Đầu năm đi chợ đánh nhau
Năm nào cũng vậy, cứ đúng mùng 6 Tết âm lịch là người dân lại tập trung về chợ Chuộng – phiên chợ độc đáo nhất xứ Thanh nằm ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn. Ngoài việc mua may, bán rủi, chợ còn có những trận ném, đánh nhau để cầu may.
Người xưa kể lại rằng, phiên chợ Chuộng ra đời từ câu chuyện lịch sử vào mùng 6 Tết, thời Lê có một vị vua chạy giặc qua khúc sông này thì gần như sức cùng, lực kiệt. Trước mối nguy nan cận kề, nhân dân đã giúp vị vua này thay đồ, giấu vũ khí, tổ chức trao đổi mua bán như một phiên chợ nhằm che mắt giặc.
Khi quân giặc đến nơi không thấy gì liền chủ quan, vua phát lệnh, người dân dùng vũ khí giấu sẵn tấn công khiến quân giặc không kịp trở tay. Từ đó, để tưởng nhớ công lao của vua, hàng năm cứ đến mùng 6 Tết Nguyên đán, người dân trong vùng lại tổ chức họp chợ Chuộng cầu may.
Những thứ nông sản của nhà được người dân mang đến chợ bán
Dân gian còn truyền miệng nhau câu nói: “Chết bỏ con bỏ cháu, sống không ai bỏ mồng 6 chợ Chuộng” để thấy được tầm quan trọng của phiên chợ chỉ có một lần trong năm. Cứ thế hàng năm, vào mồng 5 Tết, người dân quanh vùng sẽ cùng nhau góp tre, nứa để bắc một cây cầu khỉ qua sông để người bên huyện Triệu Sơn qua họp chợ cùng. Cầu tre này sau khi chợ tan sẽ được dỡ bỏ. Sang năm đến phiên chợ, người ta lại góp tre bắc cầu.
Sáng sớm tinh mơ của ngày mùng 6, hàng ngàn người dân từ các xã lân cận của các huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa cùng du khách thập phương đã tập trung tại khu vực bãi bồi ven sông Nông Giang thuộc làng Ráng, tham gia phiên chợ Chuộng cầu may. Người mua thì quan niệm mua những điều may mắn về trong năm mới, người bán thì quan niệm bán đi những điều xấu, điều rủi của năm cũ để đón một năm mới tốt đẹp hơn.
Các lái đò tụ tập về đây để đưa người dân qua sông đến chợ Chuộng
Không những thế, phiên chợ còn có màn đánh nhau, ném nhau cũng để cầu may vì xưa kia chiến tranh giặc giã triền miên, người dân nơi đây chỉ tập trung vào hai việc, làm mùa tốt và luyện võ giỏi.
Làng có nhiều người giỏi võ thì mới chiến đấu, chiến thắng được quân giặc, bảo vệ được mùa màng, dân làng mới no ấm, thịnh vượng. Đó chính là lộc, là giá trị tinh thần của phiên chợ Chuộng. Người biết võ đến chợ để biểu diễn, nêu cao tinh thần thượng võ. Vì thế nên năm nào đánh nhau càng to thì dân quan niệm năm đó làm ăn càng khấm khá.
Bánh tráng gấc là thứ đặc sản của vùng, người dân ở đây quan niệm đầu năm ăn bánh này sẽ “đỏ” cả năm
Những mặt hàng được bày bán tại phiên chợ chủ yếu là những nông sản đặc trưng của vùng và những món ăn dân gian truyền thống. Trong đó cà chua và táo được bán nhiều hơn cả vì đây là loại hàng hóa để làm vũ khí ném nhau. Nhiều người sau khi bán xong lại đi nhặt lại những quả chưa bị dập nát gom vào từng túi nhỏ để bán.
Tuy nhiên, trải qua thời gian, những truyền thống tốt đẹp của chợ Chuộng đã dần mai một. Những phong tục tập quán đó đang bị biến tướng. Việc “đánh nhau” đã trở thành sự “trả mối thù” trong năm giữa thanh niên làng này với làng khác, nhiều trận quyết chiến sứt đầu mẻ trán xảy ra.
