Đặt mình vào vị trí người lao động yếu thế, mới thấy xót xa!
Phương án tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) khi được trình ra kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, đã không nhận được sự đồng tình của dư luận CNVCLĐ. Ngay cả các thành viên của cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu.
Xung quanh vấn đề này, đồng chí ĐẶNG NGỌC TÙNG – Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai – đã trả lời phỏng vấn của Báo Lao Động.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng.
- Thưa Chủ tịch, đồng chí có đồng tình với tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo phương án 1 tại tờ trình của Chính phủ?
- Tuyệt đại đa số công nhân mà tôi tiếp xúc họ đều không đồng tình về việc nâng tuổi nghỉ hưu, nhất là lao động nữ.
Tuổi nghỉ hưu nên phụ thuộc vào ngành nghề mà người lao động đang làm, nên thực hiện đúng theo Điều 187 Bộ luật Lao động. Do đó, tôi không đồng tình nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động.
- Tại sao bảo hiểm xã hội (BHXH), nhất là BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn người lao động, thưa Chủ tịch?
- Trên lý thuyết, các chế độ, chính sách BHXH của ta rất hay, rất nhân văn, rất hấp dẫn. Nhưng thực tế khi thực hiện vẫn còn nhiều phiền hà cho người lao động.
Khi người lao động lãnh lương hàng tháng là họ đã đóng BHXH rồi, nhưng người sử dụng lao động chưa nộp hoặc không nộp cho cơ quan BHXH thì người lao động lại không được hưởng các chế độ mà họ phải hưởng theo quy định của luật, hoặc sau đó còn rất nhiều thủ tục nhiêu khê để được hưởng.
Video đang HOT
Nếu không bắt buộc, họ sẽ không tham gia và họ thấy BHXH tự nguyện chưa có lợi cho người lao động, nên chưa thu hút được đông người lao động tự nguyện tham gia.
- Xin Chủ tịch cho biết tiền lương đóng BHXH hiện nay dựa trên lương thực tế hay lương ghi trên hợp đồng?
- Hiện tại cán bộ công chức, công nhân ở các doanh nghiệp nhà nước đều đóng BHXH trên lương thực tế, nhưng công nhân nhất là công nhân dệt may da giày làm việc ở khu vực ngoài nhà nước đều đóng BHXH hầu như trên lương tối thiểu ghi trên hợp đồng, nên rất thiệt thòi cho người lao động.
Tại sao chúng ta lại tiếp tục để người lao động thiệt thòi thêm 3 năm nữa? Tại sao không áp dụng Điều 90 của Bộ luật Lao động? Đáng lẽ Luật BHXH là luật nhánh của Bộ luật Lao động nên phải tuân thủ các điều của Bộ luật Lao động chứ?
Sao các nhà làm luật chỉ “xót” cho người sử dụng lao động không đóng nổi BHXH, mà không nghĩ đến những thiệt thòi của người lao động yếu thế khi phải tiếp tục đóng BHXH trên lương tối thiểu thêm 3 năm nữa? Các nhà làm luật hãy đặt mình vào vị trí của người lao động yếu thế sẽ thấy mà xót xa!
- Không tăng tuổi nghỉ hưu, sẽ dẫn đến “vỡ quỹ BHXH”. Chủ tịch nghĩ sao về ý kiến này?
- Theo tôi, không cần tăng tuổi nghỉ hưu, nếu quản lý tốt tiền của người lao động, hãy tiết kiệm và quản lý quỹ như một ngân hàng thì chắc chắn sẽ không vỡ quỹ!
Tôi khẳng định sẽ không vỡ quỹ BHXH. Tôi sẵn sàng gặp gỡ để trao đổi, tranh luận và chứng minh lập trường của mình với những ai nói rằng sẽ vỡ quỹ!
- Chủ tịch có đồng tình với Ban soạn thảo điều chỉnh thời gian đóng BHXH từ 15 năm lên phải đóng đủ 20 năm mới được hưởng 45% mức tiền lương bình quân đóng BHXH?
- Điều này lại cũng vô lý nữa, người lao động đã gặp muôn vàn khó khăn khi nghỉ hưu nên đừng để họ thiệt thòi hơn nữa mà hãy giữ nguyên 15 năm đóng BHXH hưởng 45% mức tiền lương bình quân đóng BHXH, tôi không đồng tình tăng lên 20 năm.
- Vậy, còn chi phí quản lý BHXH tối đa bằng 3% số thu BHXH?
- Dựa vào cơ sở nào mà chi quản lý tới 3% số tiền đóng BHXH của người lao động? Các ngân hàng thương mại họ nhận tiền gửi tiết kiệm của dân họ đâu có thể lấy của dân 3% được? Tôi chưa đồng tình với 3% này.
Đáng ra ngân sách nhà nước phải chi trả cho bộ máy quản lý này, để toàn bộ số tiền người lao động đóng để chi trả lại tất cả cho người lao động. Có như vậy BHXH mới hấp dẫn, mới thu hút được người lao động tham gia.
Theo tôi, để thu hút BHXH được mọi người tham gia thì phải chứng minh cho dân thấy tham gia chỉ có lợi do đó nên sử dụng ngân sách chi cho bộ máy quản lý, không nên lấy tiền của người lao động để chi cho bộ máy quản lý.
- Về kết dư của BHXH ngắn hạn hiện nay trên 31.000 tỉ đồng, theo Chủ tịch nên xử lý thế nào?
- Trước đây, khi tổ chức công đoàn còn quản lý quỹ BHXH chi cho 3 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nếu còn kết dư thì chi cho sự nghiệp nghỉ ngơi, dưỡng sức tái tạo sức lao động cho người lao động, hoặc bồi dưỡng tại chỗ, hoặc chi cho chăm sóc con em công nhân lao động, hoặc chi cho bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác an toàn vệ sinh lao động.
Do đó, theo tôi số kết dư này nên chi cho người lao động chứ không nên đưa vào quỹ hưu trí.
- Xin cảm ơn Chủ tịch!
Theo TS
Lao Động
Cần quy định công tác hậu kiểm đối với doanh nghiệp
Ngày 28-5, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Đức Chung- Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã đóng góp ý kiến về hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay. Đây cũng là những vấn đề được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Đức Chung - Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu trong buổithảo luận ở tổ về Dự án Luật Doanh nghiệp (28-5)
Về nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định ở điều 30 (Dự thảo), Đại biểu Nguyễn Đức Chung nhất trí với ý kiến chỉ ghi nội dung ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật vào giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Điểm mới này sẽ giúp cho các doanh nghiệp không cần phải kê khai những lĩnh vực mà họ được phép kinh doanh trong giấy phép, giảm được rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, luật cũng nên quy định trong giấy phép kinh doanh của mỗi doanh nghiệp cần đăng ký cụ thể các ngành nghề kinh doanh, đồng thời chủ doanh nghiệp phải có chuyên môn, trình độ về ngành nghề mình đã đăng ký. Điều này giúp cơ quan quản lý có thể kiểm tra, giám sát cụ thể tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi ngành nghề kinh doanh cần quy định số vốn pháp định nhất định, đảm bảo điều kiện tối thiểu, tương ứng với tỷ lệ hoạt động của doanh nghiệp như đầu tư về nhà xưởng, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở vốn pháp định này doanh nghiệp sẽ được vay vốn ngân hàng với tỉ lệ tương ứng, tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp lập ra hoạt động không hiệu quả, thực chất chỉ là những doanh nghiệp "ma".
Qua quá trình kiểm tra thực tế hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô thời gian qua, lực lượng CA thành phố đã phát hiện nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của Luật Doanh nghiệp để thực hiện những hành vi trái pháp luật. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp 2005 có quy định, các doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh không cần phải đăng ký vốn pháp định đối với loại hình doanh nghiệp. Chính vì vậy, có không ít doanh nghiệp kê khai số vốn pháp định "ảo" lên đến vài chục tỷ đồng nhưng trên thực tế họ lại không hề có vốn để kinh doanh. Do vậy, hàng năm nếu chỉ dựa trên số vốn mà các doanh nghiệp đã đăng ký để đưa vào hoạt động đầu tư thì sẽ không chính xác, phản ánh không thực chất hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thực tế nắm tình hình địa bàn, lực lượng CATP Hà Nội đã phát hiện, điều tra nhiều doanh nghiệp "ma" được lập ra nhằm mục đích mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng (GTGT) kiếm lời. Trong một vài ngày tới, CATP Hà Nội sẽ công bố vụ việc liên quan đến những doanh nghiệp "ma" trên địa bàn Thành phố, mà mục đích của chúng được lập ra để mua bán hàng nghìn quyển hoá đơn, tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng nhằm chiếm đoạt tiền giá trị gia tăng và hợp pháp hoá các loại chứng từ liên quan đến việc chi tiêu của doanh nghiệp. Vụ việc gần đây nhất mà CATP Hà Nội phát hiện đó là, bằng thủ đoạn mượn chứng minh nhân dân của nhiều người rồi thông qua các tổ chức tư vấn, dịch vụ, đối tượng đã làm đăng ký kinh doanh cho 13 công ty, sau đó in hoá đơn GTGT với số lượng gần 1500 quyển, thu hàng nghìn tỉ đồng, tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và toàn quốc trốn thuế, tham nhũng.
Về nội dung đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Chương II (dự thảo), Đại biểu Nguyễn Đức Chung đề nghị, cần quy định rõ về vấn đề hậu kiểm, trách nhiệm hậu kiểm doanh nghiệp trong Dự thảo để đảm bảo những doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh có tồn tại và hoạt động, tránh tình trạng thành lập công ty "ma" để mua bán hoá đơn, lừa đảo.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Đức Chung, thực tế hoạt động của các doanh nghiệp trong những năm qua theo Luật Doanh nghiệp 2005 có nhiều kẽ hở. Cụ thể, khi thành lập, doanh nghiệp chỉ cần xuất trình việc thuê trụ sở tại một địa chỉ nào đó. Quá trình hoạt động, những công ty này chuyển địa điểm, hay có bất kỳ thay đổi nào họ đều mặc nhiên không thông báo với cơ quan quản lý và cũng không có ai kiểm soát vấn đề này. Chính vì vậy, tình trạng các doanh nghiệp thành lập được một thời gian ngắn rồi bỏ trốn khỏi khu vực, địa bàn kinh doanh, không thực hiện việc nộp thuế và các thủ tục khác dẫn đến thiệt hại không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Ngay tại Hà Nội, con số doanh nghiệp bỏ trốn cũng lên tới vài nghìn doanh nghiệp.
Vì vậy, Đại biểu Nguyễn Đức Chung khẳng định: "Cần đưa vào dự thảo quy định rõ công tác hậu kiểm sau khi các doanh nghiệp đăng ký thành lập, tránh tình trạng các doanh nghiệp hoạt động để phục vụ cho các hành vi lừa đảo hoặc những hoạt động không minh bạch, bất hợp pháp".
Theo ANTD
Sửa Luật Doanh nghiệp để môi trường đầu tư hấp dẫn hơn Sáng nay, 26-5, tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)....