Đất một nơi, cấp giấy đỏ… một nẻo
VKS, HĐXX cùng kiến nghị UBND TP.Đà Nẵng làm rõ, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức về việc thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác xử lý hồ sơ, cấp giấy đỏ sai, gây ra nhiều hệ lụy cho người dân…
Ngày 5.9, TAND TP.Đà Nẵng đã xử sơ thẩm vụ vợ chồng bà Trương Thị Đào khởi kiện yêu cầu tòa hủy bỏ giấy đỏ do UBND TP.Đà Nẵng cấp cho ông Nguyễn Văn Lư vì cấp nhầm vào đất của họ.
Đất một nơi, cấp một nẻo
Theo đơn khởi kiện, từ năm 1975, vợ chồng bà Đào khai hoang một khu đất rộng 2.000m2 tại xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang (sau này là phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu). Tại thời điểm này, vợ chồng bà Đào có đăng ký với HTX Nông nghiệp Hòa Khánh và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nộp thuế đất nông nghiệp.
Đến tháng 2.1991, do có đường dây điện cao thế 110kV đi ngang qua thửa đất trên nên vợ chồng bà Đào không làm được giấy đỏ mà chỉ đăng ký và được xác định là có đất ở thửa 182 tờ bản đồ số 12 (thuộc huyện Hòa Vang). Gia đình bà vẫn canh tác trồng hoa màu từ đó đến nay.
Tuy nhiên, năm 2000, ông Lư (ngụ cùng địa phương) đã làm giấy đỏ trên phần diện tích 556m2 nằm trong mảnh đất của vợ chồng bà Đào mà vợ chồng bà không hề hay biết. Ngày 8.7.2003, UBND TP.Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất này cho ông Lư.
Bà Đào bức xúc vì phần đất của vợ chồng bà bị UBND TP.Đà Nẵng cấp giấy đỏ cho người khác. Ảnh: T.Tài
“Khi vợ chồng tôi làm hồ sơ xin cấp giấy đỏ thì chính quyền nói đất này nằm dưới hành lang lưới điện nên không cấp. Vậy mà không hiểu bằng cách nào mà ông Lư lại làm được giấy đỏ phần đất mà vợ chồng tôi bỏ công khai phá, canh tác suốt một thời gian dài” – bà Đào bức xúc kể. Cho rằng UBND TP.Đà Nẵng cấp đất sai, vợ chồng bà đã khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy giấy đỏ đã cấp cho ông Lư.
TAND TP.Đà Nẵng xác minh thì thấy hồ sơ cấp giấy đỏ cho ông Lư thể hiện rõ: Năm 1995, ông Lư mua của một người ở xã Hòa Khánh một thửa đất rộng 556m2 (nằm ở bên kia đường, đối diện đất của vợ chồng bà Đào). Cùng năm, ông Lư làm hồ sơ gửi đến UBND xã Hòa Khánh xin giao đất ở với phần đất 556m2 này. UBND xã xác nhận, có tờ trình gửi UBND huyện Hòa Vang để xét duyệt cho ông Lư. Năm 2002, người bán đất cho ông Lư được cấp giấy đỏ cho mảnh đất rộng hơn 1.000m2. Ông Lư đã làm thủ tục tách sổ từ người này và được cấp giấy đỏ đối với phần đất 556m2 mua của người này.
Điều đáng nói là sau đó ông Lư lại sử dụng đơn từ, bộ hồ sơ xin giao đất từ năm 1995 (cho phần đất đã mua nói trên) để xin cấp giấy đỏ cho… 556m2 đất của vợ chồng bà Đào (nằm ở bên kia đường, dưới đường dây điện 110kV). Dựa trên hồ sơ dỏm này, ngày 8.7.2003, UBND TP.Đà Nẵng tiếp tục cấp giấy đỏ khác cho ông Lư đối với phần đất 556m2 của vợ chồng bà Đào.
VKS, HĐXX kiến nghị xử lý cán bộ làm sai
Video đang HOT
Tại tòa, ông Lư thừa nhận đã không làm đúng pháp luật khi thuê “dịch vụ” để làm các thủ tục cấp giấy đỏ. Việc UBND TP.Đà Nẵng cấp giấy đỏ ngày 8.7.2003 cho ông là sai vị trí vì nó không phải là phần đất 556m2 mà ông mua. Tuy nhiên, ông Lư lại cho rằng phần đất 556m2 đang tranh chấp này có nguồn gốc do ông mua lại của vợ chồng bà Đào…
Người bán đất cho ông Lư cũng xác nhận có bán cho ông Lư phần đất 556m2 nhưng ở bên kia đường chứ không phải phần đất 556m2 mà ông Lư đang tranh chấp với vợ chồng bà Đào.
Theo đại diện VKS, vị trí đất tại đơn xin giao đất năm 1995 của ông Lư và vị trí đất được UBND TP.Đà Nẵng giao đất theo giấy đỏ cấp ngày 8.7.2003 cho ông Lư hoàn toàn khác nhau. Qua kiểm tra thực tế thì hai vị trí này cũng khác nhau.
Ngoài ra, trong Công văn số 6768 ngày 10.6.2016 do chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng ký cũng công nhận việc ủy ban cấp giấy đỏ cho phần đất 556m2 mà vợ chồng bà Đào và ông Lư đang tranh chấp là sai vị trí. Các hồ sơ, chứng cứ cũng thể hiện vợ chồng bà Đào đã có công khai hoang và đóng thuế phần đất 556m2 đang tranh chấp nói trên. Việc UBND TP.Đà Nẵng cấp giấy đỏ cho ông Lư trên phần đất của vợ chồng bà Đào là đã xâm phạm đến lợi ích của vợ chồng bà Đào.
Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng bà Đào, tuyên hủy giấy đỏ do UBND TP.Đà Nẵng cấp ngày 8.7.2003 cho ông Lư, đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức gây ra sai phạm nói trên.
Đồng tình, HĐXX đã tuyên hủy giấy đỏ do UBND TP.Đà Nẵng cấp cho ông Lư ngày 8.7.2003. HĐXX cũng kiến nghị UBND TP.Đà Nẵng xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức làm sai giấy tờ, đồng thời giải quyết các hậu quả pháp lý xảy ra sau khi giấy đỏ này bị hủy.
Hệ lụy cho nhiều hộ dân khác Theo HĐXX, hiện nay phần đất 556m2 của vợ chồng bà Đào đã bị ông Lư sang tên, bán lại cho nhiều người. Một số hộ mua đất từ ông Lư đã làm được giấy đỏ. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho những người này, HĐXX cũng kiến nghị Sở TN&MT TP.Đà Nẵng cùng UBND quận Liên Chiểu xem xét xử lý các văn bản ban hành liên quan đến việc cấp giấy đỏ cho ông Lư.
Theo Tấn Tài (Pháp luật TP.HCM)
Bí ẩn sổ đỏ trên mảnh đất "ma" tại huyện Hoài Đức: Thanh tra làm rõ sai phạm
"Liên quan đến việc cấp sổ đỏ trên mảnh đất "ma" không có thật, UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) đang giao Phòng TN Thanh tra huyện rà soát lại toàn bộ quy trình. Nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, người ký cấp sổ đỏ "ma" hiện đang là Phó ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội".
Vụ việc bà Nguyễn Thị Ái mua một mảnh đất đã có sổ đỏ tại xã Đức Thượng - Hoài Đức (Hà Nội), tiếp tục được các cấp chính quyền huyện Hoài Đức hoàn thiện thủ tục sang tên sổ đỏ, chính danh là chủ sở hữu hợp pháp của mảnh đất nhưng hơn 10 năm đóng thuế, bà Ái "ngã ngửa" khi phát hiện mảnh đất trên sổ đỏ của mình không phải là mảnh đất có thật đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Sau khi thông tin điều tra của báo Dân trí đăng tải, PV Dân trí đã có buổi làm việc với UBND huyện Hoài Đức.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Xuân Lý - Chánh văn phòng UBND huyện Hoài Đức cho biết: Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và môi trường; Thanh tra Nhà nước huyện kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình cấp sổ đỏ với trường hợp của bà Ái để báo cáo UBND huyện trong tuần này.
Trụ sở UBND huyện Hoài Đức, nơi cuốn sổ đỏ được ký cấp cho mảnh đất "ma".
"Quan điểm của UBND huyện Hoài Đức là nếu phát hiện sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đấy. Nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Thực tế, vụ việc này đã được công an huyện khác chuyển hồ sơ điều tra về Công an huyện Hoài Đức vì họ cho rằng có dấu hiệu của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ông Lý cho biết.
Theo ông Lý, việc bà Ái bỏ tiền mua mảnh đất là có thật. Vì vậy, quyền lợi hợp pháp của người dân cần phải được bảo vệ.
Được biết, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, người ký quyết định cấp cuốn sổ đỏ với mảnh đất "ma" cho bà Ái là ông Nguyễn Xuân Lĩnh. Ông Lĩnh hiện đang giữa cương vị Phó ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức hiện tại là ông Nguyễn Quang Đức.
Hai cuốn sổ đỏ kỳ lạ được ông Nguyễn Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức ký.
Như Dân trí đã thông tin, ngày 25/02/2004 ông Ngô Đăng Thọ (trú tại thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội)) đã ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 474/CN để chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Ái thửa đất số 75, tờ bản đồ số 4B phần diện tích 308m2 đất ở tại Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Thửa đất này ông Thọ được cấp sổ đỏ số S726276 theo Quyết định số 3871/QĐ-UB ngày 18/12/2003.
Sau khi mua mảnh đấy, ngày 30/3/2004, bà Ái làm thủ tục sang tên sổ đỏ và được UBND huyện Hoài Đức cấp sổ đỏ số S726928 do ông Nguyễn Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND huyện ký. Những năm sau đó, bà Ái đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế hàng năm cho Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.
Tháng 5/2014, do không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thửa đất, bà Ái muốn bán cho người khác. Tuy nhiên, khi đang tiến hành các thủ tục chuyển nhượng thì bà Ái được UBND xã Đức Thượng thông báo thửa đất của bà nhận chuyển nhượng từ ông Thọ không có trong bản đồ địa chính đất thổ cư của xã.
Quá bất ngờ, ngày 19/12/2014, bà Ái đã gửi đơn yêu cầu UBND xã Đức Thượng xác định nguồn gốc đất đối với thửa đất này.
Ngày 28/12/2014, bà Ái nhận được Công văn số 45/UBND của UBND xã Đức Thượng về việc trả lời đơn yêu cầu, trong đó có những nội dung xác định: thửa đất số 75 thuộc tờ bản đồ 4B có địa chỉ tại thôn Nhuệ, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, có diện tích 321m2 được cấp GCNQSDĐ ngày 15/5/1991 cho ông Nguyễn Văn Tác. Hiện ông Tác vẫn đang quản lý, sử dụng thửa đất này.
Còn thửa đất ông Thọ chuyển nhượng cho bà Ái vào tháng 3/2014 là thửa đất có địa chỉ tại khu Rảnh, thôn Cao Xá, xã Đức Thượng với diện tích 285m2, mục đích sử dụng là đất canh tác. Nguồn gốc của thửa đất này là do ông Ngô Khắc Quy chuyển nhượng cho ông Thọ theo Hợp đồng chuyển nhượng số 485 ngày 09/9/2003. Thửa đất này được UBND huyện Hoài Đức cấp GCNQSDĐ số S726276 và vẫn đứng tên ông Thọ cho đến thời điểm này trên hồ sơ quản lý đất của địa phương.
Cho tới thời điểm này, bà Ái không hiểu lý do tại sao mình ký hợp đồng mua quyền sử dụng đất ở và đã được các cấp chính quyền huyện Hoài Đức cấp sổ đỏ là đất ở mà nay vị trí thửa đất bà nhận chuyển nhượng lại được UBND xã Đức Thượng xác định là đất canh tác, điều đặc biệt là thửa đất này vẫn đứng tên ông Thọ trong sổ quản lý đất đai của địa phương.
Bà Ái càng không hiểu được tại sao vào thời điểm năm 2004, UBND xã Đức Thượng lại xác nhận thửa đất ông Thọ bán cho bà Ái là "đất thổ cư, không có tranh chấp, đủ điều kiện chuyển nhượng"?
Vi bằng xác định chủ sở hữu của thửa đất số 75 là của ông Nguyễn Văn Tác và ông Tác chưa bao giờ bán thửa đất cho ai.
Theo điều tra của PV Dân trí, trong tài liệu của các cơ quan chức năng thể hiện: Ngày 05/12/2003, ông Nguyễn Văn Tác và bà Đỗ Thị Đào (vợ ông Tác) đã ký Hợp đồng chuyển nhượng cho ông Thọ thửa đất số 75, tờ bản đồ 4B (GCNQSDĐ số A490094 cấp ngày 10/5/1991) có địa chỉ tại xóm Rảnh, thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng cho ông Thọ. Trong hồ sơ cũng bao gồm cả giấy tờ về việc nộp tiền sử dụng đất, quyết định của UBND huyện Hoài Đức về việc cấp sổ đỏ số S726276 cho ông Thọ.
Tuy nhiên, theo nội dung trả lời tại Công văn số 45 của UBND xã Đức Thượng thì thửa đất số 75 thuộc tờ bản đồ 4B đã được cấp sổ đỏ số A490094 cho ông Nguyễn Văn Tác ngày 15/5/1991 chứ không phải ngày 10/5/1991 như nội dung hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Tác, bà Đào và ông Thọ. Bên cạnh đó, địa chỉ thửa đất là tại thôn Nhuệ, xã Đức Thượng chứ không phải tại xóm rảnh, thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng như Hợp đồng trên đã nêu.
Qua xác minh của PV Dân trí, sự thật là hiện gia đình ông Tác vẫn đang quản lý, sử dụng thửa đất số 75 này. Theo Vi bằng số 238/2015/VB-TPLHĐ do Văn phòng thừa phát lại quận Hà Đông lập ngày 18/11/2015 tại nhà ông Tác (thôn Nhuệ, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) thì ông Tác đã xác nhận rằng: Thửa đất số 75, tờ bản đồ 4B có nguồn gốc do cha mẹ ông để lại. Ông sinh sống trên thửa đất này từ năm 1939 đến nay, năm 1991 thì được UBND huyện Hoài Đức cấp sổ đỏ. Đến năm 2002 ông Tác đã tiến hành tách thửa và chia thửa đất trên cho hai con trai, cơ quan nhà nước đã tiến hành đo đạc và xác định diện tích thực tế của thửa đất là 330m2, tách thành hai thửa: thửa 75a tờ bản đồ số 4B mang tên anh Nguyễn Văn Phong có diện tích 177m2 (đã được cấp GCNQSDĐ số S553413 ngày 25/2/2002); thửa 75b tờ bản đồ số 4B mang tên anh Nguyễn Văn Luyến có diện tích 153m2 (đã được cấp GCNQSDĐ số S553414 ngày 25/2/2002). Ông Tác và các con dâu là chị Nguyễn Thị Phương, chị Đàm Thị Hoa đều khẳng định gia đình không hề chuyển nhượng thửa đất này cho bất cứ ai.
Luật sư Nguyễn Hoàng Việt (Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội) nhận định: "Có rất nhiều điểm nghi vấn trong việc tiến hành các thủ tục chuyển nhượng và cấp sổ đỏ cho các cá nhân trong vụ mảnh đất "ma" tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), thậm chí rất có thể đã có sự giả mạo hồ sơ, giấy tờ để chiếm đoạt tài sản của công dân. Và nếu như vậy, việc giả mạo phải có hệ thống với sự "bắt tay" của nhiều cán bộ chính quyền địa phương".
Báo Dân trí đề nghị những bạn đọc có hoàn cảnh tương tự gia đình bà Nguyễn Thị Ái có thể liên hệ với Báo Dân trí tại trụ sở số 2/48 Gảng Võ - Đống Đa (Hà Nội) hoặc qua Email: bandoc@dantri.com.vn để cung cấp thông tin.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế
Theo Dantri
Vụ 146 Quán Thánh: Chủ tịch quận Ba Đình thừa nhận dân phản đối xây cống mới Trong cuộc họp ngày 4/9/2015, UBND quận Ba Đình khẳng định hệ thống cống thoát nước cũ nhà 146 Quán Thánh được xây từ thế kỷ trước đã bị tắc dười nền nhà số 5 Đặng Dung. Đồng thời, ông Đỗ Viết Bình - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng thừa nhận phương án xây đường cống mới thay vì thông đường...