Đau đầu với lời vợ dạy con trai, con gái trước ngày cưới
Tôi nạt, bà khuyên con gái bắt chồng chia sẻ việc nhà với mình, quản lý chặt tiền bạc. Giờ lại dạy con trai tránh xa việc bếp núc, không cho vợ cầm tiền là sao? Bà nhà tôi sửng cồ lên cãi cùn, tôi làm thế là có lý cả…
Ngày con gái đi lấy chồng, vợ tôi kéo con vào thủ thỉ mấy chiêu dạy chồng. Con phải luôn đề cao cảnh giác, đàn ông không quản lý chặt là dễ ngoại tình lắm đấy. Đừng có chiều chồng quá. Có thể là rất yêu đấy, nhưng đôi lúc phải tỏ ra bất cần. Bắt chồng phải san sẻ việc nhà với mình, chẳng tội gì mà làm một mình. Đừng biến mình thành osin của chồng nghe chưa, cũng phải bắt nó phục vụ con chứ.
Còn nữa, phải kiểm soát hết tài chính của chồng, thâu tóm mọi nguồn thu vào tay con, có như thế mình mới luôn chủ động. Đề phòng tình huống xấu nhất là ly hôn mình cũng không bị trắng tay. Tài sản càng lớn, mình càng phải đấu tranh đứng tên sở hữu con ạ.
Con gái tôi nghe vậy gật gù, mẹ nói chí lý. Tôi nghe thấy mới gàn vợ, bà rõ là dở hơi… đương yên đương lành lại nói chuyện ly hôn. Vợ tôi cãi, bảo là bà ấy lo xa chứ có khuyên con bỏ chồng đâu.
Đến lượt cậu cả đòi lấy vợ. Gần ngày cưới, bà lại kéo cậu con trai vào tư vấn mấy chiêu dạy vợ. Các cụ bảo rồi, dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Con gái bây giờ ghê gớm lắm, con phải nghiêm ngay từ đầu không thì nó ngồi lên đầu lên cổ mình.
Nhà cửa bếp núc là việc của đàn bà, con đừng mó tay mó chân vào, đàn ông mà đứng bếp thì vứt đi. Con cũng không được để vợ quản lý tiền bạc của mình, hàng tháng chỉ đưa nó số tiền đủ dùng cho sinh hoạt trong gia đình thôi, còn bao nhiêu con phải tự quản lý. Đừng để mình rơi vào cảnh ngửa tay xin tiền vợ, mất hết cái uy của đàn ông. Cậu cả nhà tôi nghe xong cũng gật gù, mẹ nói có lý.
Đến nước này thì đúng là bà vợ tôi dở hơi thật rồi. Tôi nạt, bà khuyên con gái bắt chồng chia sẻ việc nhà với mình, quản lý chặt tiền bạc. Giờ lại dạy con trai tránh xa việc bếp núc, không cho vợ cầm tiền. Thế là thế nào? Bà nhà tôi sửng cồ lên cãi cùn, tôi làm thế là có lý cả. Tôi hỏi vặn, lý là lý ở chỗ nào?
Lý ở chỗ một bên là con gái, một bên là con dâu. Đến nước này thì tôi đành thở dài ngao ngán, ngần ấy năm sống với tôi, bà có phải áp dụng mấy chiêu này không mà sao tôi với bà vẫn sống hạnh phúc tới giờ. Bà dạy con như thế thì chẳng bằng hại con, bà ơi…
“Con gái lấy chồng thì phải quản lý chồng nhưng con trai thì không được để vợ quản lý” (Ảnh internet)
Video đang HOT
Rồi mấy đứa con tôi cũng lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái. Lạy trời chúng không răm rắp làm theo lời vợ tôi dạy nên gia đình đều ấm êm hạnh phúc. Chỉ có điều vợ tôi vẫn không bỏ được cái tính phân biệt đối xử giữa con gái và con dâu.
Dẫu thường mắng yêu con gái là “đồ cái bòn” nhưng có gì ngon bà lại để dành rồi đùm dúm mang cho con gái, nó biếu một thì bà khen ngợi khoe khoang nó thành mười. Cuối tuần, thỉnh thoảng con gái mang cả chồng con sang chơi và ngủ lại.
Sáng, con gái dạy muộn một tí bà còn suỵt bảo để yên cho nó ngủ. Con dâu mà dậy muộn một chút thì bà vào lườm ra nguýt. Cả nhà quây quần nói chuyện, con gái có nói gì nhỡ miệng thì bà xí xóa cho qua, còn tặc lưỡi bảo tính nó vốn thẳng thắn. Con dâu mà nhỡ mồm như thế thì bà nhiếc móc “cho ra gì” ngay.
Có chuyện gì tâm sự bà cũng nhỏ to với con gái, bà bảo chẳng đứa nào đi nói xấu mẹ ruột bao giờ. Chứ kể với con dâu nhỡ nó mồm loa mép giải tồng tộc đi kể với cả làng thì ngượng mặt. Rồi bà chê con dâu sống không tình cảm, kiệm lời… Những chuyện như thế khiến mối quan hệ giữa mẹ chồng với con dâu luôn có khoảng cách.
Đến một hôm, vợ tôi ốm. Bà thều thào bảo con dâu: “Ăn sáng xong, con đi mua cho mẹ vỉ thuốc”. Con dâu vội tất tả đi nấu cháo, mua thuốc, không quên tạt vào chợ mua ít hoa quả cho mẹ bồi dưỡng. Con gái tôi biết chuyện gọi điện sang hỏi “Mẹ ốm à, hôm nay nhà con bận, biết gửi cu Bi ở đâu bây giờ?”. Đến trưa, con gái lại gọi điện sang “Mẹ đi chợ giúp con chưa, à quên, mẹ đang ốm nhỉ? Thế mẹ nhờ chị dâu đi chợ giúp con nhé, trưa con đi làm về qua lấy”.
Hôm sau, con gái tôi sang thăm mẹ, chưa kịp hỏi thăm mẹ câu nào đã phụng phịu: “Mẹ ốm, chẳng ai trông cháu giúp con, buổi trưa đi làm cứ phải chạy về cho nó ăn mệt ơi là mệt”. Còn con dâu, mấy hôm mẹ ốm, dù bận việc vẫn cố đẩy nhanh tiến độ công việc để xin nghỉ ở nhà chăm mẹ. Cậu cả nhà tôi ghé qua phòng hỏi thăm mẹ qua loa mấy câu rồi dặn dò vợ đủ thứ “Em chịu khó nghỉ làm chăm mẹ mấy hôm cho mẹ khỏi hẳn, đừng nhờ cái Hà Anh, tính nó ẩu lắm…”.
Chắc mấy hôm ốm nằm bẹp một chỗ, vợ tôi có thời gian ngẫm nghĩ ghê lắm nên bảo với tôi, các cụ nói chẳng sai “Con gái là con người ta”. Nuôi nó lớn, cho ăn học xong xuôi thì đi lấy chồng. Hơn hai chục năm ở cùng mẹ con gái có phải lo việc gì đâu, cơm nước, quần áo mẹ đều lo hết. Con gái chỉ cần đi làm, lương tháng bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, không ăn bám bố mẹ là được rồi.
Bóng con dâu vừa đi khuất qua cửa, bà mới thẽ thọt, con dâu cũng là con gái người ta mà, vậy mà… có lẽ tôi đã quá nuông chiều con gái chăng hay bởi tôi đẻ ra nó, hiểu rõ tính nó, nên bao dung và độ lượng hơn “người dưng”, hả ông? Tôi chẳng chê con dâu điểm gì, chỉ phải cái nó chẳng tình cảm như con gái mình. Mà chao ôi, về nhà nó đến là kiệm lời, chẳng mấy khi nói chuyện với tôi câu nào.
Tôi tủm tỉm cười trêu vợ “Bà cứ yêu quí con dâu như con gái đi rồi nó sẽ yêu bà như mẹ ruột. Tôi nhớ lần nhà mình có cỗ, con dâu có vài góp ý không hợp lòng bà nên bà nhiếc nó mãi. Có lẽ nó cũng rõ điều ấy nên ít nói hẳn, nói nhiều sai nhiều, nói ít sai ít, không nói sẽ không sai. Bà chê con dâu không tình cảm, nó có biết lúc nào bà buồn bà vui đâu mà gần gũi to nhỏ, thân thiện với bà không khéo lại bị bà cho là “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Đàn bà các bà phức tạp lắm, thế nào cũng nghĩ được, chuyện gì cũng nói được. Cũng may con dâu nhà mình là đứa sống khéo léo, không thì đã chẳng ở được với bà. Bà vợ tôi nghe thủng chuyện, cười ngượng ngịu.
Tôi muốn chia sẻ với bạn đọc câu chuyện nhỏ trong gia đình tôi. Thiết nghĩ, từ nhỏ có thể xé thành to nếu những người trong cuộc không nhận ra cái sai trong cách đối nhân xử thế của mình. Có lẽ, đọc xong ai cũng nói, biết rồi, chuyện thường ngày ở huyện ấy mà. Nhưng không ai phủ nhận rằng, nó đang xảy ra rành rành trong mỗi gia đình và từ “chuyện thường ngày” ấy đã xảy ra nhiều những mâu thuẫn lớn. Để rồi sau mỗi mâu thuẫn là những đổ vỡ, và những người trong cuộc lại thở dài, giá như…
Theo Báo Tuổi trẻ & Đời sống
Đau đầu với bí mật của em trai
Cách đây hai tuần, tôi đã gặp phải chuyện vô cùng khó nghĩ, dù không phải trường hợp của chính bản thân nhưng lại xảy ra ngay với người thân thiết nhất.
Tôi là chị lớn trong gia đình có năm chị em. Cả nhà chỉ có một cậu em út là con trai nên ai cũng thương. Từ nhỏ, không chỉ được dành cho mọi điều tốt đẹp, em tôi còn không phải đụng tay chân vào bất cứ việc gì.
Và cũng bởi được chiều như vậy, nên em trai tôi càng lớn càng hư, lúc nhỏ thì nghịch ngợm phá phách hàng xóm, lớn hơn thì trốn học, chơi điện tử, cờ bạc đủ cả. Dù các chị ra sức khuyên ngăn nhưng em vẫn không chịu thay đổi.
Chỉ đến khi quen được N., người vợ hiện tại, em tôi mới ổn định cuộc sống. N. là cô gái ngoan ngoãn, con nhà gia giáo. Khi yêu em trai tôi, cô bé đã vấp phải sự phản đối từ bố mẹ mình. Ai cũng cho rằng, N. xứng đáng với người đàn ông tốt hơn. Tôi cũng biết vậy, nhưng vẫn thầm mong em mình được chấp nhận..
Tôi vui mừng khi em trai mình lấy được người vợ ngoan hiền (Ảnh minh họa)
Và quả là may mắn cho em trai tôi khi cuối cùng cũng lấy được người vợ như N. Không chỉ nết na, lễ phép, hiếu thảo với bố mẹ chồng, em dâu còn giỏi thu vén công việc trong nhà. Dù lương hai vợ chồng chỉ hơn 10 triệu đồng nhưng lúc nào cũng ấm cúng, đầy đủ. Bố mẹ tôi rất hài lòng, mua cho hai đứa một ngôi nhà chung cư cùng tòa nhà với gia đình, để tiện bề chăm sóc khi có cháu.
Mọi chuyện còn đẹp như mơ khi N. có bầu con trai, tức là cháu đích tôn của dòng họ. Mọi người đều vui mừng hớn hở. Em tôi cũng tỏ ra chiều chuộng vợ hơn trước. Tôi nghĩ có lẽ đàn ông khi làm bố sẽ chín chắn hơn.
Bên đằng ngoại N. cũng quan tâm, gửi một người em gái họ của N. sang để giúp chị trong những tháng đầu kiêng cữ. Cô gái đó cũng nhanh nhẹn, hoạt bát và được việc nên gia đình tôi không có ý kiến gì.
Thế nhưng rồi hôm ấy, khi sang thăm em dâu, tôi đã gặp phải tình huống trớ trêu. Thấy nhà không khóa, vui vẻ bước vào, một đôi nam nữ đang quấn lấy nhau... Dường như họ không hề biết có người đã vào nhà.
Tôi nhẹ nhàng đi ra thì bất ngờ, thấy N. đang mệt nhọc cầm túi xách tiến đến dưới chân cầu thang. Hình như sáng hôm đó em dâu dậy sớm đi khám sức khỏe. Vậy còn đôi nam nữ trong phòng kia chẳng có lẽ lại là...
Nếu em dâu tôi ra ngoài, thì người phụ nữ trong căn phòng đó là ai? (Ảnh minh họa)
Tôi hốt hoảng chạy đến kéo N. đi ra ngoài, trong đầu nghĩ ra đủ thứ chuyện hỏi han, chỉ mong em trai mình mau chóng kết thúc trò chơi tội lỗi trong căn phòng kia. Em dâu tôi có vẻ vui mừng khi thấy chị đến chơi, vội vàng mời vào nhà. Tôi khéo léo từ chối, lấy lí do cần mua ít đồ nên rủ N. đi cùng luôn.
Chỉ đến khi em dâu nhận được điện thoại của chồng hỏi han tình hình, tôi đoán mọi chuyện đã xong. Quay lên nhà thì vừa lúc cô em họ kia cũng mở cửa đi chợ. N. vui vẻ kéo tay tôi vào. Trong phòng khách, cậu em trai quý hóa của tôi đang ngồi uống nước, dáng vẻ mệt mỏi.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy khinh bỉ và ghét chính người em ruột của mình như thế. Tôi ước giá như mình không có máu mủ gì với người đàn ông đó, để có thể lên cơn tam bành, xông vào làm rõ trắng đen.
Nhìn em dâu đang cười nói vui vẻ, khoe sẽ nấu cho chồng món canh cá tẩm bổ những ngày đi làm mệt nhọc, tôi thấy đau lòng. Tôi có nên nói tất cả sự thật cho nó biết, hay giữ im lặng để mọi chuyện đến đâu thì đến. Thật sự lúc này, mọi thứ quá rối rắm, không biết nên làm thế nào cho hợp lý.
Theo Vietnamnet
Bí mật giật mình sau những lần vợ kêu đau đầu nhưng lại rẽ nhầm vào khoa sản Tôi lấy máy gọi cho vợ: "Em đến chỗ khám chưa? Bác sĩ bảo sao?". Vợ tôi ấp úng trả lời: "Em đang chờ, chắc bị tiền đình thôi anh đừng lo". Tôi tắt máy hụt hẫng tột độ. Tôi nép ở góc khuất chờ vợ đi về và rồi... Tôi kết hôn cách đây hơn 7 năm, vợ tôi làm ở công...