Dầu, hàng hóa của 9 tàu bị chìm ở biển Quy Nhơn được xử lý ra sao?
Đơn vị chức năng đang tiến hành đưa dầu, hàng hóa trong các tàu bị chìm, mắc cạn trên vùng biển Quy Nhơn (Bình Định) lên bờ để tránh xảy ra sự cố tràn dầu.
Xác tàu nằm ngổn ngang dưới vùng biển Quy Nhơn đang chờ được giải cứu.
“Tận dụng tái chế dầu, hàng hóa bị hư hỏng”
Chiều nay (17.11), trao đổi với Dân Việt, ông Võ Đình Trân – Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Trục vớt Bảo Trân – đơn vị trục vớt hàng hóa trên tàu Hà Trung 98 – cho biết: “Chúng tôi đã đưa lên bờ hơn 100 tấn gạo trong tổng số 2.890 tấn trong tàu bị chìm ở vùng biển Quy Nhơn do cơn bão Damrey gây ra”.
Theo ông Trân, các thợ lặn tiến hành mở 2 nắp hầm trên khoang tàu nơi chứa 2.890 tấn gạo. Sau đó, 14 người thay phiên nhau lần lượt trục vớt, đưa từng bao gạo vào rọ sắt có khối lượng 3 tấn để sà lan cẩu đưa về vị trí tập kết.
“Đến nay, công ty cũng đã tiến hành hút 5.000 lít dầu DO còn trong các két chứa dầu của tàu, đưa vào bờ an toàn và chờ bàn giao cho chủ tàu xử lý. Riêng số lượng gạo sau khi vớt lên đã bị ướt nên nở ra hết, hư hỏng không còn nguyên trạng ban đầu. Cái này, chỉ còn cách giao cho nhà máy tái chế, xay thành thức ăn chăn nuôi”, ông Trân nhận định.
Hơn 100 tấn gạo trong tàu Hà Trung 98 đã được vớt lên nhưng bị ướt và hư hỏng.
Trong khi đó, hơn 2 ngày qua doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hậu Sanh đã triển khai công tác hút dầu trên tàu Fei Yeu 9 (quốc tịch Mông Cổ). Chiếc tàu này bị sóng đánh mắc cạn vào ghềnh đá, khiến thân tàu hư hỏng nặng đang chờ được giải cứu.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu – Giám đốc DNTN Hậu Sanh, trong tàu Fei Yeu 9 có 26.000 lít dầu FO, 8.000 lít dầu DO và 900 lít nhớt. Đơn vị này đã huy động 11 công nhân, 2 xe bồn trung chuyển, 2 máy bơm dầu chuyên dụng, 1 máy bơm chân không, bồn áp và hơn 120m đường ống dẫn dầu để tiến hành công đoạn hút dầu.
“Chúng tôi yêu cầu công nhân phải vận hành việc hút dầu một cách cẩn thận, không để xảy ra hiện tượng dầu rơi vãi. Toàn bộ lượng dầu sau khi hút lên sẽ được xe trung chuyển về Nhà máy tái chế và xử lý chất thải nguy hại Hậu Sanh. Nếu chủ tàu Fei Yeu 9 đồng ý bán số dầu này, chúng tôi sẽ mua lại dùng vào việc tái chế. Dự kiến, việc hút dầu sẽ xong trong vài ngày tới”, ông Hậu thông tin.
Video đang HOT
Tàu Fei Yeu 9 hư hỏng nặng nề khi bị sóng đánh va vào đá.
Không cho nhấn chìm xuống biển
Theo UBND tỉnh Bình Định, 9 tàu hàng bị chìm, mắc cạn ở biển Quy Nhơn do bão Damrey chở theo hơn 8.000 tấn clinker, hơn 18.000 tấn than cám, hơn 3.000 tấn quặng Apatit, hơn 2.900 tấn gạo. Số lượng dầu trên các tàu chìm, mắc cạn ước tính khoảng 211.686 lít dầu DO và 8.000 lít dầu FO. Sau khi hút dầu, các chủ tàu tiếp tục đưa hàng hóa lên bờ, sau đó mới tiến hành trục vớt xác tàu.
