Đau bụng như thế nào có liên quan đến ruột thừa?
Viêm ruột thừa là một cấp cứu thường gặp nhất trong các bệnh cấp cứu về ngoại khoa. Bệnh có khi đơn giản, nhưng có khi cũng vô cùng phức tạp.
Ảnh minh họa: Internet
Trước đây, ruột thừa được xem là một cơ quan vết tích không có chức năng, nên các bác sĩ ngoại khoa nghĩ tới bệnh viêm ruột thừa thì xử trí “thà cắt nhầm còn hơn là bỏ sót”.
Nhưng ngày nay, nhờ những tiến bộ của y học, các nhà khoa học xác định rằng ruột thừa là một cơ quan miễn dịch, có chức năng sản sinh ra globulin miễn dịch như IgA; các tổ chức lympho này phát triển mạnh từ 20 – 30 tuổi, sau đó thoái hóa dần. Đến ngoài 60 tuổi thì ruột thừa hầu như xơ teo, không còn các hạch lympho nên làm cho ruột thừa teo nhỏ lại.
Lời khuyên của thầy thuốc
Viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa, nếu chậm trễ sẽ để lại những biến chứng khó lường như: viêm ruột thừa hoại tử, viêm phúc mạc ruột thừa hay áp- xe ruột thừa… nguy hiểm đến tính mạng.
Video đang HOT
Trong đó, đau bụng là dấu hiệu cảnh báo, khởi đầu đau bụng ở vùng bụng quanh rốn, sau đó khu trú ở hố chậu phải, đau có cảm giác âm ỉ liên tục và tăng dần, đi kèm với đau bụng là sốt nhẹ, buồn nôn, môi khô, lưỡi bẩn…
Với đau bụng tính chất như trên thì người bệnh bắt buộc phải khẩn trương nhập bệnh viện để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, vì đây là bệnh cấp cứu ngoại khoa, bắt buộc cắt bỏ ruột thừa viêm.
Về phương diện giải phẫu, ruột thừa là một đoạn hẹp, kín, có chiều dài biến đổi từ 2 – 20cm, trung bình là 9cm, với đường kính khoảng 6mm, thành ruột thừa dày không quá 3mm, và bám dính vào manh tràng, đoạn đầu tiên của ruột già.
Các nhà ngoại khoa ghi nhận, đầu ruột thừa có thể thay đổi vị trí như sau manh tràng trong phúc mạc chiếm khoảng 65%, chậu hông 30%, sau phúc mạc 2%, trước hồi tràng 1%, sau hồi tràng 0,4%. Khi manh tràng thay đổi vị trí, do ruột xoay chưa hoàn chỉnh, ruột thừa có thể ở cao hơn vị trí bình thường như dưới gan. Ở người bị đảo ngược phủ tạng, ruột thừa nằm ở hố chậu trái.
Nguyên nhân của viêm ruột thừa không phải lúc nào cũng rõ ràng.
Các nhà y học lý giải, đôi khi viêm ruột thừa có thể xảy ra như là kết quả của sự tắc nghẽn. Với nguyên nhân này, các nhà khoa học ghi nhận có khoảng 60% do tăng sinh mô lympho, 30% do sỏi ruột thừa, 10% do ký sinh trùng, do u, do chất thải thực phẩm hoặc phần cứng của phân có thể ngăn chặn sự mở của khoang chạy theo chiều dài của ruột thừa. Một nguyên nhân khác cũng được ghi nhận là nhiễm trùng tại chỗ, vi khuẩn phát triển, xâm lấn thành ruột thừa gây viêm ruột thừa, cuối cùng là hoại tử và thủng ruột thừa.
Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa là đau bụng, dấu hiệu đầu tiên để thầy thuốc lẫn bệnh nhân nghĩ đến viêm ruột thừa. Khởi đầu đau bụng có cảm giác âm ỉ vùng bụng quanh rốn, sau đó cơn đau sẽ khu trú xuống 1/4 bụng dưới bên phải.
Trong y học gọi là hố chậu phải, với tính chất đau là âm ỉ, liên tục và tăng dần. Đây là triệu chứng quan trọng để theo dõi trong viêm ruột thừa; ngoài triệu chứng đau bụng người bệnh còn thấy rối loạn tiêu hóa như: buồn nôn và nôn, bụng ậm ạch khó tiêu, bí trung đại tiện, hoặc đi phân lỏng; toàn thân sốt nhẹ, thân nhiệt thường khoảng 380C, môi khô, lưỡi bẩn, mạch nhanh.
Trong viêm ruột thừa, việc thăm khám của thầy thuốc có ý nghĩa quan trọng. Trong thăm khám khác, sẽ ghi nhận với phản ứng thành bụng ở hố chậu phải, dấu hiệu này rõ ở những người có thành bụng bình thường, không rõ ở những người đã dùng thuốc giảm đau hay người có thành bụng nhão, nhất là phụ nữ sinh nhiều.
Thăm khám thấy điểm đau rõ ở điểm Mac Burney là triệu chứng quan trọng, là điểm đau ở giữa bởi đường kẻ nối từ rốn đến gai chậu trước trên bên phải; hay có dấu hiệu Schotkin – Blumberg khi có viêm phúc mạc, dấu hiệu này thực hiện khi ấn vào điểm Mac Burney từ từ cho tới khi bệnh nhân đau, thả ra nhanh thì bệnh nhân đau tăng lên; hoặc dấu hiệu Rowsing dùng tay ấn hố chậu bên trái thì bệnh nhân đau ở hố chậu phải; hay dấu hiệu đơn giản nhất là dấu hiệu Siskovski, cho bệnh nhân nằm nghiêng sang trái thì trong viêm ruột thừa bệnh nhân đau ở hố chậu phải.
Bên cạnh các triệu chứng của ruột thừa, kỹ thuật siêu âm đã đóng góp vai trò đắc lực trong chẩn đoán và định hướng điều trị. Trong siêu âm thấy ruột thừa có hình dạng là cấu trúc ống với một đầu tịt trên mặt cắt dọc trục, mà một số tác giả gọi là “dấu hiệu ngón tay”; trên mặt cắt ngang trục thì ruột thừa có dạng hình bia đạn với các vòng đồng tâm, đường kính ruột thừa viêm lớn hơn 6mm, thành ruột thừa lớn hơn 3mm, ranh giới giữa các lớp có phần nhạt nhòa do tình trạng viêm phù nề, nếu xét nghiệm máu thì thấy bạch cầu trong máu tăng cao, nhất là bạch cầu đa nhân trung tính.
Phẫu thuật cắt ruột thừa là phương pháp điều trị duy nhất và được xếp vào loại phẫu thuật khẩn cấp, cho nên phẫu thuật càng sớm càng tốt. Ngày nay, phẫu thuật qua nội soi là phương pháp điều trị được ưa chuộng, vừa mang tính thầm mỹ và hồi phục nhanh hơn cách mổ thông thường. Sau mổ, người bệnh được dùng kháng sinh chống nhiễm trùng, bù nước và nâng đỡ cơ thể.
Theo SKDS
Bệnh tật ồ ạt tấn công trẻ em khi nắng nóng
Rất nhiều bệnh tấn công trẻ em mỗi khi hè đến. Trẻ có thể mắc một số bệnh nguy hiểm do virus hoặc vi khuẩn gây ra.
Khi thấy trẻ đi ngoài phân lỏng tóe nước trên 3 lần/ngày, nếu kéo dài dưới 14 ngày gọi là tiêu chảy cấp và từ 14 ngày trở lên gọi là tiêu chảy kéo dài. Do vậy, các bậc cha mẹ cần cho con khám và điều trị để tránh tình trạng mất nước, gây nguy hiểm.
Mùa nắng nóng cũng là thời điểm khiến trẻ dễ bị nhiễm virus. Hiện có hơn 200 chủng virus được phân lập, tuy nhiên hầu hết đều là virus thông thường ít có hại, bệnh có thể khỏi trong 5-7 ngày nếu được theo dõi và chăm sóc tốt. Tuy nhiên, có một số virus gây bệnh nguy hiểm như virus sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết... tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh. Sốt phát ban do virus gây ra là căn bệnh khá phổ biến. Thường có sốt cao 39-40 độ C, trẻ biếng ăn, quấy khóc, nằm li bì, có khi còn bị co giật, có dấu hiệu ho, sổ mũi. Khi xuất hiện ban trên cơ thể thì trẻ sẽ giảm sốt. Với những trẻ sốt phát ban không sốt cao các bà mẹ sẽ nhận biết muộn hơn, vì vậy không được chủ quan để tránh những biến chứng do bệnh gây ra. Nếu trẻ sốt phát ban có kèm theo triệu chứng đau đầu, nôn ói, co giật,... Nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.
Viêm não Nhật Bản B là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở hệ thần kinh trung ương do một loại virus gây nên cũng rất đáng ngại. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè, phổ biến từ tháng 5 - 7. Bệnh có thể phát triển thành dịch. Viêm não Nhật Bản B là bệnh nguy hiểm, nhưng có thể chủ động phòng bằng cách tiêm vaccine viêm não Nhật Bản B đúng và đủ. Vaccine viêm não Nhật Bản B được khuyến nghị tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, tiêm mũi thứ 2 sau mũi thứ nhất một tuần và tiêm mũi thứ 3 sau một năm, có thể tiêm nhắc lại sau 3-4 năm cho đến 15 tuổi. Bên cạnh đó, việc chủ động diệt muỗi, ngủ màn... là biện pháp tích cực để phòng bệnh. Viêm màng não mủ là căn bệnh nguy hiểm. Bệnh cảnh lâm sàng chủ yếu là hội chứng nhiễm khuẩn khẩn cấp và hội chứng màng não (sốt cao, môi khô, lưỡi bẩn, co giật, cứng gáy,...).
Trẻ em dễ bị say nắng. Mùa hè nhiệt độ tăng cao làm giãn các mạch máu não, tăng áp lực trên não, gây đau đầu, co giật, hôn mê. Rôm sảy cũng là bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng. Các bậc cha mẹ cần nắm bắt từng triệu chứng của bệnh để có cách ứng phó kịp thời.
Theo Lao Động
Tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc hạ sốt đặt hậu môn Thông thường khi trẻ bị sốt phụ huynh nghĩ ngay đến thuốc hạ sốt đặt hậu môn để tránh ảnh hưởng trực tiếp đến dạ dày. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng có những tác dụng phụ nguy hiểm. Hạ nhiệt lại tăng tiêu chảy Thấy con gái 3 tuổi bị sốt, như thường lệ chị Thanh Ngọc ở Hưng Yên liền mua...