Đầu tư 18 tỷ đồng cải tạo đất bỏ hoang để nuôi tôm, 3 năm được… 3ha
Suốt 3 năm tỉnh Long An ráo riết đổ hàng tỷ đồng vào đầu tư hạ tầng nhằm khuyến khích nông dân nuôi tôm, hạn chế tình trạng đất bỏ hoang, nhưng kết quả đạt được rất khiêm tốn.
Đổ hàng tỷ…
Theo báo cáo của UBND huyện Cần Đước, năm 2017, xã Tân Chánh có 195ha đất bỏ hoang, xã Long Hựu Tây có 83ha đất bỏ hoang.
Qua công tác giám sát, Ban Kinh tế – Ngân sách (HĐND tỉnh Long An) đã kiến nghị ngành chức năng thực hiện các giải pháp nhằm khôi phục, giảm diện tích đất nông nghiệp thủy sản bị bỏ hoang tại 2 xã Tân Chánh và Long Hựu Tây.
Ao tôm bị “treo” ở Cần Đước.
Từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, năm 2017, ngành NNPTNT tỉnh Long An đầu tư nạo vét đắp bờ bao xây dựng công trình thủy lợi kết hợp giao thông trên địa bàn huyện Cần Đước với tổng số tiền trên 18 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, UBND huyện Cần Đước còn đầu tư công trình thủy lợi nội đồng với tổng số tiền gần 4 tỉ đồng cho 2 xã Long Hựu Tây và Tân Chánh.
Cùng lúc ấy, năn 2018 ngành Điện lực Long An xây mới và nâng cấp các đường dây trung, hạ áp và các trạm biến áp phục vụ nuôi tôm công nghiệp tại các xã Long Hựu Đông, Long Hựu Tây và Tân Chánh với tổng số tiền 13 tỉ đồng.
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, ngành NNPTNT tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền; hỗ trợ mô hình sản xuất đầu tư ao lắng trong nuôi tôm nước lợ; hỗ trợ cây giống, vật nuôi, thủy sản để khôi phục vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Riêng năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh, đã hỗ trợ 2 tổ hợp tác nuôi tôm trên địa bàn huyện Cần Đước số tiền 91 triệu đồng.
Video đang HOT
3 năm được… 3ha
Sau 3 năm đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm, xã Tân Chánh vẫn còn 143ha đất bỏ hoang so với năm 2017; xã Long Hựu Tây chỉ mới giải quyết được… 3ha.
Giá tôm liên tục ở mức thấp khiến nông dân không đám đầu tư, diện tích đất bỏ hoang ở Cần Đước không được kéo giảm như mong muốn.
Hiện, một số khu vực trên địa bàn xã Tân Chánh đường nông thôn, nội đồng nhỏ hẹp, rất khó đi lại, chưa đáp ứng được giao thương, chở thức ăn hay thuê mướn Kobe đào múc đất làm ao nuôi tôm…
Ông Nguyễn Hoàng Vũ-cán bộ địa chính xã, giao thông-thủy lợi xã Tân Chánh cho biết, trên địa bàn xã còn 20 cầu lớn trên tuyến đường giao thông nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu cho xe tải hoạt động. Ngoài ra, còn gần 200 cầu nhỏ cần được đầu tư nâng cấp sửa chữa cho nhân dân đi lại, vận chuyển khi nuôi trồng thủy sản.
Ông Vũ cho biết thêm, nhiều tuyến đường trục chính trên địa bàn xã nhất là đoạn giáp sông Vàm Cỏ bị sạt lở khá nặng, ảnh hưởng đến việc vận tải hàng hóa phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản.
Vì sao vùng nuôi tôm tại 2 xã Long Hựu Tây và Tân Chánh được đầu tư nhiều mà vẫn chưa hấp dẫn nông dân nuôi tôm, chưa kéo giảm đáng kể đất bỏ hoang? Theo nhiều nông dân nuôi tôm cho biết, đó là do nông dân thiếu vốn đầu tư, dịch bệnh trên tôm hoành hành và giá cả bấp bênh.
Anh Huỳnh Thanh Hải – một nông dân nuôi tôm tại xã Tân Chánh cho biết, để đầu tư 1.000m2 ao tôm nông dân mất ít nhất 100 triệu đồng. Chưa kể tiền giống, thức ăn, thuốc đặc trị. Ngoài ra, nếu nông dân muốn hạ bình trung thế để nuôi tôm phải đầu tư trên 100 triệu đồng.
Nuôi tôm công nghệ cao ở Tân Chánh.
“Giá tôm những năm gần đây khá bấp bênh. Vừa qua, có khi giá tôm thẻ chân trắng 60-70 con/kg, giá chỉ 100.000 đ/kg; 100 -110 con/kg giá từ 80.000-90.000đ/kg. Với giá này, nông dân không có lãi. Trong khi, giá tôm giảm mạnh thì giá thức ăn, thuốc thủy sản, chi phí xăng dầu, điện sản xuất đều tăng cao, người nuôi tôm càng khó khăn hơn, không dám đầu tư nuôi nữa”, anh Hải thổ lộ.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, trong năm 2019, với mục tiêu cải thiện hạ tầng, điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 2 xã Long Hựu Tây và Tân Chánh, Sở đã tham mưu UBND tỉnh đầu tư các công trình thủy lợi: Sửa chữa cống Bà Xiểng, Nhà Thờ, Mương Tam phục vụ tưới tiêu diện tích 450ha cho 2 xã Long Hựu Tây và Tân Chánh; Sửa chữa cống Mương Lá (xã Long Hựu Tây) phục vụ tưới tiêu 180ha, xây mới cống Bà Nghĩa (xã Tân Chánh).
