Đất ven sông, ai được quyền lấn?
- Chỉ rạch nhỏ ở TP.HCM cũng được bảo vệ bằng hành lang an toàn và trong hành lang này bị cấm lấn chiếm, xây cất.
Trong ngày 26-3, chúng tôi nhiều lần liên hệ chủ đầu tư dự án lấn, lấp sông Đồng Nai là Công ty Toàn Thịnh Phát nhằm trao đổi thêm các thông tin dư luận đang quan tâm nhưng vẫn không được. Đến trụ sở công ty thì nhân viên công ty nói lãnh đạo bận họp cả ngày và đề nghị để lại thông tin.
Cùng ngày, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, cho biết diện tích dự kiến lấp là đất mặt nước được chuyển đổi thành đất dự án. Tỉnh đã chấp thuận cho dự án san lấp và sẽ giao đất, thu tiền sử dụng đất đối với khu dân cư chứ không phải tính theo đất mặt nước. Thủ tục giao đất sẽ được thực hiện khi Toàn Thịnh Phát “chuyển” đất mặt nước thành đất để xây dựng khu đô thị.
“Sông ta, ta quyết”
Theo ông Hưng, việc cho thuê và giao đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh nên không cần xin ý kiến. Ngoại trừ đất lúa, nếu dưới 10 ha thì xin ý kiến của HĐND tỉnh, còn trên thì phải xin ý kiến Thủ tướng. “đây là đất mặt nước, thuộc thẩm quyền của tỉnh. Nên dù 7,7 ha đó là đất mặt nước sông (liên vùng) Đồng Nai thì theo quy định cũng không phải lấy ý kiến của đơn vị quản lý đường sông hay các địa phương khác” – ông Hưng nói.
Tuy vậy, luật sư Lê Thanh Trang – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết theo Luật Đất đai, các tỉnh, thành có thẩm quyền quản lý đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng. Nhưng việc khai thác, sử dụng phải theo quy định, kỹ thuật của các ngành, lĩnh vực liên quan và quy định về bảo vệ cảnh quan, môi trường. Nó cũng không được gây cản trở dòng chảy, cản trở giao thông thủy. “Đất được quản lý theo địa giới hành chính, tức đất của Đồng Nai thì tỉnh này có thể có quyền tự quyết. Nhưng sông Đồng Nai xuyên qua nhiều tỉnh, thành nên phải tuân thủ thêm Luật Tài nguyên nước” – luật sư Trang nói.
Khoảng 7,7 ha đất mặt nước sông Đồng Nai sẽ bị lấp để xây khu đô thị. Ảnh: TIẾN DŨNG
Video đang HOT
Cụ thể, Luật Tài nguyên nước nêu nguồn nước liên tỉnh được phân bố trên địa bàn từ hai tỉnh, TP trở lên phải được quản lý thống nhất giữa thượng lưu và hạ lưu. “Điều 3 luật này nhấn mạnh việc quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính. Như vậy Đồng Nai không thể “cắt khúc” trong việc đánh giá tác động (dòng chảy, môi trường, thoát lũ… – NV) chỉ ở địa phương mình mà bỏ qua sự ảnh hưởng của dự án đến lợi ích và sự tác động đến các địa phương” – luật sư Trang nhấn mạnh.
Tạo tiền lệ xấu
Nhiều cán bộ chuyên ngành về đất đai, giao thông, môi trường ở TP.HCM cũng cho rằng đất ven sông không chỉ được quản lý theo Luật Đất đai mà còn phải đảm bảo nhiều quy định khác. “Nếu dự án này thuộc TP.HCM thì có thể khẳng định ngay là không ai cho phép thực hiện vì diện tích chiếm ven sông quá lớn, lại là dự án xây dựng nhà ở thương mại” – một cán bộ giao thông đường thủy Sở GTVT TP.HCM nhấn mạnh.
Theo vị này, TP.HCM chia hệ thống sông, kênh, rạch thành nhiều cấp để quản lý. Từ đó có những chỉ giới hành lang an toàn tương ứng. Các công trình tuyệt đối không được phép xây trong phạm vi hành lang này. Ông nói: “Đối với dự án ở Đồng Nai, cần phải dùng chỉ giới hành lang an toàn đường thủy của Bộ GTVT để đối chiếu xem có vượt quá ranh giới cho phép hay không. Mặt khác, do đây là sông lớn nên phải xem dự án có vi phạm hành lang thoát lũ (do Bộ NN&PTNT quản lý) cũng như các quy định về sử dụng nguồn nước theo Luật Tài nguyên nước (Bộ TN&MT quản lý)… Khi nào dự án đáp ứng đủ các tiêu chí này mới được xem là không vi phạm. Nhưng khi không vi phạm chỉ giới an toàn đường sông cũng không nên làm”.
Tương tự, một cán bộ Thanh tra Bộ TN&MT cho biết trên thực tế, trước nay chưa thấy tỉnh này cho phép xây dựng dự án nhà ở thương mại ngay bên mép sông như thế. “Dự án này nếu được thông qua thì sẽ gây ra một tiền lệ rất xấu, làm cho công tác quản lý sông ngòi, nhất là những dòng sông lớn mang tính chất lưu vực sẽ rất khó khăn” – vị này nhấn mạnh.
Khảo sát chất lượng nước Hôm nay (27-3), Viện Sinh thái học miền Nam sẽ khảo sát hiện trường dự án lấn sông. Các nhà khoa học của Viện sẽ thu thập mẫu nước để đánh giá nhanh về chất lượng nước trong vùng dự án và phân tích hiện trạng phân bố của các nhóm loài sinh vật tại khu vực. “Việc khảo sát này nhằm chuẩn bị cho buổi tọa đàm về các vấn đề cần làm rõ ở dự án lấn, lấp sông Đồng Nai trong tháng tới. Ngoài ra chúng tôi đang nghiên cứu đa dạng sinh học và cảnh quan sinh thái lưu vực sông Đồng Nai nên rất quan tâm những tác động tiêu cực đến môi trường lên lưu vực sông này” – TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, chia sẻ.
TRUNG THANH – TIẾN DŨNG
Theo_PLO
Chẳng ai đồng tình
Người dân tại địa phương tỏ thái độ không đồng tình với dự án lấp sông mà chính quyền tỉnh Đồng Nai quyết tâm thực hiện
Những ngày qua, thông tin về dự án cải tạo cảnh quan nhưng chủ yếu lấp sông xây đô thị hiện đại của Công ty Toàn Thịnh Phát đang khiến nhiều người tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai quan tâm. Mỗi sáng, các tờ báo đề cập những thông tin liên quan đều bán hết sớm.
"Làm gì có ai hỏi ý kiến"
Ngày 26-3, tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân địa phương đều khẳng định không ai đồng tình với việc cho doanh nghiệp lấp sông xây đô thị. Bà Võ Thị Ngọc Sang (ngụ đường Cách Mạng Tháng Tám, khu phố 2, phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa) cho biết từ ngày có dự án, không cơ quan, đơn vị nào hỏi ý kiến người dân về vấn đề này cả. "Vợ chồng tôi sống ở đây hàng chục năm nay, nhiều người làm trong nhà máy cấp nước ngay bên cạnh, cả khu phố này và có thể nói toàn bộ người dân nơi đây chẳng ai đồng tình đâu" - bà Sang quả quyết.
Anh Nguyễn Văn An, nhà ở gần bên, cũng quay qua góp chuyện: "Nói là tham vấn ý kiến nhưng chỉ có tham vấn mấy ông trên phường thôi. Đến ngày khởi công thì tường rào công trình cao quá đầu người, nói là để che bụi nhưng khi sự việc được báo chí thông tin thì sông đã bị lấp ra tận xa. Trông mà xót lòng!".
Người dân TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai không đồng tình với dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai"
Ông Trần Quốc Trung (ngụ đường Cách Mạng Tháng Tám, khu phố 2, phường Quyết Thắng) khi thấy phóng viên tìm hiểu cũng lập tức mở lòng. "Chúng tôi sinh ra và sống trọn tuổi thơ ở đây, con sông Đồng Nai có lở có bồi cũng là tự nhiên nhưng bỗng dưng nó bị lấp đi một cách ngang nhiên. Những cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi có bày tỏ nhưng cũng chẳng ăn thua" - ông Trung chia sẻ.
Cũng ngụ phường Quyết Thắng, bà Trạc Văn Văn cam đoan giờ có hỏi 100 người thì tất cả đều không đồng tình, nhất là cách làm trái tự nhiên và lập lờ để đem lại lợi ích riêng cho doanh nghiệp như vậy.
Dù ở tương đối xa so với khu vực dự án nhưng ông Nguyễn Văn Huy (ngụ khóm 6, phường Thống Nhất, TP Biên Hòa) quả quyết: "Người dân bình thường cũng biết công trình lấp sông như vậy là vô lý. Cải tạo cảnh quan thì chúng tôi mừng nhưng lấp sông cho doanh nghiệp xây nhà thì dứt khoát nói không!".
"Dậy sóng" cộng đồng mạng
Trong khi đó, thông qua cộng đồng mạng, nhiều người đã tỏ ra hết sức quan ngại và bức xúc trước việc thực hiện dự án lấp sông Đồng Nai có nguy cơ ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường.
Một số trang Facebook của cộng đồng mạng kêu gọi chung tay bảo vệ sông Đồng Nai thu hút hàng ngàn người tham gia. Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, thực hiện dự án lấp sông ngoài việc gây những quan ngại về môi trường thì các vấn đề liên quan chất lượng nguồn nước sạch, việc ảnh hưởng trực tiếp một số công trình văn hóa và "cát tặc" ngày đêm tàn phá sông cũng là nỗi lo của dư luận.
"Nhiều người vẫn còn nhắc nhau về sự biến mất của Cồn Gáo, một địa danh phía hạ nguồn gần khu vực dự án lấp sông. Đây như một lời cảnh báo về sự tàn phá môi trường bị đánh đổi trong quá trình phát triển cấp tập" - một người dân nói.
Bài và ảnh: XUÂN HOÀNG
Theo_Người lao động
Cận cảnh công trường lấp sông Đồng Nai Sau hơn nửa năm thi công, dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng hiện đã san lấp gần xong phần lấn sông. Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai do Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc...