Đau đầu vì chồng “chúa chổm”
Cứ đến tháng anh lĩnh lương, chưa kịp tiêu xu nào cho mình thì đã có người đến đòi nợ hết sạch. Anh giờ là “ chúa chổm” ở công ty và trong số tất cả những người anh quen biết rồi.
Yêu anh Khiêm, chị Dung “chết” anh nhất ở cái tính tình xởi lởi, cư xử rộng rãi lại thật lòng thật dạ. Anh không chỉ đối tốt với chị mà đối với gia đình chị và những người xung quanh, nếu giúp được anh cũng chẳng nề hà gì. Mặc dù chị cũng hơi lăn tăn về vụ anh hay chi tiêu quá tay, nhưng rồi chị lại tặc lưỡi cho qua. Bởi, ngoài vấn đề đó ra thì quả là một người đàn ông tuyệt vời đối với chị.
Nhưng chị đâu biết được, khi bước vào cuộc sống hôn nhân – nơi mà kinh tế đóng vai trò rất quan trọng thì cái tính “vung tay quá trán” và “bóc ngắn cắn dài” của anh đã bao phen khiến chị và cả gia đình phải lao đao.
Hồi mới cưới, anh Khiêm cũng thực hiện nghiêm chính sách đưa hết lương cho vợ giữ. Lúc đưa, anh đã bớt xén ra để chi tiêu rồi thế mà trong tháng, cứ dăm bữa anh lại chìa tay xin chị “trợ cấp” thêm. Chị không đưa thì không đành lòng vì anh ra ngoài đi làm cũng phải có đồng tiền trong người. Nhưng nếu đưa thì coi như tháng lương của anh, mang tiếng về đưa cho vợ nhưng rút dần như thế thành ra cũng vừa hay hết!
Có một hãng điện thoại nổi tiếng vừa ra phiên bản mới rất sành điệu, anh “kết” lắm, “tương tư” bao nhiêu ngày nhưng chẳng có tiền mua. Chị cứ động viên anh thôi đợi nó ra phiên bản khác thì mình mua một thể. Anh ậm ừ chẳng nói năng gì, chị tưởng anh xuôi. Nào ngờ, vài hôm sau thấy anh vác về một “em” mới cứng cựa, vẻ mặt hơn hớn. Chị hồ nghi, hỏi thì anh đáp gọn lỏn: “Trả góp!”.
Thế là từ tháng tiếp sau đó, anh chẳng đưa cho chị được đồng nào nữa vì lương anh để anh tiêu vặt và trả góp hết rồi còn đâu! Không những thế, anh còn tiêu âm số tiền mình có và lại về xin “ứng trước” ủa chị. Nhìn bản mặt lúc xin tiền của chồng mà chị chán đến tận cổ nên nhất quyết không xì ra cho anh đồng nào cả. Mình chị cáng đáng chi tiêu cả gia đình chưa thèm nói, lương anh một mình anh tiêu chưa thỏa hay sao mà còn về “bòn rút” ở nhà đi tiêu nữa?
Chị nghĩ nhiều lắm, 2 vợ chồng chị thu nhập cũng không đến nỗi nào, chỉ vì tính tiêu hoang, hay sĩ diện của anh mà kinh tế gia đình nghèo nàn thế này đây. Chị ức lắm, quyết tâm lên kế hoạch “trị” anh. Ban đầu, chị khuyên nhủ anh, từ ngọt ngào thủ thỉ đến quát mắng, la hét, từ gào thét đến năn nỉ anh tiết kiệm cho vợ con được nhờ. Nhưng tất cả đều không ăn thua. Chắc cái bản tính thích tiêu tiền của anh đã ăn sâu vào cốt tủy mất rồi.
Video đang HOT
Chị tiếp tục lập kế hoạch chi tiêu, đưa ra thu nhập 2 vợ chồng một tháng bao nhiêu, chi tiêu bao nhiêu, phải để dành bao nhiêu để mua nhà và phòng thân. Chị quy định cho anh mỗi tháng phải góp một khoản nhất định để thắt chặt chi tiêu của anh. Nhưng cứ khi tới kì chị đến “xiết nợ” thì anh toàn tay trắng hoặc may lắm thì có được vài đồng lẻ trong người. Vậy chả lẽ chị ăn thịt anh để đòi tiền góp?
Chính vì thoáng tính đến mức tiêu hoang mà anh thường xuyên trong tình trạng cháy túi và nợ nần đến giờ đã ngập đầu (Ảnh minh họa).
Sau mấy tháng trả góp xong món đồ anh sắm, chị hý hửng “ra lệnh” cho anh từ tháng tới phải mang lương đầy đủ về cho chị. Quả này chị sẽ không mềm lòng nhân nhượng nữa, anh tiêu hoang chị cũng không trợ cấp thêm đâu, nhất là cho anh tay trắng đi làm. Thấy mặt anh tái mét, chị vô tư cho rằng anh sợ quá thôi mà, và mừng thầm với “thiết quân luật” vừa ban hành của mình.
Nhưng đến tháng lĩnh lương, vẫn thấy anh ví rỗng về nhà chị mới hiểu tại sao hôm đó mặt anh tái mét như vậy. Nguyên do chính là, trong mấy tháng vừa rồi, chị không “bơm” thêm cho anh, mà anh thì vẫn cần phải tiêu, vì thế anh đã đi vay bạn bè. Và số nợ giờ tính lên không lớn nhưng cũng chẳng phải là nhỏ. Cứ đến tháng anh vừa lĩnh lương, chưa kịp tiêu xu nào là đã có người đến đòi nợ hết rồi. Anh giờ là “chúa chổm” ở công ty và trong tất cả những người anh quen biết. Vì ai có khả năng vay tiền, dù ít dù nhiều mà anh chưa vay qua đâu. Chị chán nản vô cùng, cả tuần liền cho anh ngủ ngoài phòng khách.
Chị Dung không thể phủ nhận anh Khiêm là một người yêu vợ thương con. Khi anh có tiền là không tiếc vợ thứ gì cả. Có đợt được thưởng dự án, anh dẫn vợ con đi mua rất nhiều thứ chị và con gái thích. Anh cũng rất hiếu thảo với bố mẹ vợ, mỗi khi có tiền là cũng không tiếc ông bà cái gì. Đi làm về nhà, anh xắn tay vào làm giúp chị hết, không ngại ngần gì. Ấy thế nhưng, chính vì thoáng tính đến mức tiêu hoang mà anh thường xuyên trong tình trạng cháy túi và nợ nần đến giờ đã ngập đầu, thành “chúa chổm” thực sự rồi.
Mấy hôm sau nữa, chị không thấy anh dùng chiếc điện thoại trả góp mới mua được, hỏi đến thì anh bảo bí quá nên bán rồi. Sau đó chị mới biết được sự thật, anh bị người ta… bắt nợ. Ai đời con nợ nhưng lại nhơn nhơn dùng điện thoại xịn và kêu la không có tiền, người ta chẳng ngứa mắt xiết đồ luôn. Chị Dung thở dài não nề, nhưng chị nhất quyết không can thiệp, để cho anh tự xoay sở mà sau này biết đường có trách nhiệm với việc mình làm.
Thế nhưng không lâu sau đó, chị lại hoảng hồn phát hiện ra ông chồng đáng quý của mình vay tiền ngân hàng để ăn tiêu và trả nợ. Số tiền không quá lớn nhưng nó càng làm cho mức độ “chúa chổm” của anh Khiêm tăng cao. Đến nước này thì chị hoàn toàn thất vọng về anh. Kế hoạch mua nhà xem như tiêu tan. Nhìn căn nhà ở ọp ẹp, mùa mưa thì dột, mùa hè thì nắng như đổ lửa mà chị giận anh ghê gớm.
Chị cảm thấy không còn tin tưởng vào chồng nữa. Anh có gia đình rồi mà sống không có mục đích, không bản lĩnh và không có trách nhiệm. Thấy chồng người khác, nào thì ngoại tình, nào thì bài bạc, nào thì vũ phu gia trưởng, đằng này anh Khiêm chẳng mắc tật nào nhưng với một người chồng “chúa chổm” như anh, chị vẫn chẳng thể có được hạnh phúc.
Chị không muốn gia đình tan vỡ. Anh là người đàn ông yêu thương gia đình, anh là bố của con gái chị. Nhưng chuyện đến nước này, nếu chị không làm một đòn cảnh cáo nặng thì có lẽ anh mãi không sửa đổi được cái tật đã ăn vào máu ấy. Chị quyết định hai mẹ con thuê nhà ra ngoài sống, tạm thời ly thân. Chị cũng thông báo luôn với anh, nếu anh không sửa đổi được thì sẽ là li dị luôn.
Anh biết mình sai nên chủ động ra ngoài thuê trọ để mẹ con chị ở lại nhà. Khi đó, nhìn bóng anh lẻ loi, buồn tủi xách hành lí đi, chị cũng thương lắm. Nhưng chị biết chị phải cứng rắn! Nhờ thế mà sau lần đó, khi đã trả hết nợ nần, thoát khỏi cái danh “chúa chổm” thì anh đã có tiến bộ trông thấy trong lĩnh vực tiêu tiền của mình.
Theo VNE
Ngày con làm mẹ
Ngày con kết hôn, mẹ nghẹn ngào tiếng khóc ôm chặt vai con. Vì mẹ biết, quãng đường trên 100 cây số con đã chọn lựa hạnh phúc cho cuộc đời mình và rời xa mẹ mãi mãi. Mẹ khóc và con biết nước mắt của mẹ chẳng ngừng rơi từ khi con ra đời.
Ngày con khóc thét trong bệnh viện vì sinh cu Thỏ, mẹ nhọc nhằn ôm sọt quần áo sơ sinh, đôi chân khập khiễng cao thấp vào trong viện. Mẹ đứng ngoài cánh cửa sục sạo đi mua cái này sắm cái kia rồi chẹp miệng nói: " Con này ẩu quá!". Con đau đớn trong căn phòng lạnh toát vẫn ồn ào tiếng la hét của bao phận đàn bà chờ sinh. Mẹ đứng ngoài, nước mắt cứ rơi. Đứa bé òa khóc, nó gan lì sau 4 giờ con nằm quằn quại. Dòng nước mắt chảy dài trên má con nóng hổi và kiệt sức. Mẹ ơi, khi đó con đã hạnh phúc như thế nào! Đôi mắt thằng bé mở to nhìn con, đôi tay nhỏ bé đó cựa quậy. Con thấy thế giới trở nên bé nhỏ. Vì con sẽ lấy cả cuộc đời mình bảo vệ, yêu thương sinh linh quý giá của chúng con. Con bỗng nhớ mẹ. Có phải khi sinh con, mẹ cũng đau như thế này không? Giờ con hiểu lòng mẹ. Cả cuộc đời này mẹ đã dành bao nhiêu nước mắt cho con?
Cu Thỏ ốm, sốt trên 39 độ. Nhà con đi công tác hơn 1 tuần nay chưa về. Một mình con với nó. Cơ thể nóng bỏng mềm nhũn gục trong cánh tay con. Con sợ đến phát khóc. 12h đêm con ôm thằng bé đến bệnh viện, điện thoại bấm gọi mẹ. Mẹ và bố hớt hải chạy đến ngay trong đêm. Nước mắt con rơi vì mẹ, vì con của con. Mẹ cũng đã lo lắng, đau đớn và sợ hãi vì con như vậy phải không mẹ?
Ngày cu Thỏ biết đi, nó khập khiễng những bước đầu tiên. Đôi chân nhỏ bé đặt lên sàn nhà loạng quạng bước và ngã. Con chạy nhanh đến, cầm đôi tay bé xíu đó dắt từng bước đi. Cảm giác thật tuyệt mẹ ạ! Con tự hỏi con có cho mẹ hạnh phúc bao giờ chưa?
Ngày bé Thỏ bắt đầu gọi "mẹ", con khóc vì nhận ra âm thanh ấy cao cả thế nào.
Ngày trời mưa, rét căm căm, anh cả gọi điện bảo con mẹ ốm nặng. Con vội vã phóng thẳng xe về nhà. Cả tháng nay mẹ ốm, sợ con lo nên cấm anh và bố báo cho con. Trên chiếc giường bé nhỏ, mẹ nằm yếu ớt, thân hình mỏng mảnh xác xơ. Tay mẹ run run nắm tay con, con mơ hồ một cảm giác lo sợ phải xa mẹ.
Cả đời mẹ đã lấy nước mắt để yêu, để thương, để nuôi con nên người. Con sẽ yêu con của con như tình yêu lớn lao của mẹ. Đó có phải là nguyện ước của mẹ không?
Theo VNE
"Sống tiếp hay thôi, nhỉ?" 12 cái tết không có cái tết nào tôi không bị mẹ chồng chửi rủa nặng nề, không mùng 1 thì cũng mùng 2, không mùng 2 thì là mùng 3. Có lần đang rang gạo nấu cháo cúng mùng 3, bà hất đổ cả chảo gạo xuống đất khi tôi xin cúng xong về thăm mộ cha vừa mất. Tôi năm nay...