Đầu tư 27,5 tỉ đồng xây nhà cho… 10 người làm việc
Gần 7 năm nay, tòa nhà 9 tầng với tổng diện tích mặt sàn rộng tới 5.300 m2 của Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Nam Định được xây với số tiền lên tới 27,5 tỉ đồng nhưng chỉ phục vụ có… 10 người làm việc.
2/3 tòa nhà này đã bị bỏ phí suốt nhiều năm – Ảnh: Văn Đông
Trong vai một người đi thuê địa điểm mở công ty máy tính, PV đã có mặt tại Trung tâm Công nghệ thông tin (TT CNTT, thuộc Sở KH-CN tỉnh Nam Định) và được người trực hành chính của cơ quan này cho biết: “Trung tâm chỉ sử dụng 3 tầng dưới để làm việc, 6 tầng trên bỏ trống”.
Trong đó, tầng 1 là các phòng, ban; tầng 2 dành cho lãnh đạo TT; tầng 3 chỉ dùng 1 phòng để đặt máy chủ quản lý dữ liệu.
Theo quan sát, từ tầng 4 – 9 của tòa nhà bị bỏ không, một số phòng cửa mở hoặc khép hờ, riêng tầng 6 – 9 các cửa phòng khóa chặt, một số khóa còn niêm phong, hành lang bụi phủ dày… Tại tầng 4, tầng 5, hệ thống quạt gió, đèn điện hầu như đều hư hỏng, hệ thống nhà vệ sinh của 6 tầng phía trên trần bong tróc, trơ cả lõi bê tông.
Tòa nhà này thuộc dự án “Đầu tư xây dựng Trung tâm CNTT tỉnh Nam Định” với quy mô 9 tầng, 5.300 m2 sàn, trị giá xây dựng 27,5 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách. Từ cuối năm 2008, TT CNTT bắt đầu sử dụng tòa nhà với nhiệm vụ “thành lập trung tâm đào tạo CNTT cho cán bộ công chức, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, cung cấp dịch vụ, nghiên cứu phát triển ứng dụng và chế tác phần mềm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và khu vực, là đầu mối phát triển CNTT với các đối tác trong và ngoài nước và là “lồng ấp” các doanh nghiệp CNTT tỉnh Nam Định”.
Tuy nhiên, theo các nhân viên thì từ lúc thành lập đến nay, khi nhiều nhất trung tâm cũng chỉ có khoảng 15 người, nay là 10 người.
Cũng từ lúc thành lập, TT chưa từng sử dụng quá 3 tầng của tòa nhà, mỗi tầng cũng không sử dụng hết các phòng. Lần duy nhất các tầng 4 – 5 được sử dụng là để cho một đơn vị khác cũng thuộc Sở KH-CN Nam Định mượn tạm trong khi xây trụ sở mới.
Video đang HOT
Đáng nói là ngoài diện tích gần 1.000 m2 để xây tòa nhà, phần còn lại của dự án có diện tích 20.000 m2 này còn đang để cỏ mọc, riêng 10.000 m2 phía sau tòa nhà được Sở KH-CN tận dụng để… trồng khoai tây sạch.
Đặc biệt, TT này cũng chưa hoạt động theo mục tiêu đặt ra ban đầu. Mô hình dạy CNTT cho cán bộ, công chức của tỉnh chỉ mở được vài lớp thì tỉnh chuyển sang thuê doanh nghiệp tin học dạy. Công việc chính và duy nhất của TT hiện là quản lý vài trang thông tin điện tử của Sở KH – CN và vài sở, ngành, địa phương.
Theo ông Phạm Văn Khôi, Phó giám đốc Sở KH-CN Nam Định, nguyên nhân để lãng phí tòa nhà này là do dự án mới triển khai được một nửa là xây dựng xong tòa nhà trên thì Chính phủ cắt bỏ chương trình 95 nên thiếu vốn, đề án 112 cũng bị Chính phủ hủy bỏ nên TT không triển khai được các nhiệm vụ đề ra.
Ông Khôi cũng cho biết: cách đây 3 năm, UBND tỉnh Nam Định đã ký biên bản hợp tác với UBND TP.HCM về hợp tác phát triển CNTT. Trong đó, sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu tại tòa nhà kể trên, đơn vị hợp tác trực tiếp là Công ty phần mềm Quang Trung.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Bạch Ngọc Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khẳng định, hướng giải quyết trên rất khó khả thi vì nguồn đầu tư rất lớn, trong khi khả năng sinh lãi, khả năng phát triển lại rất thấp.
