức trần quy định của Bộ Y tế. Nhưng đến nay, những điều này vẫn chưa được quy định rõ ràng.
Bác sĩ Phan Văn Huyên kiến nghị: "Tránh tình trạng đi sai đường, chúng tôi cần một cơ chế rõ hơn, mở hơn về thu - chi tài chính. Giờ chúng tôi cứ phải dò dẫm đi tìm đường, mỗi nơi phải linh động tìm cách sao để không sai luật".
* Tự chủ hoàn toàn mới ra khỏi vòng luẩn quẩn
"Một trưởng khoa đã được bổ nhiệm, dù làm không tốt, khiến bệnh viện trì trệ nhưng giám đốc bệnh viện vẫn không có quyền cắt chức hoặc thay người. Hoặc một bác sĩ có chuyên môn tốt, làm việc có hiệu quả cao nhưng không được trả lương đúng năng lực. Đây là thực trạng bệnh viện tự chủ nhưng vẫn không được tự quyết tại các bệnh viện công" - bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế cho hay.
Bác sĩ Lê Quang Trung cho rằng, khi cho các bệnh viện công tự chủ phải cho họ quyền tự quyết. Khi tự chủ, những cơ sở có tiềm lực về cơ sở vật chất, con người sẽ phát triển chuyên sâu, nâng cao uy tín. Qua đó, họ sẽ thu hút bệnh nhân đông hơn, có nguồn thu lớn, các cơ sở này sẽ có điều kiện tái đầu tư để nâng cao chất lượng hơn nữa, từ đó, sẽ giải quyết được "vòng luẩn quẩn": bác sĩ bệnh viện công lương thấp, nghỉ việc; cơ sở xuống cấp...
Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ phân tích thêm, cơ chế quản lý tài chính và con người của các đơn vị tự chủ cũng cần phải được tháo gỡ. Về cơ chế tài chính, khi đã giao tự chủ phải làm sao để các đơn vị được chủ động sử dụng nguồn thu - chi. Trong đó, lãnh đạo bệnh viện được quyền nhất định khi chi trả lương đúng với đóng góp của các cá nhân. Có nghĩa, các cá nhân làm tốt hơn, năng suất hơn thì được trả lương cao hơn và ngược lại. Để đảm bảo tính công bằng, Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát các hoạt động của đơn vị theo quy định nhưng không làm mất tính tự chủ của đơn vị.
Đối với vấn đề quản lý con người, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Nhà nước cần có cơ chế thoáng về tiếp nhận và sử dụng con người. Các bệnh viện tự chủ đang phải tự tìm nguồn lương chi trả cho người lao động nên họ có quyền được chi trả lương phù hợp, đồng thời có quyền chọn cá nhân có năng lực và đào thải cá nhân không đáp ứng được công việc. Về trang thiết bị, Nhà nước cũng cần có cơ chế cho các đơn vị công lập thực hiện tự chủ giống như các đơn vị ngoài công lập trong việc đầu tư trang thiết bị. Như vậy, các đơn vị được quyền huy động các nguồn để đầu tư máy móc hiện đại phục vụ chuyên môn với thủ tục đơn giản và nhanh chóng hơn.
Khánh Ngọc
Theo Đongnai
Hiệu quả quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới và thực tế tại các địa phương cho thấy việc quản lý, điều trị cho người mắc các bệnh không lây nhiễm (BKLN) tại y tế tuyến cơ sở là hết sức quan trọng. Thời gian gần đây người dân trên địa bàn xã Kim Chính, huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình đều định kỳ...