Đau đầu tìm phương án “nghỉ” Tết cho con
Học sinh được nghỉ Tết dài ngày hơn phụ huynh. Vì vậy câu hỏi đặt ra là gửi con ở đâu trong những ngày này là bài toán đau đầu không chỉ đối với các bậc cha mẹ làm công sở mà với cả phụ huynh làm nghề tự do, kinh doanh hay doanh nghiệp…
Thi viết chữ đẹp trong Ngày hội mùa xuân của Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Đà Nẵng) tái hiện không khí thi cử ngày xưa.
Đưa con đi làm
Mấy năm nay, vợ chồng chị Nguyễn Thị Châu Anh (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cứ đến gần dịp nghỉ Tết Nguyên đán là hỏi trước cô giáo lịch nghỉ học của con để đối chiếu với lịch làm việc của công ty.
“Hôm nào mình không vướng họp hành gì thì hai đứa con đi làm cùng mẹ, mà cũng phải chia nhau ra, hôm thì con theo ba đi làm, hôm thì con theo mẹ đi làm chứ ngày nào cũng đưa con lên chỗ làm thì rất ngại.
Có hôm họp đột xuất, để con không chạy nhảy nghịch phá, mẹ đành phải đưa điện thoại cho con xem các kênh dành cho trẻ em nguyên buổi sáng” – chị Châu Anh kể. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng có thể đưa con đến chỗ làm như vợ chồng chị Châu Anh.
Anh Lê Quang Vinh – công tác ở một công ty xây dựng chia sẻ: “Công ty mình nhận thầu ở giai đoạn hoàn thiện, nên dịp cuối năm rất bận, vừa chạy tiến độ công trình, vừa thu hồi nợ nên gần như không nghỉ được. Không thể đưa con đi làm cùng, hai vợ chồng đành chọn giải pháp gửi con cho nhà hàng xóm trông chừng.
Để các cháu tuổi sàn sàn nhau, mới 5 – 6 tuổi chơi với nhau thì thực sự không yên tâm, nhưng không còn cách nào khác”. Chị Hoàng Nhung thì chọn cách cho con ở nhà một mình, bật sẵn kênh hoạt hình và bày biện một số giấy, bút vẽ để con tự chơi. “Người ở cơ quan mà bụng dạ thì ở nhà, nhưng những ngày sát Tết, nhiều việc phải giải quyết, chỉ có thể nghỉ làm được 1 buổi, cùng lắm là nửa ngày chứ không thể nghỉ nhiều được”.
Trường tư cũng không mặn mà mở dịch vụ trông trẻ
Đi tìm nơi gửi con trong những ngày giáp Tết là trăn trở của rất nhiều phụ huynh, nhất là những phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non. Ở lớp lớn, phụ huynh có thể cho con tự chơi ở nhà một mình nhưng lứa tuổi từ 2 – 5 tuổi thì bắt buộc phải có người giữ.
Video đang HOT
Những năm trước đây, các trường tư thục ở Đà Nẵng có nhận giữ trẻ thêm vào những ngày sát Tết cho những phụ huynh có nhu cầu. Như Trường Mầm non Bé thông minh, cách đây khoảng 3 năm trở về trước, có nhận trông trẻ kéo dài thêm 2 – 3 ngày so với lịch nghỉ Tết của Sở GD&ĐT. Theo đó, những phụ huynh nào có nhu cầu gửi con trong những ngày sát Tết, khi khối cơ quan Nhà nước chưa nghỉ Tết thì đăng ký với nhà trường.
Phí dịch vụ của những ngày này cũng chỉ tương đương với tiền thu học ngày thứ 7, xê dịch từ 100.000 – 120.000 đồng/ngày. Các bé cũng được tổ chức chăm sóc, sinh hoạt như ngày thường.
Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, nhà trường không nhận giữ thêm nữa vì theo như cô Kiều Hạnh – Hiệu trưởng nhà trường, “ngoài việc khó khăn trong cân đối thu – chi, thì giáo viên cũng muốn được nghỉ sớm để còn thu xếp về quê” nên lịch nghỉ của trường đúng như lịch nghỉ học của HS toàn thành phố.
Trường Mầm non Đức Trí cũng không tổ chức giữ trẻ thêm khoảng 2 năm nay. Cô Lê Thị Nga – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường sẽ linh động trong việc tổ chức giữ trẻ thêm. Nếu lịch nghỉ của các cơ quan Nhà nước cách xa khoảng 3 – 4 ngày so với lịch nghỉ của HS thì trường sẽ tổ chức nhận trông trẻ thêm cho đến ngày phụ huynh được nghỉ làm.
Những năm trước, nhà trường tổ chứcthu học phícủa những ngày này là 200% nhưng khoảng 4 – 5 năm trở lại đây, nếu có tổ chức, nhà trường cũng chỉ thu như ngày thường với tính chất hỗ trợ phụ huynh là chính”.
Với nhiều gia đình, gửi con nhỏ ở những nhóm trẻ gia đình là lựa chọn khả dĩ nhất trong điều kiện ông bà nội ngoại đều ở xa. Chị Phạm Thị Ngọc Quỳnh (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) kể: “Hồi bé còn nhỏ, mình có gửi ở nhóm trẻ gia đình cho đến khi bé đủ tuổi đi học ở trường công lập. Nên gần sát mấy ngày nghỉ Tết, lại sang nói khó với cô chủ nhóm trẻ gia đình nhận trông bé đỡ mấy ngày để ba mẹ yên tâm đi làm”.
Tuy nhiên, không phải nhóm lớp độc lập tư thục nào cũng nhận trông trẻ theo ngày như trên. Cô Trần Thị Hồng Vân – chủ một nhóm trẻ gia đình trên đường Âu Cơ (Q. Liên Chiểu) cho biết: “Có một số phụ huynh quanh khu vực nhóm trẻ đến năn nỉ xin nhận giữ trẻ theo ngày, nhưng chúng tôi chỉ nhận trẻ khoảng 4 – 5 tuổi chứ chỉ vài ba ngày thì bé chưa kịp làm quen với cô, với môi trường mới thì GV sẽ rất vất vả và cũng ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc trẻ do trẻ quấy khóc và bỏ bữa hoặc ăn rất ít”.
Đã có nhiều gợi ý rằng, các trường học nên tổ chức những hoạt động ngoại khóa vào những ngày này như là một cách hỗ trợ phụ huynh, để trẻ vừa chơi an toàn ở trường học vừa có cơ hội hình thành và tích lũy thêm kỹ năng sống.
Thế nhưng, ở một hướng khác, nhiều cán bộ quản lý các trường học lại cho rằng, thực ra HS nghỉ sớm nhưng GV – nhất là GV mầm non, còn phải tham gia tổng vệ sinh trường lớp, đồ dùng sinh hoạt cho bé như giặt giũ, phơi phóng gối, chăn, giường ngủ…
Hà Nguyên
Theo giaoducthoidai
Thầy giáo Sài Gòn ra một loạt "bài tập" Tết cho học trò
Học sinh có một kỳ nghỉ Tết dài, thầy Trần Văn Minh, giáo viên Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, TPHCM gọi đây là một kỳ học và gợi ý loạt "đề cương ôn tập" cho học sinh gây xúc động.
Thầy Trần Văn Minh dặn học trò: Nghỉ Tết là một kỳ học, thậm chí là một kỳ học vô cùng quý giá. Thầy chia sẻ đến đến học trò những nội dung cần học trong kỳ nghỉ Tết này.
Thầy giáo Trần Văn Minh cùng học trò
Tết chính là học kỳ về GIA ĐÌNH. Là khi ta có những ngày cảm nhận sâu sắc những điều tưởng vô cùng quen thuộc như quê nhà, tổ ấm, bà con thân thuộc, bạn cũ tình thâm... Là Tết ấm trong gian bếp cũ, trong tim mọi người. Là tiếng gà gáy báo bình minh sau mảnh vườn ướt sũng sương đêm. Là biết mình đang lớn giữa những yêu thương và hi vọng.
Tết là học kỳ về NỮ CÔNG GIA CHÁNH. Là bánh tét tròn xanh lá, là bánh chưng vuông vắn để cúng Giao thừa. Là chảo mứt gừng đang sên trên riu riu lửa đỏ. Là nồi thịt kho tàu, là hũ dưa hành. Là biết tảo tần tay mẹ, lòng bà. Là biết những thảo thơm làng xóm quê nhà. Là biết ta đã bớt vụng về trong gian bếp để thấu cảm về những bữa cơm nhà.
Tết là kỳ học về ĐỊNH VỊ. Cho dù ta đã thành thạo những công cụ định vị của Google thì Tết vẫn dạy ta định vị đường về nhà theo một cách thật đặc biệt nhất.
Vì đường về nhà cũng là con đường đi thẳng vào tim. Tết dạy ta cách định vị những giá trị như chiếc neo để rồi giúp ta đủ tự tin để có thể đi thật xa như mình mong ước.
Tết là học kỳ của THỨ THA. Những dỗi hờn trách giận phải lùi xa cùng năm tháng cũ. Vì phía trước có bao điều mới mẻ đang chờ ta cùng trải nghiệm. Tết còn dạy ta cách tha thứ với những thất bại của chính mình để có thể khơi nguồn sáng tạo, làm mình mới hơn khi năm mới đến.
Tết là học kỳ về SẺ CHIA. Là ta biết có một gia đình lớn bên ngoài gia đình nhỏ của mình. Là chia sẻ một nụ cười cho người xa lạ. Một chiếc áo ấm cho người vô gia cư. Một đôi dép nhỏ cho đứa trẻ vùng cao giá lạnh chân trần. Một bát cơm có thịt cho những ai đã quanh năm rau dại nấu muối cùng nước khe suối giữa rừng. Là gửi Tết ấm cho em, cho chị, cho bà, cho ông, cho những ai còn khốn khó. Tết là khi ta thực sự lớn lên từ những chia sẻ như vậy.
Và cuối cùng, Tết là học kỳ về QUẢN LÍ THỜI GIAN. Nhắc ta biết tháng ngày qua đi nghĩa là đã mất. Nhắc ta biết nhanh chân với những dự định, mục tiêu mà ta muốn đạt được trong ngắn ngủi cuộc đời.
Thầy Trần Văn Minh trong những chuyến đi của mình
Thầy Nguyễn Văn Minh cũng chia sẻ, Tết năm nay được nghỉ dài. Đó là thời gian cho một khóa học thật đáng giá cho học trò, cho chính bản thân thầy và cho cho tất cả chúng ta. Một khóa học không sách vở, không bảng đen phấn trắng mà mà nằm ở con tim, sự rung cảm của mỗi người.
Thầy Trần Văn Minh hiện là giáo viên Địa lý kiêm trợ lí Đoàn thanh niên Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, TPHCM.
Thầy Minh cho biết, ngoài việc học kiến thức, thầy thường xuyên nói chuyện với học trò về những bài học về giá trị sống, kỹ năng sống.
Trong bài viết "học kỳ Tết" này, thầy muốn gửi gắm đến học sinh hãy lắng mình lại, Tết không phải là những thứ bề ngoài như vui chơi, du xuân hay những bộ quần áo mới.
Mà đó là lúc chúng ta học biết cách trân trọng thời gian ở bên gia đình, người thân, nhất là học sinh ở trường nhiều em học nội trú xa nhà. Đó là lúc chúng ta biết quan tâm, mở lòng mình với mọi người, với những hoản cảnh khó khăn hơn... Từ những điều giản dị đó, theo thầy Minh sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc tràn đầy cho bản thân mỗi người.
Thầy Minh được học trò biết đến là người thầy, có thời gian là lên đường. Thầy đi trải nghiệm, đi thiện nghiện, hoạt động xã hội khắp mọi nơi.
Hoài Nam
Tho dantri
Quảng Ngãi: Học sinh nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 10 ngày Học sinh Quảng Ngãi được nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 trong thời gian 10 ngày. Kỳ nghỉ Tết năm nay ít hơn 1 ngày so với năm trước. Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 của học sinh tỉnh Quảng Ngãi kéo dài 10 ngày. Theo đó, học sinh các cấp nghỉ Tết...