Theo ông Chiến, để thành lập được trung tâm dữ liệu như vậy, tỉnh phải đầu tư gần 40 tỉ đồng, hàng năm chi phí thêm khoảng trên 15 tỉ đồng phục vụ vận hành, việc thu hồi vốn đầu tư rất khó. Chưa kể khó cạnh tranh với các tập đoàn, doanh nghiệp tin học lớn, có thể dẫn tới lỗ, không hiệu quả.
Vì lý do này, tại cuộc họp bàn về định hướng phát triển CNTT tỉnh Nam Định giai đoạn 2015 – 2020 mới đây, trong các nội dung phát triển CNTT tỉnh Nam Định không hề nhắc đến nội dung liên kết thành lập trung tâm dữ liệu như lãnh đạo sở KH-CN đã đề cập. Điều đó có nghĩa, sự lãng phí tại tòa nhà 9 tầng trên chưa biết bao giờ được khắc phục.
Văn Đông
Theo Thanhnien
Trường học 10 tỷ đồng bỏ hoang ngay trung tâm Hạ Long
Nằm trên một ngọn đồi ở trung tâm thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), trường THCS Cao Xanh đã phải bỏ hoang 2 năm nay do lo ngại tình trạng xuống cấp ảnh hưởng đến tính mạng học sinh.
Trường THCS Cao Xanh nằm trên một ngọn đồi với kinh phí xây dựng 10 tỷ đồng. Được đưa vào sử dụng năm 2008, trường đã ngừng hoạt động gần 2 năm nay, biển báo được tháo xuống, cổng khóa chặt, khuôn viên không một bóng người.
Ngôi trường có quy mô 3 tầng, gồm 15 phòng học, một khu nhà hiệu bộ, có thể đáp ứng được nhu cầu học tập và giảng dạy của trên 500 học sinh và giáo viên.
Xung quanh móng ngôi trường này bị nứt với khe rộng 5-7 cm. Theo người dân, nhiều năm trước khu vực này từng có tình trạng khai thác than "thổ phỉ", nhiều hầm than đào sâu vào lòng núi. Trong đó, có cả khu đồi mà trường THCS Cao Xanh xây dựng.
Tường và trần nhà xuất hiện rãnh nứt rộng từ tầng 1 lên đến tầng 3. Khu vực tầng 1 của ngôi trường có nhiều vết nứt kéo dài. Tại các cột chịu lực chính, các vết nứt chằng chịt đan chéo vào nhau.
Tại khe co giãn giữa 2 khối nhà xuất hiện tình trạng lún, xô lệch rộng 6 đến 7cm.
Kính của nhiều phòng học vỡ bắn tung tóe. Ông Đỗ Văn Lộc, Tổ trưởng tổ dân phố số 34 phường Cao Xanh, cho biết ngôi trường này đi vào sử dụng từ năm 2008, chỉ một năm sau hiện tượng lún, nứt xuất hiện. Từ năm 2013, do lo sợ tình trạng lún nứt ảnh hưởng tới sự an toàn của học sinh, phụ huynh đã kiến nghị tới các cơ quan chức năng, sau đó toàn bộ học sinh Trường THCS Cao Xanh được chuyển về địa điểm khác cách chỗ cũ gần 4 km.
Ngôi trường bỏ hoang, để cỏ mọc cả trên hành lang lát gạch. Trả lời về hướng xử lý với công trình 10 tỷ đồng này, ông Trần Trọng Trung, Phó chủ tịch UBND thành phố Hạ Long cho biết, sắp tới thành phố sẽ cho tu sửa để bàn giao cho đơn vị khác sử dụng, tránh lãng phí.
Theo ông Trung, phải có thẩm định của chuyên gia mới xác định được nguyên nhân trường bị nứt có phải do than "thổ phỉ" hay không, vì từ thời Pháp thuộc khu vực này đã bị khai thác dưới lòng đất, nên rất khó đánh giá. Trong ảnh toàn bộ bàn ghế của trường đã được chuyển đi nơi khác.
Minh Cương
Theo VNE
Dự án công viên lớn nhất Việt Nam để cỏ mọc hoang Được kỳ vọng là công viên sinh thái tầm cỡ khu vực với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, song 11 năm qua dự án Công viên Sài Gòn Safari (TP HCM) vẫn là bãi đất hoang, um tùm cỏ. Theo quy hoạch, dự án Công viên Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ...