Đau cho cà phê Việt Nam: Sản lượng thứ 2, giá… đứng cuối
Đứng top 2 thế giới nhưng xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm nay sụt giảm mạnh về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân là do những điểm yếu cố hữu của ngành vẫn chưa được khắc phục .
Giá bán giảm, giá xuất khẩu thấp
Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn (Bộ NNPTNT), xuất khẩu cà phê tháng 6/2019 ước đạt 165.000 tấn, giá trị đạt 274 triệu USD; lũy kế xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 943.000 tấn và 1,6 tỷ USD, giảm 9,2% về khối lượng và giảm 19,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường cà phê trong nước cũng biến động giảm cùng xu hướng thị trường thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá cà phê trong nước giảm 500 – 800 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, do cà phê Việt Nam sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu, nên tình hình giao dịch trên sàn kỳ hạn có ảnh hưởng rất lớn đến giá cà phê trong nước. Có thời điểm đầu tháng 5, giá cà phê tụt xuống chỉ còn khoảng 29.000 đồng/kg khiến nông dân thua lỗ nặng.
Hiện, nguồn cung cà phê trong nước đã cạn kiệt và người dân không muốn bán với mức giá dưới 35.000 đồng/kg, giao dịch khá trầm lắng, ngoại trừ các hợp đồng xuất khẩu đã được ký kết từ trước đó.
Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của các nước khác. (ảnh: tư liệu)
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất vào thị trường Hàn Quốc với khối lượng lên tới 11.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2019. Song, tại xứ sở kim chi, giá cà phê Việt xuất khẩu chỉ đạt 1,8 USD/kg, thấp bằng một nửa giá cà phê nước này nhập khẩu. Trong khi Brazil là nước đứng thứ 2 về khối lượng với gần 10.600 tấn vào Hàn Quốc, nhưng giá xuất khẩu đạt 2,6 USD/kg, còn cà phê Colombia đứng thứ 3 với trên 9.000 tấn, giá bình quân đạt 3,2 USD/kg. Riêng Mỹ, mới chỉ xuất khẩu vào Hàn Quốc khoảng 3.000 tấn cà phê, nhưng giá xuất khẩu đạt mức gần 11 USD/kg.
Nguyên nhân khiến cà phê Việt Nam là thế mạnh tỷ đô, đứng top 2 thế giới, nhưng giá xuất khẩu lại thấp nhất so với các nước được lý giải là do cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô (80% lượng cà phê xuất khẩu đều là hàng thô). Cùng với đó, nguyên liệu thu hoạch không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về độ chín, cà phê còn lẫn các tạp chất… dẫn đến chất lượng cà phê còn thấp.
Video đang HOT
Tìm đường sang Nhật
Theo thống kê từ Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu cà phê của nước này tháng 5/2019 đạt 39.700 tấn, trị giá 12,32 tỷ yên (tương đương 114,5 triệu USD), tăng 0,3% về lượng, nhưng giảm 5,3% về trị giá so với tháng 5/2018. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu cà phê của Nhật Bản đạt 198.800 tấn, trị giá 61,78 tỷ yên (tương đương 574,1 triệu USD), tăng 14,7% về lượng và tăng 6,8% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2018.
Đáng chú ý, nhập khẩu cà phê hạt rang hương (mã HS 090190100) của Nhật Bản tăng tới 785,5% về lượng và tăng 1.108,3% về trị giá so với tháng 5/2018. Song, lượng nhập khẩu ở mức thấp là 230 tấn, trị giá 5 triệu Yên (tương đương 46.000 USD) trong tháng 5/2019.
Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Nhật Bản 5 tháng đầu năm 2019 đạt mức 2.887 USD/tấn, giảm 6,9% so với 5 tháng đầu năm 2018. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Nhật Bản từ Việt Nam ở mức thấp nhất 1.690 USD/tấn, giảm 14,5% so với 5 tháng đầu năm 2018. Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Nhật từ Brazil đạt 2.786 USD/tấn, giảm 9,5%.
Điều đáng lo ngại là 5 tháng đầu năm 2019, Nhật Bản đẩy mạnh nhập khẩu cà phê từ Brazil, Columbia, Etiopia… trong khi giảm nhập khẩu từ Việt Nam, Indonesia, Peru và Lào. Hiện, Brazii là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Nhật Bản với lượng đạt trên 76.000 tấn, trị giá 22,81 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2019, tăng 49,9% về lượng và tăng 35,6% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2018. Nhờ đó, thị phần cà phê Brazil trong tổng lượng nhập khẩu Nhật Bản tăng từ 29,3% trong 5 tháng đầu năm 2018, lên 38,3%.
Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ 2 cho Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm 2019, song nhập khẩu giảm 15,6% về lượng và 27,9% về trị giá. Theo đó, thị phần cà phê Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu Nhật Bản giảm từ 26,6% trong 5 tháng đầu năm 2018, xuống còn 19,5% thị phần trong 5 tháng đầu năm 2019.
Columbia là nguồn cung cà phê lớn thứ 3 cho Nhật Bản với tốc độ tăng trưởng 8,8% về lượng, tăng 1,3% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2018, đạt 26.600 tấn, trị giá 9,38 triệu USD.
Như trên có thể thấy, ngành cà phê Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh rất lớn với các đối thủ Brazil, Columbia, Etiopia… Do đó, để nâng cao sức cạnh tranh và gia tăng giá trị xuất khẩu, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng ngành cà phê Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là đối với cà phê thành phẩm, đồng thời tham gia đầu tư sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm cà phê chất lượng cao…
Theo Danviet
Cà phê Việt Nam và nỗi buồn giá "đội sổ"
Giá cà phê trên thị trường thế giới giảm xuống "đáy", thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ qua đã khiến lượng và giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam bị ảnh hưởng, theo hướng giảm mạnh. Đáng chú ý, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đang bị xếp vào hàng "đội sổ", rẻ gần bằng nửa so với hàng cùng loại của Colombia.
Vừa mất mùa, vừa mất giá
Báo cáo mới đây nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 5/2019 ước đạt 141.000 tấn với giá trị đạt 229 triệu USD, lũy kế xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 773.000 tấn và 1,32 tỷ USD, giảm 12,4% về khối lượng và giảm 22,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 với thị phần lần lượt là 12,8% và 10,1%. Hai thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu năm 2019 tăng là Philippines (tăng 22,5%) và Malaysia (tăng 7,9%).
Khoảng 80% sản lượng cà phê nước ta được sơ chế khô tại gia đình với sân phơi tạm bợ. Ảnh: I.T
Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong tháng 4/2019 đạt mức 1.679USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 3.2019 và giảm đến 12% so với tháng 4/2018. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2019, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 1.730USD/tấn, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng mừng là sau một thời gian dài liên tục giảm giá và tụt xuống mức thấp kỷ lục trong khoảng 10 năm qua thì những ngày gần đây, giá cà phê trên sàn kỳ hạn lại có xu hướng tăng. Theo đó, ngày 5/6, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2019 tại sàn giao dịch hàng hóa London đạt 1.484USD/tấn, tăng tới 115USD/tấn so với đầu tháng 5. Nguyên nhân do các quỹ đầu cơ quốc tế đã giảm bớt lượng bán ra trên sàn giao dịch cà phê kỳ hạn.
Nhờ động thái này, giá cà phê trong nước cũng tăng theo. So với tháng 5, hiện giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng thêm từ 2.100-2.500 đồng/kg, lên mức 33.300-34.100 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, do cà phê Việt Nam sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu nên tình hình giao dịch trên sàn kỳ hạn có ảnh hưởng rất lớn đến giá cà phê trong nước. Có thời điểm đầu tháng 5, giá cà phê tụt xuống chỉ còn khoảng 29.000 đồng/kg khiến nông dân lỗ nặng.
Năm ngoái cà phê Việt Nam mất mùa, năm nay lại mất giá đã khiến cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Grai (trụ sở tại xã Ia H'rung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) hiện có 800ha cà phê kinh doanh trên tổng diện tích 1.001ha. Công ty này (thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong việc tái canh vườn cà phê. Vườn cà phê của công ty luôn tươi tốt và cho năng suất ổn định, tuy nhiên năm 2018, công ty này cũng không tránh được tình trạng mất mùa, sản lượng sụt giảm tới 30 - 40%.
Ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Công ty cho biết, năm nay đơn vị lại tiếp tục gặp khó khăn vì mất giá, khiến cả nông dân và doanh nghiệp đều bị lỗ, "bí" vốn quay vòng, còn ngân hàng thấy giá cà phê giảm sâu thì cũng thắt chặt cho vay.
Đứng đầu về lượng, "đội sổ" về giá
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất vào thị trường Hàn Quốc, nhưng tại đây, giá cà phê của Việt Nam chỉ đạt 1,8USD/kg, thấp hơn một nửa so với giá nhập khẩu cà phê bình quân của nước này.
Cụ thể, Bộ Công Thương dẫn số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Hàn Quốc cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2019, Hàn Quốc nhập 53.232 tấn cà phê, trị giá 208 triệu USD, tăng 1,7% về lượng và tăng 1,5% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2018. Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Hàn Quốc 4 tháng đầu năm 2019 đạt mức 3,9USD/kg, giảm 0,2% so với 4 tháng đầu năm 2018.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất vào Hàn Quốc với sản lượng gần 11.000 tấn, nhưng giá xuất khẩu thì đạt mức thấp nhất trong danh sách, chỉ được 1,8USD/kg, trong khi Brazil là nước đứng thứ 2 về sản lượng với gần 10.600 tấn nhưng xuất khẩu được vào Hàn Quốc với giá 2,6USD/kg; còn cà phê Colombia đứng thứ 3 với trên 9.000 tấn, giá bình quân đạt 3,2USD/kg.
Đặc biệt, trong 4 tháng qua Mỹ, mới chỉ xuất khẩu vào Hàn Quốc khoảng 3.000 tấn cà phê, nhưng giá thì cao ngất ngưởng, đạt mức gần 11USD/kg.
Vì sao giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam lại lẹt đẹt nhất trong các cường quốc về cà phê? Đại diện Bộ Công Thương cho biết, do Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu cà phê dạng thô (chiếm tới 90% lượng cà phê xuất khẩu), còn cà phê của Mỹ hầu hết đã qua chế biến.
Trước đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản ước tính, khoảng 80% sản lượng cà phê được sơ chế khô tại các hộ gia đình với sân phơi tạm bợ như sân đất, sân đất kết hợp bạt hoặc ximăng. Do máy móc, thiết bị sơ chế của người dân còn lạc hậu, cộng với nguyên liệu thu hoạch không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về độ chín, cà phê còn lẫn các tạp chất... dẫn đến chất lượng cà phê còn thấp.
Trong khi xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô nên cà phê Việt không có thương hiệu mà phần lớn trở thành nguyên liệu của nhiều nước dùng để chế biến sâu và tái xuất lại tiêu thụ ở Việt Nam dưới dạng cà phê bột, hòa tan, pha sẵn...
Trong khi đó, mỗi năm thế giới chi khoảng 500 tỷ USD cho cà phê tiêu dùng, nhưng doanh thu từ xuất khẩu cà phê của Việt Nam mới đạt trên 3,5 tỷ USD (năm 2018) là quá khiêm tốn, cho thấy giá trị thương mại đạt quá thấp so với sản lượng.
Theo Danviet
Bao giờ cà phê hết là "trái đắng"? (Bài cuối): VICOFA hiến kế Xung quanh câu chuyện khó khăn của ngành cà phê, bao giờ cà phê hết là "trái đắng" và để nông dân có thu nhập cao, có đời sống ổn định từ cây trồng này, phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê, Ca cao...