Đau lòng “bản chờ chồng” vì ma túy
Cuối ngày, khi hoàng hôn gọi mặt trời xuống núi, màn đêm dần bao phủ lên bản Pú Cang xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), chủ nhân của những ngôi nhà lục tục từ trên nương rẫy trở về, nhưng không thấy bóng dáng đàn ông mà chỉ toàn phụ nữ.
Các chị sau hàng chục giờ lao động trên nương, về nhà lại tiếp tục bắt tay vào những công việc gia đình cho đến tận nửa đêm… Sự khắc khổ, buồn bã hiện rõ trên từng khuôn mặt phụ nữ người Mông. Cả bản không nghe thấy một tiếng cười. Không khí hoang vắng, ảm đạm ngự trị trong các ngôi nhà…
Già làng Sùng A Chinh, Bản Pú Cang, xã Nậm Khắt, Mù Cang Chải kể lại: Ngày trước bản này cũng đông vui lắm, nhưng từ khi ma túy về bản, bọn đàn ông, thanh niên đã không nghe theo lời người già nên rủ nhau chơi bời nghiện ngập, buôn bán ma túy. Giờ nhiều người bị bắt đi tù rồi, ở đây hầu hết chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ em. Bản bây giờ nghèo lắm, chính vì vậy mà nhiều người còn gọi Pú Cang là “Bản chờ chồng”
Ở cái bản này, chịu cơ cực nhất có lẽ là chị Giàng Thì Pàng… Hơn 5 năm nay, ngày nào cũng vậy, chị Pàng một mình lên nương rẫy rồi trở về nhà với những công việc quen thuộc. Chồng lĩnh án tù vì tội buôn bán ma túy nên mọi công việc trong gia đình một mình chị phải gánh vác. Cuộc sống hàng ngày thiếu thốn, nhưng khổ nhất là lũ trẻ không được đi học và thiếu sự dạy dỗ, che chở của người cha… Lời tâm sự của chị Pàng xen lẫn những giọt nước mắt: Từ năm 2007 đến nay chồng mình bị bắt đi tù vì mua bán ma túy, 4 mẹ con sống khổ lắm, gà lợn không có ai trông bị bắt trộm hết. Ngày trước có ít gỗ để làm nhà mới, giờ cũng phải bán hết để cho các con ăn rồi…
Còn chị Mùa Thị Cha thuộc diện nghèo nhất bản cũng là một phụ nữ phải sống trong hiu quạnh chờ chồng cải tạo trong trại giam vì buôn bán ma túy từ năm 2004. Túp lều của 2 mẹ con không có lấy một vật gì đáng giá, khi trời mưa nước hắt đầy nhà nhưng cũng không có ai sửa giúp, cảnh thiếu đói thì diễn ra quanh năm. Chị Cha cũng chỉ mong muốn chồng mình cải tạo tốt để sớm trở về cùng làm ăn cho các con đỡ khổ… Đây chỉ là hai trong số hàng chục người phụ nữ Mông đang chờ chồng mãn hạn tù về với gia đình, về với bản…
Tại bản Pú Cang, việc sửa chữa nhà đáng ra của cánh đàn ông, nhưng ở đây chị em phụ nữ phải trèo lên cả nóc và trần nhà, một việc có thể coi là cấm kỵ đối với phụ nữ người Mông… Cũng ở Pú Cang, dễ dàng bắt gặp cảnh chị em phụ nữ làm những công việc nặng nhọc nhất… Còn trẻ con trong bản thì hầu hết không được tới trường… Có thể thấy hệ lụy từ ma túy đã dẫn tới tình trạng nghèo đói, bệnh tật và thất học ở nơi đây
Do nằm giáp ranh với xã Ngọc Chiến huyện Mường La (Sơn La) nên nhiều năm nay Pú Cang đã trở thành cái rốn ma túy không riêng của xã Nậm Khắt mà còn của cả huyện Mù Cang Chải. Hiện cả bản có hơn 10 trường hợp đang cải tạo trong trại giam chỉ vì ma túy. Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ, bản Pú Cang có gần 30 trường hợp nghiện ma túy.
