Đau đầu tìm cách diệt sâu keo mùa thu, dân lo mất trắng mùa ngô
Đến thời điểm này, sâu keo mùa thu đã gây hại nhiều diện tích ngô (bắp) của một số tỉnh như Đồng Nai, Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La…, nhưng ngành nông nghiệp cũng như bà con nông dân vẫn chưa tìm ra biện pháp khống chế triệt để. Nhiều nông dân lo ngại năng suất bắp vụ hè thu vừa mới xuống giống sẽ bị ảnh hưởng, mất mùa nặng.
Tốc độ tàn phá chóng mặt
Ở Đồng Nai, loại sâu này được ghi nhận xuất hiện đầu tiên ở huyện Định Quán, sau đó lây lan ra các huyện khác. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có 6 huyện xuất hiện sâu keo mùa thu hại bắp gồm: Định Quán, Xuân Lộc, Tân Phú, Cẩm Mỹ, Trảng Bom và Thống Nhất, với tổng diện tích bị hại hơn 300ha.
Ngay tại huyện Thống Nhất, thời điểm cuối tháng 5 chỉ có khoảng 0,3ha bắp bị sâu tấn công. Chỉ sau vài ngày, huyện này hiện đã có hơn 10ha bắp bị sâu keo phá hoại.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra tình hình gây hại của sâu keo mùa thu trên cây ngô tại xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên, Lai Châu). N.V
Theo Phòng NNPTNT huyện Thống Nhất, vụ đông xuân trước đó, bắp là loại cây trồng chiếm diện tích lớn nhất trên địa bàn, đạt 780ha (chiếm 53%). Nhờ thời tiết thuận lợi và chủ động nguồn nước tưới nên cây trồng phát triển khỏe mạnh, không có dịch bệnh xảy ra. Năng suất bắp khá cao, khoảng 72 tạ/ha. Vụ hè thu năm nay, huyện dự kiến sẽ gieo trồng khoảng 1.400ha bắp.
Hiện tại, nông dân huyện Thống Nhất đã xuống giống được hơn 1.000ha; bắp đã được khoảng 1 tháng tuổi. Nhiều người đang hết sức lo lắng vì loài sâu keo gây hại và lây lan nhanh trên địa bàn.
Video đang HOT
Tại ruộng bắp của mình ở xã Gia Tân 3, ông Trần Minh Trung cho hay từ lúc cây bắp lên khoảng 10cm thì sâu keo bắt đầu xuất hiện, cắn rách nát hết phần lá non trên ngọn. Thấy sâu lạ xuất hiện, người dân đã chủ động phun thuốc và bắt bằng tay.
Ông Trung cho biết, loài sâu này chỉ xịt thuốc thì không thể diệt tận gốc bởi trứng nằm sâu trong thân bắp nên dễ sống. Mặt khác, khi trời nóng, sâu lớn chui vào trong thân bắp trốn nên người dân phải phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát thì mới hiệu quả.
Theo ông Lê Mạnh Đạt – Tổ trưởng Tổ hợp tác bắp xã Gia Tân 3, khác với các loại sâu hại bắp trước đây, sức ăn của sâu keo rất khỏe, tốc độ cắn phá nhanh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng. “Chúng tôi đồng loạt phun thuốc cùng lúc trên diện rộng để tăng cường tính hiệu quả của thuốc”- ông Đạt nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàn Mỹ – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thống Nhất đề nghị cần tuân thủ kỹ quy tắc 4 đúng trong phòng trừ sâu bệnh. Nông dân thường có tập quán phun xịt nhiều để phòng ngừa nên dễ làm cho sâu có tính kháng thuốc. Ông Mỹ cũng khuyến cáo để phòng chống hiệu quả, nông dân phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và xử lý đúng nguyên tắc hoặc liên hệ cơ quan chức năng để được hướng dẫn cụ thể.
Kiểm tra ruộng thường xuyên, phun trừ sớm
Tại Lai Châu, sâu keo mùa thu đã gây hại tới gần 700ha ngô của tỉnh, chủ yếu ở các huyện: Tân Uyên, Phong Thổ, Tam Đường, TP.Lai Châu. Ở một số huyện như Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, sâu bắt đầu phát sinh.
Ông Nguyễn Đăng Tỉnh (khu 32, thị trấn huyện Tân Uyên) cho biết: “Khu ruộng 1.000m2 của tôi trước đây thường trồng mía, năm nay quyết định trồng xen ngô nếp và để lại một số mảnh trồng ngô tẻ. Nhưng cách đây gần 1 tháng, tôi phát hiện ngô trồng xen mía bị sâu ăn hết lá và nõn. Khi bóc nõn ngô, thấy sâu gần giống như sâu đất, thân to, dài, cây ít 1 con, cây nhiều có tới 2 con nằm gọn trong đó. Đặc biệt, có những con đã đục lỗ chui xuống thân. Chỉ 10 ngày sau, ruộng ngô xơ xác như vừa trải qua trận mưa đá”.
“Lần đầu tiên tôi chứng kiến một loại sâu có sự tàn phá nhanh như vậy. Sâu này tập trung nhiều nhất ở diện tích ngô xoáy nõn và trổ cờ. Tôi chủ động tìm hiểu, nhờ cán bộ khuyến nông huyện tư vấn mua thuốc bảo vệ thực vật loại Gà nòi 95SP về phun. Riêng diện tích ngô mới trồng, tôi đã phun đến lần thứ 3 nên hạn chế tình trạng sâu gây hại. Qua một số lần thử nghiệm, chỉ có cách phun sớm ngay khi phát hiện sâu và xử lý theo hình thức tách ngọn bắt và chụm vòi phun vào ngọn ngô mới có tác dụng” – ông Tỉnh chia sẻ.
Theo Bộ NNPTNT, sâu keo mùa thu (Spodoptera Frugiperda) có khả năng di trú xa, gây hại nặng cho ngô và nhiều loại cây trồng khác. Hiện nay, sâu này đã xuất hiện và gây hại cục bộ tại một số tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Để tổ chức phòng trừ kịp thời và hiệu quả, Bộ NNPTNT đã yêu cầu các Sở NNPTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành về trồng trọt và bảo vệ thực vật tổ chức điều tra sự phân bố, mật độ, tỷ lệ gây hại của sâu keo mùa thu trên ngô và các cây trồng khác. Các đơn vị hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật để hạn chế thiệt hại.
Bộ NNPTNT cũng đã yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật ban hành các tài liệu, quy trình phòng chống sâu keo mùa thu; tổ chức tập huấn biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu cho cán bộ trong các cơ quan chuyên ngành, khuyến nông và nông dân …
Theo Danviet
Yên Bái diệt trừ sâu bệnh trên gần 2.000 ha lúa
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái, hiện trên địa bàn đã xuất hiện nhiều loại sâu bệnh trên lúa; trong đó, chủ yếu là bệnh đạo ôn lá, rầy nâu, khô vằn.
Nhằm giảm tối đa mức thiệt hại do sâu bệnh gây ra, người dân trên địa bàn tỉnh đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên lúa.
Nông dân xã An Thịnh, huyện Văn Yên (Yên Bái) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân. Ảnh: baoyenbai.com.vn
Bà Hoàng Yến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, tỉnh Yên Bái hiện có trên 1.000 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, trên 542 ha bệnh đạo ôn lá và trên 200 ha rầy nâu.
Trước tình trạng này chi cục đã khẩn trương cử cán bộ xuống cơ sở kiểm tra thực tế; đồng thời, kết hợp với phòng nông nghiệp các huyện, thị xã hướng dẫn kỹ thuật cho người dân nhanh chóng áp dụng các biện pháp diệt trừ sâu bệnh, nhờ đó, tình hình sâu bệnh trên lúa từng bước được khống chế.
Chị Nguyễn Thị Quang, thôn Trung Tâm, xã Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) cho biết, vụ Xuân năm nay, gia đình chị cấy 5 sào lúa bằng giống HT9. Vụ mùa này do thời tiết mưa nắng thất thường, một số chân ruộng lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, rầy nâu nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, gia đinh chị đã áp dụng đúng các biện pháp phòng trừ, nên diện tích lúa bị sâu bệnh được khắc phục.
Bà Phạm Thị Chanh, thôn Khang Chính, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) chia sẻ, vụ Mùa là vụ lúa chính trong năm, để đạt năng suất cao, ngay từ đầu vụ bà đã thực hiện đầy đủ yêu cầu kỹ thuật chăm sóc lúa. Hiện toàn bộ diện tích lúa của gia đình đang sinh trưởng, phát triển tốt và không bị sâu bệnh như mọi năm.
Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục cử cán bộ xuống cơ sở nắm bắt tình hình sâu bệnh hại lúa; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời, chi cục khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi có sâu bệnh xảy ra.
Trước đó, ngay từ đầu mùa vụ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã gửi thông báo, hướng dẫn tới các huyện về chủ động phòng chống sâu bệnh.
Ngoài ra, chi cục còn tổ chức các lớp tập huấn, thanh tra, kiểm tra các đại lý thuốc bảo vệ thực vật nhằm thắt chặt quản lý các loại thuốc có mặt trên thị trường, hướng dẫn sử dụng đúng cách, đúng liều lượng đối với các loại thuốc.
Ngọc Anh (TTXVN)
Theo Tintuc
Xuất hiện không khí lạnh, có khả năng gây mưa ở Bắc Bộ Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia dự báo, khối không khí gây nóng cho Bắc Bộ trong những ngày qua sẽ bắt đầu hoạt động yếu dần từ hôm nay (10-2). Vì vậy, hôm nay thời tiết tại Bắc Bộ sẽ giảm nhẹ khoảng 1 đến 2 độ C. Từ ngày 11-2, sẽ có một khối không...