Dấu ấn thầy ngoại ở tuyển Việt Nam: Kỳ vọng HLV Nhật
Các thầy ngoại để lại những ấn tượng đậm nét với đội tuyển quốc gia và một chiến lược gia người Nhật Bản đang được VFF đặt kỳ vọng.
Trong hai năm liên tiếp gần đây, dưới sự dẫn dắt của HLV nội, đội bóng đều bị loại ngay từ vòng bảng ở giải đấu khu vực. Sau hai thất bại tại AFF Cup 2012 và SEA Games 27 năm 2013, HLV Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc đều phải nộp đơn xin từ chức. Dù ủng hộ phương án HLV nội, VFF cũng đành phải thanh lý sớm hợp đồng với hai vị này để tìm HLV khác.
HLV Calisto thành công nhất với chức vô địch AFF Cup 2008. Ảnh: Kỳ Lân.
VFF đang quyết tâm tìm kiếm một HLV người Nhật Bản. Từ những thành công trong quá khứ, VFF có cơ sở để quay lại với phương án sử dụng HLV ngoại. Năm 1995, tuyển Việt Nam có thầy ngoại đầu tiên là ông Edson Tavares. Tuy nhiên, thời gian làm việc của HLV người Brazil chỉ kéo dài 42 ngày. Dù vậy, các giáo án của ông phần nào giúp tuyển Việt Nam cải thiện đáng kể điểm yếu thể lực.
Ông Karl Heiz Weigang – HLV ngoại đầu tiên được VFF thuê chuẩn bị cho SEA Games 1995. Cũng như người tiền nhiệm Tavares, ông Weigang tập trung cải thiện vấn đề thể lực cho tuyển thủ, thông qua những chuyến tập huấn châu Âu. Chiến lược gia người Đức đặt nền móng cho sự phát triển của bóng đá Việt. Thành công đầu tiên của ông chính là tấm HC bạc tại SEA Games 18 năm 1995 – thành tích cao nhất kể từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập với bóng đá khu vực.
Sau SEA Games 18, HLV Weigang cùng tuyển Việt Nam giành HC đồng Tiger Cup 1996. Đó là một chiến tích đánh dấu sự trưởng thành về bản lĩnh tinh thần, lẫn chuyên môn của bóng đá Việt với những cầu thủ thế hệ vàng như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh… Sau đó, do mâu thuẫn với vài cầu thủ vì biểu hiện tiêu cực trong đội, HLV người Đức chia tay bóng đá Việt Nam. Người được VFF lựa chọn để thế vị trí của ông Weigang là HLV người Anh Colin Murphy. Ông giúp tuyển Việt Nam giành được HC đồng tại SEA Games 19 năm 1997.
Trong các đời HLV ngoại dẫn dắt tuyển Việt Nam và U23, ông Anfred Riedl được mệnh danh là “Vua về nhì”. Tấm HC bạc đáng tiếc nhất với HLV người Áo và cả với bóng đá Việt Nam là Tiger Cup 1998. Đó là năm tuyển Việt Nam tưởng như sẽ lần đầu lên ngôi vô địch khu vực, khi đánh bại đối thủ mạnh nhất Thái Lan với tỷ số 3-0 ở bán kết. Thế nhưng, sau một trận đấu thăng hoa, đội bóng lại đánh mất mình và gục ngã trước Singapore trong trận chung kết. HLV Riedl cũng là ông thầy ngoại gắn bó với đội tuyển Việt Nam lâu nhất với bề dày thành tích như HC bạc SEA Games 1999, HC bạc SEA Games 2005 và HC đồng AFF Cup 2007. Trước khi chia tay, HLV người Áo vẫn tạo nên dấu ấn lớn tại vòng chung kết Asian Cup 2007 khi đưa tuyển Việt Nam đến tứ kết.
Xen giữa hai nhiệm kỳ của ông Riedl là Edson Silva Dido – một trong những HLV ngoại nhận thất bại đau đớn nhất, khi tuyển Việt Nam bị loại ngay từ vòng sơ loại World Cup 2002 và thua ngay từ vòng bảng SEA Games 2001. Sau một năm, HLV Dido đã phải ra đi.
Trong các đời HLV ngoại dẫn dắt tuyển Việt Nam, ông Henrique Calisto mang đến thành công rực rỡ với chức vô địch AFF Cup duy nhất trong lịch sử năm 2008. Dưới thời Calisto, tuyển Việt Nam tận dụng triệt để lối chơi nhỏ – nhuyễn – nhanh lẫn tinh thần máu lửa. Sau khi chia tay năm 2011, đến giờ Calisto vẫn để lại nhiều ấn tượng với người hâm mộ Việt Nam.
HLV ngoại gần đây nhất là Falko Goetz đến từ Đức – người được cựu chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định là HLV “tốt nhất từ trước tới nay”. Thế nhưng, ngay lần đầu tiên dẫn dắt U23 tham dự SEA Games 26 với vị trí thứ tư, ông Goetz đã bị VFF sa thải khi đang nghỉ Giáng sinh ở quê nhà.
Có nhiều thăng trầm với bóng đá Việt Nam, HLV ngoại luôn để lai những dấu ấn đậm nét, trong đó đáng kể nhất là chức vô địch AFF Cup 2008. Tân Chủ tịch Lê Hùng Dũng là người luôn ủng hộ HLV ngoại, nên ngay cả khi còn chưa nhận chức, ông đã có kế hoạch tìm kiếm HLV Nhật Bản dẫn dắt tuyển Việt Nam và U23.
Theo VNE