Điều đáng nói, trong 98 hộ của bản Pú Cang, có tới 89 hộ nghèo và thiếu đói từ 5 đến 6 tháng trong năm. Nhiều gia đình cả vợ và chồng bị bắt vì ma túy, bỏ lại đàn con không nơi nương tựa. Cảnh con không cha, vợ không chồng đã không còn là chuyện lạ ở nơi này. Hiện cả bản chỉ có khoảng 30% là thanh niên, còn lại là phụ nữ, người già và trẻ em…cũng chỉ vì ma túy
Ông Chang Thế Sửu, Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt lo lắng: Không riêng gì Pú Cang mà hiện nay các bản Làng Sang và Páo Khắt của xã Nậm Khắt, mỗi bản cũng có trên chục trường hợp đi tù vì ma túy. Tệ nạn ma túy đã làm cho cuộc sống người dân nơi đây mãi trong vòng luẩn quẩn đói nghèo, lạc hậu. Và người chịu thiệt thòi nhất chính là chị em phụ nữ người dân tộc khi phải một mình gánh trên vai mọi lo toan cuộc sống.
Video đang HOT
Hiện nay, xã Nậm Khắt đang được đầu tư xây dựng tuyến đường từ quốc lộ 32 sang huyện Mường La (tỉnh Sơn La). Đây là thời cơ để Nậm Khắt hội nhập và phát triển song cũng là điều kiện thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động…Nếu không sớm có những biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy thì có lẽ xã Nậm Khắt sẽ ngày càng xuất hiện thêm nhiều “bản chờ chồng” như ở Pú Cang này…
Theo Dantri
Bi kịch người đồng tính từng đi tu, tự tử vì tình
Từ lúc sinh ra cho đến lúc trưởng thành, không một giây phút nào Lộ Lộ được sống yên ổn. Ngoài sự chịu đựng những đòn roi, cô đã từng phải đi nhập ngũ, đi tu, thậm chí là tự tử để giải thoát cuộc đời...
Hết đi tu lại tử tự
Lộ Lộ tên thật là Lâm Thanh Vinh, sinh ra trong một gia đình có ba mẹ đều là giáo viên hưu trí, hiện đang sinh sống ở TP.HCM. Lộ Lộ kể, ngay từ khi còn nhỏ, cậu nhóc Vinh thường đòi mẹ mua váy đầm mỗi lần ra chợ, khóc đòi cho bằng được, đến nỗi cô bán hàng phải nói đó là đồ để trưng, không bán thì Vinh mới chịu thôi.
"Có lẽ mình chưa đạt theo ý nguyện của ba nên thường bị ba đánh mắng lắm. Nhất là khi có ai nói đến giới tính của mình. Mẹ dù thương con rất nhiều nhưng rất sợ ba. Không những vậy, ngay cả các cô, chú, thím cũng luôn gây khó khăn cho mình", Lộ Lộ nói.
Lộ Lộ ngày còn nhỏ cùng với anh trai và ba mẹ.
Gia đình đã vậy, bạn bè cũng vậy nốt. Bởi Lộ Lộ sinh năm 1979 nên lúc đó xã hộivẫn còn cái nhìn hà khắc. Mấy bạn trong lớp không ít người kỳ thị ra mặt. Lộ Lộ nhớ lại: "Người khác thì mình không quan tâm, nhưng đến cả anh ruột cũng không bênh vực mình thì buồn lắm. Những lần bị bạn bè lột đồ rồi vứt đi, mình cũng nhờ nhiều người giúp, nhưng ai cũng nghĩ đó là chuyện trẻ con đùa với nhau, cuối cùng chỉ có mình là người chịu ấm ức".
Lâm Thanh Vinh và mẹ. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Từ lớp 7 đến lớp 11, hầu như ngày nào tinh thần Lộ Lộ cũng bị ảnh hưởng ghê gớm. Cô chẳng còn muốn đi học nữa nên đành trốn học để tránh sự hành hạ của đám bạn. Cuối cùng, do sức học kém dần, cô phải lưu ban năm lớp 11, nhưng mà nhờ vậy cô không còn bị bạn bè trêu chọc nữa.
Tốt nghiệp lớp 12, Lộ Lộ thi đậu và theo học trường Đại học Mở bán công TP.HCM. Thế nhưng, học được 2 học kỳ, do không có tiền đóng học phí, nên cô đành nghỉ luôn.
Lúc đó cuộc đời lại rẽ sang một trang u ám với bươn chải mưu sinh. Đi đến đâu xin việc, Lộ Lộ cũng không được nhận bởi bề ngoài ốm yếu. Thêm việc ngày ngày ba đánh chửi, các cô, các chú cũng chửi, không sống nổi, Lộ Lộ tìm cách tự tử 2 lần nhưng không chết.
Sau những thăng trầm của cuộc đời, Lộ Lộ quyết định nương nhờ nơi cửa Phật, mong tìm chút thanh thản của cuộc đời. Nói về chuyện đi tu, cô cho đó cũng là một căn duyên. Căn duyên này bắt đầu từ việc ba của Lộ Lộ có một người bạn học, sang Thụy Sĩ định cư. Người bác đó thường về thăm và tặng 1 quyển sách "Vi Diệu Pháp". Do thích đọc kinh sách nên ba đã đưa cuốn sách cho Lộ Lộ đọc.
Nhưng muốn tìm hiểu sâu hơn về Phật học nên cô đã viết thư gửi người bạn của ba mình và được giới thiệu cho một người cô ở Sài Gòn. Người cô này đã dẫn Lộ Lộ về chùa Viên Không ở Bà Rịa - Vũng Tàu để hỏi sư Hộ Pháp, vốn là cao tăng vừa du học 29 năm ở Thái Lan và Miến Điện về.
May mắn là nhìn mặt cô, sư phụ thương, hỏi có ý muốn xuất gia không thì sư nhận làm đệ tử. Lộ Lộ chịu, sư phụ bảo về xin cha mẹ đồng ý rồi lên chùa. Theo lời Lộ Lộ thì đây cũng là 1 cột mốc đáng nhớ, bởi khi về xin thì mẹ cô ủng hộ vì biết con ở nhà rất khổ, còn ba không chịu, mãi đến khi người bạn bên Thụy Sỹ viết thư khuyên thì ông mới đồng ý.
" Ngày mình đi có lạy và từ giã ba, lúc này thấy ba khóc, anh trai cũng khóc. Rồi mình lên chùa theo sư Hộ Pháp học kinh sách, ngồi thiền, đánh bản thảo sách cho các sư. Trong quãng thời gian này, biết mình là con gái nên với các sư cô, tu nữ, mình không có khoảng cách nên nói chuyện cười đùa rất vô tư.
Nhưng khó khăn chưa dừng. Các vị thí chủ có người nghĩ Lộ Lộ không giữ thanh quy, tư tình nam nữ nên để bụng xét nét mọi thứ. Rồi sư phụ cũng gọi lên và nói: Trong 11 loại người không được xuất gia có ghi rõ, ái nam ái nữ, lưỡng tính không được xuất gia.
"Cũng trong thời gian này, mình về khám nghĩa vụ quân sự và đã trúng tuyển, nhập ngũ. Cuối cùng mình đã xin sư phụ và thầy viện chủ cho về đi nghĩa vụ", Lộ Lộ kể tiếp.
Mong được công nhận giới tính khác
Dường như số phận đau khổ cứ bám lấy cô. Nhập ngũ chưa được bao lâu thì bị đơn vị trả về vì biết Lộ Lộ là người đồng tính, có thể gây ảnh hưởng đến danh tiếng quân đội. Sau đó, Lộ Lộ lại xin vào làm phục vụ cho một quán karaoke trên đường Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM nhưng cơ sở này sau đó cũng dẹp nên cô lại thất nghiệp.
Hiện Lộ Lộ đang làm công tác xã hội cho một tổ chức tại TP.HCM. Công việc mỗi ngày của cô là đi tiếp cận truyền thông dự phòng HIV cho những người nam có quan hệ tình dục với nam và nam hành nghề mại dâm trên địa bàn thành phố.
Với mong muốn được trở thành con gái, sống đúng với mình, Lộ Lộ cho biết đã chích hormone nữ vào người hơn một tháng nay. Bề ngoài của cô cũng đang dần dần thay đổi. Trước đó, để tăng tính nữ, Lộ Lộ cũng đã dùng thuốc tránh thai.
Lộ Lộ ngày còn nhỏ cùng với anh trai và ba mẹ. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Lộ Lộ cho biết thêm: "Mình cũng muốn đi chuyển giới bên Thái Lan lắm nhưng giá đắt quá đến 40 triệu đồng mà kinh tế lại đang khó khăn. Làm công tác xã hội không có nhiều tiền, chưa kể đa số mình tham gia tình nguyện không có lương. Nhà mình cũng khá nhưng ba không thích tính ỷ lại, mà cứ hễ buồn lại mắng: Sinh mày ra chi vô dụng quá, mua thuốc chuột uống chết đi. Nhất là những lúc thấy mình trang điểm thì ba ghét lắm".
Lộ Lộ mong muốn pháp luật có thể công nhận sự hiện hữu của các giới tính khác, ngoài nam - nữ.
Khi được hỏi, ba đối xử với Lộ Lộ như vậy, cô có giận ba không thì Lộ Lộ cười và nói rằng: "Ngày xưa còn nhỏ không tránh khỏi có lúc phẫn uất, phản kháng, la lối nhưng giờ hiểu rồi xử lý theo kiểu khác, nhẹ nhàng hơn. Hơn nữa, ba cũng bệnh nhiều nên mình cũng không giận hờn gì, dù sao cũng là ba mình. Mình thường nói với ba: Làm con ngoan nên phải chịu đựng, nếu là đứa mất dạy hỗn hào thì ba nghĩ sao? Ba cũng hiểu rồi nhưng các chú thím hay nói này nói nọ nên ba cũng bị tác động".
Nhìn lại quãng thời gian đã qua, Lộ Lộ chia sẻ: Mình đã hiểu được nhiều thứ và thấy quý trọng cuộc sống của mình hơn. Cái tên Lộ Lộ đã thể hiện rõ điều đó, với ý nghĩa là 2 con đường. Hết con đường này sẽ là con đường khác. Điều này nhắc nhở mình rằng, cuộc sống không bao giờ bế tắc.
Hiện, cô chỉ mong pháp luật có thể công nhận sự hiện hữu của các giới tính khác, ngoài nam - nữ. Đặc biệt, sớm có sự chăm lo và hỗ trợ về mặt pháp lý, y tế, sinh kế cho các chị em chuyển giới để mọi người có lối thoát, không phải bị ép vào những nghề bất hợp pháp. Bởi suy cho cùng họ là những công dân hợp pháp nhưng bị hành lang pháp luật đẩy ra thành người bên lề xã hội.
Theo vietbao
Lật thuyền trên hồ thủy điện Hòa Bình, 20 người may mắn thoát nạn Đến sáng 11/5, người dân đã vớt được một chiếc xe máy bị nạn trong vụ lật thuyền máy trên thượng nguồn hồ thủy điện Hoà Bình xảy ra chiều 9/5. Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Ban thường trực phòng chống bão lũ - giảm nhẹ thiên tai huyện Mường La (Sơn La) cho biết, vụ lật thuyền làm 10 xe máy và...