“Đấu trường môtô” Motul Stunt Fest 2016 tại Hà Nội
Tại vòng chung kết Motul Stunt Fest 2016, các stunter Việt Nam đã cống hiến cho khán giả những màn biểu diễn cực kỳ sôi động.
Tại vòng chung kết của cuộc thi biểu diễn môtô Motul Stunt Fest 2016, đã có tổng cộng 10 thí sinh đã được tuyển chọn từ các vòng đấu loại ở Hà Nội và TP.HCM.
Tuy nhiên ngay trong ngày đầu tiên thi đấu (5/3/2015), đã có một thí sinh không tham gia thi đấu vì lý do cá nhân. Ở ngày cuối thi đấu, số lượng thí sinh tham gia thi lại tiếp tục bị giảm xuống do một số stunter đã bỏ cuộc.
Năm nay, các stunter tại Việt Nam vẫn đem tới cho khán giả các kỹ thuật quen thuộc như wheelie (bốc đầu), stoppie (bốc đuôi), Biscuit Eater (bốc đuôi với chân vắt lên tay lái), donut (đốt lốp theo vòng tròn), burnout (đốt lốp), switchback (ngồi ngược lái xe), drift và acrobatics (liên tục đổi các tư thế khác thường khi điều khiển xe).
Tuy nhiên nhìn chung, trình độ của các stunter tham gia vào vòng chung kết năm nay đã có sự tiến bộ rõ rệt so với các năm trước. Điều này được thể hiện rõ nhất qua việc nhiều stunter có thể liên tiếp thực hiện các kỹ thuật khó cùng một lúc như switchback burnout, acrobatics wheelie…
Số lượng những cú ngã của các thí sinh đã giảm rất ít, mặc dù trong ngày đầu tiên thi đấu, trời Hà Nội mưa phùn khiến cho mặt sân lát gạch trở nên rất trơn trượt.
Những cú ngã cũng không để lại bất cứ chấn thương nào cho các vận động viên khi họ có thể ngay lập tức dựng xe dậy và tiếp tục cống hiến cho khán giả các kỹ thuật đẹp mắt.
Về xe thi đấu, dù thể lệ tham gia không giới hạn về loại xe nhưng gần như tất cả các thí sinh đều sử dụng xe có khung dạng backbone, bình xăng nằm ở trước người lái.
Trong đó, dòng minibike Honda MSX 125 được khá nhiều các stunter lựa chọn do có giá thành và giá phụ tùng thay thể rẻ, trọng lượng nhỏ, khả năng điều khiển linh hoạt nhờ có kích thước “mini”… Cao cấp hơn là những chiếc xe như Yamaha FZ-S hay KTM Duke.
Tuy nhiên, năm nay cũng có tới 2 thí sinh lọt vào vòng chung kết sử dụng loại xe số côn tay phổ thông Yamaha Exciter với cơ cấu khung dạng underbone. Thiết kế này đã chứng tỏ sự hạn chế so với các loại xe khung backbone do việc không có bình xăng phía trước khiến stunter khó có thể thực hiện được các kỹ thuật acrobatics.
Video đang HOT
Chính vì vậy, cả 2 stunter sử dụng Exciter đều bỏ cuộc vào cuối ngày thứ 2 thi đấu sau khi nhận được số điểm thấp của ban giám khảo. Những kỹ thuật họ thực hiện thường là wheelie, burnout, drift và donut.
Mẫu xe “khủng” nhất” của thí sinh tham gia thi đấu là chiếc Kawasaki ZX-6R của stunter nổi tiếng Ngô Nguyễn Anh Tuấn (ViettuanGC). Chiếc xe này đã được anh Tuấn độ lại với các chi tiết “thửa riêng” giống xe của các stunter nước ngoài làm giám khảo.
Có công suất lớn hơn rất nhiều so với xe của các thí sinh khác, ViettuanGC có thể dê dàng thực hiện được các kỹ thuật như drift hay donut. Anh là thí sinh duy nhất có thể burnout ra khói trong ngày đầu tiên dù mặt sân ướt, khiến cho khán giả cảm thấy cực kỳ phấn khích.
Ngoài ra, với kinh nghiệm nhiều năm tập luyện bộ môn Stunt, ViettuanGC cũng có thể thực hiện được các kỹ thuật acrobatics rất khó.
Với kinh nghiệm nhiều năm thi đấu và dẫn đầu tại Motul Stunt Fest, nhiều người đã dự đoán rằng anh sẽ tiếp tục vô địch trong giải năm 2016 này.
Tuy nhiên, số điểm cuối cùng của ban giám khảo sau 4 buổi thi đấu đã khiến tất cả bất ngờ khi anh chỉ đứng thứ 2.
Năm nay, chiếc cúp vàng của nhà vô địch Motul Stunt Fest đã được trao cho stunter Nguyễn Tuấn Anh, điều khiển xe KTM Duke và chơi trong CLB Hanoi Stunt Rider.
Tuấn Anh không phải là người duy nhất trong Hanoi Stunt Rider chiếm vị trí cao tại giải năm nay, khi đứng thứ 3 cũng là một thành viên của CLB – stunter Nguyễn Quốc Hưng với chiếc Honda MSX 125 tem đấu Redbull đã quen thuộc với khán giả từ Motul Stunt Fest 2015.
Sau 2 ngày tranh tài, cuộc thi Motul Stunt Fest 2016 đã khép lại cực kỳ thành công. Với những kinh nghiệm đã thu được tại cuộc thi năm nay, hy vọng các stunter Việt sẽ tiếp tục quay trở lại vào cuộc thi năm sau với sự chuyên nghiệp ngày càng nâng cao, từng bước đưa phong trào chơi stunt tại Việt Nam gần hơn với các nước bạn.
Theo_Kiến Thức
Soi dàn môtô "đặc chủng" của các stunter tại Việt Nam
Trước ngày tranh tài Motul Stunt Fest 2016 tại Hà Nội, các stunter quốc tế và Việt Nam đã "dọn dẹp" những chiếc môtô "đặc chủng" để biểu diễn.
Tại vòng chung kết cuộc thi biểu diễn môtô Motul Stunt Fest 2016, 3 stunter nổi tiếng quốc tế gồm Aaron Twite (Mỹ), Hiroyuki Ogawa (Nhật Bản) và Stunter13 (Ba Lan) cùng stunter ViettuanGC của Việt Nam sẽ có mặt để cống hiến cho khán giả những màn biểu diễn đẹp mắt.
Những chiếc môtô đặc chủng được độ lại chuyên dùng cho các màn stunt của 4 stunter đã được bảo dưỡng và chuẩn bị kỹ càng để họ có thể bắt đầu việc tập luyện vào ngày 2/3/2016.
Sự lựa chọn của cả 4 stunter nổi tiếng này đều là những chiếc sportbike 600 cc từ Nhật phổ biến như Kawasaki Ninja ZX-6R, Yamaha R6... do có động cơ mạnh mẽ, độ bền cao, dễ sửa chữa và phụ tùng dễ kiếm hơn.
Để có thể thực hiện được những màn stunt đòi hỏi kỹ thuật cao, những chiếc xe này đã được độ lại với những chi tiết chuyên dụng. Để các stunter dễ thao tác, giảm trọng lượng và giảm tối đa chi phí sửa chữa, gần như toàn bộ dàn vỏ của chúng cũng đã được tháo bỏ.
Hệ thống phanh trước trên những chiếc xe stunt sẽ được nâng cấp với heo có lực phanh cao hơn để dễ dàng thực hiện những cú stoppie (bốc đuôi). Heo phanh thường được lựa chọn nhất là Brembo 4 pis.
Một số chiếc xe còn được lắp thêm gác chân ở trên phuộc trước, giúp cho các stunter có thể đứng trên đầu xe khi biểu diễn.
Thay vì tay lái clip-on nguyên bản, những chiếc xe stunt có ghi-đông cao hơn để stunter có thể dễ điều khiển hơn.
Một chiếc xe stunt chuyên nghiệp thường có thêm heo phanh phía sau để tăng lực phanh, chính vì vậy trên ghi-đông của xe còn xuất hiện thêm một tay phanh để điều khiển. Cả tay côn và tay phanh phụ đều được cắt ngắn, tránh bị gãy khi xe đổ.
Những chiếc xe stunt cũng thường không có đồng hồ chỉ báo, tuy nhiên một số stunter vẫn có thể lắp cho xe đồng hồ để dễ kiểm soát vòng tua máy cùng các thông số hơn.
Phần bình xăng trên mỗi chiếc xe cũng thường bị đập lõm ở trên đỉnh, tạo chỗ đứng vững chắc cho stunter trong một số pha biểu diễn.
Bộ khung nhôm nguyên bản của các dòng sportbike thường bị cắt ở đoạn giữa và thay bằng khung Trellis, không chỉ nhằm giúp cho chiếc xe linh hoạt hơn mà còn tạo điểm gắn khung chống đổ chuyên dụng.
Động cơ nguyên bản của mỗi chiếc xe thường được giữ nguyên, nhưng có "nước đề" cực mạnh để dễ dàng "bốc đầu" (wheelie) nhờ có nhông-sên-đĩa được sắp lại với đĩa xích phía sau "ngoại cỡ".
Do không thể lắp phanh đĩa kép ở bánh sau nên phanh đĩa cỡ lớn cùng 2 heo hiệu năng cao đã được trang bị cho mỗi chiếc xe.
Trên trục sau cũng có gù để các stunter đứng khi biểu diễn. Sau nhiều cú trượt ngã, những gù này thường bị "mòn vẹt" đi nhiều so với độ dài khi còn mới.
Phần yên vốn dành cho người ngồi sau trên mỗi chiếc xe cũng được khoét lỗ để stunter đứng khi thực hiện những cú wheelie gần như thẳng đứng, trong khi khung thép phía sau khiến chiếc xe không bị lộn ngược.
Những trang bị kể trên có thể khác nhau tùy theo phong cách biểu diễn của mỗi stunter. Tuy nhiên những chiếc xe stunt đều chắc chắn phải có khung chống đổ, hệ thống phanh hiệu năng cao và loại bỏ dàn áo ngoài.
Vào ngày 5 và 6/3/2016, cùng với 4 stunter chuyên nghiệp, sẽ có tổng cộng 10 thí sinh Việt Nam được chọn từ vòng loại phía Bắc và phía Nam tranh tài tại Motul Stunt Fest 2016.
Vòng chung kết Motul Stunt Fest 2016 sẽ diễn ra 2 ngày từ ngày 06 đến ngày 07/03/2016 tại Hà Nội với sự góp mặt của 3 stunter nổi tiếng trên thế giới là Aaron Twite, Hiroyuki Ogawa và Stunter13 - người lần đầu tới Việt Nam - với tư cách là khách mời cũng như ban giám khảo.
Theo_Kiến Thức
Biker Việt thi tài trình diễn xe mạo hiểm Những kỹ năng biểu diễn môtô mạo hiểm được các tay lái trẻ từ Bắc vào Nam thể hiện thuần thục trong khuôn khổ vòng chung kết Motul Stunt Fest 2016. Những kỹ năng như bốc đầu, nhấc đuôi, điều khiển xe bằng chân... được các tay lái trẻ tuổi thực hiện khá thuần thục trong ngày tranh tài tại Motul Stunt Fest...