Dấu hiệu viêm não, viêm màng não
Sốt trên 38 độ C, nôn ói, đau đầu là dấu hiệu đặc trưng của viêm não và viêm màng não ở trẻ em.
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, trưởng khoa Nội Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết viêm não và viêm màng não cùng thuộc nhóm bệnh nhiễm trùng ở hệ thần kinh trung ương. Virus và vi khuẩn là những tác nhân chủ yếu gây ra bệnh lý não – màng não. Trong đó, viêm não là tác nhân tấn công trực tiếp vào nhu mô não; còn viêm màng não là tác nhân tấn công vào màng bao bọc não và tuỷ sống.
Trong đó, viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của màng não, màng bao bọc não và tủy sống. Bệnh do nhiều tác nhân khác nhau, gồm vi nấm hoặc virus và vi khuẩn. Đa số các ca viêm màng não là do nhiễm vi khuẩn Hemophilus influenza týp B (Hib), phế cầu và não mô cầu. Chúng được xem là “gánh nặng toàn cầu”.
Viêm não là tình trạng viêm ở nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh – tâm thần. Nguyên nhân thường gặp nhất của viêm não là nhiễm virus, số ít do vi khuẩn. Viêm não được đánh giá có mức độ di chứng thần kinh nặng nề hơn viêm màng não.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh chọc dịch não tủy xét nghiệm viêm màng não cho bệnh nhân. Ảnh: Hùng Lê.
Bệnh lý não – màng não có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu gặp ở trẻ em, vì hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Viêm màng não gặp nhiều nhất ở trẻ dưới ba tuổi, viêm não gặp ở trẻ trên 5 tuổi nhiều hơn.
Hai bệnh này có triệu chứng chung là sốt trên 38 độ C, buồn nôn, nôn ói và đau đầu từ ngày đầu nhiễm bệnh. Trẻ thường chán ăn, bỏ bú, quấy khóc. Đặc biệt, các cơn sốt kéo dài liên tục, khó hạ. Trẻ dù uống hạ sốt nhưng sau 5-6 tiếng thuốc hết tác dụng, trẻ sốt lại.
“Nhiệt độ cơ thể càng cao, nguy cơ biến chứng càng nặng”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.
Đến ngày thứ hai, trẻ có dấu hiệu chậm chạp, lờ đờ, ngủ nhiều. Bệnh nhi viêm não sẽ nhanh tiến triển nặng. Trẻ rối loạn ý thức sớm, có thể li bì, lơ mơ ngay từ cuối ngày thứ nhất. Dấu hiệu riêng của bệnh nhi viêm màng não là trẻ khá tỉnh táo, nhưng nôn khan hoặc nôn ra nước cùng thức ăn liên tục, ồng ộc. Triệu chứng nôn này hoàn toàn không liên quan đến rối loạn tiêu hóa hay ăn uống.
Bác sĩ lưu ý phụ huynh, ngay ngày đầu tiên thấy con có những dấu hiệu trên, bắt buộc phải đưa đến bệnh viện để được phát hiện và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Theo bác sĩ Hải, viêm não Nhật Bản lưu hành phổ biến nhất trong số các bệnh viêm não tại Việt Nam. Trâu, bò và lợn là ổ chứa virus. Bệnh lây truyền từ gia súc sang người qua đường trung gian muỗi đốt. Trước đây, hàng năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 500 đến 600 trẻ viêm não, một nửa số trẻ mắc viêm não Nhật Bản. Đến nay, nhờ hiệu quả của tiêm chủng, tỷ lệ này giảm sâu, còn khoảng 30-50 ca viêm não Nhật Bản mỗi năm.
Video đang HOT
Viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vẫn có đến 20-30% bệnh nhân viêm não Nhật Bản tử vong. Và 50% trong số bệnh nhân sống sót bị di chứng nghiêm trọng, như động kinh, chậm phát triển vận động, bại liệt, rối loạn ngôn ngữ.
Đối với các bệnh viêm màng não do virus, trẻ ít gặp di chứng hơn. Thông thường trẻ sốt, nôn, đau đầu, điều trị 5-7 ngày sẽ khỏi. Tuy nhiên, nếu mắc viêm màng não do não mô cầu, gây ra bởi vi khuẩn Neisseria meningitidis, nguy cơ tử vong rất lớn do bệnh diễn tiến nhanh. Viêm màng não mô cầu dễ lây lan qua đường hô hấp, khi người mang vi khuẩn hắt hơi, ho. Có khoảng 100 người mắc bệnh mỗi năm. Một nửa bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng 24 giờ, nếu không được điều trị kịp thời. Biến chứng của viêm màng não có thể là bại liệt, phải đoạn tay chân do hoại tử, điếc, chậm phát triển trí não.
Nghệ An và Hà Tĩnh đang là hai địa phương ghi nhận hàng trăm ca viêm não và viêm màng não, nhiều nhất cả nước. Hầu hết các bệnh nhân ở mức độ nhẹ, hồi phục tốt. Tại Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay ghi nhận 130 ca viêm màng não ở nhiều lứa tuổi, chủ yếu ở mức độ nhẹ, không có dấu hiệu dịch tễ và lây lan.
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận trung bình 130 trẻ viêm màng não đến khám mỗi ngày, 20-30 trẻ phải nhập viện. Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An, cũng đang điều trị khoảng 10 ca viêm màng não. Có gia đình 5 người cùng mắc bệnh.
Bé trai 10 tuổi ở Hải Dương bị liệt nửa người sau khi mắc viêm não Nhật Bản, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tháng 5/2020. Ảnh: Lê Nga.
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM cho hay, thời tiết nắng nóng hay lúc chuyển mùa như hiện nay dễ khiến trẻ mắc viêm não, viêm màng não. Bệnh hoàn toàn có thể điều trị khỏi từ sớm. Tuy nhiên, sai lầm của nhiều phụ huynh là đưa con đi khám muộn, cộng thêm tình trạng sử dụng kháng sinh “vô tội vạ” khiến bệnh tình ngày một phức tạp hơn.
Hành động tự điều trị cho con không chỉ gây ra tình trạng kháng thuốc mà còn khiến biểu hiện bệnh ban đầu bị che khuất, hay có thêm những triệu chứng phức tạp khó nhận biết, gây khó khăn cho điều trị, dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh lý khác.
Các bác sĩ đồng khẳng định, biện pháp phòng ngừa bệnh viêm não, viêm màng não tốt nhất là tiêm phòng vaccine. Hiện, Việt Nam lưu hành rất nhiều loại vaccine như viêm não Nhật Bản, viêm màng não mô cầu, phế cầu… Phụ huynh cần đưa con đi tiêm phòng đúng lịch và đầy đủ các mũi để đạt hiệu quả. Ngoài ra, duy trì việc rửa tay, ăn chín uống sôi sẽ góp phần phòng ngừa được virus, vi khuẩn lây lan qua đường tiêu hóa, đặc biệt ở trẻ lứa tuổi mẫu giáo.
Tìm hiểu thời gian ủ bệnh quai bị và khởi phát bệnh
Ngay cả khi chưa có triệu chứng điển hình, người nhiễm virus quai bị cũng có thể lây bệnh cho người khác. Vì vậy, hiểu biết về thời gian ủ bệnh và phát bệnh của quai bị là điều cực kì cần thiết.
Tất cả những đối tượng chưa có miễn dịch với quai bị đều có thể mắc căn bệnh này. Quai bị thường xảy ra ở lứa tuổi trẻ em độ tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, không loại trừ người lớn cũng có khả năng mắc quai bị.
Để tránh lây lan thành dịch trong cộng đồng, hiểu biết về thời gian ủ bệnh quai bị cũng như thời kì phát bệnh là rất quan trọng.
1. Thời gian ủ bệnh quai bị kéo dài bao lâu?
Các bác sĩ và các nghiên cứu cho biết thời gian ủ bệnh quai bị thường kéo dài, khoảng từ 12 - 25 ngày, trung bình khoảng 18 ngày. Ổ chứa và nguồn truyền nhiễm của căn bệnh này chính là người.
Trong đó, nguồn lây lan, truyền nhiễm bệnh quan trọng nhất là những bệnh nhân mắc quai bị trong giai đoạn khởi phát. Các thống kê cho thấy trong ổ dịch, thường cứ 1 bệnh nhân quai bị lâm sàng thì có khoảng từ 3-10 người mang virus lành. Những đối tượng này chủ yếu là người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong thời gian ủ bệnh quai bị và phát bệnh.
Điều đáng chú ý là trong thời gian ủ bệnh quai bị, người bệnh thường không có triệu chứng bệnh rõ ràng.
Các thống kê cho thấy trong ổ dịch, thường cứ 1 bệnh nhân quai bị lâm sàng thì có khoảng từ 3-10 người mang virus lành - Ảnh Internet
2. Quá trình khởi phát bệnh quai bị diễn ra như thế nào?
Dựa vào vị trí tổn thương bệnh, quai bị có thể phân loại thành nhiều thể. Cụ thể, quai bị được phân chia thành các thể sau: Viêm tuyển nước bọt mang tai; Viêm tinh hoàn; Viêm buồng trứng; Viêm cơ tim; Viêm não; Viêm màng não.
Trong đó, hai thể phổ biến và thường gặp nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai và viêm tinh hoàn. Các thể còn lại ít gặp trên lâm sàng.
Ở mỗi thể, thời gian ủ bệnh quai bị cũng như thời gian phát bệnh quai bị là khác nhau và có những dấu hiệu tương ứng.
Viêm tuyến nước bọt mang tai
Viêm tuyến nước bọt mang tai là thể điển hình hay gặp nhất của bệnh quai bị. Thể này chiếm khoảng 70% các thể có khu trú rõ. Theo đó, thời gian ủ bệnh quai bị ở thể này trung bình từ 18-21 ngày. Sau đó là đến giai đoạn khởi phát bệnh.
Triệu chứng của giai đoạn phát bệnh là người bệnh sẽ bị sốt 38-39 độ kèm theo các dấu hiệu cụ thể như đau đầu, đau mỏi toàn thân, ăn ngủ kém. Thời kỳ tiếp theo là giai đoạn toàn phát bệnh. Sau khi người bệnh sốt từ 24-48 giờ sẽ xuất hiện dấu hiệu viêm tuyến mang tai.
Bệnh nhân ban đầu sưng một bên, sau 1-2 ngày tiếp theo sưng tiếp bên còn lại. Kèm theo đó là da vùng má bị sưng căng, bóng, không đỏ, ấn không lõm, sờ vào nóng, đau, nước bọt ít và quánh.
Thời gian ủ bệnh quai bị ở thể viêm tuyến nước bọt mang tai là từ 15-21 ngày - Ảnh Internet.
Viêm tinh hoàn
Viêm tinh hoàn là thể thường gặp thứ hai sau thể viêm tuyến nước bọt mang tai. Đây là thể bệnh quai bị thường hay gặp ở những đối tượng là nam giới đang ở tuổi dậy thì hoặc đã trưởng thành. Thể bệnh viêm tinh hoàn thường bị một bên, ít gặp cả hai bên.
Các bác sĩ cho biết viêm tinh hoàn thường xuất hiện sau viêm tuyến nước bọt và xuất hiện sau khi các triệu chứng viêm tuyến nước bọt đã dịu đi. Thời kỳ phát bệnh thường vào ngày thứ 5 - 10 của bệnh thấy sốt xuất hiện trở lại hoặc tình trạng sốt tăng lên.
Ngoài ra bệnh nhân có thể buồn nôn, nôn. Kèm theo đó là dấu hiệu tinh hoàn bị đau, nhất là khi đi lại và to gấp 2-3 lần bình thường, sờ vào thấy chắc, da bìu có thể căng đỏ.
Điều đáng lưu ý là tình trạng này thường kéo dài khoảng 3 - 7 ngày thì giảm bớt. Sau khoảng thời gian là 2 tháng mới đánh giá được tinh hoàn có bị teo hay không. Nguy hiểm hơn nếu bị teo tinh hoàn cả 2 bên thì khả năng vô sinh rất cao. Nếu không bị teo, quá trình sinh tinh có thể dần trở về bình thường.
Do đó, để bảo vệ sức khỏe bản thân trước những biến chứng nguy hiểm của quai bị thì bạn cần nắm rõ thời gian ủ bệnh để quá trình phòng tránh diễn ra hiệu quả.
Cảnh báo bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh ở ĐBSCL Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, thời gian gần đây, bệnh nhân ở Đồng bằng sông Cửu Long bị bệnh tay chân miệng, phải nhập viện điều trị có xu hướng gia tăng nhanh và diễn tiến khác với mọi năm. Bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Hùng Dũng - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng...