Dấu hiệu sớm của ung thư thực quản
Ung thư thực quản (UTTQ) là bệnh lý ác tính đứng hàng thứ tư sau các ung thư tiêu hóa là ung thư dạ dày, ung thư gan và ung thư đại trực tràng.
Phần lớn các trường hợp có biểu hiện lâm sàng nghèo nàn ở giai đoạn sớm, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở thực quản và vùng hầu họng khi biểu hiện lâm sàng rõ ràng thường đã ở giai đoạn muộn, điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Bệnh xuất hiện ở người cao tuổi, thường trên 50 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Vì vậy, việc phát hiện sớm để điều trị hợp lý và kịp thời là rất quan trọng.
Nguyên nhân và các yếu tố thúc đẩy
UTTQ có liên quan nhiều với tuổi tác và giới, thường gặp UTTQ ở người cao tuổi, khoảng 80% bệnh nhân được chẩn đoán UTTQ ở độ tuổi 55-85. Nguy cơ nam giới mắc nhiều gấp 3 lần nữ, căn nguyên của nguy cơ này là do lạm dụng rượu và hút thuốc. Hút thuốc làm tăng rõ rệt khả năng bị ung thư và nguy cơ càng tăng lên khi phối hợp với uống rượu.
Ngoài ra còn có các nguy cơ khác như bệnh hay gặp ở người béo phì người có bệnh lý thực quản như viêm thực quản trào ngược, bệnh tâm vị không giãn chế độ ăn ít chất xơ và rau quả, thiếu các vitamin A, B2 và C thói quen ăn uống thực phẩm có chứa chất nitrosamin như thịt hun khói, rau ngâm giấm…
Một số bệnh lý khác có thể làm tiền đề cho UTTQ phát triển đó là: bệnh Barrett thực quản ung thư tị – hầu bệnh ruột non do gluten hoặc bệnh đi ngoài phân mỡ bệnh sừng hóa gan bàn chân.
Ung thư thực quản là một trong số 10 bệnh ung thư phổ biến ở nam giới.
Biểu hiện của bệnh như thế nào?
Nuốt khó là triệu chứng thường gặp nhất, lúc đầu thường thấy nuốt khó nhưng không đau, về sau nuốt khó kèm theo đau, lúc đầu khó nuốt với thức ăn rắn, về sau khó nuốt với cả thức ăn lỏng thậm chí nuốt nước bọt cũng thấy khó và đau.
Chảy nước bọt thường kèm hơi thở hôi, ợ hơi và sặc.
Video đang HOT
Đau đôi khi biểu hiện dưới dạng khó chịu khi ăn. Khi ung thư lan ra xung quanh, có cảm giác đau ngực.
Gầy sút là triệu chứng quan trọng do chán ăn và khó nuốt. Do không nuốt được nên bệnh nhân có tình trạng mất nước, suy kiệt.
Thiếu máu thường là nhẹ và hay xảy ra chậm nhưng đôi khi có dấu chảy máu rõ gây thiếu máu cấp, nhất là trường hợp ung thư ăn vào động mạch chủ có thể gây chảy máu vào thực quản gây chết đột ngột.
Triệu chứng khác có thể gặp song hành với sự phát triển của khối u như cảm giác vướng, tức nặng, đau âm ỉ đè nén sau xương ức… Về sau, tùy theo ảnh hưởng của khối u tới các cơ quan lân cận có thể gặp thêm các triệu chứng khó thở, khàn giọng, ho khan, khạc đờm đau thượng vị, buồn nôn, nôn, nấc…
Làm gì để chẩn đoán?
Chẩn đoán sớm UTTQ là vấn đề hết sức quan trọng, việc chẩn đoán sớm liên quan với việc khám sức khỏe định kỳ sàng lọc ở các đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, nghiện thuốc lá, nghiện rượu, người bị béo phì, có bệnh lý thực quản từ trước như viêm trào ngược dạ dày thực quản, tình trạng dị sản, loạn sản niêm mạc thực quản. Khi có bất kể dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân cần đến thầy thuốc chuyên khoa để được khám và chẩn đoán sớm. Chẩn đoán UTTQ dựa vào triệu chứng của bệnh kết hợp với chụp Xquang thực quản và các xét nghiệm khác. Nội soi kết hợp với sinh thiết, siêu âm là một biện pháp tốt để chẩn đoán sớm và chính xác UTTQ.
Xquang: Chụp nhuộm baryt thực quản cần chụp ở tư thế nằm, baryt có độ nhầy cao có thể thấy hình ảnh cứng một đoạn thực quản hoặc hình ảnh hẹp lòng thực quản, có thể thấy hình ảnh khối u choán chỗ vào lòng thực quản không đối xứng, có bờ gồ ghề không đều.
Khi ung thư lan ra xung quanh, có cảm giác đau ngực. (ảnh minh họa)
Chụp cắt lớp tỉ trọng: Giúp chẩn đoán sớm và chính xác hơn chụp nhuộm baryt nhất là thể ăn lan vào vách thực quản. Ngoài ra còn giúp phát hiện di căn vào trung thất.
Nội soi: Nội soi thực quản kèm sinh thiết là một xét nghiệm bắt buộc trong trường hợp hình ảnh nội soi hay chụp nhuộm baryt không xác định được bệnh. Nó còn giúp đánh giá được mức độ lan rộng của ung thư và bản chất học của u. Ngoài ra còn kết hợp nội soi và chải nhuộm tế bào học cho kết quả dương tính ung thư cao trên 90% trường hợp.
Siêu âm qua nội soi: Giúp chẩn đoán nhạy hơn scanner. Nó giúp tiên đoán độ sâu của khối u xâm nhập vào vách thực quản trên 80% trường hợp. Nó cũng giúp đánh giá sự xâm nhập của ung thư vào hạch bạch huyết thực quản tốt hơn scanner.
Điều trị
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, dựa vào bản chất, giai đoạn phát triển của khối u và tình trạng toàn thân để quyết định phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay có 3 biện pháp chủ yếu được dùng để điều trị UTTQ là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Trong đó, phẫu thuật là biện pháp điều trị chính, có thể phẫu thuật kết hợp với điều trị bằng hóa chất hoặc tia xạ. Ngoài ra, cần điều trị nâng đỡ cơ thể bằng các biện pháp nuôi dưỡng phù hợp, điều trị triệu chứng, làm giảm các phản ứng phụ do điều trị hóa chất và tia xạ.
Ðể dự phòng ung thư thực quản cần tránh các yếu tố nguy cơ như không hút thuốc lá, giảm uống rượu, tránh các thực phẩm có hại, kiểm soát và phòng ngừa các bệnh lý thực quản. Tăng cường các yếu tố bảo vệ bằng cách ăn nhiều rau quả và chất xơ, bổ sung vitamin và yếu tố vi lượng cần thiết đặc biệt là vitamin A, B2, C, E, selen. Với bệnh nhân có bệnh lý khác ở thực quản cần định kỳ 6 tháng – 1 năm nội soi dạ dày thực quản một lần để kiểm soát, phát hiện sớm các biểu hiện của UTTQ, từ đó có phương pháp điều trị sớm đem lại tiên lượng tốt cho bệnh nhân.
Theo SKDS
Những điều cần biết về bệnh ung thư thực quản
Đây là một trong 10 dạng ung thư hay gặp nhất ở Việt Nam, thường xảy ra ở lứa tuổi trên 50, tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao gấp 2-5 lần nữ. Bệnh nhân ung thư thực quản nếu không được điều trị kịp thời sẽ bị tử vong trong tình trạng suy kiệt do không ăn uống được.
Các yếu tố thuận lợi phát sinh ung thư thực quản bao gồm:
- Thói quen và chế độ ăn uống: Các loại thức ăn chứa nhiều chất Nitrosamin như rau ngâm dấm và thịt xông khói, các loại nước có cồn và thuốc lá đều có thể dẫn đến ung thư thực quản. Ở một số địa phương, thức ăn và nguồn nước uống thiếu các chất vi lượng như kẽm, molybeden... và đó cũng là tiền đề khiến bệnh này xuất hiện.
- Các tổn thương tiền ung thư của thực quản như co thắt tâm vị, viêm thực quản trào ngược, teo hẹp thực quản do bỏng...
- Một số bệnh có tính di truyền như Tylosis (với triệu chứng gây sừng hóa lòng bàn tay và bàn chân).
Triệu chứng hay gặp nhất của bệnh này là nuốt khó, bắt đầu với các thức ăn cứng. Về sau, bệnh nhân thấy khó nuốt ngay cả với thức ăn lỏng và nước bọt. Sụt cân và mệt mỏi cũng là các triệu chứng thường gặp. Một số người bị viêm phổi, khàn tiếng, khó thở, sặc, ngạt... Các triệu chứng trở nên rõ ràng khi khối u ăn hết lòng của thực quản.
Khi có những dấu hiệu rối loạn về nuốt, bệnh nhân cần đi khám ngay ở một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc phẫu thuật lồng ngực và tim mạch. Bệnh nhân cần được nội soi thực quản, phế quản, chụp thực quản với thuốc cản quang, sinh thiết và giải phẫu bệnh để xác định chẩn đoán, đánh giá tình trạng bệnh, xác định được tiên lượng và chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được chụp CT để có đủ thông số quyết định sẽ phẫu thuật triệt để, phẫu thuật nuôi ăn tạm thời hay chỉ điều trị nội khoa nâng đỡ những ngày cuối cùng cho bệnh nhân.
Thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ung thư thực quản.
Đối với ung thư thực quản, phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu, bên cạnh các phương pháp hóa trị và xạ trị. Những phương pháp phẫu thuật chính được các bác sĩ ngoại khoa đề nghị là:
1. Phẫu thuật triệt để: Cắt bỏ toàn bộ thực quản và tái tạo thực quản mới bằng dạ dày. Đây là phương pháp tốt nhất giúp người bệnh kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống. Mỗi ca mổ kéo dài 5-6 giờ vì vậy bệnh nhân phải được đánh giá thật kỹ xem có khả năng chịu đựng được cuộc mổ hay không.
2. Phẫu thuật tạo thực quản giả bằng đại tràng, không cắt bỏ khối ung thư: Với phương pháp này, tiên lượng bệnh không thay đổi vì không cắt bỏ được khối u. Việc phẫu thuật chỉ giúp bệnh nhân có thể ăn uống bằng đường miệng, nhưng cũng khó khăn. Hiện loại phẫu thuật này ít được sử dụng.
3. Mở thông ruột non hay dạ dày để nuôi ăn: Đây là biện pháp tạm thời, giúp bệnh nhân không bị chết đói. Các bác sĩ đưa một ống thông vào dạ dày hay ruột non để chuyển các loại thức ăn lỏng vào ống tiêu hóa. Loại phẫu thuật này được áp dụng cho những bệnh nhân có các dấu hiệu nặng, không thể tiến hành cuộc mổ triệt để:
- Có các biến chứng do u lan rộng như khàn tiếng, khó thở do liệt dây thần kinh quặt ngược, đau cột sống dai dẳng do di căn, liệt cơ hoành do tổn thương thần kinh, rò thực quản - khí quản và tràn dịch màng phổi ác tính.
- Khối u thực quản quá lớn (dài trên 8 cm), bệnh nhân sụt trên 20% cân nặng trong một tháng.
4. Đặt khung đỡ qua đường nội soi thực quản: Đây là kỹ thuật mới, được áp dụng cho những bệnh nhân ở giai đoạn không thể phẫu thuật triệt để được. Nó có tác dụng tạm thời, giúp bệnh nhân kéo dài sự sống thêm vài ba tháng. Giá thành phẫu thuật này khá đắt so với mặt bằng thu nhập của người dân Việt Nam.
Theo SKDS
Phát hiện sớm ung thư thực quản Ung thư thực quản (UTTQ) là bệnh lý ác tính đứng hàng thứ tư sau các ung thư tiêu hóa là ung thư dạ dày, ung thư gan và ung thư đại trực tràng. Phần lớn bệnh UTTQ xuất hiện ở người cao tuổi, thường trên 50 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Điều đặc biệt là triệu chứng của bệnh thường không xuất...