Đâu là lý do tử tù Hàn Đức Long được trả tự do?
Như đã thông tin, tử tù Hàn Đức Long sau khi ngồi tù 11 năm đã được trả lại tự do. Vậy đâu là lý do khiến ông Long – người đã bị 4 bản án (2 lần sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm) tuyên tử hình, nhưng đều bị các bản án Giám đốc thẩm tuyên hủy để điều tra lại?
Ông Hàn Đức Long đã được tại ngoại về với gia đình. (Anh: Bá Đoàn)
Những dấu hiệu oan sai rất rõ
Như Dân Tri đã từng thông tin, chúng tôi xin lược lại ngắn gọn những dấu hiệu oan sai và cả những dấu hiệu bức cung nhục hình mà ông Long phải gánh chịu đầy đau đớn về thể xác cũng như tủi nhục cho cả gia đình, họ hàng ông ở quê nhà cả chục năm qua.
Những dấu hiệu oan sai tôi trình bày dưới đây ngoài việc đọc hồ sơ, còn nhờ tiếp cận với một số vị có trọng trách ở cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và trao đổi với Luật sự Phạm Cương, Văn phòng Luật sư T.H.
Thứ nhất, vụ án bắt đầu từ đơn của bà Khuyến (70 tuổi) và con gái bà (hàng xóm của ông Long) trong vòng 1 tuần lần lượt tố cáo ông Long có hành vi hiếp dâm, dù không có ai làm chứng (trước đó 1 tháng, ông Long đánh con trai bà Khuyến). Nhưng, ông Long vẫn bị Công an huyện Tân Yên, Bắc Giang áp giải lên Công an huyện và tạm giữ luôn. Đây là việc làm không bình thường, vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS). Đặc biệt, chỉ sau một ngày bị tạm giữ, ông Long đã phải “đầu thú” nhận tội hiếp dâm 2 mẹ con bà Khuyến (!?). Và mười ngày sau đó, ông Long lại “đầu thú” tiếp tội hiếp dâm và giết cháu Yến!
Vậy trong mười ngày bị tạm giam đó, vì sao ông Long không giết người, không hiếp dâm nhưng đều phải nhận tội (trước đó tòa đã tuyên ông Long không phạm tội hiếp dâm hai mẹ con bà Khuyến). Phải chăng các điều tra viên đã dùng nhục hình với ông Long? Câu hỏi này chắc chắn sẽ được điều tra trong một vụ án khác.
Thứ hai, với vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhưng trong tất cả các biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kết luận giám định, tang chứng vật chứng đều không liên quan đến Hàn Đức Long. Thậm chí, ngay cả 3 lông của bộ phận sinh dục, máu và tinh dịch phát hiện ở hiện trường cũng không liên quan đến ông Long.
Thứ ba, không có một nhân chứng nào nhìn thấy Hàn Đức Long có mặt ở hiện trường. Trong khi đó lại có nhiều nhân chứng quan trọng có thể xác định thời gian mất tích của cháu Yến hoặc thời gian ngoại phạm của ông Long, nhưng không được điều tra làm rõ. Những yếu tố này đã bị các điều tra viên bỏ qua, dù các luật sư luôn đề cập trong các phiên tòa.
Thứ tư, có những mâu thuẫn ngay trong các kết luận điều tra, cáo trạng: Một con người có thể trạng ốm yếu như ông Long lại có thể vừa bế cháu Yến, vừa chạy maraton mà vẫn còn sức và hưng phấn để kích dục được hay không? Lạ lùng hơn nữa là, sau khi hãm hiếp cháu Yến, “vì đã xuất tinh, hết cảm hứng nên Long bế cháu Yến đi ngược bờ mương, vừa đi vừa cắn vào môi cháu Yến”. Không còn gì gượng ép hơn nhưng nó vẫn được đưa vào kết luận điều tra và cáo trạng chỉ duy nhất phục vụ mục đích: Lời khai phù hợp với những dấu vết trên người nạn nhân.
Video đang HOT
Thứ năm, về nguyên tắc, mỗi lần lấy cung phải có một quyết định trích xuất ra khỏi buồng giam để vào phòng hỏi cung. Tuy nhiên, qua hồ sơ cho thấy, số lần trích xuất ít hơn số bản cung. Vậy điều này đặt ra: Phải chăng các điều tra viên đã vào buồng giam để lấy cung hoặc có một số khả năng khác? Nhưng bất cứ khả năng nào cũng đều vi phạm nghiêm trọng Bộ luật TTHS.
Cuối cùng, điều đặc biệt nghiêm trọng trong vụ án này là, cơ quan điều tra đã tự ý bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án tới 49 bút lục.
Những người góp phần quan trọng minh oan cho ông Long
Đầu tiên là người vợ của ông – bà Mai. Tất nhiên, phải là người rất hiểu chồng, có niềm tin vô bờ bến là chồng mình không thể phạm tội mới có thể kiên trì đi kêu oan cả chục năm ròng như bà. Tôi đã gặp bà tại Cty Luật T.H ở 337 đường Trường Chinh, Hà Nội – văn phòng của LS Phạm Cương. Bà Mai mang theo đến cả chục cân hồ sơ để gửi tất cả những nơi bà có thể gửi, còn phần mình, bà đã thuộc lòng từng tình tiết nhỏ nhất của vụ án. Tôi thật sự khâm phục nghị lực của bà, bởi lẽ, cũng thương yêu, tin tưởng chồng, nhưng không phải ai cũng có đủ sức, đủ kiên trì đi kêu oan cho chồng từng ấy năm trời.
Và luật sư Phạm Cương (nguyên Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa, đã nghỉ hưu) thấy những dấu hiệu oan sai, ông tham gia bảo vệ cho bị cáo Long miễn phí đến cùng. Vì các luật sư khác đã bỏ cuộc, đến phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai, tham gia bào chữa cho ông Long chỉ còn duy nhất các luật sư của Văn phòng luật sư T.H của ông Phạm Cương.
Không chỉ vậy, sau khi tòa vẫn tuyên án tử hình với ông Long, không chịu bỏ cuộc, luật sư Phạm Cương viết đơn trình bày những tình tiết mà kết luận điều tra không đúng đến một số cơ quan tố tụng ở trung ương và ông gửi nhiều lần mỗi khi phát hiện thêm tình tiết mới.
Mặt khác, LS Phạm Cương cùng LS Lê Xuân Thảo – Giám đốc Trung tâm tư vấn của Liên đoàn Luật sư, đến nhà riêng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Sau khi nghe trình bày, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã gửi văn ban tơi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong đó có nội dung đề nghị: “Chủ tịch chỉ đạo tòa án cần thẩm tra lại, tránh làm oan với người vô tội.”
Sau khi nghiên cứu đơn và trình bày của LS Phạm Cương, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi văn bản tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị “Chủ tịch chỉ đạo tòa án cần thẩm tra lại, tránh làm oan với người vô tội”.
Một điều cực kỳ quan trọng nữa là, rất nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan ở trung ương, một số Ủy ban của Quốc hội cũng vào cuộc ráo riết, yêu cầu các cơ quan tố tụng sớm có kết luận khách quan, trung thực để trả lại tự do cho công dân nếu họ bị oan khuất.
Nhưng điều đáng buồn là, cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Giang trong bản kết luận điều tra thứ 7 của mình vẫn không thấy những lỗi, những sai phạm của mình, mà vẫn cho rằng, ông Long chính là thủ phạm hãm hiếp và giết hại cháu gái vô tội. Rất may, lần này VKSND tỉnh đã trả lại kết luận điều tra này yêu cầu điều tra bổ sung.
Và cũng phải nói rõ, nếu bản án này không được các cơ quan tố tụng ở Trung ương trực tiếp họp vài lần bàn bạc, đưa ra những đánh giá, chỉ ra những sai sót, những vi phạm tố tụng của các cơ quan tố tụng ở tỉnh Bắc Giang thì chưa biết kết quả sẽ như thế nào.
Quan trọng là, dù rất đau xót, nhưng cuối cùng sự công bằng và cái kết có hậu đã đến với gia đình ông Hàn Đức Long.
Theo Vương Hà (Dân Tri)
Người vợ 11 năm kêu oan cho tử tù Hàn Đức Long
"Anh ấy suy sụp nên trông như "ma" ấy. Tôi cố gắng không khóc, khuyên phải cố trụ thì tôi ở ngoài mới đi kêu oan được, chứ lỡ chết đi rồi thì oan ức biết kêu ai", vợ của ông Hàn Đức Long, người vừa được thả sau 4 lần bị tuyên án tử hình, nhớ lại lần đầu tiên gặp chồng trong trại tạm giam.
Ông Hàn Đức Long có mặt tại gia đình vào tối 20.12.
Suốt 11 năm kêu oan cho chồng, bà Nguyễn Thị Mai (46 tuổi) ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang không nhớ xuể đã trải qua bao nhiêu khó khăn, nhọc nhằn.
Ngần đấy thời gian trôi qua, làng Yên Lý đã "thay da đổi thịt" khi càng nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên, nhưng nhà của bà Mai bao năm vẫn cũ kỹ thế. Bà Mai kể, ngày 17.9.2005, Đảng ủy xã mời ông Long tới giải quyết vụ đánh nhau với gia đình hàng xóm tên Khuyến. Sáng hôm sau, vì không có xe máy, ông Long nhờ đứa cháu chở tới xã bên cạnh lấy nốt tiền công làm thuê 600.000 đồng, rồi mới tới xã làm việc. Ông Long bị bắt ngay hôm đó. Hai ngày sau, bà Mai đang làm thuê ở Bắc Ninh thì được một người báo tin dữ này. Hàng xóm đồn thổi, ông Long bị bắt vì lý do đánh nhau. Bà Mai tới cơ quan công an xin gặp chồng nhưng không được.
"Lúc đó tôi nghĩ đơn giản, chắc tại vì nhà tôi nóng tính đánh nhau với người nhà bà Khuyến và còn thiếu 300.000 đồng trong 1,6 triệu đồng bồi thường nên công an giữ người, chứ không có gì to tát", bà Mai nói với VnExpress.
Đến ngày 21.8.2005, gia đình bà Mai choáng váng khi Công an tỉnh Bắc Giang gửi thông báo tới nhà về việc bắt tạm giam ông Hà Đức Long do nghi ngờ hiếp dâm và giết một bé gái trong vụ án chưa tìm ra hung thủ.
"Tôi không bao giờ tin chồng mình làm thế vì chứng kiến ông ấy có mặt ở nhà vào lúc xảy ra việc cháu bé bị hiếp và giết", bà Mai khẳng định. Suốt nhiều năm qua điều này cũng chính là sợi dây buộc chặt niềm tin của bà Mai rằng chồng mình bị oan.
Hành trình kêu oan cho chồng của bà đã bắt đầu như thế. Bà bảo gửi đơn không sót cơ quan tố tụng hay cơ quan có thẩm quyền nào, từ Công an tỉnh Bắc Giang đến Bộ Công an, từ TAND tỉnh đến TAND Tối cao...
Có lần vì quá tủi cực trước thái độ của người nhận đơn, bà và một phụ nữ đi cùng đã ôm nhau khóc ngay giữa đường. "Tôi đi nhiều nơi lắm, chẳng thể nào đếm xuể", bà Mai nói.
Nhớ lại những lá đơn đầu tiền, bà bảo: "Chữ thì xấu, tôi cứ viết phác ra rồi bảo con gái chép lại cho đẹp, cũng chẳng biết mẫu đơn yêu cầu bố cục thế nào mà cứ viết bừa. Giờ xem lại những lá đơn đầu tiên, có lá chẳng có dấu chấm phẩy nào, sai chính tả liên miên. Sau này dần dà có kinh nghiệm, tôi viết tay rồi mang ra hàng nhờ người ta đánh máy cho chuẩn".
Tháng 6.2007, bà Mai lần đầu tiên được gặp chồng trong vỏn ven 15 phút. "Không thể tưởng tượng được, anh ấy suy sụp nên trông như "ma" ấy. Tôi cố gắng không khóc theo chồng, khuyên phải cố trụ thì tôi ở ngoài mới đi kêu oan được, chứ lỡ chết đi rồi thì oan ức biết kêu ai", bà kể.
Từ sau đó, bà Mai tháng nào cũng đến thăm hoặc gửi tiền qua đường lưu ký cho ông Long. Một mình làm 5 sào ruộng chỉ đủ ăn, bà phải xoay sang làm thuê đủ nghề để kiếm tiền đi lại. Thấy người ta trải bạt ra ngủ ở vỉa hè bà cũng ngủ theo cho bớt tốn kém. Ăn thì khi có cơm nắm, khi nhai mì tôm sống uống nước cũng no.
Bà Mai kể một lần ngồi đợi xe buýt ở đường Lý Thường Kiệt để ra bến xe Gia Lâm thì có một thanh niên tới mời đi xe ôm. Bà nói không đủ tiền trả, anh ta nói chỉ lấy hơn giá đi xe buýt một chút thôi, vì thế cả tin cũng đi theo. "Cậu ta chở tôi lên đoạn đường vắng ở đê Long Biên dọa giết nếu không đưa tiền. Tôi sợ quá lột nốt 500.000 đồng trong túi đưa cho, cậu ta chửi bới dọa nạt một hồi rồi bỏ tôi lại một mình... Cũng may, sau đó, có người tốt bụng đã cho tôi 3.000 đồng để đi xe buýt".
Nghĩ lại những nhọc nhằn ngày cũ, bờ vai bà Mai không ngừng run run, những giọt nước mắt tủi cực trực chờ nơi khóe mắt. Dù bao khó khăn, nhưng bà Mai vẫn không ngừng gửi đơn đi khắp nơi kêu oan cho chồng. Có đợt mỗi tuần bà gửi một lá đơn, sau này thưa hơn mỗi tháng gửi một lá. Dù rằng chẳng bao giờ nhận được hồi âm nhưng bà vẫn cứ gửi với một niềm tin biết đâu đó may mắn họ sẽ đọc một trong những lá đơn mình đã gửi.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 19h ngày 26.6.2005, một đôi vợ chồng ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang đi làm đồng về không thấy con gái 5 tuổi ở nhà. Hôm đó, mọi nỗ lực tìm kiếm của gia đình không có kết quả. Sáng sớm hôm sau, một phụ nữ cùng xã đi làm sớm phát hiện thấy xác bé gái tại mương nước gần bờ ruộng. Nhà chức trách xác định, đứa trẻ bị hiếp dâm rồi dìm chết.
Sau khoảng 4 tháng không tìm ra manh mối thủ phạm, cơ quan điều tra phải tạm đình chỉ điều tra vụ án, phát động nhân dân trong thôn tố giác tội phạm. Bà con được đề nghị trình báo trước nay có ai bị hiếp dâm, hoặc biết được hành vi tình dục bất thường của ai đó.
Đến tháng 10.2005, cơ quan điều tra nhận được đơn của hai mẹ con tố cáo cùng bị người cùng thôn là Hàn Đức Long hiếp dâm. Bị triệu tập, Hàn Đức Long thú nhận việc này, sau đó làm đơn tự thú là thủ phạm hiếp dâm, giết đứa trẻ 5 tuổi nêu trên.
Từ năm 2007 đến năm 2011, qua 4 phiên tòa, ông Long bị TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao tuyên phạm tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người, hình phạt chung là tử hình.
Theo Bảo Hà (VNE)
Tử tù 4 lần bị tuyên án tử Hàn Đức Long vừa được trở về nhà Thông tin từ luật sư Quách Thành Lực và bà Nguyễn Thị Mai (vợ ông Hàn Đức Long), ông Long vừa được về nhà lúc đầu tối nay (20.12). Trao đổi với PV Dân Việt tối nay, luật sư Quách Thành Lực - người bảo vệ cho bị can Hàn Đức Long - cho biết, ông Long đã được về nhà tại xã...