Dầu láp – yếu tố thường bị ‘quên’ trên xe tay ga
Những chiếc scooter có hiện tượng máy kêu to, gằn, ì hơn bình thường có thể là cạn dầu hộp số hoặc nước lọt vào hoặc do lâu ngày không kiểm tra hay không chú ý tới và thay thế định kỳ.
Dầu láp hay còn gọi là dầu cầu vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ với nhiều người sử dụng xe tay ga do không để ý đến. Không giống như xe số, xe tay ga sử dụng hệ thống truyền động vô cấp dẫn động bằng dây đai thay cho xích và hộp số. Ở cầu sau xe tay ga sử dụng hệ thống bánh răng dẫn động đến trục bánh xe và dầu để bôi trơn gọi là dầu láp.
Hệ thống bánh răng dẫn động trục bánh sau xe tay ga. Ảnh: Lương Dũng.
Do các bánh răng truyền động hoạt động thường xuyên với cường độ và tải trọng cao, nếu không được bôi trơn thường xuyên dẫn đến bị mài mòn, tạo ra độ rơ dẫn đến tăng tính va đập giữa các bánh răng tạo nên tiếng kêu và làm giảm công suất truyền động. Nếu tình trạng này kéo dài làm tăng độ mài mòn nhanh, tiếng kêu càng lớn và thâm chí có thể gây vỡ, mẻ và bị trượt khiến xe không hoạt động.
Có những trường hợp còn sử dụng dầu động cơ (dầu máy) thay cho dầu láp. Đây là một sai lầm rất nghiêm trọng. Trên thực tế, thông số kỹ thuật của dầu cầu khác hẳn dầu máy và độ nhớt gấp vài lần dầu máy. Phương pháp thay thế này gây ra phản ứng phụ là sau 2 đến 3 tháng, khi tăng ga xe có tiếng hú ở phần láp.
Ống thông hơi hộp số chưa gắn vào lỗ định vị. Ảnh: Thành Gia Motor
Video đang HOT
Với những xe tay ga do cấu tạo đặc biệt, đường ống thông hơi của hộp số tự động thấp nên nước rất dễ lọt vào và làm cho dầu láp bị axit hóa chuyển từ màu vàng sang màu trắng đục và giảm tính bôi trơn. Bánh răng sẽ nhanh chóng bị phá hủy và gây ra tiêng hú to và rất tốn xăng.
Với Vespa, để kiểm tra, chỉ cần tháo que thăm dầu hộp số xem tình trạng dầu có khác thường hay không. Còn trên các xe như Honda, Yamaha, có thể tháo ốc nạp ra kiểm tra. Nếu có hiện tượng bị nước lọt vào, tốt nhất nên thay dầu láp mới. Cần kiểm tra thêm ống thông hơi hộp số đã định vị vào đúng vị trí chưa.
Đôi khi còn có trường hợp phớt láp bị rò rỉ, dầu sẽ vào khu vực dây đai truyền động, làm trượt đai và dầu láp cũng bị hao, dẫn đến không đảm bảo chức năng truyền động.
Hộp đai truyền động. Ảnh: Lương Dũng.
Nhiều trường hợp sau khi kiểm tra bộ bánh răng truyền động còn bị mòn hoặc sứt mẻ, thì phải thay thế. Chi phí thay thế bộ bánh răng rất tốn kém, những dòng xe cao cấp như Honda SH khoảng 6 triệu đồng, đối với các dòng xe khác như Honda Air Blade hay Lead hay SCR cũng từ 1 đến 2 triệu đồng. Với những trường hợp sau khi xe đi vào chỗ ngập nước sâu thì cần đưa xe đi kiểm tra.
Các kỹ sư khuyến cáo khách hàng sử dụng xe tay ga nên thường xuyên kiểm tra, thay thế dầu láp và bảo dưỡng xe theo định kỳ. Trường hợp máy kêu to hoặc có tiếng hú, máy gằn và ì hơn bình thường thì cần đưa xe đi kiểm tra sớm.
Tùy từng loại xe tay ga và điều kiện hoạt động thực tế của xe, các kỹ thuật viên sẽ tư vấn loại dầu và thời gian định kỳ phù hợp. Quy trình thay dầu láp đơn giản, chi phí không lớn nhưng nếu bạn không lưu ý thì tuổi thọ của bộ láp cũng như hệ thống truyền động của xe sẽ giảm đi đáng kể. Theo kinh nghiệm thì cứ 3 lần thay dầu máy thì một lần thay dầu láp.
Lương Dũng
Theo VNE
Chênh vênh "cầu khỉ" giữa Thủ đô
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội tồn tại khá nhiều "cầu khỉ" với kết cấu lỏng lẻo, sơ sài, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Sự việc một người dân ở xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai khi qua "cầu khỉ" bị nước cuốn trôi xảy ra mới đây một lần nữa báo động về nguy cơ chết người từ những chiếc cầu này.
Những chiếc cầu khỉ tạm bợ trên phố Thanh Nhàn
Ngã xuống sông là... chuyện thường
Vào hồi 19h ngày 10-8, chị Nguyễn Thị H (sinh năm 1983) ở xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội dắt xe ra khỏi nhà đi mua thuốc. Khi qua cây "cầu khỉ" bắc qua nhánh sông Nhuệ được làm từ một số thanh sắt và gỗ mục, không có lan can, chị H bị trượt chân ngã, bị nước lũ cuốn trôi. Theo người dân sống tại khu vực, đã có nhiều người bị ngã xuống sông khi đi qua chiếc cầu này. Người biết bơi, bị ngã vào thời điểm nước cạn thì may mắn thoát nạn nhưng xe cộ, đồ đạc rơi xuống sông thì bị mất hoặc hư hỏng nặng.
Không chỉ hiện diện ở các vùng ngoại thành mà tại một số quận nội thành, hình ảnh chiếc cầu khỉ cũng đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Nhiều năm qua, người dân sống tại phố Thái Hà (quận Đống Đa) và phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) vẫn phải sử dụng những cây "cầu khỉ" chênh vênh bắc tạm bợ qua mương nước hôi thối, đen ngòm để đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Bà Nguyễn Thị Lan - người bán nước tại khu vực mương Thái Hà cho biết, những cây cầu này có tuổi thọ hàng chục năm. Thỉnh thoảng, thấy cầu có biểu hiện lung lay, chủ cầu cho gia cố lại bằng cách chằng buộc thêm. Ngày nắng ráo đi lại qua những cây cầu này đã đáng ngại nhưng những ngày mưa càng nguy hiểm hơn do cầu trơn trượt, rất dễ ngã. Đã có không ít người qua đây bị rơi xuống mương, may mà nước cạn, lại được phát hiện kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Cũng theo bà Lan, dù trên đoạn đường này có một số cây cầu đã được làm kiên cố bằng bê tông, sắt thép nhưng người dân vẫn sử dụng "cầu khỉ" do tính tiện lợi của nó. Hơn nữa, nhiều đoạn đường ven kênh quá hẹp, việc tránh xe ngược chiều rất khó khăn nên người ta vẫn phải liều mình băng qua cầu. Điều đáng nói là "cầu khỉ" không có lan can, không biết nó có thể chịu được trọng tải là bao nhiêu nên nhiều hôm chỉ cần một xe máy chở hàng đi qua là cầu lại rung lên bần bật, cót két như chuẩn bị sập. Không chỉ có vậy, người dân bên kia cầu còn tập kết vật liệu xây dựng, hàng hóa trên cầu khiến cầu đã hẹp, lại càng chật chội hơn.
Tận mắt nhìn những chiếc cầu này, chúng tôi thông cảm phần nào với nỗi lo của người dân tại khu vực. Trên đoạn mương phố Thái Hà dài chưa đầy nửa cây số nhưng có đến hàng chục chiếc "cầu khỉ". Hầu hết những chiếc cầu này làm bằng sắt, gỗ hoặc tre rồi chằng chéo thêm đủ loại dây nhợ do các hộ dân tự dựng với đủ loại kích thước, rộng từ 70cm đến 1m. Một số cầu do tuổi thọ cao, thường xuyên quá tải nên đã bị thủng lỗ chỗ, cọc chống đỡ hai đầu cầu bị xiêu vẹo. Tuy vậy, nhiều em nhỏ vẫn tự ý băng qua cầu, không có người lớn đi kèm, thậm chí có em còn mang theo xe đạp.
Mong mỏi được cống hóa
Cũng trong tình trạng tương tự, trên đoạn mương dọc phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), đoạn đối diện Bệnh viện Thanh Nhàn, cứ trung bình vài mét lại có một "cầu khỉ". Không chỉ kinh doanh vật liệu xây dựng, một số hộ dân nằm sát mương còn bán hàng ăn uống, thậm chí còn tận dụng thành cầu làm nơi phơi quần áo. Sở dĩ người dân nơi đây phải tự đầu tư kinh phí để lắp ghép những cây cầu này do diện tích mặt đường chạy song song với mương khá hẹp.
Hầu hết những cây cầu này được làm rất tạm bợ từ những cây tre và những tấm cốp-pha, tấm ván cũ bắc ngang qua sông. Ở hai đầu cầu thường được chống đỡ bằng những cọc tre đã mục nát. Mỗi khi đi qua những cây cầu này người tham gia giao thông rất sợ vì chúng đều không có tay vịn. Vào những ngày trời mưa to, nước dềnh lên mấp mé mặt cầu khiến cầu càng nhanh xuống cấp. Bên cạnh đó mùi hôi thối từ dưới kênh bốc lên nồng nặc làm cho người dân mỗi khi đi qua đây đều cố gắng di chuyển nhanh nên nguy cơ bị rơi xuống cầu càng cao. Theo phản ánh của nhân dân trong khu vực, việc tồn tại những cây cầu tạm bợ bên trên dòng kênh ô nhiễm đã ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống và hoạt động kinh doanh của họ. Do không gian sinh hoạt bị bó hẹp nên vào các buổi chiều, những cây cầu cũng chính là sân chơi của trẻ em.
Ông Lê Văn Kính, ở phố Thanh Nhàn cho biết, người bị ngã xuống mương cũng nhiều, hàng rơi xuống đó hư hỏng cũng không ít. Do hầu hết các hộ dân bên kia mương đều kinh doanh buôn bán nên việc đi lại qua những chiếc cầu này cũng khiến họ gặp nhiều khó khăn. Trong khi chờ dự án thì nước thải sinh hoạt ở khu dân cư đều xả thẳng ra mương, khiến con mương nằm gần khu vực bệnh viện Thanh Nhàn càng ngày càng ô nhiễm nhiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của không ít người. "Nguyên nhân khiến những người dân ở đây không góp tiền xây cầu kiên cố là họ chờ dự án cống hóa làm đường. Dự án này cũng đang được triển khai nhưng tiến độ khá chậm. Họ đang mong mỏi từng ngày dự án được hoàn tất để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi tường tại khu vực này" - ông Kính thông tin thêm.
Trong khi những cây cầu kiên cố mọc lên ngày càng nhiều trên địa bàn Thủ đô để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, thì việc giữa lòng Hà Nội vẫn còn những cây "cầu khỉ" không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân mà còn tạo ra hình ảnh nhếch nhác, thiếu thẩm mỹ trên các tuyến phố. Để giải quyết tình trạng này, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc tiếp theo, đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai các dự án mở rộng đường, xóa bỏ các "cầu khỉ" trên trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Huệ Linh
Theo ANTD
Đường lên cầu Rạch Chiếc ngập nặng sau cơn mưa Cơn mưa kéo dài gần 1 giờ đã gây ngập nặng khu vực đầu cầu Rạch Chiếc đúng thời điểm tan tầm, khiến nhiều phương tiện chết máy và gây ùn tắc giao thông. Chiều ngày 29/6, cơn mưa khá lớn trên diện rộng bao trùm khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận đã gây ngập úng nhiều nơi. Trên xa lộ...