Cà chua và táo được bán nhiều nhất ở chợ để làm “vũ khí” ném nhau
Video đang HOT
Những nhóm thanh niên thường gồm cả chục người dùng gậy gộc, gạch đá ném. Chính vì thế, những năm gần đây, lực lượng công an xã, huyện phải tăng cường xuống túc trực ở chợ Chuộng để đảm bảo trật tự an ninh. Tuy nhiên, việc đánh nhau của thanh niên làng cũng vẫn xảy ra do lực lượng an ninh mỏng mà người tham gia phiên chợ thì quá đông.
Không những thế, phiên chợ Chuộng ngày nay còn tràn lan những trò đỏ đen, không chỉ người dân mà còn có cả những học sinh đều “hăng hái” tham gia.
Những màn ném nhau bằng cà chua
Thanh niên trong làng rượt đuổi đánh nhau
Ông Nguyễn Tuấn Minh, một người dân ở xã Đông Hoàng, cho biết: “Hồi xưa, khi tôi còn nhỏ thích được đi chợ Chuộng lắm, ngày đó chợ Chuộng vui chứ không như bây giờ. Bây giờ thanh niên thì đến trả thù nhau, con nít thì tụ tập đỏ đen. Nét văn hóa đẹp của chợ Chuộng đang dần bị mất đi rồi”.
Theo dantri
Đầu xuân đi chợ... choảng nhau!
Mỗi năm một lần, hàng ngàn người dân xứ Thanh nô nức tham gia phiên chợ Chuộng đầu xuân. Điều kỳ lạ của phiên chợ là năm nào cũng có ẩu đả, đánh nhau. Người dân tâm niệm, năm nào có đánh nhau thì năm ấy mới làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu.
Như thường lệ, cứ đến sáng mồng 6 Tết Âm lịch hàng năm, chợ Chuộng lại được họp trên một bãi đất bồi ven đê sông Hoàng thuộc xóm Giang của xã Đông Hoàng (Đông Sơn). Đây là nơi giáp ranh giữa 3 huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa và Triệu Sơn và thu hút khá đông người dân và du khách thập phương tham dự.
Với người dân nơi đây, đến tham gia phiên chợ Chuộng đầu năm họ sẽ trút bỏ những xui xẻo và gặp được nhiều may mắn trong năm mới. Cũng vì vậy, mà ông bà xưa vẫn truyền miệng nhau: "Chết bỏ con, bỏ cháu/Sống không ai bỏ mồng 6 chợ Chuộng", họ tâm niệm, nếu ai bỏ lỡ phiên chợ Chuộng thì cả năm ấy làm ăn thất bát, gặp nhiều rủi ro. Như thành một phong tục, cứ mồng 6 Tết, già trẻ, gái trai khắp nơi trong vùng lại tìm đến chợ Chuộng để cầu may. Con cháu ở xa về ăn Tết vẫn thường nán lại đi phiên chợ.
Năm nay tiết trời tại Thanh Hóa khá lạnh giá và có mưa phùn, tuy nhiên không vì thế mà chợ Chuộng thưa thớt người. Từ sáng sớm, phiên chợ đã tấp nập người ra vào, càng về trưa lại càng đông. Chợ không buôn bán những hàng hóa đắt giá gì ngoài những món ăn hay đồ chơi dân gian do người dân tự làm ra. Chợ Chuộng còn là nơi họ gặp nhau tâm tình, trò chuyện đầu năm, mọi người quây quần thưởng thức những món bánh, bát phở hay mua một vài món đồ chơi dân gian tặng nhau.
Ngày này cũng là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu thảo đồi với cha mẹ, ông bà. Bởi vậy sau mỗi phiên chợ người ta thường mua bánh hay trái cây ngon nhất về biếu ông bà và chuẩn bị thức ăn cho bữa trưa ấm áp, quây quần bên gia đình.
Một điều đặc biệt nhưng không lạ ở phiên chợ là năm nào cũng có xô sát, đánh nhau giữa thành niên vùng này với vùng khác. Chợ Chuộng là nơi mà người ta có thể chứng kiến cảnh trai gái đuổi đánh nhau công khai hay cảnh những tốp thanh niên cầm trên tay túi cà chua hay trứng thối ném vào thanh niên làng khác.
Tuy nhiện, những năm gần đây chợ Chuộng đang dần biến tướng trở thành nơi "giải quyết" thù hằn, mâu thuẫn. Trao đổi với PV, ông Lê Đức Bạn, Trưởng công an xã Đông Hoàng , huyện Đông Sơn cho biết: "Phiên chợ Chuộng ở đây có nguồn gốc từ xa xưa và do người dân tự phát họp. Mấy năm gần đây chợ xảy ra rất nhiều vụ ẩu đả, đánh nhau nghiêm trọng khiến chính quyền địa phương phải huy động hết anh em làm công tác bảo vệ an ninh phiên chợ".
Tại những khóc khuất của chợ, cứ gần tan tầm cảnh những toán trai làng này với trai làng khác rượt đuổi đánh nhau công khai, những trận "mưa đá" khiến không ít người đi chợ cũng bị vạ lây. Khi hỏi về nguyên nhân, một nhóm thanh niên xã Đông Hoàng chia sẻ thẳng thật: "Nếu trai làng ở địa phương này với địa phương khác có thắc mắc, thù hằn gì thì cứ "để dành" đến mồng 6 chợ Chuộng rồi giải quyết". Thế nên, nhiều người đã lợi dụng điều đó để giải quyết những mâu thuẫn, thù hằn cá nhân.
Khi chúng tôi tỏ vẻ hơi lo lắng vì người ở xa về chơi chợ Chuộng thì anh Hùng, một thanh niên Thiệu Lý cười nói: "Các anh an tâm, tuy là chợ đánh nhau nhưng không ai đánh người lạ đâu. Chủ yếu là thanh niên mấy làng lân cận có mâu thuẫn từ lâu nên năm nào cũng xảy ra đánh nhau".
Càng về trưa, khi phiên chợ đang dần tan người thì những vụ đánh nhau càng nhiều, tập trung ở ven bờ sông. Dù trời lạnh buốt nhưng không ít thanh niên phải lao mình xuống sông để thoát cảnh rượt đuổi nhau. Theo lời kể lại của nhiều người dân, những năm trước cũng đã xảy ra chết người.
Về nguồn gốc của phiên chợ Chuộng, cụ Thành, một cao niên xã Thiệu Lý nhớ lại: "Vào thời Lê, đúng vào ngày mồng 6 Tết, có một vị tướng bị giặc đuổi chạy qua đây, để tránh bị địch phát hiện, vị tướng ra lệnh quân sỹ cùng dân làng họp chợ. Khi quân địch đến tưởng đó chỉ là một phiên chợ quê bình thường, không đề phòng, cảnh giác. Lúc vị tướng phát lệnh dân làng tấn công, quân địch bất ngờ không kịp trở tay và bị giết sạch. Và cũng từ đó, cứ mồng 6 Tết người dân lại nô nức đến chợ để tưởng nhớ vị tướng có công giúp dân giết giặc".
Khoảng 11h trưa khi gần tan phiên chợ, cảnh thanh niên các làng rượt đuổi đánh nhau càng nhiều hơn. Một nhóm thanh niên xã Thiệu Lý tiếp tục chặt thêm gậy tre cùng với dao, kiếm đã chuẩn bị sẵn để "phòng thân" những trận vây đánh lúc tan chợ.
Bên kia sông, nhóm thanh niên huyện Triệu Sơn cố thủ ở cầu sông và sẵn sàng "tiếp khách". Cuối chợ liên tục xảy ra tình trạng đánh lộn, trong đó nhiều toán thanh niên dùng dao kiếm đuổi đánh nhau, nhiều người phải bơi qua sông về để mong thoát nạn.
Ông Bạn cũng cho biết thêm, mặc dù đã kiểm soát hết sức chặt chẽ và thu giữ vũ khí của thanh niên mang theo từ cổng chợ nhưng vẫn không tránh khỏi những vụ ẩu đả bất ngờ xảy ra.
Những hình ảnh PV Dân trí ghi lại tại phiên chợ Chuộng năm Nhâm Thìn:
Cà chua và táo là hai thứ không thể thiếu tại phiên chợ Chuộng.
Một cô gái phát khóc vì bị ném quá nhiều cà chua và trứng vào người.
Và nhóm thanh niên làng rượt đánh nhau.
Món bánh đa gấc là đặc trưng của vùng quê.
Đi chợ mua rau chuẩn bị cho bữa trưa họp gia đình sau phiên chợ.
Toàn cảnh phiên chợ Chuộng với hàng ngàn người tham gia.
Cây cầu tạm bắc qua sông giữa huyện Triệu Sơn và Đông Sơn để người dân qua chợ.
Màn ném cà chua, táo luôn sôi động tại phiên chợ.
Chợ càng về trưa càng đông người và cũng là lúc những vụ xô xát nhau bắt đầu diễn ra nhiều.
Theo Dân Trí