Sau khi hút dầu, đưa hàng hóa lên bờ, đơn vị chức năng sẽ trục vớt xác tàu hàng.
Ông Đặng Trung Thành – Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Bình Định – cho biết: “Chủ trương của tỉnh là không cho nhấn chìm xuống biển. Riêng số gạo trên tàu Hà Trung, sau khi đưa vào bờ, chủ tàu có thể xem xét mức độ hư hỏng để làm thức ăn gia súc. Nếu lượng gạo này bị hư hỏng quá nặng thì tính phương án khác”.
Về số lượng hơn 8.000 tấn clinker trên các tàu hàng, ông Thành nhận định clinker bị ngập nước biển sẽ hư hỏng.
“Cái này làm vật liệu xây dựng thì không được rồi. Tuy nhiên, chúng tôi đang kết nối chủ tàu với các Công ty xi măng Bình Định, clinker có thể tận dụng để lót đường”, ông Thành cho hay.
Tàu hàng bị chìm ở biển Quy Nhơn đang khiến lưu thông hàng hải gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng khẩn trương hút dầu trên tàu Fei Yeu 9.
Tàu bị hư hỏng, nhiều vật dụng trên tàu rơi vãi khắp nơi do ảnh hưởng của bão.
Theo Danviet
Bão "nuốt" tàu hàng: Bao nhiêu lít dầu đang nằm dưới biển Quy Nhơn?
Nhiều chủ tàu vẫn loay hoay tiến hành các thủ tục để thực hiện việc trục vớt tàu lên bờ. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đơn vị trục vớt, nguồn kinh phí... đang khiến họ gặp rất nhiều khó khăn.
Có tránh được thảm họa môi trường?
Ngày 10.11, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định về kế hoạch thực hiện trục vớt và ứng phó sự cố dầu tràn đối với 9 xác tàu bị chìm, mắc cạn do bão số 12 gây ra tại vùng biển Quy Nhơn. Thời gian để các chủ tàu trình phương án trục vớt, cứu hộ chậm nhất đến ngày 8.12.
"Quá thời gian quy định như trên mà các chủ tàu chưa trình phương án trục vớt với tài sản chìm đắm thì UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành trục vớt và các chủ tàu sẽ chịu mọi chi phí cũng như trách nhiệm theo quy định của pháp luật", ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - yêu cầu.
Nhiều tàu gặp nạn trên biển Quy Nhơn đang tìm ẩn nguy cơ tràn dầu. Ảnh: D.T
Theo UBND tỉnh Bình Định, trong quá trình thực hiện, các chủ tàu phải nhanh chóng hợp đồng với đơn vị trục vớt, cứu hộ xây dựng phương án trục vớt và tổ chức thực hiện. Chủ tàu phải chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc trục vớt, ứng phó sự cố tràn dầu bảo vệ môi trường. Yêu cầu chủ tàu ký kết với các công ty có chức năng hoặc Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung để triển khai việc ứng phó với sự cố tràn dầu.
Tỉnh Bình Định yêu cầu Sở TN&MT cùng với Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn phải phê duyệt phương án trục vớt các tàu. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung để theo dõi, giám sát chặt chẽ việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu trong suốt quá trình trục vớt.
Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn có trách nhiệm điều động lực lượng của Công ty Môi trường đô thị chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết sẵn sàng ứng phó nếu sự cố tràn dầu xảy ra. Sở NN&PTNT Bình Định phải bố trí 1 tàu kiểm ngư tham gia cùng với Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu Miền Trung triển khai phao vây dầu để kịp thời xử lý...
Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến - Phó Cục trưởng Cục cứu hộ - cứu nạn Bộ Tổng tham mưu, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn - cho biết: "Việc trục vớt các tàu hàng bị chìm lên bờ sẽ được làm rất cẩn thận, tuyệt đối không để sự cố tràn dầu xảy ra. Vấn đề này do chính tỉnh Bình Định chủ trì, chúng tôi đã điều các chuyên gia và đặc biệt Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực II vào đây rồi. Thực hiện trục vớt song song với giải quyết ứng phó với sự cố tràn dầu. Muốn trục vớt thì phải có thợ lặn thăm dò trước, rồi tiến hành lấy hàng ra, hút hết dầu trong tàu để tránh sự cố".
Chủ tàu "chạy" không kịp yêu cầu của tỉnh
UBND tỉnh Bình Định cho biết, hiện vùng biển Quy Nhơn có 9 xác tàu bị chìm, mắc cạn. Số lượng dầu trên các tàu chìm, mắc cạn ước tính khoảng 211.686 lít dầu DO và 8.000 lít dầu FO.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều chủ tàu vẫn loay hoay tiến hành các thủ tục để thực hiện việc trục vớt tàu lên bờ. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đơn vị trục vớt, nguồn kinh phí... đang khiến họ gặp rất nhiều khó khăn.
Việc trục vớt tàu phải đảm bảo nguyên tắc, không để xảy ra sự cố tràn dầu. Ảnh: D.T
Ông Nguyễn Công Khoa (46 tuổi, quê Thái Bình, chủ tàu Nam Khánh 26) cho biết, vấn đề thực hiện các thủ tục để trục vớt đang gặp rắc rối vì chủ tàu muốn tìm kiếm đơn vị trục vớt đảm bảo tiến hành khẩn trương, có năng lực và giá cả phải chăng.
"Điều này rất khó, trong khi đó chủ tàu lại đang gặp áp lực thời gian do phía tỉnh Bình Định đưa ra. Thú thật, nếu đơn vị trục vớt lấy giá cao thì chắc chắn chúng tôi không đủ khả năng thanh toán. Vì tính cả hàng hóa, tổng thiệt hại của chúng tôi đã lên đến 20 tỷ đồng. Tại hiện trường, con tàu bị bão đánh vỡ, trục vớt lên chỉ để bán sắt vụn chứ không thể tái sử dụng được", ông Khoa thông tin.
Theo ông Nguyễn Điền - chủ tàu Biển Bắc 16, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu trình phương án trục vớt chậm nhất vào ngày 9.11 nhưng đến chiều 10.11 phía chủ tàu vẫn chưa hoàn thành.
"Phía cảng vụ ban đầu họ ép chúng tôi dữ lắm nhưng thực sự là chạy không kịp, liên lạc nhiều công ty trục vớt nhưng chưa tìm được đơn vị đáp ứng yêu cầu. Dự tính trong ngày mai, chúng tôi mới chốt được phương án. Cái này rất quan trọng, nếu đơn vị trục vớt không đủ kinh nghiệm thì sẽ rất nguy hiểm", ông Điền lo lắng.
Chia sẻ với mất mát của chủ tàuTrong chuyến làm việc tại Bình Định gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chia sẻ với mất mát của các chủ tàu trong vụ hàng loạt tàu hàng bị chìm ở vùng biển Quy Nhơn. Đồng thời, ông Hà yêu cầu nhanh chóng trục vớt, không để xảy ra sự cố tràn dầu và đề nghị tỉnh Bình Định làm việc với doanh nghiệp bảo hiểm liên quan, tác động để các đơn vị hợp đồng trục vớt xem xét "chia sẻ chi phí cần thiết" với chủ tàu. Với trách nhiệm pháp lý từng bên, điểm nào còn "mập mờ" phải được làm sáng tỏ.
Theo Danviet
Bão "nuốt" hàng loạt tàu hàng, biển Quy Nhơn xơ xác chưa từng thấy Cơn bão số 12 càn quét khiến 10 tàu hàng gặp nạn (8 tàu chìm), nhiều nạn nhân vẫn đang mất tích, biển Quy Nhơn trở nên xơ xác, buồn bã. Chiều nay (6.11), bãi biển Quy Nhơn (Bình Định) trở nên xơ xác sau khi chịu đựng sự tấn công dữ dội của cơn bão số 12. Đứng ở bãi biển Quy...