Đau cứng vùng cổ – chứng bệnh dễ dẫn đến tử vong
Rối loạn tuần hoàn máu, hệ thống tim mạch không tốt, bệnh lao, ung thư đốt sống cổ…đều có thể làm xuất hiện triệu chứng đau cứng cơ vùng cổ, đe dọa tính mạng.
Rối loạn tuần hoàn máu, hệ thống tim mạch không tốt, thậm chí có thể do bệnh lao, ung thư đốt sống cổ…đều có thể làm xuất hiện triệu chứng đau cứng cơ vùng cổ, nếu không điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng.
Ngày càng nhiều người trẻ bị đau cổ – gáy
Giáo sư Chu Quốc Trường, nguyên giám đốc Viện Y học cổ truyền Trung Ương, vùng cổ có hai tổ chức quan trọng liên quan đến cuộc sống con người vì đó là trung tâm chỉ huy hô hấp và trung tâm chỉ huy tuần hoàn. Vì vậy, các bệnh lý liên quan đến cổ không được phát hiện và điều trị kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm.
Video đang HOT
Tỷ lệ bị đau cứng cơ vùng cổ ngày càng tăng ở giới lao động, văn phòng, các khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất theo dây chuyền… Làm cùng một động tác, làm đi làm lại nhiều lần, ngồi một chỗ, ít vận động… là các yếu tố dẫn đến chứng bệnh này. Theo ghi nhận của bác sĩ Trường, trong số bệnh nhân đau cứng cơ vùng cổ đến khám tại Viện Y học cổ truyền Trung Ương, gần 30% là giới trẻ, người làm văn phòng.
Chị Lan Hương, nhà ở Trường Chinh, Hà Nội là một trong số đó. Thỉnh thoảng chị lại bị đau cứng cơ cổ, không thể cử động, vừa khó chịu vừa gặp khó khăn trong sinh hoạt. Trong những đợt như vậy, cổ chị luôn phải ở tư thế cố định, vì hễ cử động là chị lại thấy đau chảy nước mắt. Theo lời vài người bạn mách, chị massage cổ và sau vài ngày đã trở lại bình thường. Để yên tâm, chị Hương đến Viện Y học cổ truyền Trung ương để khám và được chẩn đoán rối loạn các cơ vùng cổ gáy. Rất may bệnh này không nguy hiểm.
Theo giáo sư Trường, khi bị đau cứng cổ, khả năng cao nhất, được nghĩ đến đầu tiên, là hiện tượng rối loạn, co cứng các cơ ở vùng cổ – gáy. Nguyên nhân thường là tư thế nằm, gối đầu không thoải mái, như gối quá cao, quá thấp, gối trên vật rắn, hay nằm cố định ở một tư thế không hợp lý quá lâu, chỗ nằm ngủ không đảm bảo điều kiện tốt cho hoạt động bình thường của các cơ, mạch máu vùng cổ – gáy. Hiện tượng đau cổ, gáy sau khi ngủ dậy này còn xuất hiện do nằm ngủ nơi bị gió lùa, nơi quá lạnh, quá nóng hay độ ẩm quá cao, dân gian gọi là là trúng gió.
Ảnh minh họa.
Có thể là bệnh nguy hiểm
Khác với chị Hương, chị Nguyễn Thị Linh ở Linh Đàm, Hà Nội cảm thấy rất may mắn vì đã đi khám chuyên khoa sớm. Chị cũng bị đau cứng cơ vùng cổ nhưng thường xuyên hơn và mỗi đợt đau thường kéo dài. Đi khám, chị tá hỏa khi biết mình bị xơ vữa động mạch mà đau cứng cơ vùng cổ chỉ là một trong các biểu hiện.
Giáo sư Chu Quốc Trường cảnh báo, những người sức khỏe không tốt, nhất là có các vấn đề về tuần hoàn, hệ thống tim mạch (xơ vữa động mạch, thoái hóa mạch máu do tiểu đường, rối loạn thành mạch, thiếu máu, huyết áp thấp) cũng có thể bị đau cứng cơ vùng cổ.
Hiện tượng đau cứng cơ vùng cổ nếu xảy ra thường xuyên và kéo dài thì phải cẩn thận vì có thể là dấu hiệu lao đốt sống cổ, ung thư đốt sống cổ, thoát vị nặng đĩa đệm các đốt sống cổ, thoái hóa hoặc tổn thương đốt sống cổ ngang (bao gồm hư sụn đốt sống, hư hoặc thoái hóa đĩa đệm, lồi đĩa đệm, viêm đốt sống cổ, viêm đĩa đệm, viêm dây chằng xung quanh).
Đau cứng cơ cổ có thể gặp ở những người thiểu năng hệ động mạch đốt sống thân nền, ảnh hưởng đến sự nuôi dưỡng cho các đốt sống cổ, dây thần kinh và vùng tiểu não sau gáy. Khi đó, ngoài hiện tượng trên, người bệnh sẽ bị hoa mắt, chóng mặt, choáng váng.
Các bệnh trên đều phải được chữa trị sớm. Lao đốt sống cổ nếu để lâu sẽ gây sập, xẹp đốt sống cổ vì lúc này, đốt sống sẽ trở nên yếu hơn bình thường, chỉ cần một tác động mạnh lên cổ là có thể làm gãy đốt sống, tạo sức ép lên tủy, dẫn đến tử vong. Ung thư không phát hiện kịp thời sẽ di căn khắp cơ thể. Thoát vị đốt sống cổ có thể gây ra liệt tứ chi, tổn thương những chức năng sống khác của con người.
Do đó, các chuyên gia khuyên không nên coi thường, bỏ qua hiện tượng đau vùng cổ, tránh các động tác mạnh, thô bạo (chẳng hạn vặn cổ theo kiểu dân gian). Có thể xoa bóp nhẹ nhàng để làm giãn mềm cơ, tốt nhất là có sự hướng dẫn chuyên khoa. Nếu điều trị bằng các biện pháp xoa bóp, vật lý trị liệu mà không khỏi thì cần đi khám.
Người đang bị đau cứng cơ vùng cổ nên tránh làm việc liên tục ở một tư thế cố định, cần nghỉ giữa giờ, ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý. Không nên uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn nhiều mỡ hay ăn nhiều vào ban đêm. Vào mùa đông, trời lạnh nên máu lưu thông chậm, gây ứ trệ nên chứng đau cứng cổ dễ xuất hiện hơn, vì vậy cần giữ ấm, không nên ngồi nơi gió lùa.
Theo VNE