Dầu khí sẽ tiếp tục là nguồn năng lượng hàng đầu trong hàng chục năm tới
Tại hội nghị Năng lượng châu Á được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia trong tuần này, các lãnh đạo trong ngành năng lượng nhận định dầu và khí đốt sẽ tiếp tục là nguồn năng lượng hàng đầu trong hàng chục năm tới do sự chậm trễ trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil tại Fawley, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông John Hess, Giám đốc điều hành công ty dầu Hess Corporation của Mỹ, cho rằng nhận thức lớn nhất rút ra từ hội nghị lần này là thế giới vẫn cần dầu và khí đốt trong hàng chục năm nữa. Ông nhận định quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ mất nhiều thời gian hơn, tốn nhiều tiền hơn và cần nhiều công nghệ mới.
Ông Hess cho biết thế giới cần phải đầu tư 4.000 tỷ USD mỗi năm cho năng lượng sạch. Nhưng theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đầu tư cho năng lượng sạch trên toàn cầu được dự đoán mới chỉ tăng lên mức 1.700 tỷ USD trong năm 2023.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Haitham Al Ghais dự đoán đến năm 2045, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên 110 triệu thùng/ngày, do quá trình đô thị hóa sẽ diễn ra nhanh chóng trong vài năm tới.
Vì thế, nhà sản xuất dầu lớn nhất của Mỹ ExxonMobil dự đoán dầu sẽ vẫn là nguồn năng lượng lớn nhất trong ít nhất là 10 năm nữa, khi nó đóng vai trò quan trọng trong vận tải thương mại và ngành hóa chất.
Trong đó, châu Á sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu dầu và khí đốt, khi đà tăng trưởng nhu cầu dầu của khu vực này được dự đoán sẽ vượt qua Mỹ và châu Âu trong năm nay. Phó Chủ tịch của công ty dịch vụ tài chính S&P Global Dan Yergin cho biết chỉ riêng dân số của khu vực Đông Nam Á đã cao gấp rưỡi dân số của Liên minh châu Âu (EU).
Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Pháp TotalEnergies cho biết Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đã thúc đẩy tăng trưởng của thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm ngoái.
Video đang HOT
Theo IEA, Ấn Độ được dự đoán sẽ ghi nhận mức tăng lớn nhất thế giới trong nhu cầu năng lượng. Nhu cầu của Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng hơn 3% khi nước này trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2025.
Thế giới hướng tới những mục tiêu tham vọng về năng lượng tái tạo
Nhằm hướng tới mục tiêu tham vọng về khí hậu, các quốc gia trên thế giới đã đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng sạch và tăng mạnh tỷ trọng nguồn năng lượng này.
Mặc dù đã có những bước tiến lớn về công nghệ giúp chi phí giảm mạnh trong những năm gần đây, quá trình chuyển đổi năng lượng vẫn đối mặt với những rào cản và cần những hỗ trợ về chính sách.
Nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Những mục tiêu tham vọng
Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, ông Sultan Al Jaber đã kêu gọi các nước tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Ông nhấn mạnh cần phải tăng cường hành động trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, phải tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 và tăng gấp đôi vào năm 2040.
Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu đã nhất trí đến năm 2030 sẽ nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ các nguồn như gió và Mặt Trời trong tổng năng lượng khối này sử dụng lên 42,5%, tăng hơn gấp đôi so với mức 22% hiện tại, cũng như vượt mục tiêu đề ra trước đó cho năm 2030 là 32%. Thỏa thuận còn kêu gọi các thành viên nỗ lực hơn nữa để đạt tỷ lệ 45% vào thời điểm nêu trên.
Để đạt được những mục tiêu mới đề ra, châu Âu cần đầu tư quy mô lớn cho các cơ sở năng lượng gió và Mặt Trời, mở rộng quy mô sản xuất khí đốt tái tạo và củng cố mạng lưới điện để có thể tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn.
Ủy ban châu Âu ước tính khối này sẽ cần các khoản đầu tư bổ sung trị giá 113 tỷ euro (123 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và hydro đến năm 2030, nếu các nước thành viên muốn chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu từ Nga.
Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ sản xuất 15 GW điện gió ngoài khơi, đủ để cung cấp điện cho hơn năm triệu hộ gia đình.
Trước đó, trong ạo luật Giảm lạm phát được ban hành hồi tháng 8/2022, Mỹ quyết định dành khoảng 370 tỷ USD để thúc đẩy các sáng kiến chống biến đổi khí hậu và sản xuất năng lượng sạch.
Trung Quốc đặt mục tiêu đưa tỷ trọng năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời lên 28% trong sản lượng điện vào năm 2030 và 81% vào năm 2060, tăng từ mức 13% năm 2022.
Tại Trung Quốc, ba công ty năng lượng quốc doanh lớn là China Petroleum and Chemical, China National Offshore Oil Co. và PetroChina dự định sẽ đầu tư tổng cộng ít nhất 100 tỷ NDT (14,5 tỷ USD) vào năng lượng tái tạo đến hết năm 2025, nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực hướng đến mục tiêu đến năm 2060 lượng khí thải CO2 ròng bằng 0.
Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) cho rằng đầu tư vào công nghệ năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục 1.300 tỷ USD trong năm 2022, nhưng con số đó cần phải tăng lên khoảng 5.000 tỷ USD mỗi năm mới có thể đáp ứng mục tiêu chính của Hiệp định Paris về hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp.
Tổng cộng, thế giới cần khoảng 35.000 tỷ USD cho công nghệ chuyển đổi vào năm 2030, bao gồm nâng cao hiệu quả, điện khí hóa, mở rộng lưới điện và tính linh hoạt.
IRENA cho biết công suất năng lượng tái tạo phải tăng từ khoảng 3.000 GW/năm hiện nay lên hơn 10.000 GW vào năm 2030, đồng thời cho biết thêm rằng cần có sự bình đẳng hơn trong việc phát triển năng lượng tái tạo giữa các nước công nghiệp và các nước đang phát triển.
Các dự án năng lượng tái tạo mới ở Trung Quốc, EU và Mỹ chiếm hơn 70% công suất lắp đặt vào năm 2022, trong khi châu Phi chỉ chiếm 1% công suất tái tạo được lắp đặt.
Và những khuyến nghị chính sách
Nhà máy điện gió ở Eaglesham Moor, Scotland. Ảnh: AFP/TTXVN
Dù đạt một số tiến triển, quá trình chuyển đổi năng lượng vẫn chưa đạt được những kết quả đáng kể. Vẫn có một số rào cản chính đối với quá trình phát triển năng lượng tái tạo, từ những rủi ro về công nghệ và tài chính ở một số thị trường mới đến những thách thức ở các thị trường mà các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục chiếm tỷ lệ cao. Thêm vào đó, dù có những tiến triển lớn đạt được trong lĩnh vực điện, việc sử dụng năng lượng tái tạo trong việc sưởi ấm, làm mát và giao thông diễn ra chậm hơn. Điều cần thiết là thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trong tất cả các lĩnh vực.
Kể từ năm 2018, IRENA đã đánh giá các chính sách trong giai đoạn chuyển đổi, đưa ra các khuyến nghị chính sách toàn diện cho các nhà hoạch định chính sách có thể áp dụng với việc phát triển năng lượng tái tạo trong từng lĩnh vực, bao gồm sản xuất điện và sưởi ấm, làm mát. Các phân tích về chính sách năng lượng tái tạo trong giai đoạn chuyển đổi nhằm vào tình trạng phát triển và lộ trình chuyển đổi dựa trên năng lượng tái tạo trong mỗi lĩnh vực.
Báo cáo chung của IRENA, Cơ quan Năng lượng Quốc tế và Mạng lưới Chính sách Năng lượng Tái tạo trong thế kỷ 21 khuyến nghị các chính sách năng lượng tái tạo phải tập trung vào các lĩnh vực sử dụng cuối cùng, không chỉ là sản xuất điện, sử dụng năng lượng tái tạo cho sưởi ấm và làm mát đòi hỏi sự chú ý lớn hơn về chính sách, trong đó có các mục tiêu riêng, các nhiệm vụ về công nghệ, các sáng kiến về tài chính, thuế carbon và năng lượng, các chính sách về lĩnh vực điện phải phát triển hơn để giải quyết các thách thức mới, các biện pháp hỗ trợ cần tính tới các đặc tính cụ thể của năng lượng Mặt Trời và gió.
Để thúc đẩy năng lượng tái tạo cho phù hợp với tiềm năng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và các mục tiêu về khí hậu đòi hỏi đầu tư lớn hơn nhiều so với dự kiến hiện nay. Trong khi phần lớn các khoản đầu tư sẽ là từ lĩnh vực tư, các nguồn tài trợ công như các tổ chức phát triển quốc gia và quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn vốn tư nhân. Mặc dù các xu hướng đầu tư vào năng lượng tái tạo khá tích cực, có những rào cản thường trực cản trở đầu tư tư nhân trong việc tiếp cận nhiều cơ hội đầu tư.
Các quy định về hợp đồng hiện nay đối với các dự án năng lượng tái tạo là quá phức tạp và vốn dành cho việc sản xuất điện quy mô lớn và yêu cầu cao về kỹ thuật. Các yêu cầu quá nhiều về hồ sơ khiến chi phí giao dịch lớn và thời gian tài trợ cũng như phát triển các dự án kéo dài, cản trở việc tăng mạnh công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu.
Những hạn chế về năng lực để triển khai các dự án và tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo đã gây trở ngại trong việc tăng cường dòng chảy vốn cho các dự án năng lượng tái tạo. IRENA đã thực hiện các chương trình nâng cao năng lực cho các tổ chức tài chính trong việc phát triển và tài trợ dự án dựa trên năng lực trong nước và hợp tác quốc tế, khu vực và quốc gia, nhằm khai thác các kinh nghiệm và thực tiễn tối ưu nhất trên toàn cầu.
Mỹ, EU hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Nam Phi Mỹ sẽ hỗ trợ Nam Phi chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn và sẽ giúp huy động tài chính từ khu vực tư nhân để hỗ trợ quốc gia phụ thuộc nhiều vào than đá, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết hôm 27/1 trong chuyến thăm Nam Phi. Hiện tại, than đá là nguồn năng lượng chính của Nam...