Đâu là những hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ của Chính phủ?
Ngày 24/2, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – ông Nguyễn Khắc Định đã trình bày công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo chỉ rõ, niệm kỳ 2011- 2016 được kế thừa những thành quả to lớn và kinh nghiệm quý báu của 25 năm đổi mới, nhất là kết quả trực tiếp của nhiệm kỳ 2007 – 2011, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều diễn biến quốc tế phức tạp, khó lường.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước, tuy còn những hạn chế, yếu kém nhưng kinh tế – xã hội nước ta đã đạt được kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Bên cạnh những thành tựu, ông Nguyễn Khắc Định cũng cho biết 7 hạn chế, yếu kém mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc nhìn nhận:
Thứ nhất, việc quán triệt, thể chế hóa và ban hành các kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, thi hành Hiến pháp, pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội trong một số lĩnh vực và ở một số bộ ngành, địa phương còn chậm, lúng túng, nhất là về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực còn chậm được hoàn thiện, chưa theo kịp thực tiễn, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế – xã hội. Việc chỉ đạo triển khai ở một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành để triển khai Hiến pháp 2013 còn chậm.
Việc thực thi pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, chậm được đổi mới, có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả. Các điều kiện bảo đảm tổ chức thi hành trong một số trường hợp còn chưa được xem xét thật kỹ lưỡng, thận trọng, thiếu quy định cụ thể, rõ ràng.
Ông Nguyễn Khắc Định – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. ảnh: VGP.
Thứ hai, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội trong một số trường hợp tính khả thi chưa cao, chưa bảo đảm trình tự, thủ tục theo đúng quy định; vẫn còn có đề án phải xin lùi hoặc xin rút khỏi chương trình. Tiến độ xây dựng một số dự án luật, pháp lệnh còn chậm.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho kinh tế thị trường còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, nhất là các quy định về quản lý giá, phát triển thị trường, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu kinh tế.
Công tác theo dõi, kiểm tra việc xây dựng, ban hành một số văn bản quy phạm luật chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng thẩm định văn bản pháp luật trong một số trường hợp còn thiếu tính bao quát, chưa chú trọng đến tính hợp lý và khả thi.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội, các tổ chức chính trị – xã hội trong nghiên cứu, xây dựng dự án luật, pháp lệnh chưa thật chặt chẽ.
Thứ ba, công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế – xã hội trong một số lĩnh vực còn những hạn chế, yếu kém và gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, do khả năng nắm bắt, xử lý thông tin, năng lực phân tích, dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội chưa lường hết được những tác động bất lợi của diễn biến tình hình trong và ngoài nước.
Sự phối hợp giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách khác trong thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế có thời điểm còn chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.
Video đang HOT
Việc kiểm soát nhập siêu còn gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý thị trường có mặt còn hạn chế, tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả, buôn lậu và vi phạm pháp luật trong kinh doanh còn diễn biến phức tạp.
Việc huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế. Một số ngành, địa phương còn đề xuất bố trí vốn đầu tư dàn trải, phân tán, chưa tuân thủ đúng các quy định pháp luật về đầu tư công. Chính sách về giá, phí sử dụng dịch vụ hạ tầng chậm được đổi mới.
Hành lang pháp lý về hợp tác công tư chưa thật đồng bộ. Một số quy định về giải phóng mặt bằng còn bất cập, công tác phối hợp trong một số trường hợp chưa chặt chẽ, ảnh hưởng tiến độ và hiệu quả dự án, công trình.
Việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế ở nhiều lĩnh vực còn chậm. Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng còn khó khăn; các cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.
Chậm có giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, đầu tư dàn trải. Cơ chế chính sách huy động vốn đầu tư ngoài nhà nước còn hạn chế.
Tư duy, nhận thức về phát triển nông nghiệp, nông thôn còn chậm đổi mới và chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Việc huy động nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu. Một số chủ trương chính sách thiếu đồng bộ, thiếu nguồn lực, tổ chức thực hiện còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.
Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp, quản lý người lao động nước ngoài. Tình trạng vi phạm quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động chậm được khắc phục. Quản lý nhà nước về văn hoá, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, thông tin truyền thông có mặt còn bất cập, lúng túng.
Việc khắc phục quá tải bệnh viện còn chậm. Thực hiện lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ y tế và cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập còn khó khăn; chưa có giải pháp đủ mạnh thu hút nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Quản lý y tế tư nhân, thuốc chữa bệnh, vệ sinh, an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế.
Quản lý nhà nước về giáo dục vẫn còn những bất cập; một số vấn đề bức xúc xã hội chưa được khắc phục triệt để như: dạy thêm học thêm trái quy định, hiện tượng tiêu cực về đạo đức, lối sống trong học sinh, sinh viên, nhà giáo. Việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các trường chưa gắn với nhu cầu thị trường lao động và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục đại học.
Chính sách phát triển khoa khọc công nghệ chưa thực sự chủ động, quyết liệt. Thiếu các giải pháp đồng bộ và cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả trong tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ khoa khọc công nghệ.
Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản ở một số địa phương còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.
Một số địa phương khai thác tài nguyên khoáng sản thiếu bền vững, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện đồng bộ; chưa có chế tài đủ mạnh xử lý các vi phạm.
Bị cáo Trần Minh Long, nguyên kế toán trưởng Kho bạc Nhà nước huyện Nhà Bè – TPHCM bị tuyên tử hình về tội tham ô tài sản và đánh bạc. Ảnh: Người lao động.
Thứ tư, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa tinh gọn, hiệu quả, còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, nhất là trong giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng.
Công tác thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức bộ máy, quản lý biên chế, tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo chưa được chú trọng thường xuyên; kỷ luật, kỷ cương hành chính còn chưa nghiêm.
Vẫn còn tình trạng một số bộ ngành, địa phương trình và xử lý công việc không đúng thẩm quyền và quy chế làm việc của Chính phủ. Trách nhiệm giải trình của bộ ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa được đề cao đúng mức, công tác thông tin, báo cáo trong nhiều trường hợp còn chậm, chưa nhất quán.
Công tác cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ triển khai nhiều đề án, dự án còn chậm.
Nhiều quy định về thủ tục hành chính còn phức tạp, khó thực hiện, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan trong giải quyết thủ tục hành chính còn thiếu nhất quán, chưa đồng bộ.
Công khai minh bạch thủ tục hành chính tại các cấp còn hạn chế; việc hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu.
Công tác quản lý công chức, viên chức và củng cố, kiện toàn đội ngũ còn hạn chế. Việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn lúng túng, bất cập. Cơ chế quản lý viên chức chưa đổi mới đồng bộ với cơ chế tự chủ trong tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số bộ ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; công tác phối kết hợp còn hạn chế. Việc triển khai kế hoạch thanh tra ở một số đơn vị còn chậm; nhiều cuộc thanh tra còn kéo dài, hiệu quả chưa cao.
Việc nắm tình hình khiếu nại, tố cáo có lúc còn bị động, lúng túng trong chỉ đạo xử lý tình huống phức tạp xảy ra. Công tác xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo còn chậm, một số địa phương chưa chú trọng giải quyết ngay từ khi vụ việc mới phát sinh.
Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là ở một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng… Một số tổ chức, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quán triệt đầy đủ và quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng.
Thứ sáu, công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên một số địa bàn còn có sơ hở, hiệu lực hiệu quả còn hạn chế. Việc nắm thông tin, nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình có việc, có địa bàn còn chưa sâu, chưa kịp thời; khi có vụ việc phức tạp xảy ra giải quyết còn lúng túng.
Việc thực hiện quy định trong điều tra, xử lý tội phạm ở một số nơi chưa nghiêm, có trường hợp vi phạm nghiêm trọng dẫn đến oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Tình trạng ùn tắc giao thông tại đô thị lớn khắc phục chậm, chưa bền vững.
