Dấu hiệu viêm phổi do Covid-19 có gì khác viêm phổi thông thường?
Các triệu chứng của viêm phổi do Covid-19 tương tự như các loại viêm phổi khác đó là sốt, ho và khó thở, song nó thường nặng nề hơn nhiều.
Ths.Bs Nguyễn Thị Phương Anh, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, các tỉnh phía Bắc sắp bước vào mùa thu đông, cũng là thời điểm bệnh nhân nhập viện nhiều trong năm, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Đây là môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn dễ sinh sôi, phát triển và tồn tại trong không khí.
“Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng ta cần lưu ý đến các biểu hiện giống cúm để không bỏ qua dấu hiệu nhiễm Covid-19 vì biểu hiện ban đầu của hai bệnh khá giống nhau”, Bs Phương Anh nói.
Triệu chứng khởi điểm của bệnh cúm và Covid-19 khá giống nhau, vì thế cần xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh.
Cụ thể, cả Covid-19 và bệnh cúm đều có các mức độ biểu hiện khác nhau, từ không có triệu chứng đến triệu chứng nhẹ, trung bình, nặng và nghiêm trọng. Các biểu hiện phổ biến mà Covid-19 và bệnh cúm tương tự nhau bao gồm:
- Sốt hoặc cảm thấy sốt/ớn lạnh
- Ho
- Mệt mỏi
- Đau cơ hoặc đau nhức cơ thể.
Tuy nhiên, nhiễm cúm và Covid-19 vẫn có các biểu hiện khác nhau:
Video đang HOT
- Nhiễm cúm thường có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi chảy nước mũi.
- Nhiễm Covid-19 thường có thay đổi hoặc mất vị giác hoặc mất mùi.
Viêm phổi do Covid-19 khác các loại viêm phổi khác thế nào?
Bên cạnh đó, theo Bs Phương Anh, cả cúm và Covid-19 đều có thể dẫn đến viêm phổi song diễn biến ở bệnh nhân Covid-19 thường nặng hơn rất nhiều.
Khoảng 20-33% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng. Hầu hết (khoảng 70%) chỉ sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, có khoảng 23% diễn biến nặng và trong số này tỷ lệ nguy kịch khoảng 6%.
Trong đó, bệnh nhân có viêm phổi được xếp vào thể trung bình, nếu diễn biến sang thể nặng, nguy kịch thì sẽ hết sức nặng nề.
“Các dấu hiệu của viêm phổi do Covid-19 về cơ bản giống với các dạng viêm phổi khác. Chúng bao gồm ho (có thể có đờm hoặc không), sốt, ớn lạnh, khó thở,”, Bs Phương Anh cho biết.
Tuy nhiên, viêm phổi do Covid-19 là một dạng viêm phổi rất nặng, tổn thương lan tỏa, khả năng hồi phục khó, không đáp ứng với kháng sinh (khác với viêm phổi thông thường). Ngoài ra, điểm đặc biệt ở bệnh nhân Covid-19 khi diễn tiến nặng là không chỉ tổn thương phổi mà tổn thương các cơ quan khác.
Ảnh minh họa: Hữu Khoa.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng những người bị viêm phổi do Covid-19 có nguy cơ mắc viêm phổi ở cả hai phổi và có các tổn thương dạng kính mờ trên các bản scan, một dấu hiệu bất thường ở phổi.
Theo CDC Mỹ, hầu hết các trường hợp mắc Covid-19 liên quan đến các triệu chứng nhẹ đến trung bình. Bệnh viêm phổi nhẹ có thể xuất hiện ở một số người trong số này. Những người mắc Covid-19 nặng có thể bị viêm phổi từng đợt nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng có thể bao gồm khó thở và lượng oxy máu thấp. Trong những trường hợp nghiêm trọng, viêm phổi có thể tiến triển thành hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS).
Bác sĩ khuyến cáo vì một số triệu chứng của bệnh cúm, Covid-19 và các bệnh đường hô hấp khác tương tự nhau, không có sự khác biệt nhiều nếu chỉ dựa trên các triệu chứng. Bệnh Covid-19 cũng dễ lây hơn cúm. Vì thế, cần xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh. Mọi người có thể bị nhiễm cả bệnh cúm và virus gây ra Covid-19 cùng một lúc và có các triệu chứng của cả bệnh cúm và Covid-19.
Để phòng bệnh, người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của cơ quan chức năng, đặc biệt thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Khi có biểu hiện nghi ngờ cần cách ly tại nhà và thông báo ngay cho y tế cơ sở để được xét nghiệm kịp thời.
Dẫm phải gai, nổi mụn vùng cổ, hai bệnh nhi thập tử nhất sinh
Chỉ là những tổn thương thông thường do dẫm phải gai, nổi mụn nhọt... nhưng do chăm sóc không cẩn trọng, bệnh nhi bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng, gây nhiễm khuẩn huyết, suy đa phủ tạng, nguy kịch.
Vết thương nhỏ gây họa lớn
Ngày 22/9, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian gần đây tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng. Tính từ đầu tháng 9 đến nay, khoa Điều trị tích cực nội khoa - Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho 8 trường hợp. Đây là loại vi khuẩn gây nên nhiều bệnh cấp tính nặng, rất khó điều trị và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Trường hợp bé gái P.S. (10 tuổi, ở Lai Châu) đang điều trị tại viện sau hơn 10 ngày vẫn đang rất nguy kịch.
Trước thời điểm nhập viện 3 tuần, bé dẫm phải gai, bàn chân trái sưng. Những tưởng chỉ là vết thương đơn giản, gia đình không đưa bé đến viện mà tự điều trị thuốc nam tại nhà.
Tuy nhiên, sau 3 tuần, bé xuất hiện tình trạng chảy máu mũi, bàn chân trái sưng đau, trợt da có mủ. Lúc này, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị nhiễm trùng huyết/suy đa tạng.
Diễn biến bệnh ngày càng nặng lên, bệnh nhi được chuyển đến khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương hôm 10/9 trong tình trạng thở oxy, da tái, khó thở, suy sụt huyết động, xuất huyết ngoài da và niêm mạc... Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, có mủ màng phổi màng tim.
Bệnh nhi được hồi sức tích cực. Để cứu bé, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định tiến hành phẫu thuật mổ bóc tách màng phổi, cắt màng tim ngoài tim để giải phóng mủ, tiếp đó tiến hành lọc máu, bồi phụ nhiều yếu tố đông máu cho trẻ. Tuy nhiên tiên lượng của trẻ vẫn rất nặng do trẻ nhập viện muộn, tổn thương nhiều cơ quan gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Chỉ từ 4 vết mụn nhỏ trên gáy, bệnh nhi nhiễm khuẩn tụ cầu vàng nguy kịch.
Trường hợp khác, bé gái P.T. (18 tháng tuổi, ở Hà Nội) nhập viện ngày 12/9 trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu gây tổn thương nhiều cơ quan: viêm phổi nặng, tràn mủ màng phổi, hạ huyết áp và rối loạn đông máu.
Người nhà cho biết, cách đây 2 tháng trẻ được đưa về quê chơi với ông bà. Trước khi nhập viện 4 ngày, trẻ xuất hiện nốt mụn nhọt sau gáy, đến ngày thứ hai trẻ có triệu chứng sốt, đi ngoài phân lỏng nên được người nhà cho đi khám tại bệnh viện tuyến huyện và được bác sĩ kê đơn thuốc về nhà uống. Đến ngày thứ 3 trẻ vẫn sốt cao liên tục, tím tái toàn thân, khó thở nên gia đình đưa đến BV tỉnh điều trị. Bệnh nhi được các bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết. Do tình trạng trẻ chuyển biến nhanh, liên tục sốt cao, khó thở, buồn nôn, được chuyển cấp cứu lên tuyến trên.
Bác sĩ cho biết, với các biện pháp điều trị tích cực như thở máy, dẫn lưu ổ mủ màng phổi, dùng các thuốc trợ tim và kháng sinh thích hợp, hiện trẻ đã qua cơn nguy kịch, cai được máy thở, tuy nhiên vẫn cần theo dõi thêm biến chứng khác của bệnh.
Nhiễm khuẩn tụ cầu vàng rất nguy hiểm
Ths.BS Ngô Tiến Đông - Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nhiễm khuẩn huyết tụ cầu vàng là do các vi khuẩn tụ cầu, các loại vi trùng được phát hiện trên da hoặc trên mũi, có thể xuất hiện trên cơ thể người khỏe mạnh. Thông thường các vi khuẩn này nằm trên da sẽ không gây bệnh hoặc chỉ gây ra các vấn đề nhiễm trùng da tương đối nhỏ. Tuy nhiên nhiễm khuẩn do tụ cầu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và các di chứng nặng nề nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu.
Vi khuẩn tụ cầu vàng có thể xâm nhập vào máu qua những nốt mụn nhọt ngoài da, những vết cắt hoặc vết thương khác trên vùng da lành...
Khi xâm nhập vào máu, vi khuẩn tụ cầu tiết ra các chất độc hại đối với cơ thể, dẫn đến các ổ viêm mủ ở nhiều cơ quan như phổi (viêm phổi hoại tử, viêm mủ màng phổi..), tim (viêm mủ màng tim, viêm trong buồng tim), xương khớp (các ở viêm mủ ở cơ, viêm mủ trong xương gây hoại tử xương), rối loạn đông máu gây tắc mạch chi mạch phổi hoặc gây chảy máu khó cầm nhiều cơ quan, áp-xe thận suy thận...
Trẻ nhiễm khuẩn huyết tụ cầu thường có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, có thể có ban ngoài da, rối loạn tiêu hóa trên một trẻ đã hoặc đang có tổn thương mụn, nhọt ngoài da trước đó. Cá biệt một số trẻ nhỏ không có đường vào ngoài da rõ rệt gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị kịp thời.
BS Ngô Tiến Đông khuyến cáo, để phòng tránh nhiễm khuẩn các bậc phụ huynh cần giữ vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, mặc thoáng cho trẻ, tránh để mồ hôi vì đây là điều thuận lợi để tụ cầu phát triển và gây bệnh. Chú ý khi tắm cho trẻ nhỏ cần tắm kỹ ở những nếp gấp da, kẽ da vì ở đây thường tích tụ nhiều chất bẩn. Khi trẻ có mụn, nhọt cha mẹ không được tự ý chích, nặn hoặc dùng các loại cao dán, lá cây để đắp vì dễ gây viêm loét diện rộng, gây nhiễm trùng máu. Vết cắt, vết trầy xước trên da phải luôn được giữ sạch sẽ cho đến khi lành.
Nếu trẻ có sốt hoặc vùng tổn thương ngoài da sưng nóng đỏ nhiều, nên sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, tránh tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị (nhóm vi khuẩn tụ cầu cần điều trị nhóm kháng sinh đặc hiệu do bản thân động lực vi khuẩn cũng như tình trạng tụ cầu kháng kháng sinh đang gia tăng). Đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bậc phụ huynh cũng không nên vì tâm lý e ngại mà chậm trễ đưa trẻ đi viện, để bệnh của trẻ diễn biến nặng, gây trở ngại cho việc điều trị, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Bài test nín thở 10 giây kiểm tra có bị mắc COVID-19 hay không: Sự thật ra sao? Có một số hiểu lầm phổ biến trên khắp thế giới về COVID-19. Dưới đây là những câu trả lời ngắn gọn và chính xác của các nhà khoa học. Nín thở trong vòng 10 giây mà không bị ho hay không cảm thấy khó chịu không có nghĩa là không mắc COVID-19? Các triệu chứng thường gặp của COVID-19 là ho khan,...