Dấu hiệu nhận biết bán hàng đa cấp bất chính?
Tôi có ý định tham gia bán hàng đa cấp nhưng phân vân sợ bị lừa. Xin hỏi theo quy định của pháp luật, những dấu hiệu nào nhận biết bán hàng đa cấp bất chính?
ảnh minh họa
Tôi được người bạn giới thiệu tham gia một công ty phân phối thực phẩm chức năng, nếu bán được hàng hoặc mời được người khác vào bán chung tôi được hưởng hoa hồng ở mức cao. Tôi thấy công ty này có rất nhiều người tham gia.
Tôi muốn tìm công việc chân chính nên sợ bị lừa. Xin hỏi theo quy định của pháp luật, những dấu hiệu nào nhận biết bán hàng đa cấp bất chính?
Đoàn Minh Lý
Luật sư trả lời:
Theo khoản 11 điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004: “Bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Việc tiếp thị để bán lẻ hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau;
b) Hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia;
c) Người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng của mình và của người tham gia bán hàng đa cấp cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức và mạng lưới đó được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận”.
Điều 48 Luật Cạnh tranh quy định về bán hàng đa cấp bất chính như sau:
Video đang HOT
“Cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp:
1. Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
2. Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại;
3. Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
4. Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia”.
Ngoài những quy định của Luật cạnh tranh vừa trích dẫn ở trên thì hoạt động kinh doanh đa cấp còn được điều chỉnh bởi Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/05/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp được quy định rất rõ tại điều 5 của nghị định này, cụ thể:
“1. Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
b) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
c) Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình;
d) Hạn chế một cách bất hợp lý quyền phát triển mạng lưới của người tham gia bán hàng đa cấp dưới bất kỳ hình thức nào;…” v.v…
Từ những căn cứ pháp luật nêu trên có thể thấy các dấu hiệu cơ bản để nhận biết hành vi bán hàng đa cấp bất chính, bao gồm:
1. Người bán hàng thường yêu cầu người tham gia đặt cọc và phải mua lượng hàng hóa ban đầu hoặc trả tiền để tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp bán hàng đa cấp;
2. Không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không cam kết mua lại với giá tối thiểu 90% mức đã bán;
3. Cho hưởng lợi ích kinh tế chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới;
4. Thông tin sai lệch về lợi ích tham gia mạng lưới và hàng hóa để dụ dỗ người khác bán hàng đa cấp;
5. Lợi nhuận không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia;
6. Khuyến khích, dạy người khác tuyển người bằng việc hứa trả tiền thưởng;
7. Không quan tâm tới hàng hóa, hàng hóa chỉ để tượng trưng, không có giá trị sử dụng và khó tìm thấy để so sánh trên thị trường;
8. Buộc và hối thúc người tham gia mua hàng mặc dù biết không bán được hàng gây rối người tiêu dùng.
Bạn cần xem xét kỹ xem công ty mà bạn được giới thiệu có các dấu hiệu nói trên hay không trước quyết định việc tham gia Công ty đó.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội
Theo Phạm Thanh Bình (VNE)
Xử phạt 6 cơ sở bán hàng đa cấp 840 triệu đồng
Ngày 9.11, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long đã công bố quyết định của UBND tỉnh về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 cơ sở bán hàng đa cấp thuộc Công ty Thiên Ngọc Minh Uy hoạt động trên địa bàn Vĩnh Long.
6 chủ cơ sở (bên phải) chờ nhận quyết định xử phạt hành chính vào sáng 9.11 - Ảnh: Thanh Đức
Theo đó, mỗi cơ sở bị phạt 140 triệu đồng và hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn 12 tháng đối với hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền mà không có giấy phép hoạt động.
Cụ thể 6 cơ sở bị phạt gồm: ông Nguyễn Văn Sơn, chủ cơ sở Phụng Quần 1 (đường Phạm Hùng, phường 9, TP.Vĩnh Long); bà Nguyễn Thị Kim Cương, chủ cơ sở Phụng Quần 2 (ấp 3, xã Trung Nghĩa, H.Vũng Liêm, Vĩnh Long); ông Nguyễn Thanh Tàu, chủ cơ sở Phụng Quần 5 (khóm 1, thị trấn Cái Vồn, thị xã Bình Minh); ông Phạm Văn Sang, chủ cơ sở Phụng Quần 6 (khóm 4, đường Thống Chế Điều Bát, thị trấn Trà Ôn, H.Trà Ôn); bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ cơ sở Phụng Quần 8 (khóm 5, phường 4, TP.Vĩnh Long) và bà Huỳnh Như Phương, chủ cơ sở Long Giang (QL1, ấp Tân Hưng, xã Tân Hạnh, H.Long Hồ).
Lý do trong hoạt động, các cơ sở kinh doanh không đúng ngành nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong trường hợp kinh doanh dịch vụ có điều kiện; không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi thực hiện khuyến mại; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề (trong trường hợp hành nghề khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền); cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền mà không có giấy phép hoạt động.
Trước đó, ngày 7.10, đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Vĩnh Long tiến hành kiểm tra chương trình hội thảo của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy tại sảnh Lavender - nhà hàng Hương Sen. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện địa điểm trên đang diễn ra khóa huấn luyện đặc biệt khu vực 2 miền Tây "cùng tốt". Khóa huấn luyện có 500 người tham dự.
Đại diện BTC hội thảo, ông Nguyễn Văn Sơn xuất trình được chứng chỉ bán hàng đa cấp nhưng không xuất trình được thông báo tổ chức chương trình đào tạo đến Sở Công thương nơi tổ chức, đào tạo theo quy định của pháp luật, không có văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng..., vì vậy đoàn kiểm tra đình chỉ chương trình khóa huấn luyện đào tạo theo quy định và tạm giữ 496 tờ rơi.
Liên tục những ngày sau đó, đội kiểm tra liên ngành lần lượt kiểm tra tất cả 6 cơ sở bán hàng đa cấp thuộc Công ty Thiên Ngọc Minh Uy trên địa bàn toàn tỉnh Vĩnh Long. Qua kiểm tra, các đại lý không xuất trình được nhiều loại giấy tờ cần thiết cũng như số lượng lớn hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không có nguồn gốc xuất xứ và vi phạm về nhãn mác. Lực lượng tiến hành niêm phong, tạm giữ số hàng hóa trên cả trăm thùng gồm các loại như: máy Ozon làm sạch không khí, máy massage, máy tạo khí Ozon, dụng cụ massage dùng pin, hộp thực phẩm chức năng, sữa rửa mặt làm trắng da...
Theo ông Phạm Tứ Phương, Chi cục trưởng chỉ cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long, qua kiểm tra các cơ sở bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh đều có chung hình thức vi phạm: Hàng hóa không hóa đơn chứng từ, nhãn hàng hóa sai qui định, báo cáo hàng nhập xuất không khớp và báo cáo doanh số người tham gia không trung thực có dấu hiệu trốn thuế. Ngoài ra, làm việc với nhân viên trực tiếp tư vấn, massage và khám chữa bệnh đều không có chứng chỉ hành nghề... Bước đầu điều tra của các cơ quan chức năng, 6 cơ sở bán hàng đa cấp trên có khoảng 20.000 người tham gia. Trong đó có 10.000 người thụ hưởng, từ 2-3.000 người mới thụ hưởng và khoảng 7-8.000 người mất trắng.
"Việc xử phạt hình thức bổ sung là đình chỉ 12 tháng đối với hành vi chăm sóc sức khỏe chỉ là một phần nhỏ trong các nội dung vi phạm nhằm chấn chỉnh và răn đe. Nếu trong thời gian tới, các cơ sở trên vi phạm sẽ có hình thức xử phạt nặng hơn và có thể sẽ đình chỉ không thời hạn", ông Phạm Tứ Phương, nhấn mạnh.
Thanh Đức
Theo Thanhnien
Đa cấp hay lừa đảo Kinh doanh đa cấp hoạt động bí mật, lừa hàng triệu người nên rất khó phát hiện? Câu trả lời là không phải như vậy! Họ không hoạt động bí mật, không hề tinh vi mà thậm chí còn quá đơn giản. Vậy tại sao các cơ quan thanh tra, các cơ quan quản lý Nhà nước không phát hiện được mà chỉ...