Dấu hiệu chuyển giá ở Formosa Hà Tĩnh
Theo một nguồn tin từ Cục Hải quan Hà Tĩnh, Formosa đang nằm trong danh sách đen bị nghi ngờ có hoạt động chuyển giá để trốn thuế.
Formosa Hà Tĩnh đang trong quá trình xây dựng đầu tư nhà máy
Kết quả kiểm tra hoàn thuế cuối tháng 2/2016 của Formosa Hà Tĩnh , cơ quan thuế đã phát hiện 19.497 hóa đơn của Cty đưa vào khấu trừ và hoàn thuế không đúng quy định. Kết quả là Formosa Hà Tĩnh đã bị truy thu thuế lên tới 1.554,4 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu cơ quan chức năng địa phương phát hiện ra các sai phạm của Formosa Hà Tĩnh ngay trong quá trình xây dựng đầu tư nhà máy. Vào tháng 5/2015, Cục Hải Quan Hà Tĩnh cũng đã phát hiện việc DN này cố tình nâng giá trị công trình thông qua các nhà thầu nước ngoài và nâng giá trị hàng hóa nhập khẩu thi công công trình lên tới 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, kể từ năm 2013 đến nay, một loạt những sai phạm khác liên quan đến vấn đề đóng thuế của Formosa Hà Tĩnh cũng đã được phát hiện.
Là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn nhất cả nước về vốn đăng ký đầu tư, gần 10,6 tỷ USD, dự án thép Formosa Hà Tĩnh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của miền trung nói chung và riêng tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. Tuy nhiên, những dấu hiệu vi phạm liên tục trong khi xây dựng dự án đã không khỏi đặt ra câu hỏi liệu tập đoàn Formosa có đang cố tình tìm mọi cách để thực hiện hành vi chuyển giá ở VN không?
Những dấu hiệu vi phạm liên tục trong khi xây dựng đã đặt ra câu hỏi liệu tập đoàn Formosa có đang cố tình tìm mọi cách để thực hiện hành vi chuyển giá ở VN không?
Video đang HOT
Trong một văn bản gửi Tổng Cục Hải quan năm 2015, Cục Hải quan Hà Tĩnh thậm chí còn nêu thẳng vấn đề rằng cơ quan này “nhận thấy có những vấn đề nghi vấn về việc chuyển giá, nâng giá máy móc thiết bị nhập khẩu nhằm nâng chi phí đầu vào” của Formosa Hà Tĩnh.
Nhận định trên được đưa ra sau khi Cục Hải quan Hà Tĩnh phát hiện các trường hợp nâng giá hàng hóa nhập khẩu cao hơn giá trị thực. Ví dụ được cơ quan hải quan Hà Tĩnh đưa ra là trong một tờ khai ngày 7/10/2014, Formosa Hà Tĩnh có nhập khẩu bộ phận “Vỏ của thiết bị lọc bụi trọng lực, lắp đặt dạng tháo rời với trị giá là hơn 1,63 triệu USD. Trong khi đó, trị giá của thiết bị này được khai báo trong đăng ký danh mục miễn thuế lại chỉ hơn 1,47 triệu USD. Như vậy đã có sự chênh lệch trị giá hơn 154 nghìn USD.
Mặc dù Formosa Hà Tĩnh đã đưa ra lời giải thích do thời gian đăng ký danh mục miễn thuế và thời gian nhập khẩu cách xa nhau dẫn đến sự chênh lệch về giá, nhưng Cục Hải quan Hà Tĩnh vẫn đặt vấn đề nghi vấn Formosa Hà Tĩnh khai tăng giá trị hàng hóa để chuyển giá.
Thực tế việc thu hút một dự án đầu tư quy mô lớn như Formosa Hà Tĩnh vào Việt Nam có thể nói là điều cần thiết, đặc biệt là Formosa Hà Tĩnh sẽ sản xuất những sản phẩm thép dùng cho các ngành công nghiệp mà Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu. Mới đây nhất, Formosa đã tuyên bố sẽ lui thời điểm khánh thành nhà máy Formosa Hà Tĩnh đã được dự kiến trong mùa hè này, trong bối cảnh dự án này đang bị thanh tra về các vấn đề liên quan đến môi trường. Nhưng có một điều chắc chắn rằng Formosa Hà Tĩnh vẫn sẽ hoạt động, bởi số tiền mà tập đoàn này cùng các đối tác như China Steel và JFE Steel đã đổ vào đây là không hề nhỏ.
Tuy nhiên, những nghi vấn này lại đặt ra câu hỏi phải quản lý và giám sát thế nào để Việt Nam có thể tận dụng được dự án này một cách hiệu quả nhất lại đang là vấn đề hóc búa.
Theo Như Ngọc
Diễn Đàn Doanh nghiệp
Truy thu 225 tỉ đồng tiền thuế của Formosa Hà Tĩnh
Thanh tra Tổng cục Thuế vừa quyết định truy thu 225 tỉ đồng tiền thuế của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Phía Công ty này cũng đã nộp tiền nhưng đang khiếu nại với quyết định nói trên. Ngành Hải quan Hà Tĩnh cũng vừa phát hiện FHS khai nâng giá trị hàng nhập khẩu lên hàng trăm ngàn USD với nghi vấn để giảm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Truy thu 225 tỉ đồng
Ngày 25/5, ông Nguyễn Ngọc Du Trưởng phòng Kiểm tra thuế 1 (Cục Thuế Hà Tĩnh) cho biết, Tổng cục Thuế Việt Nam vừa có quyết định truy thu 225 tỉ đồng tiền thuế của Cty Formosa Hà Tĩnh. Phía Công ty FHS cũng đã nộp khoản tiền này. Tuy nhiên, hiện FHS đang khiếu nại với quyết định truy thu 225 tỉ đồng đó. Đến thời điểm này, Tổng cục Thuế vẫn chưa trả lời về việc khiếu nại của FHS.
Nguyên nhân của việc truy thu 225 tỉ đồng của FHS mà Tổng cục Thuế đưa ra, theo ông Du là do Tổng cục Thuế căn cứ vào hồ sơ xây dựng của FHS thiếu, quá hạn và không chấp nhận hợp đồng gia hạn. Họ căn cứ theo văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng nên quyết định truy thu 225 tỉ đồng tiền thuế GTGT của FHS. Theo ông Du, "Tóm lại, nguyên nhân truy thu do hồ sơ gia hạn không đúng với hồ sơ ban đầu".
Một góc khu vực sản xuất của Cty Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn
Ông Đinh Nho Hậu Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh thông tin việc Tổng cục Thuế truy thu 225 tỉ đồng của FHS có 3 nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân cơ bản là liên quan đến xây dựng vì có 2 hợp đồng thời gian gia hạn quá thời hạn của hợp đồng chính nên Tổng cục Thuế không chấp nhận. "Tóm lại, trên nói cái này không có khối lượng, hóa đơn chậm. Còn Formosa nói cái này có khối lượng, có hóa đơn nhưng hóa đơn chậm. Cơ quan thuế truy thu vì khẳng định theo quy định hiện hành, việc chậm này không được hoàn thuế" ông Hậu nói.
Liên quan đến thông tin gần 20.000 hóa đơn hoàn thuế sai quy định của FHS, ông Du cho rằng, thông tin này Cục Thuế Hà Tĩnh không rõ. Vì liên quan đến những hóa đơn đó luật quy định không gửi bảng kê, mà không gửi bảng kê thì không biết hóa đơn. Cái đó trong luật quản lý thuế, đơn vị tự rà soát rồi hỏi Bộ Tài chính. Còn Cục Thuế không nắm được.
Khai nâng giá trị hàng nhập khẩu để giảm nộp thuế thu nhập DN?
Theo báo cáo của Cục Hải quan Hà Tĩnh tại văn bản số 54, ngày 13.1.2015, nêu rõ: Thời gian qua, Công ty FHS đã tiến hành nhập khẩu rất nhiều hàng hóa là máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, phục vụ các hạng mục của Dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương. Tuy nhiên, có một số tờ khai Cty đã khai báo giá trị hàng hóa lớn hơn rất nhiều so với giá trị đã được đăng ký trong danh mục miễn thuế.
Ví dụ tại tờ khai ngày 7.10.2014, Công ty FHS nhập khẩu bộ phận của "Vỏ của thiết bị lọc bụi trọng lực, lắp đặt dạng tháo rời" với giá trị 1.633.656,01 USD. Trong khi giá trị của thiết bị này Cty khai báo khi đăng ký danh mục miễn thuế là 1.479.131,34 USD.
Văn bản tiếp tục nêu, Cty TNHH Tiếp vận SAS Vũng Áng là doanh nghiệp khai thuế cho Cty FHS, mở tờ khai ngày 29.10.2014 tại Chi cục Hải quan CK Cảng Vũng Áng theo loại hình XNK tại chỗ, nhập khẩu hàng hóa là máy móc thiết bị cho FHS. Qua kiểm tra chi tiết hồ sơ, phát hiện có sự chênh lệch lớn giữa giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn GTGT do doanh nghiệp XNK tại chỗ lập là 148.659,35 USD và giá trị ghi trên hóa đơn thương mại của thương nhân nước ngoài phát hành là 1.420.656 USD. Chi cục Hải quan Cảng Vũng Áng đã đề nghị người khai hải quan bổ sung chứng từ.
Tuy nhiên, do quá thời hạn 15 ngày, doanh nghiệp đã đề nghị hủy tờ khai theo quy định và chưa bổ sung được các chứng từ để chứng minh theo yêu cầu. Sau đó, Công ty Nam Dương khai thuế cho FHS đã mở tờ khai mới cho lô hàng nói trên vào ngày 28.11.2014 với giá trị hàng hóa là 170.690 USD.
Nhìn nhận về việc FHS khai nâng giá trị đầu vào của hàng hóa nhập khẩu, ngày 25.5, ông Phạm Tiến Thành Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan Hà Tĩnh cho rằng, điều đó khiến nghi vấn đầu tiên xảy ra là FHS hướng đến mục đích giảm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng có thể nghi vấn việc nâng giá tài sản cố định lên cao để thuận lợi khi vay ngân hàng với số tiền lớn.
Cũng theo ông Thành, ngày 28.4, Tổng cục Hải quan đã quyết định truy thu 5,487 tỉ đồng tiền thuế của Cty FHS vì khi nhập khẩu mặt hàng kết cấu thép tiền chế dạng tháp và các bộ phận rời kèm theo dùng để lắp ghép nhà xưởng, Cty FHS đã kê khai, áp mã chưa đúng với quy định hiện hành, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp.
Theo Trần Tuấn Lao động
Hải quan An Giang nói gì trước sai phạm của 30 cán bộ? Trước chất vấn của HĐXX, đại diện Cục Hải quan An Giang khẳng định đơn vị phải chấp nhận rủi ro và rút kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Ngày 15-6, phiên tòa sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn bước vào ngày làm việc thứ sáu. HĐXX tiếp...