Dấu ấn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn
Gần đến dịp kỷ niệm 105 năm Ngày sinh cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (23-1-1916 – 23-1-2021), trong tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh vị Bộ trưởng Bộ Công an lâu năm nhất (1952-1981).
Bằng tài năng, đức độ và tầm nhìn chiến lược, ông đã có nhiều dấu ấn và đóng góp vào sự lớn mạnh, trưởng thành của lực lượng CAND cũng như những thành tựu của sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc trong hơn 7 thập niên qua…
Định hướng chiến lược
Sinh thời, Bộ trưởng Trần Quốc hoàn rất quan tâm đến việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang trở thành lực lượng then chốt trong công tác bảo vệ biên giới quốc gia. Các đồng chí Thứ trưởng Phan Trọng Tuệ, Phạm Kiệt, Nguyễn Quang Việt và Trần Quyết lần lượt được đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn giao trọng trách Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.
Bộ Trưởng Trần Quốc Hoàn (thứ 2 từ phải qua) làm việc với đặc phái viên Uỷ ban ANQG Liên Xô, tháng 3-1973
Ngay sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ cho mời Đoàn cán bộ Ủy ban An ninh Quốc gia (ANQG) Liên Xô sang làm việc với Bộ Nội vụ Việt Nam để khảo sát những nội dung cần giúp đỡ lực lượng Công an nhân dân vũ trang trong tình hình mới. Ủy ban ANQG Liên Xô đã cử một đoàn cán bộ cao cấp do Thiếu tướng Matroxov, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biên phòng dẫn đầu sang làm việc với Bộ Nội vụ Việt Nam.
Tháng 6-1977, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã cử đoàn cán bộ cao cấp Bộ Nội vụ Việt Nam do đồng chí Trịnh Trân, khi đó là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, làm trưởng đoàn sang làm việc với lãnh đạo Tổng cục Biên phòng Ủy ban ANQG Liên Xô. Trong đoàn còn có đồng chí Cục trưởng Nguyễn Hữu Nhân, nguyên thư ký và là cố vấn về công tác hợp tác quốc tế của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Tôi vinh dự được là thành viên của Đoàn ở cương vị phiên dịch.
Đoàn chúng tôi được Lãnh đạo Tổng cục Biên phòng Ủy ban ANQG Liên Xô đón tiếp rất trọng thị và thân tình. Ngay buổi làm việc đầu tiên, đoàn được Phó Chủ tịch Ủy ban ANQG Liên Xô, Thượng tướng Emokhonov tiếp và nhận thư của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn gửi Đại tướng Yuri Andropov, Chủ tịch Ủy ban ANQG Liên Xô.
Trên cơ sở kết quả làm việc tại Việt Nam của Đoàn cán bộ Tổng cục Biên phòng Ủy ban ANQG Liên Xô do Thiếu tướng Matroxov dẫn đầu và thư đề nghị của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, lãnh đạo Ủy ban ANQG Liên Xô duyệt một chương trình làm việc với đoàn chúng tôi do Tổng cục Biên phòng đề xuất.
Theo chương trình đã được duyệt, Đoàn chúng tôi đi trên một chuyên cơ đến quân cảng Simvoropol thuộc vùng Odesa. Tại đây, ngay buổi đầu tiên, chúng tôi đã được bạn cho xem bộ phim tài liệu giới thiệu hoạt động của quân cảng Simvoropol. Sau đó, Bạn giới thiệu một cách hết sức chi tiết cho Đoàn chúng tôi tham quan 3 loại tàu Biên phòng và cung cấp những tài liệu giới thiệu về tính năng và các số liệu chiến thuật-kỹ thuật của từng loại tàu.
Đoàn Bộ Công an Việt Nam thăm một loại tàu của Biên phòng Liên Xô
Video đang HOT
Trong một buổi ăn tối, đồng chí Trung tướng Matroxov trao đổi với đồng chí Trịnh Trân và đồng chí Nguyễn Hữu Nhân: “Tôi hiểu Bộ trưởng của các đồng chí còn lo về trình độ học vấn của cán bộ chiến sĩ, nên trong thư gửi Chủ tịch Yuri Andropov, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chỉ nêu xin cung cấp loại tàu để chống buôn lậu đường biển. Có nghĩa là trước tiên, các đồng chí chỉ cần loại tàu có tốc độ nhanh hơn các loại tàu dân sự? Tôi đã sang Việt Nam cùng với các đồng chí khảo sát tình hình an ninh biên giới biển đảo ở Việt Nam, thấy nhiệm vụ đảm bảo an ninh biên giới biển của các đồng chí là vô cùng cấp thiết.
Đoàn Bộ Công an Việt Nam thăm Hải đoàn Biên phòng Liên Xô tháng 6-1977
Đối tượng xâm nhập từ biển vào đất liền không “nhu mì” như các đối tượng buôn lậu đâu. Vì thế, mặc dù loại tàu này giá thành có rẻ hơn, việc đào tạo khai thác, sử dụng và bảo trì đơn giản hơn so với 2 loại còn lại (2 loại tàu còn lại có tên gọi là TARANTUN và GRIP). Nhưng tôi nghĩ, kỹ thuật tên lửa phòng không cũng khá phức tạp, việc đào tạo lại tiến hành trong điều kiện có chiến tranh và phải đào tạo cấp tốc, thế mà các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng làm chủ được khí tài và lập công rất xuất sắc. Các đồng chí nên cân nhắc kỹ việc chọn loại tàu nào cho thích hợp với tình hình hiện tại”.
Đây là một lời khuyên hết sức chân tình của đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biên phòng của bạn. Các đồng chí lãnh đạo Đoàn đã báo cáo nội dung tham quan và nội dung làm việc với đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên Xô và đồng chí Trưởng đại diện Phòng Thương mại Bộ Ngoại thương Việt Nam tại Liên Xô. Sau khi đã có ý kiến của Đại sứ Nguyễn Hữu Khiếu, đồng chí Trịnh Trân đã báo cáo về nước để Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cho ý kiến xin viện trợ loại tàu GRIP.
Đại sứ Nguyễn Hữu Khiếu thay mặt phía Việt Nam cùng với đại diện Ủy ban Liên lạc Kinh tế Đối ngoại trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ký Bản Thỏa thuận Liên Xô viện trợ đoàn tàu biên phòng cho Việt Nam dưới hình thức cho vay dài hạn không tính lãi. Bản Thỏa thuận này là cơ sở để Ủy ban ANQG Liên Xô cung cấp thiết bị và huấn luyện đào tạo cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang Bộ Nội vụ Việt Nam (sau này được gọi là Bộ đội Biên phòng) biết khai thác, sử dụng và sửa chữa loại thiết bị bảo vệ biên giới vùng biển. Loại thiết bị này có tên là GRIP.
Cũng trong thời kỳ đó, các đơn vị mới mang tên là Hải đoàn, Hải đội được thành lập trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Cán bộ chiến sĩ của các Hải đội lần lượt được sang Liên Xô học tập. Trong thời gian cán bộ, chiến sĩ thuộc Hải đoàn Công an Nhân dân vũ trang đang học ở Liên Xô, Ủy ban ANQG Liên Xô đã thống nhất với Ủy ban Liên lạc Kinh tế đối ngoại trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô gửi khí tài sang Việt Nam. Khi các học viên về nước, các học viên lại được các chuyên gia Bộ đội Biên phòng Liên Xô kèm cặp trong quá trình vận hành và bảo quản các loại thiết bị mới được Liên Xô cung cấp.
Cuối năm 1979, lực lượng Công an nhân dân vũ trang được đổi tên là Bộ đội Biên phòng và chuyển về Bộ Quốc phòng. Năm 1988, Bộ đội Biên phòng chuyển về Bộ Nội vụ và cuối năm 1995, lại chuyển về Bộ Quốc phòng.
Tôi kể lại câu chuyện này để bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, người có tầm nhìn chiến lược uyên thâm đã dành cho Lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam một hướng phát triển vững chắc; cảm ơn Ủy ban ANQG Liên Xô/ Ngành Biên phòng Cơ quan An ninh Quốc gia Liên bang Nga đã dành cho lực lượng Biên phòng Việt Nam một sự giúp đỡ chứa đầy tình cảm anh em trong một gia đình. Sự giúp đỡ đó như một nền móng vững chắc cho sự phát triển sức chiến đấu của lực lượng Biên phòng Việt Nam.
Những kỷ niệm không thể nào quên
Mặc dù câu chuyện đã diễn ra cách đây gần nửa thế kỷ, song trong tâm trí của tôi vẫn luôn nhớ. Tôi càng xúc động khi tôi được Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ Bộ Công an mời đến Cục Đối ngoại Bộ Công an nhận kỷ niệm chương “100 năm ngành Biên phòng Cơ quan An ninh Quốc gia Liên bang Nga” (28-5-1918/28-5-2018). Sự kiện này chứng minh các bạn Nga, cụ thể là Tổng cục Biên phòng Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô, nay là Ngành Biên phòng Cơ quan An ninh Quốc gia Liên bang Nga vẫn nhớ đến tôi, một cán bộ làm nhiệm vụ phiên dịch của An ninh Việt Nam.
Ông Aleksandr Ivanov, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, Lãnh đạo Cục Đối ngoại và Lãnh đạo Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ Bộ Công an trong Lễ trao tặng kỷ niệm chương “100 năm Lực lượng Biên phòng Ngành An ninh Liên bang Nga” cho tác giả bài viết (người mặc đại lễ), tháng 8-2018
Khi trao kỷ niệm chương cho tôi, ông Aleksandr Ivanov, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam đã phát biểu chúc mừng tôi và nhấn mạnh: “Lãnh đạo Ngành Biên phòng thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Liên bang Nga quyết định tặng kỷ niệm chương cho đồng chí Ninh Công Khoát là một trong những người đầu tiên đóng góp vào việc xây dựng quan hệ hợp tác chiến đấu giữa lực lượng Biên phòng hai nước Việt Nam – Liên Xô, Việt Nam – Liên bang Nga”.
Tại buổi lễ hôm đó, tôi đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới lãnh đạo Ngành Biên phòng thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Liên bang Nga, cảm ơn ông Aleksandr Ivanov, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, cảm ơn Lãnh đạo Bộ Công an, Cục Đối ngoại và Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ Bộ Công an đã dành cho tôi niềm vinh dự này.
Giữ vững bản chất cách mạng, vì an ninh, lợi ích đất nước
Những chiến công, thành quả của lực lượng CAND trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước qua các giai đoạn cách mạng đã khẳng định vai trò, vị trí trọng yếu của một lực lượng chuyên chính trong bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và nhân dân...
Nhìn lại nhiệm kỳ 2015-2020, công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề phức tạp, khó dự báo. Các yếu tố tác động tới ổn định chính trị, an ninh, trật tự diễn ra đa chiều và có mặt gay gắt hơn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các cấp, các ngành, lực lượng CAND nỗ lực thực hiện thắng lợi các mặt công tác, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, tạo chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Thực hiện hiệu quả vai trò nòng cốt trong bảo đảm an ninh, trật tự
Những chiến công, thành quả của lực lượng CAND trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước qua các giai đoạn cách mạng đã khẳng định vai trò, vị trí trọng yếu của một lực lượng chuyên chính trong bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và nhân dân. Đó vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa là trọng trách đòi hỏi lực lượng CAND phải luôn nỗ lực, cố gắng, hoành thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Ngày nay, thời kỳ đất nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, lực lượng CAND chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những chủ trương, quyết sách có ý nghĩa chiến lược về bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
Lực lượng CAND ra quân bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Nhiệm kỳ qua, trước diễn biến phức tạp, khó lường tình hình thế giới, khu vực, lực lượng CAND chủ động, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp chiến lược, quan trọng về đảm bảo an ninh, trật tự, ứng phó hiệu quả với các tình huống, vấn đề mới, phức tạp, giữ vững thế chủ động chiến lược. Lực lượng CAND thực hiện hiệu quả vai trò nòng cốt trong giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Công tác nắm tình hình, nhất là tình hình từ xa, từ sớm đã thể hiện tính chủ động và hiệu quả. Công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hoá âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động được triển khai quyết liệt, không để thành lập tổ chức chính trị đối lập trong nước; bảo vệ tuyết đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; không để xảy ra khủng bố, phá hoại, bị động, bất ngờ về mặt chiến lược.
Lực lượng CAND đã triển khai quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường; đẩy nhanh tiến độ điều tra để truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; triệt phá nhiều tụ điểm, đường dây buôn lậu lớn, qua đó làm giảm tình trạng thẩm lậu hàng hóa vào nội địa. Mở các cao điểm xử lý vi phạm pháp luật, tội phạm về môi trường, khoáng sản; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng. Liên tục chỉ đạo mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hình sự, các băng nhóm tội phạm "núp bóng" doanh nghiệp, tội phạm ma túy. Đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội đề ra, tạo chuyển biến tích cực về trật tự kỷ cương, an ninh xã hội, an ninh con người, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, chú trọng cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính trong CAND.
Phát huy trách nhiệm nêu gương trong toàn lực lượng
Nhiệm kỳ qua, Đảng ủy CATƯ và lãnh đạo Bộ đã đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, phát huy trách nhiệm nêu gương trong toàn lực lượng. Trên cơ sở quy định của Ban Bí thư (khóa XI) và Quy định số 08 của BCH Trung ương Đảng khoá XII, Đảng ủy CATƯ đã kịp thời ban hành các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên CAND phù hợp đặc thù của lực lượng.
Qua thực hiện, cán bộ, đảng viên CAND phát huy tinh thần "chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả"; tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật, thực hiện tốt nếp sống văn minh, văn hóa giao tiếp, ứng xử. Thực hiện nghiêm các quy định về phân cấp, phân quyền, kiểm soát quyền lực; tăng cường thanh tra, kiểm tra, coi trọng các hoạt động kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, từng bước khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót...