Thứ bảy, quan hệ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương các đoàn thể nhân dân và việc chấp hành giám sát của Quốc hội, chế độ báo cáo Chủ tịch nước có mặt còn hạn chế.
Việc cập nhật thông tin, phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh có lúc chưa kịp thời, đầy đủ. Một số Bộ ngành, địa phương chưa chủ động thực hiện tốt công tác phối hợp, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Còn tình trạng chậm gửi một số báo cáo tại các Kỳ họp Quốc hội và phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Còn khó khăn trong việc thực hiện đúng quy định về thời hạn giải quyết kiến nghị của cử tri do có liên quan đến thẩm quyền giải quyết của nhiều cấp, nhiều ngành hoặc liên quan đến việc phải sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật.
Những hạn chế, yếu kém trên đây được nhận định do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan như:
Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên nhiều lĩnh vực chưa đủ rõ và còn khác nhau nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu và còn nhiều hạn chế. Việc quán triệt và thể chế hóa thành luật pháp trong nhiều trường hợp còn chậm, chất lượng thấp, tính khả thi chưa cao.
Phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành kinh tế xã hội chưa thật phù hợp, hiệu lực hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tổ chức bộ máy và phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức nhiều mặt còn hạn chế.
Khả năng phân tích, dự báo và phản ứng chính sách chưa đáp ứng yêu cầu trước tình hình quốc tế biến động rất nhanh, phức tạp.
Ngọc Quang
Theo giaoduc
Vua chúa và Công hầu không nên buôn bán
"Ta là vua mà các người biến ta thành ông chủ kho hàng ư. Người nghèo lấy gì ăn nếu chúng ta tranh mất nghề của họ? Ta đã là vua thì ai có thể phạt ta, nếu ta làm hãng độc quyền? Ai sẽ buộc ta thực hiện các hợp đồng?... Dân chúng tin vào tính công bằng của ta chứ không tin vào sự giàu có của ta".
Ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. (Ảnh: Quang Phong)
Trong cuốn sách "Bàn về Tinh thần Pháp luật" (được dịch từ tiếng Pháp - De L'Esprit Des Lois) của tác giả Montesquieu - nhà triết học người Pháp từ nửa đầu thế kỷ thứ 18 (1689-1755) do Nhà xuất bản Lý luận chính trị phát hành tái bản lần thứ nhất năm 2006, tại chương 19 có đoạn viết:
"Vua chúa và Công hầu không nên buôn bán
Théophile trông thấy con tàu có các hàng hóa của vợ ông là Théodora, liền hạ lệnh đốt tàu này. Ông nói: "Ta là vua mà các người biến ta thành ông chủ kho hàng ư. Người nghèo lấy gì ăn nếu chúng ta tranh mất nghề của họ?". Và ông nói thêm: "Ta đã là vua thì ai có thể phạt ta, nếu ta làm hãng độc quyền? Ai sẽ buộc ta thực hiện các hợp đồng? Ta buôn thì các triều thần cũng sẽ buôn, họ sẽ tham lam hơn, bất công hơn ta. Dân chúng tin vào tính công bằng của ta chứ không tin vào sự giàu có của ta đâu. Thuế đánh vào dân quá nặng làm cho dân nghèo đói, đó là điều chắc chắn đưa chúng ta đến chỗ suy vong".
Đó là chuyện từ thời vua chúa phong kiến, khi mà cả giang sơn, mọi thần dân đều là của "trẫm", mọi quyền sinh quyền sát đều trong tay vua, thời mà hai chữ dân chủ dường như còn chưa tồn tại, mà vị minh quân đã nhận ra cái đức, định ra chuẩn mực về sự anh minh công bằng cần có của các bậc Vua chúa, Công hầu.
Vậy mà ngày nay, trong thời đại văn minh này, chúng ta lại phải chứng kiến một sự thật hiển nhiên, hiện diện hàng ngày, sờ sờ ngay trước mắt cái sự mà vị Vua Théophile anh minh từ thời xa xưa kia đã biết từ chối, đã khẳng khái cự tuyệt và chỉ đích danh, bằng những ngôn từ mộc mạc mà dễ hiểu: "Vua chúa và Công hầu không nên buôn bán".
Ở nước ta, hàng chục năm nay, không ít vợ con của các quan chức đi "buôn bán", kể cả "buôn thần, bán thánh" và bản thân quan chức cũng tham gia hoạt động "lợi ích nhóm" tiêu cực, buôn bán dự án, đất đai, giấy phép, cấp tiền, cho vay và mua bán cả chức quan lớn, bé. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn hô hào chống tham nhũng, "lợi ích nhóm" tiêu cực, cũng đã có những biện pháp đáng kể, nhất là vài ba năm gần đây, nhưng nhìn chung tình hình vẫn còn rất xấu, làm mất lòng tin trong dân chúng.
Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân mong muốn nhiệm kỳ XII của Đảng cần quan tâm hàng đầu việc chống tham nhũng, "lợi ích nhóm", từ việc đề ra chủ trương giải pháp đến việc chọn nhân sự, sao cho lòng tin không mất thêm mà bắt đầu khôi phục, tạo đà cho nhiệm kỳ đến có sự phát triển bền vững và lành mạnh hơn, không để cho quyền lực bị tiếp tục tha hóa, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ từ bên trong. Trong nhiệm kỳ XII của Đảng cần sớm có các quy định cụ thể về kiểm soát quyền lực, chống lộng quyền, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình, tự do ngôn luận trong chống tham nhũng, không có vùng cấm, vùng "nhạy cảm" và quy định cụ thể về việc người nhà (như vợ, chồng, con...) của các quan chức chủ chốt từ cấp tỉnh, bộ trưởng trở lên không được tham gia kinh doanh trên lĩnh vực và địa bàn mà người nhà phụ trách, đồng thời phải chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước và công luận về nguồn gốc các khoản thu nhập của các doanh nghiệp này. Nước ta cũng nên quyết liệt thực hiện chi tiêu không bằng tiền mặt, không được rút nhiều tiền mặt ra khỏi ngân hàng, tập trung giao dịch qua chuyển khoản minh bạch; thực hiện đánh thuế lũy tiến đối với bất động sản cá nhân; quy định trách nhiệm giải trình công khai minh bạch và thanh tra về tài sản và nguồn thu nhập của các gia đình cán bộ chủ chốt, xem xét trách nhiệm và thực hiện miễn nhiệm quản lý đối với những người trực tiếp phụ trách lĩnh vực, địa bàn, và đơn vị mà xảy ra tham nhũng.
Nói chung, trong chống tham nhũng, cần ưu tiên hàng đầu việc đề ra những cơ chế quản lý cụ thể, kể cả luật và các quy định hành chính khác, để cán bộ không dám và không thể tham nhũng. Đầu tư thỏa đáng cho việc nghiên cứu, học kinh nghiệm các nước làm tốt, đề ra các quy định có chất lượng và hiệu quả thiết thực, thay cho việc nêu nhiều khẩu hiệu hoặc quan điểm chung chung, trừu tượng. Chống tham nhũng là công việc hết sức hệ trọng đối với nước ta hiện nay, để đảm bảo cho sự ổn định chính trị và phát triển bền vững đất nước, quy tụ lòng người để bảo vệ Tổ quốc; vừa phải khẩn trương, quyết liệt như chống giặc, vừa là việc phải rất khoa học thì mới có hiệu quả. Nhiều người mong đợi những chuyển biến mới thực chất trong lĩnh vực này.
Vũ Ngọc Hoàng
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương
Theo Dantri
Tổng Bí thư: Hà Nội cần đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Hà Nội cần đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu... đồng thời, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phát biểu tại...