Dẫu là ruột thịt cũng xa
Bác sĩ chưa ra, phòng cấp cứu với máy đo nhịp tim vẫn đang chắt chiu từng nhịp đập của nội. Ngoài hành lang, ba đứng ngồi không yên, mẹ thì đang ở nhà gom đồ rồi chở thằng Út vào sau.
Bà vừa bị tai biến phải chuyển gấp vào viện, tôi cố liên lạc với chú Hai, nhưng gọi cả chục cuộc chẳng bắt máy. Cô Út thì bảo sáng mai đón xe về ngay, giờ trong đêm không còn xe về dưới.
Ba tôi là con lớn của nội, nhưng chẳng phải là đứa con ruột rà như người ta vẫn nghĩ. Ba vốn là con một người bạn tử trận của ông nội, khi ấy, ba chỉ mới lên hai, còn ngây ngô chẳng hiểu chuyện gì. Nội thì vẫn chưa có con, mặc dù đã cưới bà hơn ba năm, thấy vậy nên nội bạo dạn dẫn ba về nhà, rồi nhận làm con nuôi.
Cái thời ấy cơ cực, ăn chưa no, lo chưa tới nên ba không được học hành đàng hoàng như người ta. Ông nội thì đi lính, ba ở nhà với bà. Lên 7 tuổi, ba đã phải đi chăn bò thuê, rong ruổi khắp các cánh đồng cho đến các sườn đồi mùa khô hạn. Ba chẳng còn nhớ gì về cha mẹ đã sinh ra mình, chỉ biết khi lớn lên, ba là con của nội. Dù không được đến trường, nhưng mỗi tối nội vẫn lấy bảng chữ cái ra dạy cho ba nên cũng biết lem luốc vài chữ để hiểu với người ta. Dù cơ cực, nhưng ba vẫn cảm nhận được sự yêu thương mà nội dành cho mình.
Sau ngày thống nhất, ông nội trở về, cuộc sống bắt đầu êm ấm hơn. Và rồi bà nội có thai, đứa con ruột đầu lòng của ông bà. Phải mất mười năm sau ngày cưới thì giờ nội mới có mụn con đầu tiên, mà đó lại là con trai. Ba bắt đầu thấy mình lạc lõng, khi có vẻ, mọi tình thương ông bà nội đã dành hết cho chú Hai.
Trước đây mỗi lần ngoài đồng về, được con chim hay quả rừng chín thì nội đều dành cho ba, nhưng giờ thì tất cả đều nhường cho chú. Ba không buồn, chỉ là đôi lúc hơi tủi thân, một chút ganh tỵ của đứa nhỏ còn ngây dại. Rồi ông bà nội sinh tiếp cô Ba, cô Út, tình thương bắt đầu rải đều ra, ba lại thấy mình lạc lõng hơn so với những người con ấy.
Ngày ông nội mất, ông cầm tay ba, dặn dò phải phụ bà chăm sóc các em, nuôi chúng ra trường. Vì thương ông bà nội, vì mang nghĩa nuôi dạy nên người mà ba hết lòng phụng dưỡng, chăm sóc bà và các cô chú.
Ngày ông nội mất, chú Hai chỉ mới là sinh viên năm hai đại học, cô Ba khi ấy đang ở tuổi xuân thì, còn cô Út thì vẫn đang cuối cấp hai. Ấy vậy mà ba đã không lấy vợ để nuôi các cô chú học thành tài. Chú Hai sau khi ra trường thì ở Sài Gòn lập nghiệp, lâu lâu gửi tiền về phụ bà nuôi cô Út học. Cô Ba đi làm công nhân trên thành phố rồi gặp dượng Ba bây giờ, thế là cưới, sau về Tiền Giang sinh sống. Còn cô Út, khi đỗ đại học, chú Hai đã cứng cáp trên Sài Gòn nên chú lo cho cô ăn học suốt những năm trên đó, còn ở quê nhà chỉ còn nội với ba.
Bà thúc ba lấy vợ, như lời hứa với ông nội trước khi mất, rằng lo cho ba có được một mái ấm. Hối thúc mãi thì ba mới đồng ý cưới mẹ, mặc dù trước đó hai người đã thương nhau. Mẹ thương ba vì tính tình hiền lành, hiếu thảo, chăm lo cho gia đình. Còn ba thì không muốn mẹ đợi mình vì sợ qua tuổi xuân thì, lỡ duyên con gái, ba không đành lòng. Nhưng mẹ vẫn cứ đợi, để rồi vì chữ tình, chữ duyên mà hai người đến được với nhau.
Các cô chú đi xa, xa dần, tần suất về nhà mỗi năm mỗi ít. Có năm giỗ ông, cô chú cũng không về được vì người đi công tác ở xa, người bận bịu việc buôn bán dở dang. Hầu như mỗi lần nội vào viện đều chỉ có ba ở bên, cô chú có gọi điện, biết nội qua cơn nguy kịch thì thôi chẳng buồn về nữa. Nhiều lúc nghĩ thương nội, tôi than trách:
- Mấy cô chú còn mình nội mà chẳng ai chịu về hết nội nhỉ!
Video đang HOT
- Rồi sau này con lấy vợ, lập gia đình con sẽ hiểu. Đôi khi con người ta sẽ bỏ qua cái ruột rà để mà chọn tương lai, nhưng đôi khi cũng vì cái ruột rà ấy mà bỏ qua tất cả…
Bà mất, tấm di chúc để lại trên đầu nằm. Mọi tài sản được chia đều cho các cô chú và ba cũng được một phần. Tất nhiên, ngôi nhà mà gia đình tôi và nội ở trước giờ, nó vốn thuộc về chú Hai, người con ruột thịt của nội, người mà nội hy vọng sẽ lo hương hỏa từ đường sau này.
Một năm sau ngày nội mất, lần về làm tuần giáp năm cho nội, lần đông đủ các cô chú con cháu trong nhà về, chú Hai thông báo một tin mà khiến ba tôi chết lặng đi:
- Nhà này theo di chúc là má để lại cho em, nhưng giờ công việc của em gắn với Sài Gòn, chẳng thể về sống ở đây được, nên em sẽ bán đi, rồi đưa bàn thờ ba má lên trên đấy để tiện nhang khói cho ông bà…
Cô Ba lên tiếng:
- Nhà là của anh, anh được quyền bán, nhưng xưa giờ ba má ở đây, có cái nhà là của hồi môn, giờ anh bán, liệu ba má dưới kia có an lòng…
- Giờ con đâu thì ba mẹ theo đó thôi chị Ba – cô Út chen vào – Em cũng ở trên thành phố, anh Hai đưa bàn thờ ba má lên trên đó là phải, em cũng tiện qua lại thắp hương cho hai người…
Chú Hai tiếp lời cô Út:
- Thì đúng là vậy, con đi đâu cha mẹ theo đó. Mà anh Việt, nếu anh muốn ở đây thì em bán lại cho vợ chồng anh – Việt là tên của ba, vì không phải là ruột rà nên chẳng có kính ngữ để xưng hô.
Các cô chú lời qua ý lại, riêng chỉ ba là im lặng chẳng nói câu nào. Mà ngộ, xưa thì cha mẹ đi đâu, con cái theo đó, nay lại có cái nguyên lý lạ đời, ba mẹ phải đi theo con. Câu chuyện kết thúc và chốt rằng nhà sẽ bán đi thì ba mới lên tiếng:
- Chú Hai nếu chưa gấp thì để nhà tôi ở thêm vài tháng, để tôi cất xong căn nhà ngoài đất kia rồi dọn ra, khi ấy chú bán sao thì quyết định của chú.
Đêm, khi các cô chú đã rời đi, ba ngồi trên tấm ván với chai rượu gạo thằng Út mới mua về. Đã lâu lắm rồi mới thấy ba uống lại, từ cái hồi ba nhận chẩn đoán bị viêm gan. Tôi thấy ba trầm ngâm và đôi mắt đỏ ngầu, chắc lòng ba nặng trĩu những nỗi niềm bên trong.
Rồi ba khóc, ba kể về những kỷ niệm gắn bó với ngôi nhà này, những vui buồn ở nơi đây mà ba đã trải qua, giờ nó thuộc về người khác, ba chẳng cam lòng. Ba gọi thằng Út vào:
- Út! Mày muốn lên Sài Gòn học đúng không? Bỏ, bỏ hết…
- Ba, nhưng lên đó học mới có tương lai, chứ học ở đây chẳng biết khi nào mới tốt hơn được. Con chẳng muốn nhìn ba mẹ cực khổ như này hoài…
- Giàu tình giàu nghĩa thì ham, giàu chi vật chất rồi quên cội quên nguồn hả con…
Nói rồi ba nốc một hơi rượu dài. Tôi và thằng Út nhìn nhau, ngỏ ý rằng đây không phải là lúc để mình nói về chuyện này, rồi kéo nhau ra sau nhà.
Ba xây tạm một căn nhà nhỏ trên mảnh đất mà nội để lại chia phần cho ba. Căn nhà nhỏ chật hẹp, tạm bợ chẳng có chút kiên cố. Mấy tháng sau chú Hai về dẫn theo ông Hùng, một người chuyên về cò đất, cò nhà ở vùng này. Căn nhà được bán nhanh gọn trong ngày và chú Hai về lại thành phố.
Cũng đâu mất tầm nửa tháng thì chú Hai đã xong giấy tờ thủ tục nhà cho người ta, di ảnh của nội cũng được chú mang theo. Hôm ấy lại là một ngày buồn, ba uống từ trưa cho mãi đến chiều tối. Thấy ba bước đi ra ngoài cổng, mẹ bảo tôi đi theo, sợ ba đi không vững lại có chuyện gì. Tôi vội bước theo, là căn nhà của nội, ba đến đấy trong vẻ ngượng ngùng, như một vị khách đến thăm nhà mà trước đó mình đã từng sinh sống. Ba quay sang nhìn tôi:
- Mai là chúng ta dọn về lại đây sống rồi, cái nơi cứ ngỡ chẳng có ruột rà gì nhưng lại là cả cuộc đời của ba ở đây…
Tôi vỡ lẽ ra, người mua lại căn nhà này chính là ba. Hèn chi mấy nay tôi thấy chú Hùng có đến nhà, rồi tính chuyện nhà chuyện đất gì đấy. Bàn tay ba run run, cố víu chặt vào khung cửa.
- Cô chú có biết ba đã mua lại căn nhà này không?
- Không biết, mà họ chẳng về đây nữa đâu, cái xứ này còn gì để họ về khi mà ruột thịt chẳng còn ở đây…
Tôi im lặng, hiểu rằng cái nghĩa cái tình của người xưa không còn và ba đang rất đau lòng. Trở về căn nhà hiện tại, đêm, chiếc máy tụng kinh trên bàn thờ nội vang lên những câu vang vọng:
… Đến khi vừa được lớn khôn,
Mẹ cha dạy bảo cho con vỡ lòng,
Cho đi học mở thông trí huệ,
Dựng vợ chồng có thế làm ăn,
Ước mong con được nên thân,
Dầu cho cha mẹ cơ bần quản chi…
Tôi chợt nhớ lời nói của nội lúc trước khi mất. Tôi hiểu được cái câu “Vì ruột rà mà bỏ qua tất cả”. Là mẹ, là thương, là hy sinh mà nội không bao giờ trách cứ cô chú, bỏ qua tất cả để hy vọng cô chú có một cuộc sống tốt hơn. Nhưng tiếc là người đi xa chẳng thể hiểu nỗi nhớ ở quê nhà.
Thằng Út cuối cùng cũng đậu đại học trên Sài Gòn. Ba không cản nó đi học trên đó nữa, vì ba biết, có lấy dây buộc thì cũng chẳng thể giữ mãi đôi chân nó ở lại. Chỉ có tình thương, hơi ấm của gia đình mới mong mỏi mang nó trở về. Rồi nó đi, những bước chân đầu tiên nơi đất khách, liệu nó có trở về hay tìm hướng rồi tung bay…
Truyện ngắn của Đỗ Khắc Tồn
Cô gái ưa nhìn của anh đâu rồi
Anh năm nay 28 tuổi, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất miền Trung đầy nắng gió.
Từ lúc học đại học cho đến lúc ra trường đi làm, tính ra đã gắn bó với TP HCM này thấm thoát gần 9 năm rồi. Anh đang làm kinh doanh nhỏ, công ty khởi nghiệp từ lúc mới ra trường cũng được hơn 3 năm. Công ty đã vào guồng và tình hình hoạt động cho đến giờ cũng khá ổn định.
Anh là người sống nội tâm, không hút thuốc và cực kỳ hạn chế sử dụng bia rượu trong trong các mối quan hệ. Sở thích chụp ảnh, chơi game, đạp xe, những lúc rảnh rỗi. Nấu ăn cũng là lựa chọn của anh mỗi lúc stress. Xin nói thêm anh ăn chay là chính, không vì lý do gì bởi ăn chay healthy thôi.
Về tính cách thì theo đánh giá của bạn bè anh là người lành tính, hòa đồng, dễ bắt chuyện. Anh kết thúc mối tình đầu đến nay cũng đã hơn 3 năm rồi. Cho đến giờ tình trạng vẫn một mình, vẫn hát tình ca (mặc dù hát không được hay). Do tính chất công việc nên anh cũng ít khi gặp những bạn khác giới. Thời gian thì cứ cuộn chảy, ngọn lửa của tuổi trẻ dành cho sự nghiệp vẫn cháy mạnh mẽ... Và anh nhận ra Sài gòn về đêm thật sự buồn và khi người lớn cô đơn là có thật, những bước chân lạc lõng về đến nhà mỗi khi đêm về. Anh hy vọng em có thể đến và san lấp được khoảng trống ấy.
Về em, anh hy vọng em là người có thể cùng anh chia sẻ những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống cũng như những áp lực trong công việc của cả hai. Cảm ơn em đã đọc bài này. Anh mong sẽ nhận được hồi âm sớm từ em.
Em đâu rồi, cô gái có học vấn sương sương, ngoại hình ưa nhìn của anh?
Bát cơm thịt và tình yêu thương của ông nội Chiều nay anh Hai gọi điện nói rằng nội ốm nặng, tôi vội vàng xin nghỉ phép để về quê. Với tôi, nội vừa là người ông nhưng cũng là người thầy nuôi nấng chúng tôi khôn lớn. Tình yêu thương này không gì có thể sánh bằng. Mẹ qua đời khi anh Hai tròn 8 tuổi, còn tôi lên 5. Gia đình...