Theo Danviet
Người được ví là "Vua" tôm đất Nghệ An, thu 50 tỷ mỗi năm là ai?
Quyết tâm làm giàu trên vùng sình lầy của quê hương, ông Nguyễn Hồng Cương (SN 1965), trú tại phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) bắt đầu dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng. Giờ đây, ông đã sở hữu 18ha tôm thương phẩm và 1,5ha sản xuất tôm giống. Nhiều người gọi ông Cương là "Vua" tôm đất Nghệ An.
Chuỗi ngày gian khó
Ông Cương sinh ra trong một gia đình thuần nông. Năm 1974, bố ông Cương hy sinh trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, lúc ấy ông Cương vừa tròn 9 tuổi.
Khi lớn lên, ban đầu ông Cương theo đuổi nghề may để đỡ đần phần nào kinh tế cho gia đình. Song song với nghề may, ông còn phụ giúp mẹ và chị gái trồng lúa, nuôi hươu...Qua thời gian, ông Cương đã tích lũy được một số vốn kha khá. Từ cơ duyên trong một chuyến đi cùng mẹ vào vùng biển Khánh Hòa thăm bà con, ông nhanh chóng hỏi han, tìm hiểu những mô hình nuôi tôm tại đây.
Năm 1992, ông Cương bắt đầu lặn lội khắp các vùng biển miền Trung học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm. Sau đó, ông làm nghề dịch vụ đưa tôm sú từ các tỉnh Nam Trung Bộ ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ, công việc thuận lợi, lợi nhuận ngày một tăng.
Nông dân giỏi Nguyễn Hồng Cương cùng công nhân kiểm tra tôm giống ở trại nuôi. Ảnh: Cảnh Thắng
Với kinh nghiệm nuôi tôm học được sau những ngày bôn ba, năm 1994, ông Cương quyết định thuê vùng đất sình lầy nhiễm mặn ở xã Quỳnh Liên (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) để bắt đầu thả những con giống tôm đầu tiên.
Năm 2009, ông Cương trở về xã Quỳnh Dị thuê đất đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ mới. Diện tích ban đầu ông làm là 3,5ha, mỗi năm nuôi 2 vụ.
Năm 2010, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm, sản lượng tôm ông thu hoạch từ 3,5ha được 68 tấn, doanh thu 6,8 tỷ đồng. Trừ chi phí, ông lãi hơn 1 tỷ đồng.
Thấy việc làm ăn bắt đầu thuận lợi, năm 2012, ông Cương quyết định thuê lại đất của người dân quanh vùng mở rộng diện tích nuôi. Cùng thời điểm này, ông lấy lại trại tôm giống ở xã Quỳnh Liên (đã cho người khác thuê trước đó nhưng hiệu quả thấp) để tiếp tục đầu tư sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Cũng từ đây, trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả cao. Nguồn giống được cả khu vực Bắc Trung Bộ tin dùng.
Theo đuổi nuôi tôm công nghệ cao, quy mô lớn
Ngoài sản xuất tôm giống thẻ chân trắng, ông Cương còn mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi tôm thương phẩm. Đến nay, tổng diện tích ao nuôi của gia đình ông Cương là 19,5ha, trong đó diện tích nuôi tôm thương phẩm là 18ha cho năng suất 250 tấn/năm; diện tích ao nuôi tôm giống là 1,5ha cho ra thị trường 300 triệu con/năm. Tổng doanh thu hàng năm của ông Cường đạt 50 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 9 tỷ đồng.
"Để có được con tôm giống thẻ chân trắng khỏe mạnh, ít bệnh tật tôi phải lựa chọn cặp bố mẹ khỏe mạnh, được nhập khẩu từ nước ngoài về. Hàng năm, tôi thay đổi cặp tôm bố mẹ theo tiêu chuẩn của Bộ NNPTNT. Con tôm giống của tôi cứ nuôi được 20 ngày là chúng tôi xuất bán. Nhiều khi không có hàng để bán"- ông Cương cho hay.
Đã từng thấu hiểu những khó khăn ban đầu về vốn khi đầu tư nuôi tôm, ông Cương đã giúp đỡ hơn 50 người dân trong xã hàng tỷ đồng không tính lãi bằng cách cung cấp thức ăn chăn nuôi, hóa chất xử lý ao hồ cho các hộ nuôi mới gặp khó khăn. Đồng thời, ông tư vấn hướng dẫn cho hàng chục hộ dân về việc xây dựng ao hồ, kỹ thuật nuôi tôm.
Ông Cương cũng là người đi đầu trong hoạt động tình nghĩa. Hàng năm ông đều ủng hộ cho quỹ người nghèo, quỹ khuyến học của địa phương 50 triệu đồng, giúp đỡ 1 đến 2 hộ nông dân thoát nghèo bằng hình thức hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, cho vay vốn không tính lãi từ 20 đến 50 triệu đồng.
Với những cố gắng, nỗ lực của ông Nguyễn Hồng Cương, sản phẩm tôm của ông đã được trao chứng nhận danh hiệu "Chất lượng Vàng thủy sản Việt Nam lần thứ IV năm 2017" của Hội Nghề cá Việt Nam; cá nhân ông được UBND thị xã Hoàng Mai tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2010-2015; được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững...
Ông Nguyễn Hồng Cương là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu được Hội đồng chung khảo bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019" sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10/2019.
Theo Danviet
Vay vốn Agribank nuôi tôm lót bạt, dân vùng cát trắng đổi đời Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) để nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt trên cát, anh Trần Văn Hận đã phất lên, thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Quyết làm giàu trên vùng cát trắng Về xã Duy Vinh, huyện...