‘Dâu quý’ trong nhà
Mẹ chồng tôi là vậy, lúc nào bà cũng coi tôi như khách trong nhà. Càng vậy tôi càng sợ hãi và cảm thấy mệt mỏi.
ảnh minh họa
Phải thừa nhận, mẹ chồng tôi là một người tốt, chăm chỉ, sống vì gia đình. Nhưng, bà có cách suy nghĩ rất lạ. Thời tôi và người chồng bây giờ còn yêu nhau, lúc nào bà cũng bảo coi tôi như khách quý. Tôi đến chơi, bà tất bật đón tiếp. Bà pha nước mời tôi uống, nấu cơm mời tôi ăn và không bao giờ để tôi động tay động chân vào bất cứ việc gì, dù nhỏ. Ngay cả việc ăn xong thì một người đáng tuổi con tuổi cháu như tôi bê mâm bát đi rửa âu cũng là hợp lẽ, bà cũng không cho. Lúc nào bà cũng nói: “Ấy chết, cháu là khách quý. Bác không thể để cháu làm thế được. Cháu cứ ngồi chơi, bác làm loáng cái là xong”.
Video đang HOT
Ngày đó, tôi cũng thấy thinh thích cái danh “khách quý” mà mẹ người yêu đặt cho mình. Tôi thấy mình được trân trọng, được đánh giá cao và mường tượng đó sẽ là khởi đầu cho cuộc sống tốt đẹp mai sau.
Hơn một năm sau, chúng tôi làm đám cưới. Tối đầu tiên tôi ở nhà chồng, mẹ đã gọi cả hai chúng tôi lại căn dặn. Nhưng, bà không nói gì với tôi cả. Thay vào đó, bà nói rất nhiều với chồng tôi. Bà bảo tôi trước là khách quý, nay là dâu quý. Vì thế cả nhà phải trân trọng, đối xử tử tế, chu đáo với tôi. Quả thật, lúc đó tôi cũng thấy hơi xấu hổ. Nhưng, tôi cũng thở phào vì có một người mẹ chồng tuyệt vời. Bạn bè của tôi, có mấy ai hài lòng về mẹ chồng đâu. Thậm chí có cô bạn lúc nào cũng than thở là bị mẹ chồng xét nét, đe nẹt theo kiểu “mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”.
Nhưng, không ngờ, nỗi phiền muộn của tôi lại bắt nguồn chính từ cụm từ “xưa khách quý nay dâu quý” ấy. Mẹ chồng tôi nghe kể lại là con một gia đình khá giả ngày trước. Bà từ nhỏ đã sớm được dạy dỗ chu đáo. Cứ nhìn cách bà ứng xử khéo léo, nói năng điều độ, mực thước của bà là biết. Còn tôi lại thuộc thế hệ khác. Tôi thích cách sống hiện đại, không đặt nặng quy tắc, lễ nghi. Tôi coi gia đình là nơi có thể sống thoải mái, hồn nhiên thay vì lúc nào cũng phải chào hỏi xã giao, phải giữ mình như chốn công sở.
Nhưng, sự vô tâm vô tính của tôi có lẽ không thuận lắm trong mắt mẹ chồng. Dần dần, tôi nhận ra, hình như mình làm gì xong là mẹ chồng cũng đi theo phía sau để sắp xếp lại. Một lần, về đến nhà, tôi trót để đôi giày cáo gót dưới sàn. Tôi vừa bước đi trước thì mẹ chồng đã chạy ra cửa, nhặt đôi giầy của tôi đặt nghiêm chỉnh lên giá. Tôi vừa xấu hổ, vừa ngại, vội đỡ lấy mẹ chồng. Tôi bảo: “Mẹ ơi! con sợ ý, con xin lỗi. Nhưng mẹ đâu cần phải đích thân nhặt giày của con lên như vậy. Mẹ chỉ cần bảo con một câu là xong”. Mẹ tôi không tỏ ra chút tức giận, vội vã gạt đi: “Ấy chết, con như dâu quý trong nhà…”.
Còn rất nhiều lần khác nữa cũng như vậy. Tôi uống nước quên rửa chén, mẹ chồng tôi vội bê đi rửa thay tôi. Quần áo phơi trên dây, đến tối tôi chưa kịp cất, mẹ chồng vội vàng lấy xuống, gấp gọn gàng và tận tụy bê vào tận đầu giường cho tôi. Sự việc liên tục xảy ra khiến tôi có cảm giác, mình thật là người tội lỗi. Tôi không làm được gì cho mẹ thì thôi, nay còn bắt người già cả phục vụ lại. Nhưng trong cuộc sống, không phải cái gì cũng tròn trịa. Tôi cũng vậy. Một ngày tôi có bao nhiêu việc phải lo toan không thể làm gì cũng hoàn hảo, cũng chu toàn. Tôi chỉ ước mẹ chồng tôi coi việc đó là bình thường thay vì bà cứ phải lao tâm khổ tứ. Nếu cần, bà cứ mắng tôi, nhắc tôi không được sống bừa bãi, tôi còn cảm thấy thoải mái và đỡ tổn thọ hơn là bà im lặng và cần mẫn giúp tôi “sửa sai” theo cách như vậy.
Mẹ chồng tôi là một người rất coi trọng các quy tắc ứng xử, đặc biệt là đề cao câu chào hỏi. Mà với bà, đã chào thì phải đúng chuẩn mực. Đó là phải đứng nghiêm, nhìn vào mặt người được chào và hơi cúi đầu xuống. Như đã nói, tôi sống khá thoáng nên ban đầu nghĩ rằng, mẹ con đâu cần quá câu nệ. Đi làm về, nhiều lúc tôi vừa bước vào vừa reo to: “Mẹ ơi con về rồi”. Mẹ chồng tôi im lặng, không nói gì. Cứ ngỡ mẹ chưa nghe rõ, tôi lại chào to hơn, vẫn là sự im lặng đáng sợ. Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra nên không dám gặng hỏi. Tối đó, mẹ chồng gọi tôi ra nói chuyện riêng. Bà nói rằng, đó không phải là câu chào mà chỉ là lời thông báo. Tôi là con, khi chào người lớn không được phép chào to, cũng không được vừa đi vừa chào. Tôi đành nói lời xin lỗi mẹ nhưng trong lòng cảm thấy không chút thoải mái. Tôi nghĩ, mẹ chồng mình có vẻ cứng nhắc và khách sáo quá chăng.
Từ đó, nhà chỉ có 3 người lớn là vợ chồng tôi và mẹ chồng, nhưng, đi ra đi vào là chào. Sáng ra, vừa mở mắt là tôi phải đứng nghiêm chào mẹ chồng ngay. Đi làm lại chào mẹ chồng lần nữa. Về nhà cũng chào mẹ chồng sau cả ngày không gặp. Tối đến thì chào và chúc bà ngủ ngon trước khi về phòng. Tôi chào nhiều đến nỗi đôi khi cảm thấy mình làm như một cái máy. Sau lần nói chuyện với tôi, mẹ chồng có vẻ bằng lòng khi tôi đã biết chào hỏi đúng chuẩn mức. Nhưng, đáng sợ là bà cũng tỏ ra chuẩn mực không kém. Mỗi khi đi đâu, bà cũng tìm tôi để… chào lại. Còn khi được tôi chào, bà nhã nhặn đáp: “Vâng, không dám. Mẹ chào con. Cảm ơn con”.
Quả thật, ai ở trong hoàn cảnh của tôi mới thấy khổ sở đến thế nào. Tôi không phải là người vô giáo dục, cũng không phải là không biết phép tắc. Tôi không nghĩ gia đình là nơi để người ta xã giao với nhau quá mức như vậy. Nhưng, mẹ chồng tôi cho thế là đúng thì tôi chẳng còn gì để nói. Một lần, tôi thử nửa tâm sự, nửa đề nghị với mẹ chồng: “Mỗi khi con chào mẹ đừng trả lời là không dám làm con thấy rất ngại”. Mẹ chồng tôi lại bảo: “Ấy chét, con là dâu quý trong nhà mà. Muốn hòa thuận thì phải coi trọng nhau con ạ”.
Thực sự, đến bây giờ, mỗi khi nghe đến 2 từ “dâu quý” là tôi dị ứng. Sống chung với nhau khá lâu, tồi chưa thấy lần nào mẹ chồng tôi nổi cáu. Bà lúc nào cũng giữ thái độ nhã nhặn, lịch lãm. Nhưng, bà cứ như vậy thì tôi lại càng thấy xa cách mẹ chồng hơn. Dù đã cố nhưng tôi không cảm thấy sự thân thiết mẹ con mà lúc nào chúng tôi cũng như hai đối tác phải giữ kẽ, giữ phép với nhau vậy. Ngay cả cách mẹ chồng tôi chăm sóc tôi,tôi cũng thấy sợ. Mẹ chồng, tôi bình thường vẫn đảm nhiệm việc đi chợ vì tôi phải đi làm sớm.
Riêng cuối tuần, bà thích đổi món cải thiện. Mỗi khi như vậy, định mua món gì, mẹ chồng tôi lại vào gõ cửa phòng tôi và hỏi: “Mẹ đang định mua món này, không biết con có ăn được không để mẹ nấu”. Rồi khi thì: “Con có đồng ý cho mẹ nấu món này không con?”. Trời, thực sự lúc đó, tôi thấy mình hồn siêu phách lạc, tim đập rất nhanh. Tôi đâu có quyền gì mà cho phép mẹ chồng nấu món này, món kia. Thay cho cách hỏi ấy, giá mà mẹ có thể chọn cách trò chuyện bình dân hơn, những tình cảm hơn với tôi thì thật là tuyệt.
Thú thật, trước khi lên xe hoa, tôi đã từng nghĩ mình sẽ cố gắng hết sức để làm một người con dâu tốt. Tôi sẽ xóa tan khoảng cách mẹ chồng nàng dâu. Tôi sẽ rủ mẹ chồng đi xem phim, mua sắm, tối về tôi sẽ vào phòng tâm sự, trò chuyện với mẹ. Thế nhưng, khi đã thành “dâu quý” thì tôi không sao làm được điều đó. Mẹ chồng mệt, tôi định nấu cháo cho bà thì bà vội gạt đi: “Ấy chết, con để mẹ tự lo. Mẹ không phiền đến con” làm tôi vô cùng đau lòng. Dần dà, tôi phòng thủ bằng cách hạn chế tối đa giao tiếp với mẹ chồng. Đôi lúc, tôi tự hỏi, mẹ có coi tôi là con không hay chỉ như một người xa lạ trong nhà.
Mấy người họ hàng bên chồng tôi thường bảo tôi may mắn được làm dâu của bà vì bà rất biết cách đối nhân xử thế. Lúc đó, tôi chỉ cười. Nhưng là nụ cười buồn…
Theo VNE