Dấu ấn đối ngoại trong mắt Phó Thủ tướng
Quan hệ Việt-Mỹ không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong chính quyền Hoa Kỳ, quan hệ Việt – Trung tiếp tục phát triển dù còn những tồn tại.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với báo chí về tình hình đối ngoại của Việt Nam trong năm 2018 và định hướng năm 2019.
Dấu ấn quan trọng
Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về công tác đối ngoại 2018?
Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta vẫn triển khai đầy đủ các hoạt động. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao đến các nước vẫn được mở rộng.
Việt Nam tiếp tục mở rộng và nâng cấp quan hệ với một số nước. Đây là điều không dễ dàng trong bối cảnh hết sức phức tạp hiện nay.
Một dấu ấn hết sức quan trọng là việc Việt Nam tham gia tích cực vào các hoạt động đa phương, tổ chức các diễn đa phương quan trọng tại Việt Nam với vai trò dẫn dắt, đặt ra những vấn đề quan tâm chung.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với báo chí. Ảnh: Phạm Hải
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng sắp có hiệu lực. Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam có cơ hội và thách thức gì trong đầu tư và mở rộng thương mại?
Ngày 14/1, CPTPP bắt đầu có hiệu lực. Việt Nam là nước thứ 7 trong số 11 nước thành viên phê chuẩn hiệp định.
Cơ hội trong CPTPP là rõ ràng nhưng thách thức cũng tồn tại, đó là khả năng cạnh tranh. Việt Nam cần phải tăng cường khả năng cạnh tranh của các DN nếu muốn thụ hưởng thuận lợi, cơ hội mở ra của CPTPP cũng như EVFTA.
Việt Nam có nhiều FTA, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do đã từ lâu trong ASEAN, thị trường hơn 650 triệu dân nhưng DN Việt trong thời gian qua chưa tranh thủ được nhiều.
Năm 2019, chúng ta bắt đầu thực hiện cam kết của ASEAN, tức là giảm toàn bộ thuế về 0 thì khả năng cạnh tranh sẽ rất cao.
Video đang HOT
Tôn trọng luật pháp quốc tế
Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về diễn biến trên Biển Đông năm qua? Quan điểm của Việt Nam trong giải quyết vấn đề trên biển thế nào, thưa ông?
Năm 2018, tình hình diễn biến phức tạp vì sự thay đổi nguyên trạng Biển Đông, do kết quả của vấn đề mở rộng các đảo đá, quân sự hóa các đảo đá khu vực, làm cho các nước hết sức lo ngại về việc Biển Đông trong tương lai sẽ trở thành khu vực dễ xảy ra xung đột.
Các nước quan tâm và có nhiều hoạt động quân sự diễn tập tại khu vực này, làm cho tình hình Biển Đông nóng hơn. Chúng ta nhất quán quan điểm rằng Biển Đông là mối quan tâm chung, không được tiến hành các hoạt động có thể đến sự cố, gây xung đột trong khu vực.
Lập trường của chúng ta là tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 ; thúc đẩy và hoan nghênh các sáng kiến nào góp phần duy trì hòa bình trên Biển Đông.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tác động như thế nào tới Việt Nam?
Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu kinh tế, thương mại toàn cầu giảm, đương nhiên Việt Nam sẽ bị tác động.
Kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhưng cũng phải tiếp tục ứng phó không chỉ với cạnh tranh hiện nay giữa Mỹ – Trung Quốc mà còn rất nhiều cạnh tranh khác trong tương lai, kể cả giữa các nước phát triển với nhau. Chúng ta phải hướng tới nền kinh tế có thể chống lại các sức ép đó.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Phạm Hải
Quan hệ Việt – Trung đang có thuận lợi, khó khăn gì, thưa Phó Thủ tướng?
Quan hệ Việt – Trung năm qua tiếp tục phát triển. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Hai bên cũng có những tồn tại, đó là vấn đề trên biển. Qua các trao đổi, chúng ta vẫn tiếp tục nêu các vấn đề như diễn biến trên Biển Đông, đồng thời triển khai các cơ chế của chúng ta.
Thời gian qua có nhiều thay đổi trong chính quyền Mỹ. Điều này tác động như thế nào đối với quan hệ Việt – Mỹ?
Quan hệ Việt – Mỹ phát triển từ cựu thù đến đối tác toàn diện. Quan hệ này không phải là với một đảng cầm quyền mà với cả hai đảng, dù dưới thời Tổng thống nào, không phải là quan hệ với một cá nhân mà là với cả một đất nước.
Do đó, quan hệ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nào trong chính quyền Mỹ. Điều rất mừng là cả hai đảng cũng đều rất ủng hộ quan hệ với Việt Nam.
Việt Nam chuẩn bị những gì cho năm 2020 khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN?
Chúng ta đã chuẩn bị cho vai trò này từ rất sớm. Cuối tháng 12 là chính thức thành lập Ủy ban quốc gia về ASEAN.
Chúng ta phải chuẩn bị bảo đảm thành công về mặt nội dung, hậu cần cho ASEAN 2020, cũng cần phải quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về công tác bảo hộ công dân trong năm qua?
Trong năm 2018, theo số liệu thống kê, số lượng bảo hộ công dân tăng 22% so với năm 2017, trên 10 nghìn người được bảo hộ công dân dưới nhiều hình thức, từ những thuyền viên, cho đến người lao động, đi du lịch, học tập…
Có trường hợp không may xảy ra như dịp Tết dương lịch đoàn du lịch Việt ở Ai Cập bị đánh bom. Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã chủ động giải quyết ngay cùng với địa phương bảo hộ công dân.
Hay việc đi du lịch bất hợp pháp sang Đài Loan, một hành động chúng ta phản đối vì vi phạm pháp luật.
Trong năm qua, công tác bảo hộ công dân diễn ra tích cực, đảm bảo người dân chúng ta đi ra bên ngoài, trước tiên là tôn trọng luật pháp sở tại, thứ hai là luôn luôn được hưởng quyền bảo vệ công dân trong việc đối xử một cách nhân đạo.
Năm 2019, chúng ta sẽ triển khai các hoạt động đối ngoại cấp nhà nước đến những nước có vai trò, vị thế quan trọng. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai chỉ thị của Ban Bí thư nâng tầm đối ngoại đa phương, thể hiện ở chỗ tích cực chủ động để tham gia các hoạt động đối ngoại đa phương.
Theo Vietnamnet
Việt Nam thoát khỏi tình trạng kém phát triển, thu nhập tăng gấp 7 lần
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, sau 20 năm gia nhập APEC, Việt Nam thoát khỏi tình trạng kém phát triển, gia nhập nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, với thu nhập bình quân đầu người tăng gần 7 lần, từ 350 USD năm 1998 lên gần 2.400 USD hiện nay.
Sáng 30/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã chủ trì tổ chức Hội nghị "Việt Nam và APEC: 20 năm qua và chặng đường sắp tới". Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu chặng đường 20 năm tham gia APEC của Việt Nam (11/1998 - 11/2018), diễn ra đúng một năm sau Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 được tổ chức tại Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị sáng 30/11
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định quyết định tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998 có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo động lực cho tiến trình đổi mới và hội nhập của Việt Nam.
"Hai thập kỷ tham gia APEC cũng là hai thập kỷ Việt Nam đạt những thành tựu to lớn trên con đường phát triển và hội nhập. Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm của các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, là mắt xích quan trọng của nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực." - Phó Thủ tướng cho hay.
Nhiều thành viên APEC đã trở thành những đối tác quan trọng về thương mại và đầu tư của Việt Nam. Tham gia APEC cũng tạo nền tảng để Việt Nam tham gia các sân chơi rộng lớn, có mức độ cam kết cao hơn như WTO, các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới. 13 trong 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang đàm phán và ký kết là với 17 thành viên APEC.
Hai thập kỷ qua cũng ghi dấu giai đoạn chuyển mình sâu sắc của Diễn đàn APEC trong chặng đường gần 30 năm hình thành và phát triển. APEC đã phát triển vượt lên kỳ vọng, khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, dẫn dắt tiến trình tự do hoá thương mại và đầu tư, thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hoà bình và phát triển.
"Việt Nam tự hào đã đồng hành cùng các thành viên đóng góp tích cực thúc đẩy hợp tác APEC. Những dấu ấn Việt Nam, nhất là vai trò chủ nhà Năm APEC 2006 và 2017, đã được ghi nhận trên bước đường phát triển của Diễn đàn. Đó là lần đầu tiên APEC xác định triển vọng hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) tại Tuần lễ Cấp cao (TLCC) tháng 11/2006, đặt nền móng cho tầm nhìn chiến lược về liên kết kinh tế toàn khu vực.
Đó là cam kết chung tại Hội nghị Cấp cao Đà Nẵng 2017 về thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, góp phần quan trọng giữ vững đà hợp tác và liên kết, duy trì giá trị cốt lõi của APEC. Đặc biệt, đó là quyết định thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC để khởi động nghiên cứu xây dựng Tầm nhìn cho APEC sau năm 2020." - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Việt Nam đã đi qua chặng đường 20 năm gia nhập APEC
Phó Thủ tướng cho rằng, APEC cần tiếp tục vươn lên để khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc đa cực đang định hình. Phó Thủ tướng đề nghị cần xác định các mục tiêu và nội hàm hợp tác mới để tiếp tục duy trì các giá trị cốt lõi của APEC. Mọi sáng kiến, dự án, cơ chế hợp tác cần đặt người dân vào trung tâm của phát triển, tăng cường sự tham gia và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Cần nâng cao khả năng thích ứng và vai trò lãnh đạo của APEC trong quản trị kinh tế toàn cầu.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ, ban, ngành tiếp tục chủ động đề xuất sáng kiến, ý tưởng, thể hiện vai trò nòng cốt trong nỗ lực triển khai các cam kết và chiến lược dài hạn của APEC. Việt Nam cần tiếp tục đóng góp tích cực trong xây dựng và triển khai tầm nhìn mới APEC cũng như đóng góp định hình cấu trúc mới ở khu vực.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Việt Nam sẵn sàng đảm nhận trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ Việt Nam sẵn sàng đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định tại New York. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: TTXVN Sáng 26.9, bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa...