Dấu hiệu chuyển dịch địa bàn của tội phạm ma túy
Biên phòng – Trong thời gian gần đây, tội phạm ma túy có dấu hiệu dịch chuyển hoạt động vào địa bàn khu vực phía Nam. Nhiều băng, nhóm tội phạm có tổ chức hình thành và sử dụng vũ khí “ nóng” sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, vây bắt.
Đối tượng Phạm Hữu Hiệu bị bắt cùng tang vật trong chuyên án 168H. Ảnh: Lê Đồng
Những tháng gần đây, các lực lượng chức năng tăng cường trấn áp tại các tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung nên việc thẩm lậu ma túy từ khu vực “ Tam giác vàng” về Việt Nam đã giảm về tần suất và có xu hướng chuyển vào địa bàn khu vực phía Nam. Cùng thời gian này, các lực lượng chức năng ở khu vực phía Nam đã triệt phá nhiều vụ án ma túy lớn.
Điển hình là Chuyên án 168H do C47, Bộ Công an xác lập với sự phối hợp của Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP; Tổng cục Hải quan; Công an thành phố Hồ Chí Minh; PC47, Công an tỉnh Nghệ An và PC47, Công an tỉnh Bình Dương. Sau một thời gian dài lập án theo dõi, điều tra, mật phục, đến ngày 12-7-2018, Ban chuyên án quyết định phá án. Các mũi tấn công đã đồng loạt ra quân tại 7 địa điểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, bắt giữ đối tượng cầm đầu là Phạm Hữu Hiệu (hay còn gọi là Chuột, SN 1970, quê Nghệ An) và 6 đối tượng đồng phạm, thu giữ tang vật gồm: 179 bánh hê-rô-in, hơn 4 tỷ đồng, 2 xe ô tô và nhiều tang vật khác có liên quan. Để phá thành công chuyên án này, Ban chuyên án đã điều động hàng trăm lượt cán bộ trinh sát và đặc nhiệm lần theo dấu vết các đối tượng ở nhiều tỉnh, thành phố để thu thập tài liệu, chứng cứ, nắm bắt quy luật hoạt động của tội phạm ma túy.
Theo Thượng tá Nguyễn Thế Anh, Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam, hoạt động của tội phạm ma túy ở khu vực phía Nam ngày càng phức tạp, tính chất ngày càng nguy hiểm. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy từ nước ngoài đến Cam-pu-chia, sau đó đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Chúng tổ chức đường dây hoạt động xuyên biên giới với sự cấu kết của nhiều đối tượng tại nhiều quốc gia khác nhau.
Video đang HOT
Trước thực trạng trên, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam đã tăng cường công tác điều tra cơ bản, tập trung vào các địa bàn trọng điểm ở khu vực biên giới. Từ đầu năm 2018 đến nay, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh thành công 5 chuyên án, 2 vụ án, bắt giữ, xử lý 23 đối tượng, tang vật thu giữ gồm: 218 bánh hê-rô-in, 42,478kg ma túy tổng hợp dạng đá, 700g Ketamine, 137.010 viên ma túy tổng hợp, 100kg bột hoa cần sa và nhiều tang vật khác liên quan.
Thượng tá Nguyễn Thế Anh cho biết thêm: “Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường lực lượng, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, duy trì kênh liên lạc thường xuyên với các lực lượng chức năng, nâng cao chất lượng khai thác, thu thập thông tin, tài liệu, nhất là những thông tin về các đường dây, đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy, phối hợp điều tra, phát hiện các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn, hoạt động xuyên quốc gia để tập trung đấu tranh, ngăn chặn. Bên cạnh đó, đơn vị chủ động xác lập các chuyên án để đấu tranh triệt phá các đường dây, tụ điểm tập kết, mua bán ma túy hai bên biên giới, nhất là các địa bàn trọng điểm…”
Lê Đồng
Theo PLO
Nhiều thách thức trong công tác chống buôn lậu xăng dầu trên biển
Khu vực biên giới biển các tỉnh Tây Nam từ lâu luôn được xem là điểm "nóng" về hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại. Bên cạnh các mặt hàng như thuốc lá ngoại, rượu ngoại, đường cát... thì xăng dầu là mặt hàng được nhiều "con buôn" để ý tới.
Mặc dù các lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt ra quân quyết liệt, nhưng hoạt động buôn lậu xăng dầu vẫn chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt".
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam phối hợp với BĐBP Tiền Giang phát hiện, kiểm tra tàu vận chuyển trái phép 1.000.000 lít dung môi Solmix, vào ngày 29-7-2017. Ảnh: Lê Đồng
Nhận diện điểm "nóng"
Vùng biển các tỉnh: Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau... là những địa bàn nóng về hoạt động buôn lậu xăng dầu. Mỗi ngày, trên vùng biển này, có hàng chục nghìn lít xăng dầu được trao đổi từ các nước láng giềng với mọi hình thức từ vận chuyển, sang cất bằng can nhựa đến thùng phi, thậm chí cả bằng ghe, xuồng... cho đến tàu cá có công suất lớn.
Theo đánh giá của Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, thời gian qua, tình hình buôn lậu xăng dầu tại vùng biển Tây Nam diễn biến hết sức phức tạp. Tàu buôn lậu của nước ngoài thường vận chuyển xăng dầu sang vùng biển Việt Nam, hoặc nằm sát vùng ranh giới để sang mạn cho các tàu cá cải hoán của Việt Nam, hoặc bán trực tiếp cho các tàu đánh bắt cá trên biển và các đầu nậu với quy mô, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng.
Tại vùng biển ngoài khơi, các đối tượng buôn lậu xăng dầu "chuyên nghiệp" thường sử dụng tàu có trọng tải lớn chạy vượt tuyến, móc nối với các đối tượng người nước ngoài để mua bán, vận chuyển xăng dầu trái phép với số lượng lớn. Các đối tượng cặp mạn ngay trên biển hoặc khu vực giáp ranh để sang "hàng", sau đó vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Trong khi đó, tại khu vực gần bờ và một số cảng biển, nhiều doanh nghiệp lợi dụng được nhập khẩu xăng, dầu với số lượng lớn để mang về nhập vào cảng rồi chia nhỏ ra bán, nhưng không xuất hóa đơn giá trị gia tăng hoặc sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ để mua bán nhằm trốn thuế.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, các lực lượng chức năng phát hiện một số đối tượng đội lốt các doanh nghiệp nhập khẩu, mua bán chất dung môi Solmix, Pluto Condentsate (chất phụ gia pha chế xăng dầu) để thực hiện hành vi pha chế xăng giả hoặc xăng kém chất lượng rồi bán ra thị trường nhằm thu lợi bất chính. Đặc biệt, để thực hiện trót lọt các vụ buôn lậu, các đầu nậu cấu kết với nhau hình thành nhiều đường dây buôn lậu khép kín từ trong bờ ra ngoài biển, thực hiện các hình thức giao dịch ngay trên biển, sau đó thực hiện các hình thức thanh toán trong bờ.
Tinh vi hơn, các đối tượng buôn lậu xăng dầu còn dùng tàu có công suất lớn, chèn ép gây nguy hiểm cho các tàu làm nhiệm vụ của lực lượng chức năng, thậm chí sử dụng vũ khí nóng, manh động chống trả lực lượng thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, chúng sử dụng ra-đa định vị hiện đại để rà quét, phát hiện từ xa và sẵn sàng lẩn trốn khi có tàu của lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát trên biển.
Kiểm soát chặt chẽ ngay từ trong đất liền
Thượng tá Nguyễn Thế Anh, Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam cho biết: "Qua thực tế cho thấy, các hoạt động mua bán, sang mạn xăng dầu thường diễn ra tại khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và nước ngoài, khi bị phát hiện, chúng nhanh chóng cơ động ra khỏi vùng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, các đối tượng lợi dụng vào lúc thời tiết xấu để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ngay trên biển, vì vậy, gây không ít khó khăn cho lực lượng đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu".
Từ đầu năm 2017 đến nay, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hơn 1.500.000 lít xăng, 116.982 lít dầu, 2.000.000 lít Pluto Condentsate, 1.000.000 lít dung môi Solmix trị giá hàng chục tỷ đồng.
Dự báo, thời gian tới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép xăng dầu trên vùng biển phía Nam tiếp tục diễn biến khó lường, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần. Vì vậy, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam tiếp tục tăng cường lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động xây dựng kế hoạch cao điểm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trao đổi thông tin, điều tra, đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển. Cùng với đó, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ trong đất liền đối với các tàu cá của ngư dân cải hoán nhằm mục đích buôn lậu xăng dầu. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xăng dầu, từ đó có những biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.
Lê Đồng
Theo PLO
Vụ "một căn hộ bán cho nhiều người": Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương kiểm tra, xác minh việc chủ đầu tư tòa nhà chung cư La Bonita (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) có hành vi lừa đảo chiếm...