Đất sử dụng ổn định không phải lập đồ án quy hoạch đô thị
Sau hơn hai tháng Nghị định số 64 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng (CPXD) bị ách tắc do các địa phương không biết triển khai ra sao, thông tin từ Bộ Xây dựng ngày 24.12 cho hay Bộ này đã ban hành Thông tư số 10 hướng dẫn thực hiện Nghị định nói trên.
Nghị định 64 quy định, điều kiện để xem xét CPXD là phải có quy hoạch chi tiết 1/500, thiết kế đô thị. Tuy nhiên, việc triển khai công tác lập quy hoạch chi tiết 1/500, thiết kế đô thị ở các địa phương còn chậm, nên đến nay, quy hoạch chi tiết chưa được phủ kín, hầu hết đô thị chưa có thiết kế đô thị, thậm chí chưa có các quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc.
Chính vì vậy, Thông tư số 10 đã hướng dẫn, đối với các khu vực, tuyến phố trong đô thị cơ bản ổn định chức năng sử dụng các lô đất thì không phải lập đồ án quy hoạch đô thị, nhưng phải lập đồ án thiết kế đô thị để làm cơ sở cho việc CPXD.
UBND cấp tỉnh căn cứ vào tính chất, chức năng và yêu cầu quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị quy định cụ thể các khu vực, tuyến phố trong đô thị phải lập đồ án thiết kế đô thị, đặc biệt đối với các tuyến phố có lộ giới từ 12 mét trở lên.
Video đang HOT
Người dân làm thủ tục cấp phép xây dựng tại Q.Tân Phú, TP.HCM – Ảnh: Đình Sơn
Những khu vực, tuyến phố khác không thuộc danh mục yêu cầu phải lập đồ án thiết kế đô thị, UBND cấp tỉnh ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc để làm căn cứ CPXD. Đối với nhà ở riêng lẻ nông thôn, nếu khu vực xây dựng chưa có quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới được duyệt, thì UBND cấp huyện có trách nhiệm quy định các khu vực khi xây dựng phải có giấy phép xây dựng để làm căn cứ CPXD. Nhà ở riêng lẻ tại nông thôn nằm ngoài các khu vực quy định tại khoản này thì không phải xin CPXD.
Trước đó, Nghị quyết của Chính phủ thống nhất lùi thời điểm áp dụng quy định phải có quy hoạch chi tiết 1/500, thiết kế đô thị mới được CPXD đến ngày 1.7.2013.
Đối với nhà ở riêng lẻ không bắt buộc phải có báo cáo thẩm định, phê duyệt thiết kế, nhưng nếu quy mô từ ba tầng trở lên hoặc có tổng diện tích sàn xây dựng từ 250 m2 trở lên thì phải do tổ chức tư vấn hoặc cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định thiết kế và phải chịu trách nhiệm về chất lượng thiết kế. Cơ quan CPXD chỉ kiểm tra tính hợp lệ của các bản vẽ kết cấu chịu lực.
Tổ chức, cá nhân thiết kế và thẩm tra thiết kế (nếu có) phải chịu trách nhiệm về kết quả thiết kế do mình thực hiện. Đối với nhà ở riêng lẻ dưới ba tầng hoặc có tổng diện sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2, hộ gia đình có thể tự tổ chức thiết kế và chịu trách nhiệm về an toàn của công trình và các công trình lân cận.
Thông tư số 10 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 6.2.2013.
Theo TNO
Hạn chế sách nhiễu trong xây dựng
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép xây dựng (GPXD) theo quy định tại Nghị định số 64/CP, có hiệu lực từ 6-2-2013. Hàng loạt các "nút thắt" có thể gây ách tắc hồ sơ xin cấp GPXD đã được tháo gỡ cơ bản.
Nếu quy hoạch còn "treo", công trình của dân sẽ được kéo dài thời hạn tồn tại
Tháo gỡ "nút thắt" quy hoạch
Nghị định 64/CP được đánh giá là "thoáng" hơn rất nhiều so với quy định cấp GPXD trước đây. Tuy nhiên, do quy định "phải cấp GPXD theo quy hoạch chi tiết được duyệt hoặc thiết kế đô thị", rất nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang lúng túng, không biết xử lý ra sao. Trên thực tế, rất nhiều khu vực, cả nội thành và ngoại thành còn đang "trắng" quy hoạch, nếu theo quy định mới thì không đủ căn cứ cấp GPXD trong khi nhu cầu của người dân lại rất lớn.
Để tháo gỡ vướng mắc này, Nghị định 64 quy định: "Đối với các khu vực, tuyến phố trong đô thị đã cơ bản ổn định chức năng sử dụng các lô đất thì không phải lập đồ án quy hoạch đô thị, nhưng phải lập đồ án thiết kế đô thị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở cấp GPXD. UBND cấp tỉnh có thể căn cứ vào tính chất, chức năng và yêu cầu quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị quy định cụ thể các khu vực, tuyến phố trong đô thị phải lập đồ án thiết kế đô thị, đặc biệt đối với các tuyến phố có lộ giới từ 12m trở lên và giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt đồ án thiết kế đô thị theo quy định hiện hành. Những khu vực, tuyến phố khác không thuộc danh mục yêu cầu phải lập đồ án thiết kế đô thị thì UBND cấp tỉnh ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc để làm căn cứ cấp GPXD". Quy định như trên nhằm tránh tiêu cực khi cấp GPXD.
Đặc biệt để tránh tình trạng cơ quan cấp GPXD yêu cầu chủ đầu tư bổ sung hồ sơ nhiều lần, Bộ Xây dựng quy định, khi nhận hồ sơ cơ quan cấp phép phải xem xét kỹ và thông báo chỉ một lần bằng văn bản để chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh. Với các trường hợp hồ sơ xin cấp GPXD cần lấy ý kiến các cơ quan quản lý Nhà nước ở các lĩnh vực liên quan, Bộ Xây dựng yêu cầu, trong thời hạn 10 ngày các cơ quan đó phải có ý kiến về các nội dung thuộc chức năng quản lý của mình nếu công trình không liên quan đến điều kiện nào thì không phải lấy ý kiến của các cơ quan này.
Nhà trong quy hoạch "treo" được cấp GPXD
Lý giải thêm về nút thắt quy hoạch, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, về nguyên tắc, một trong các căn cứ để xem xét cấp GPXD là quy hoạch chi tiết thiết kế đô thị. Tuy nhiên do các địa phương triển khai quy định chậm, nên đến nay, hầu hết các đô thị chưa phủ kín quy hoạch chi tiết, chưa có thiết kế đô thị cũng như các quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc. Do đó, để đảm bảo các điều kiện cấp phép xây dựng, tại Nghị quyết số 83/CP ngày 7-12-2012, Chính phủ đã cho phép lùi thời điểm thực hiện quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 6 Nghị định số 64/CP đến 1-7-2013. Đồng thời yêu cầu các địa phương triển khai nhanh việc lập thiết kế đô thị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở cấp GPXD.
Một trong những điểm được chờ đợi nhất ở Nghị định 64/CP là đất, nhà ở nằm trong quy hoạch "treo" sẽ được cấp GPXD tạm. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn, đây là quy định có tính mở rất cao, tạo điều kiện cho người dân trong diện quy hoạch "treo" cải thiện điều kiện ở nên rất được hoan nghênh. Các quận, huyện và người dân đều "chờ từng ngày hướng dẫn của Bộ Xây dựng và TP để có thể xem xét cấp GPXD cho dân".
Liên quan tới vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn: "UBND cấp tỉnh ban hành quy định cụ thể quy mô công trình, chiều cao tối đa, thời gian được phép tồn tại của công trình để làm căn cứ cấp GPXD tạm, bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy, kiến trúc, cảnh quan, đáp ứng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật". Đặc biệt, theo Bộ Xây dựng, trong trường hợp công trình theo GPXD tạm hết thời hạn tồn tại, nhưng Nhà nước vẫn chưa thực hiện quy hoạch (tức là quy hoạch tiếp tục "treo" - PV), nếu chủ đầu tư có nhu cầu thì có thể đề nghị với cơ quan cấp phép xem xét cho phép kéo dài thời hạn tồn tại.
Những công trình, theo quy định trước đây thuộc đối tượng không phải có GPXD, nhưng theo quy định của Nghị định 64/CP thuộc đối tượng phải có giấy phép, nếu chưa khởi công xây dựng trước ngày 20-10-2012 thì thì phải nộp hồ sơ đề nghị cấp GPXD theo quy định.
Theo ANTD
Tiếp tục cấp phép xây dựng theo quy định hiện hành Thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã ký công văn khẩn gửi đến lãnh đạo các sở, ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện của TP, cho phép thực hiện công tác cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn TP khi Bộ Xây dựng chưa có thông tư hướng dẫn thi hành...