Dầu ăn giá rẻ không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường
Dầu ăn bẩn một thực tế đáng báo động về chất lượng cuộc sống, đòi hỏi các nhà chức trách cần nhanh chóng vào cuộc để tìm ra lời giải đáp.
Sau vụ việc dầu ăn bẩn của Đài Loan bị phát hiện, người tiêu dùng trong nước đang hoang mang về chất lượng các loại dầu ăn trên thị trường hiện nay, bởi các quán ăn đường phố vẫn thường xuyên sử dụng các loại dầu ăn giá rẻ không rõ nguồn gốc để chiên xào, nấu nướng. Loại dầu ăn này đang được bày bán tràn lan trên thị trường, chủ yếu được sản xuất, tái chế từ dầu ăn thải loại, các loại thực phẩm ôi thiu, kém chất lượng, có rất nhiều độc chất có thể gây ung thư.
Dầu ăn giá rẻ được đóng thành từng can bán tại chợ Đồng Xuân.
Tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội, những can dầu loại 5l, 20l được các quầy hàng khô, tạp hóa bày bán rất nhiều, bên ngoài còn nguyên nhãn mác của các thương hiệu lớn. Những người bán hàng cho biết, dầu sản xuất tại cơ sở tư nhân, đóng vào can cho dễ vận chuyển. Có 2 loại dầu đó là dầu thực vật và dầu động vật. Dầu thực vật có khoảng 10 loại, trong đó đắt nhất vẫn là các thương hiệu nổi tiếng. Còn những loại mang thương hiệu lạ được bán với giá 400.000 đồng một thùng, không bán lẻ.
Video đang HOT
Bên trong thùng, sản phẩm được đóng vào túi nilon, không có thông tin cụ thể về nhà sản xuất. Rẻ nhất vẫn là sản phẩm không nhãn mác, được sản xuất tại những cơ sở tư nhân có giá 80.000 đồng một can 5l. Các loại dầu ăn này giá rẻ chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với các loại dầu ăn có thương hiệu trên thị trường và được các hàng quán bình dân, hàng ăn vỉa hè… sử dụng. Chiên thức ăn với các loại dầu ăn này sẽ nhanh lên màu, đẹp hơn.
Dầu ăn không rõ nguồn gốc được đóng trong túi ni lông bán ở chợ.
Một người bán hàng tại phố Nguyễn Thiện Thuật, cuối chợ Đồng Xuân cho biết: “Dầu ăn lít thì không có vỏ, can 20l là 420.000 đồng, cược vỏ 25.000 đồng. Mua số lượng ít thì từ 115.000 đồng trở lên. Đấy là dầu Cọ Vàng của hãng Cái Lân. Còn dầu 10 lít của Tường An là 235.000 đồng.
Lý giải về nguồn gốc các loại dầu ăn, chủ các sạp hàng tại chợ Đồng Xuân cho biết, có một vài đơn vị sản xuất tư nhân ở Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Nội), Từ Sơn (Bắc Ninh)… cung cấp hàng cho các quầy tạp hóa trong chợ. Giá cả giữa các cơ sở cũng khá cạnh tranh.
Tại Hà Nội, không riêng ở chợ Đồng Xuân, người tiêu dùng cũng không khó để tìm mua các loại mỡ động vật hoặc dầu ăn không nhãn mác tại các chợ truyền thống như Mỹ Đình, Nghĩa Tân, Thành Công… Tuy nhiên, giá chênh lệch hơn so với chợ đầu mối Đồng Xuân mỗi thùng khoảng 30.000 đồng. Trong khi các loại dầu ăn có thương hiệu trên thị trường đang bán giá từ 36.000 đến 42.000 đồng/lít thì mức giá các loại dầu ăn giá rẻ được bày bán ở các chợ này khiến người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng.
Anh Nguyễn Thái Toàn, ở quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết thông tin về dầu ăn chất lượng thấp của Đài Loan, tôi cũng là người thường sử dụng đồ ăn ngoài đường vì là công chức nên cảm thấy rất lo lắng cho sức khỏe. Những hàng ăn đấy thường sử dụng những loại dầu kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ, dùng đi dùng lại nhiều lần. Một vài lần tôi đi ăn hàng quán về bị đau bụng và có những dấu hiệu không tốt đối với sức khỏe”.
Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi ăn những đồ ăn ngoài đường được chiên rán bằng dầu ăn bẩn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, các loại dầu ăn giá rẻ không rõ nguồn gốc trên thị trường hiện nay, hay còn gọi là dầu ăn bẩn, được chia thành 3 loại: Thứ nhất là dầu ăn được tận thu từ nước thải, cống rãnh, đây là loại độc nhất. Thứ hai là các loại dầu được sản xuất từ các loại dầu nguyên liệu phức tạp, kể cả những loại dầu thải từ các nhà máy chế biến thực phẩm, sau đó dùng hóa chất để xử lý khử mùi, tạo màu… Thứ ba là dầu ăn được sản xuất từ các loại thịt, mỡ ôi thiu, kém chất lượng. Nếu sử dụng dầu tái chế để chế biến đồ ăn sẽ không tốt cho sức khỏe.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm, khi sử dụng các thực phẩm chiên, rán hoặc đồ dùng có mỡ mà có cảm giác đầy bụng, khó tiêu thì sản phẩm đó chính xác đã sử dụng dầu tái chế. Dầu ăn được rán đi rán lại nhiều lần khiến các cấu trúc phân tử bị nối dài, gây khó tiêu, rối loạn tiêu hóa cho người sử dụng.
Tuy nhiên, để biết chính xác dầu ăn có tái chế hay không phải có mẫu kiểm nghiệm. Việc kiểm nghiệm cũng chỉ ra, loại dầu đó đã được sử dụng nhiều lần chưa, bởi có thể trong quá trình sử dụng, nó sản sinh ra nhiều chất độc hại, cao nhất là có nguy cơ gây bệnh ung thư, tim mạch cho người tiêu dùng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.
“Dầu chiên nhiều lần ở nhiệt độ cao thì nó sinh ra phản ứng nhiệt phân, tạo thành acrodein có mùi khét và rất độc, khi vào trong cơ thể sẽ gây ra nhiều bệnh, trong đó có bệnh ung thư. Nếu ăn vào đầu tiên sẽ thấy khé cổ, vì nó tác động lên niêm mạc cổ họng, thực quản. Khi chiên rán bao giờ cũng có 1 phần chất rắn như mì tôm có những sợi mỳ gẫy ra dẫn đến cháy, thịt gà cháy, bánh rán cũng gây ra những chất độc hại gọi là các chất cao phân tử, vào trong cơ thể gây ra các bệnh ung thư”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh nói.
Vụ việc dầu ăn bẩn Đài Loan vừa bị phát giác đang dấy lên trong dư luận sự lo lắng về chất lượng dầu ăn trên thị trường hiện nay. Trong khi đó, các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ không ít cơ sở sản xuất trong nước chế biến dầu mỡ từ mỡ bẩn gom về từ các chợ, các cửa hàng hoặc tái chế lại từ dầu ăn đã qua sử dụng nhiều lần… Các nhà hàng, quán ăn vì lợi nhuận trước mắt mà vẫn thường xuyên sử dụng các loại dầu này. Đây là một thực tế đáng báo động về chất lượng cuộc sống, đòi hỏi các nhà chức trách cần nhanh chóng vào cuộc để tìm ra lời giải cho vấn đề này./.
Theo VOV