Thực tiễn cho thấy, nhiều cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp đã thể hiện tinh thần quyết liệt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, là chỗ dựa tin cậy cho cán bộ, chiến sĩ trong các mặt công tác, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm... Đội ngũ cán bộ các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng vượt qua gian khổ, chấp nhận hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tinh gọn bộ máy, hướng về cơ sở
Triển khai tổ chức bộ máy của Bộ Công an theo Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, Nghị định số 01/2018/NĐ-CP của Chính phủ là một bước quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với CAND, sắp xếp tổ chức bộ máy CAND phù hợp, đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở", giảm tầng nấc trung gian trong điều hành. Qua đó lãnh đạo Công an các cấp cũng thuận lợi hơn trong nắm bắt, theo dõi kết quả công tác và phản ánh từ cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo.
Sau hơn 2 năm triển khai, tổ chức bộ máy Công an các cấp đã đi vào hoạt động ổn định, không gây xáo trộn trong thực hiện nhiệm vụ, hiệu quả các mặt công tác tiếp tục được nâng lên. Đặc biệt là tạo điều kiện rất thuận lợi để bố trí, điều chỉnh lại lực lượng theo hướng tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở. Đến nay, Công an các tỉnh đã hoàn thành việc bố trí Công an xã chính quy, kiện toàn tổ chức, ổn định bộ máy.
Việc đưa Công an chính quy về công tác tại xã, phường, thị trấn nhằm tăng cường tương tác, gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm tình hình và giải quyết các vấn đề an ninh, trật tự ngay từ cơ sở, đẩy mạnh cải cách hành chính, đưa các dịch vụ công đến trực tiếp với nhân dân...
Gắn bó mật thiết, quan tâm quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân
Gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của người dân để tham mưu các cấp uỷ đảng, chính quyền giải quyết, trực tiếp hoặc phối hợp giải quyết theo thẩm quyền, đó là yêu cầu đặt ra thường xuyên, với tất cả các cấp trong CAND. Trong đời sống hàng ngày, có rất nhiều việc làm của nhân dân thể hiện tinh thần hiệp đồng, mưu trí, dũng cảm, tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ đó đóng góp tích cực để lực lượng Công an điều tra làm rõ vụ án, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân với lực lượng Công an.
Một điểm nhất quán và hết sức quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng một Nhà nước công bộc của dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, "việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh". Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", Đảng ủy CATƯ, Bộ Công an đã phối hợp với Tỉnh ủy, UBND một số địa phương thực hiện chủ trương hỗ trợ, xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ dân nghèo tại Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng...
Đảng ủy CATƯ có kế hoạch thống nhất với các ban thường vụ tỉnh ủy, đặc biệt là các tỉnh biên giới, tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, thống nhất các chủ trương làm sao vừa phát động được phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực để ổn định, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho nhân dân.
Nhiều chương trình, phong trào tạo sự lan toả mạnh mẽ, thể hiện sâu đậm bản chất vì nhân dân phục vụ, tinh thần nhân ái của dân tộc Việt Nam. Trong phong trào hiến máu tình nguyện đã xuất hiện nhiều tấm gương xúc động hiến máu, kịp thời cứu sống người bệnh đang cấp cứu cần truyền máu hiếm... Giọt máu cho đi không chỉ là hành động cứu người, mà còn lan tỏa tính nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất tốt đẹp của người chiến sĩ Công an vì nhân dân phục vụ.
Hiện nay, Công an các đơn vị, địa phương đang hưởng ứng rất tích cực, thực hiện lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân Ngày "Toàn dân hiến máu tình nguyện" và Thư gửi toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an tham gia hiến máu tình nguyện của Bộ trưởng Bộ Công an.
Phát huy tính chủ động
Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhiệm vụ bảo đảm ANTT đặt ra rất nặng nề. Lực lượng CAND chủ động nắm chắc, dự báo sát tình hình quốc tế, khu vực và trong nước để tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phát huy vai trò nòng cốt trong vấn đề này. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước đối với công tác công an; huy động và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nắm chắc tình hình, chủ động, nhạy bén tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp các chủ trương, giải pháp, chiến lược, sách lược để đảm bảo an ninh lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân.
Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự, bảo đảm cho hoạt động hiệu lực, hiệu quả của lực lượng CAND. Thể chế hóa, cụ thể hóa và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND. "Đặc biệt coi trọng và phải làm thật tốt, thật nghiêm túc công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, toàn diện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ nghiệp vụ, kỹ năng, năng lực công tác, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, thực sự là "thanh bảo kiếm", là chỗ dựa tuyệt đối tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân" - Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ CATƯ, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh trong bài viết nhân Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 76.
Công an Hà Nội chúc mừng văn nghệ sỹ, trí thức Thủ đô Trong không khí ấm áp, chân tình, chiều 20-1, Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã tổ chức gặp mặt, chúc mừng đại diện văn nghệ sỹ, trí thức Thủ đô, nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021. Thay mặt Đảng ủy - Ban Giám đốc và CBCS Công an Thủ đô, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám...