Đâu là tòa nhà bỏ hoang cao nhất thế giới?
Goldin Finance 117, tòa nhà chọc trời cao 597 mét chưa hoàn thiện ở ngoại ô Thiên Tân, thành phố lớn thứ bảy của Trung Quốc, hiện là tòa nhà bỏ hoang cao nhất thế giới.
Goldin Finance 117 hiện là tòa nhà bỏ hoang cao nhất thế giới. Ảnh: N509FZ/Wikimedia Commons
Theo trang Oddity Central (Anh), được thiết kế ban đầu để trở thành trung tâm của một dự án bất động sản xa xỉ tại Thiên Tân, Goldin Finance 117, hay còn gọi là tháp Trung Quốc 117, nổi tiếng là tòa nhà chưa hoàn thiện và chưa có người ở cao nhất thế giới.
Bắt đầu khởi công từ năm 2008, toà nhà đã phải ngừng thi công chỉ hai năm sau đó trong thời kỳ thế giới phải hứng chịu hậu quả của cuộc Đại suy thoái. Công trình này sau đó được tiếp tục xây dưng vào năm 2011, với thời gian hoàn thành ước tính trong khoảng từ năm 2018 đến năm 2019. Tuy nhiên, đến tháng 9/2015, việc xây dựng một lần nữa bị đình chỉ và hoãn lại kể từ đó.
Khi bị đình chỉ, tòa nhà chọc trời ấn tượng này là tòa nhà cao thứ 5 trên thế giới. Và giờ đây, Goldin Finance 117 là tòa nhà bị bỏ hoang cao nhất thế giới.
Toà Goldin Finance 117 có 128 tầng trên mặt đất – 117 tầng trong số đó được quy hoạch làm khách sạn và không gian thương mại, 11 tầng dành cho các dịch vụ cơ khí và vận hành. Ngoài ra, toà nhà còn có 4 tầng ngầm.
Video đang HOT
Không giống như các tòa nhà khác có diện tích tương tự, tòa nhà này được thiết kế để mọi người có thể sinh sống trên tầng cao nhất. Điều thú vị, so với tầng cao nhất có thể ở được, tháp Trung Quốc 117 chỉ xếp sau tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa của Dubai. Thật không may, toàn bộ tòa nhà chọc trời này hoàn toàn không có người ở.
Vậy, nguyên nhân là gì? Trước hết, chủ đầu tư dự án, Tập đoàn Goldin, là một công ty mới tham gia thị trường Trung Quốc và việc thiếu sự hậu thuẫn của Chính phủ khiến tập đoàn này là phải tự tài trợ toàn bộ dự án phát triển. Đó là một dự án mạo hiểm, nhưng nếu có thể thành công, thì phần thưởng sẽ rất xứng đáng. Thật không may, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã gây thêm áp lực cho Tập đoàn Goldin.
Đến năm 2011, Golding Finance 117 tiếp tục được xây dựng. Dù có một số trục trặc nhỏ khác, mọi thứ dường như khả quan hơn. Tuy nhiên, năm 2015, sau buổi lễ cất nóc tòa nhà chọc trời cao 597 mét, công việc hoàn thiện đã phải dừng lại. Sau khi bong bóng chứng khoán Trung Quốc vỡ vụn, Tập đoàn Goldin không còn đủ ngân sách dự trữ để duy trì giá cổ phiếu và các nhà lãnh đạo của công ty chỉ có thể đứng nhìn giá cổ phiếu giảm mạnh.
Một số người cho rằng việc phát triển một dự án xa xỉ ở một thành phố hạng hai như Thiên Tân là một ý tưởng tồi ngay từ đầu, vì nó không gây được sự chú ý của giới thượng lưu mà tập đoàn này nhắm đến. Hy vọng cuối cùng được chứng kiến Goldin Finance 117 hoàn thành dường như đã tan biến vào năm 2018, và tòa nhà chọc trời cao gần 600 mét này đã bị bỏ hoang kể từ đó.
Ngày nay, Goldin Finance 117 không chỉ là “tòa nhà ma” cao nhất thế giới mà còn là câu chuyện cảnh báo cho các nhà phát triển khác, và thậm chí là Chính phủ Trung Quốc. Sau thất bại của dự án Golding Group, chính quyền đã ban hành nghị định vào năm 2020 để hạn chế đáng kể quy mô và số lượng các tòa nhà chọc trời đang được xây dựng trên khắp đất nước.
Tòa nhà chọc trời đầu tiên trên thế giới được 'tái chế'
AMP Centre từng là tòa nhà cao nhất Sydney (Australia) và nay chủ sỡ hữu muốn thay công trình được xây từ thập niên 70 của thế kỷ trước này bằng thiết kế mới lớn hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn về năng lượng.
Kiến trúc bên ngoài của Tháp Quay Quarter. Ảnh: CNN
Tuy nhiên, việc phá dỡ các tòa nhà cao tầng thường gây tác động lớn đến môi trường, từ chất thải xây dựng đến khí CO2 do máy móc hạng nặng thải ra. Vì vậy, vào năm 2014, công ty đầu tư AMP Capital (Australia) đã phát động một cuộc thi kiến trúc với yêu cầu chưa từng có tiền lệ: Xây dựng một tòa nhà chọc trời mới mà không phá hủy tòa nhà cũ.
Được mệnh danh là tòa nhà cao tầng đầu tiên trên thế giới được "tái chế", công trình mới trên khung của AMP Centre đã được khánh thành vào đầu năm nay với tên Tháp Quay Quarter. Vào ngày 2/12, Tháp Quay Quarter được vinh danh World Building of the Year 2022 (công trình của năm).
Tháp Quay Quarter cao 206m, gồm 49 tầng được cơi nới rộng rãi và giữ lại hơn 2/3 cấu trúc cũ, bao gồm dầm và cột, cũng như 95% lõi của tòa nhà ban đầu.
Công ty kiến trúc Đan Mạch 3XN là đơn vị thiết kế Tháp Quay Quarter. Ông Fred Holt tại 3XN chia sẻ: "Xét về khả năng tồn tại thì tòa tháp sắp hết tuổi thọ nhưng cấu trúc và khung của công trình thực sự có thể tồn tại lâu hơn rất nhiều".
Sau khi loại bỏ những phần không thể cứu vãn của tòa nhà cũ, công nhân xây dựng đã tạo lên một cấu trúc mới bên cạnh nó và sau đó họ "ghép" vào những gì còn lại. Một mặt ngoài bằng kính được bọc xung quanh cả hai để tạo ra tòa nhà chọc trời duy nhất.
Công nhân cũng để lại một khoảng trống 4 mét giữa các cấu trúc mới và cũ cho đến giai đoạn thi công cuối cùng, điều này giúp bê tông mới có thời gian ổn định trước khi tiến hành "ghép".
Thiết kế mới đã tăng gấp đôi diện tích sàn có sẵn của tòa nhà và do đó tăng số lượng người mà tòa nhà có thể chứa, từ 4.500 lên 9.000.
Cấu trúc bên trong Tháp Quay Quarter. Ảnh: CNN
Các kiến trúc sư tin rằng phương pháp của họ đã tiết kiệm được 12.000 tấn CO2 so với việc phá AMP Centre và bắt đầu lại từ đầu, đủ để cung cấp năng lượng cho tòa nhà trong hơn ba năm. Bên cạnh đó là giảm các vật liệu nhiều carbon như bê tông, kế hoạch này cũng tiết kiệm tới một năm thời gian xây dựng.
Ông Holt trích lời cựu Chủ tịch Viện Kiến trúc Mỹ Carl Elefante: "Tòa nhà xanh nhất là tòa nhà đã tồn tại".
Giám đốc sáng tạo của 3XN Kim Herforth Nielsen nhận xét nhìn từ bên ngoài, không còn dấu vết rõ ràng nào của AMP Centre những năm 1970. Bên trong tòa nhà cũng vậy, hai phần cũ và mới của Tháp Quay Quarter đã được "pha trộn" liền mạch.
Ông Nielsen bổ sung: "Khi ở trong đó, bạn không còn băn khoăn về cấu trúc cũ ở đâu và cấu trúc mới ở đâu. Điều đó rất quan trọng".
Các thành phố đang "chìm" bởi sự nóng lên toàn cầu Thành phố New York đang "chìm" do sức nặng của các tòa nhà chọc trời, nghiên cứu mới đây cho thấy New York đang "chìm" trung bình khoảng 1-2 mm mỗi năm. Tác động ngày càng tồi tệ của mực nước biển dâng cùng với mối đe dọa thành phố New York đang "chìm" một phần do trọng lượng khủng khiếp của các...