Dấu ấn đặc biệt của Việt Nam trong ASEAN
Dân Việt trân trọng đăng bài viết của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và hơn một năm triển khai Cộng đồng ASEAN.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng.
Từ “Hiệp hội” tới “Cộng đồng”
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, ASEAN đã liên tục phát triển từ xuất phát điểm là một Hiệp hội gồm năm thành viên được thành lập vào ngày 8.8.1967 trên cơ sở một Tuyên bố chính trị (Tuyên bố Bangkok). Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập ngày 31.12.2015, mở ra giai đoạn phát triển mới cho ASEAN – Cộng đồng ASEAN.
Sự hình thành Cộng đồng không chỉ có ý nghĩa đối với chính phủ các nước ASEAN mà còn mang lại cho người dân các nước ASEAN nhiều lợi ích thiết thực.
Trước hết, hơn 630 triệu nhân dân Đông Nam Á được sống trong môi trường hòa bình, hữu nghị, các dân tộc đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và được hỗ trợ phát triển đồng đều. Các nền kinh tế với tổng GDP 2,48 nghìn tỷ USD tranh thủ một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất ngày càng tự do hóa về thương mại, đầu tư, dịch vụ, nguồn vốn và kết nối với các nền kinh tế phát triển trong và ngoài khu vực. Lực lượng lao động dồi dào được công nhận bằng cấp trong giáo dục cũng như kỹ năng nghề và có điều kiện di chuyển tự do hơn và tìm cơ hội việc làm thuận lợi hơn trong khu vực.
Người dân được quan tâm hơn về điều kiện cuộc sống, được đảm bảo tốt hơn trước các nguy cơ về dịch bệnh lây lan và nâng cao khả năng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Nhân quyền và các quyền tự do cơ bản được thúc đẩy và bảo vệ. Văn hóa dân tộc truyền thống của mỗi nước được bảo tồn và phát huy cùng với việc Cộng đồng các quốc gia ASEAN chia sẻ bản sắc và giá trị chung.
Cộng đồng ASEAN một năm nhìn lại
Trong năm qua, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế tăng trưởng chậm; làn sóng bạo lực cực đoan, khủng bố, xung đột nổi lên ở nhiều nơi; chủ nghĩa thực dụng, dân tộc-dân túy và bảo hộ có xu hướng gia tăng mạnh mẽ; đồng thời, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn cũng tác động không nhỏ đến tình hình khu vực.
Trong bối cảnh đó, bước vào giai đoạn phát triển mới với quyết tâm cao và nỗ lực của các nước thành viên, ASEAN đã có sự khởi đầu thuận lợi, gặt hái những kết quả đáng khích lệ trong năm đầu tiên hình thành Cộng đồng và thực hiện Tầm nhìn 2025. An ninh của khu vực và từng nước thành viên về cơ bản ổn định với việc triển khai được 218/290 (75%) dòng hành động trong Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh 2025. Nền kinh tế ASEAN năm 2016 tiếp tục tăng trưởng tốt với GDP trung bình đạt 4,5% (dự kiến 4.6% năm 2017) trước những thách thức của môi trường kinh tế toàn cầu; xác định 118 dòng hành động ưu tiên triển khai Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 kết hợp tiếp tục hoàn tất Lộ trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 cùng thông qua thực hiện 20 kế hoạch làm việc chuyên ngành. Về hợp tác văn hóa – xã hội, ASEAN tích cực triển khai 109 dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể 2025 với 14/15 lĩnh vực hợp tác chuyên ngành đã xác định và triển khai chương trình công tác giai đoạn 2016-2020.
Video đang HOT
Trong năm 2016, ASEAN cũng đã thông qua Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác Sáng kiến hội nhập ASEAN giai đoạn III; triển khai nhiều hoạt động quan trọng hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN ở cấp khu vực và quốc gia; cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. Nét mới là ASEAN thúc đẩy “văn hóa thực thi”, trong đó cải tiến đáng kể công tác giám sát, theo dõi và phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, chú trọng đánh giá số lượng, chất lượng và tác động của các hoạt động hợp tác.
ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò là hạt nhân của đối thoại và hợp tác vì hòa bình và ổn định trong khu vực trên cơ sở nỗ lực củng cố đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình và trong ứng phó với những thách thức, vấn đề phức tạp mới nổi lên. Năm qua, ASEAN đã thông qua Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49, trong đó phản ánh rõ lập trường chung về vấn đề Biển Đông, đề cao tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên (COC) ở Biển Đông.
Đồng thời, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã kịp thời ra các Tuyên bố thể hiện lập trường chung và tiếng nói có trách nhiệm về các sự kiện xảy ra trên thế giới và khu vực. Năm 2016, ASEAN đã họp Hội nghị Cấp cao kỷ niệm và đặc biệt với 3 đối tác lớn là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga và Hội nghị Cấp cao định kỳ đầu tiên với Australia; ký Văn kiện để Chile, Ai Cập, Morocco gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC); trao quy chế Đối thoại theo lĩnh vực cho Na Uy và Thụy Sỹ, Đối tác phát triển cho Đức; tiếp tục nhận được nhiều đề nghị thiết lập quan hệ đối tác từ nhiều nước và tổ chức khu vực. Các Đối tác đối thoại (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, EU, Nga…) khẳng định coi trọng quan hệ, ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng và giữ vai trò trung tâm ở khu vực, cam kết hỗ trợ và cùng ASEAN đề ra các biện pháp triển khai hiệu quả các kế hoạch hành động chung.
Việt Nam tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN
Sự hình thành Cộng đồng ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì sự kiện này đánh dấu chặng đường trên 20 năm Việt Nam tham gia ASEAN và hội nhập quốc tế. ASEAN luôn là một trụ cột – ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã một lần nữa khẳng định chủ trương và phương châm “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh”.
Thành công của ASEAN hơn một năm qua có sự đóng góp đáng kể của Việt Nam, thể hiện trong hầu hết các hoạt động hợp tác ASEAN, nhất là góp phần quan trọng vào việc sớm triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Các Bộ, ngành hữu quan của Việt Nam đều đã xây dựng đề án, chương trình và kế hoạch triển khai thực hiện Tầm nhìn và Kế hoạch tổng thể của 3 trụ cột Cộng đồng.
Đáng chú ý, Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều đề xuất mới và phát huy vai trò trong ASEAN, nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ của các nước, trong đó có việc thông qua Tuyên bố Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) về tăng cường hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển; hoàn tất Danh mục các hoạt động ưu tiên thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN-Ấn Độ 2016-2018; chủ trì đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản; chủ tọa Nhóm Đầu tư đại diện cho ASEAN trong đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP); chủ trì và đồng chủ trì nhiều hoạt động như Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12, Cuộc họp Quan chức Cao cấp và Nhóm làm việc chung về Tuyên bố DOC, Hội nghị Cảnh sát giao thông ASEAN… Trên cơ sở tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Việt Nam đã tích cực hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2016.
Trong bối cảnh ASEAN thời gian gần đây chịu nhiều tác động ảnh hưởng đến đoàn kết, uy tín và vị thế ở khu vực, Việt Nam đã nỗ lực củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò của ASEAN trong các vấn đề khu vực, trong xử lý những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, cũng như những vấn đề nảy sinh trong quan hệ với các đối tác; đồng thời thúc đẩy hợp tác thực tiễn trong các cơ chế, diễn đàn khu vực quan trọng do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mở rộng (ADMM )… Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam chủ động trao đổi và phối hợp với các nước nhằm tạo dựng đồng thuận trong ASEAN và giữa ASEAN và đối tác về vai trò của ASEAN và lợi ích chung của tất cả các nước nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; thúc đẩy đưa vấn đề Biển Đông vào văn kiện các hội nghị, diễn đàn ASEAN với những nội dung tích cực; nhấn mạnh thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và sớm hoàn tất Bộ quy tắc COC.
Chặng đường phía trước:
Những thành quả trong giai đoạn đầu xây dựng Cộng đồng là rất đáng khích lệ và tạo tiền đề cho chặng phát triển tiếp theo của ASEAN. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới và khu vực cũng đang đặt ra không ít thách thức và yêu cầu mới cho ASEAN, bao gồm: củng cố đoàn kết và thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm và tạo động lực và sức sống mới cho Hiệp hội. Đây là động lực và cũng là áp lực buộc ASEAN phải hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả và làm mới các nội dung hợp tác để thể hiện được sức sống và tương lai tươi sáng của Cộng đồng. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 được tổ chức ngày 28-29/4/2017 tại Manila, Philippines, là dịp quan trọng để các Lãnh đạo ASEAN thảo luận và quyết định các biện pháp triển khai xây dựng Cộng đồng và thúc đẩy vai trò của ASEAN đối với các vấn đề liên quan đến an ninh và phát triển của khu vực trong bối cảnh tình hình mới.
Việt Nam sẵn sàng đóng góp mọi mặt, khẳng định hình ảnh một thành viên có uy tín, chủ động, năng động và trách nhiệm dưới mái nhà chung. Để cùng hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình, đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác thực chất, mang lại lợi ích cụ thể cho người dân từng quốc gia thành viên; tích cực triển khai và lồng ghép các Kế hoạch tổng thể của Tầm nhìn vào các chương trình hành động cụ thể của các Bộ, ban ngành, địa phương cả nước về hội nhập quốc tế; đầu tư thích đáng về nguồn lực và tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để Cộng đồng ASEAN ngày càng gắn bó, gần gũi với mỗi người dân và doanh nghiệp; và trên hết là giữ vững đoàn kết, thống nhất và các nguyên tắc giá trị đã làm nên bản sắc và thành công của ASEAN.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt
Theo Danviet
Tuyên bố sắp tới của ASEAN về tranh chấp Biển Đông được quan tâm
Tuyên bố của ASEAN sắp tới được cho là sẽ mềm mỏng hơn thông thường khi nhắc tới các tranh chấp ở Biển Đông.
Công trình trái phép do Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa. Ảnh: Reuters
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể thông qua tuyên bố chung với giọng mềm mỏng hơn về các tranh chấp ở Biển Đông, khi lãnh đạo các nước trong khối có cuộc gặp thượng đỉnh tại Manila, Philippines vào 29/4, Reuters hôm nay đưa tin.
Tuyên bố của ASEAN cũng có thể loại trừ việc quân sự hóa các đảo nhân tạo, Reuters dẫn dự thảo tuyên bố mà hãng tin này có được.
Mặc dù một số lãnh đạo các nước trong ASEAN sẽ đưa ra "quan ngại sâu sắc" về "sự gia tăng các hoạt động" trong vùng biển có tuyên bố chủ quyền chồng lấn, song ASEAN sẽ không nhắc đến, thậm chí không ám chỉ việc Trung Quốc xây dựng tại các đảo nhân tạo và đưa trang thiết bị quân sự lên các đảo này.
Bản tuyên bố có thể là phiên bản thay đổi của tuyên bố năm ngoái và được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, đang muốn tranh thủ Trung Quốc để thu hút thương mại và tránh xung đột về chủ quyền ở Biển Đông.
Tuy nhiên, một nhà ngoại giao trong ban thư ký ASEAN cho biết các quan chức vẫn đang xử lý bản dự thảo tuyên bố và "vẫn có thể có thay đổi" trước khi được công bố cuối cuộc gặp thượng đỉnh hôm 29/4.
Trung Quốc yêu sách chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, nơi có lượng hàng hóa trị giá 5 nghìn tỷ USD lưu thông mỗi năm. Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.
ASEAN khi nhắc tới vấn đề Biển Đông thường không nêu tên Trung Quốc, nước đã mở rộng trái phép 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa của Việt Nam. Nước này thậm chí còn xây nhà chứa máy bay, đường băng, lắp đặt radar và tên lửa đất đối không trái phép trên các đảo nhân tạo.
Năm ngoái, tuyên bố của ASEAN tại Lào nhấn mạnh tầm quan trọng của "phi quân sự hóa và kiềm chế trong bất cứ hoạt động nào, bao gồm cải tạo hiện trạng".
Theo Tổ chức Sáng kiên Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), Trung Quốc có thể sớm triển khai chiến đấu cơ tới ba đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các hoạt động của nước này ở Trường Sa là để phòng ngự và diễn ra ở những vùng nước "thuộc chủ quyền".
Hai tháng trước, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay chỉ trích Trung Quốc. Ông Yasay nói ông và những người đồng cấp ở ASEAN cảm thấy "rất lo lắng" về việc các hệ thống vũ khí được lắp đặt và xem đây là hành động "quân sự hóa" trong khu vực.
Cựu ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario hôm qua cho biết việc nước này tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN là cơ hội để Tổng thống Duterte nêu vấn đề về việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông.
"Chúng ta nên tận dụng vai trò lãnh đạo để duy trì luật pháp. Vai trò lãnh đạo của Philippines sẽ mất đi rất nhiều ảnh hưởng nếu chúng ta bỏ qua cơ hội đó", ông Rosario nói.
Loạt nhà chứa máy bay chiến đấu Trung Quốc ở Trường Sa. Bấm vào hình để xem chi tiết. Đồ họa: Việt Chung
Văn Việt
Theo VNE
Việt Nam-Campuchia nhất trí thúc đẩy giải pháp về biên giới Thủ tướng Campuchia Hun Sen thống nhất cần đẩy mạnh thảo luận về vấn đề biên giới khi đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức. Thủ tướng Campuchia Hun Sen, trái, đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Chinhphu.vn Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm nay nhất trí chỉ...