Đất lành chim… chết
Từ lâu, chuyện bẫy chim, chơi chim và ăn chim đã trở nên thiên biến vạn hóa và được ví như một phần của cuộc sống
Đặc biệt, có nơi khi nhắc đến chim chóc, thay vì nhớ tới hình ảnh quê hương, thì người ta lại nhớ ngay đến tên của những nhà hàng, với các món thịt chim, cò đặc sản nổi tiếng hay nhớ tới phiên chợ chiều, với những lồng cò hàng chục con, được bày bán công khai, nhiệt tình, giống như bao mặt hàng tươi sống khác. Và không xa lạ, tình trạng đó đã và đang diễn ra từ lâu ngay tại xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng – Hà Nam.
Vào mùa gặt, ngang qua thị trấn Quế, hướng vào trung tâm huyện Kim Bảng, trước mặt bạn là hình ảnh những cánh đồng lúa vàng thơm ngát. Lúa trải dài ngay trên quốc lộ, len lỏi vào từng ngõ xóm thôn quê. Thế nhưng trong khung cảnh mộc mạc bình dị ấy lại thật khó để nhìn thấy hình ảnh cánh cò bay chấp chới, mặc dù nơi đây nổi tiếng là có nhiều loài chim về cư trú.
Thắc mắc thì một người dân mách nước: “Muốn thấy cò thì ra… chợ Nhật Tân”. Quả đúng như vậy, chợ ở đây không chỉ giúp tôi thỏa cái ước muốn được nhìn thấy cò quê mà còn dễ dàng mua về thưởng thức như một món ẩm thực lạ miệng.
Của trời cho
Phiên chợ chiều chỉ mới bắt đầu nhưng đã rất nhộn nhịp người mua bán. Trong vai người đi mua cò với số lượng lớn, rất nhanh chóng tôi được các chị chủ thương bán cò mời chào đon đả. Một “chùm” cò 6 con bị buộc vào nhau cùng dòng máu đỏ tứa ra từ vết khâu ở mắt, được một người chuyên bán cò tên Hòa đưa ra chào mời với giá bán lẻ là 30.000 đồng/con, nếu mua với số lượng lớn thì được giảm xuống còn 27.000 đồng/con vạc là 100.000 đồng/con còn chim dẽ là 25.000 đồng/con.
Chim được bày bán tại chợ Nhật Tân
Sau hồi làm quen, tôi được một chị bán cò đưa về tận nhà để cho tiện lần sau xuống mua. Và cũng từ đây tôi hiểu được vì sao Nhật Tân lại nổi tiếng là địa chỉ tàn sát chim, cò với mức độ… gây sốc. Chủ gia đình, ông B với công việc thu vé chợ đồng thời cũng là một người có thâm niên trong nghề săn, bắt chim.
Sau một lát dò xét đầy cảnh giác, ông hé lộ cho tôi chuyện nghề: Trung tuần tháng 9, khi chuẩn bị bắt đầu vụ gặt là thời điểm cò về nghỉ chân kiếm ăn đông nhất. Với một cái “bẫy lưới”, đặc biệt là “bẫy rựa” (một loại nhựa siêu dính) thì một người trung bình một ngày có thể bẫy đến 50 con hoặc nhiều hơn nữa. Theo tiết lộ của ông B thì bán đắt nhất vẫn là các loài chim quý bị cấm săn bắt như: Sâm cầm, mòng két với giá 250.000 đồng/con vịt trời 450.000 đồng/con dang 250.000 đồng/1kg.
Video đang HOT
Dù biết loài chim quý nào bị cấm, nhưng người dân coi đấy là món hời của thiên nhiên và mặc nhiên săn bắt, bán cho nhà hàng hoặc những lái buôn. Thắc mắc thì ông B thản nhiên: “Cánh chúng tôi đi đánh thì cứ đi, việc bán cứ bán, việc các nhà hàng mở thì cứ mở”. Nhìn 2 chú cò bị nhốt ở góc sân, với đôi mắt được nhuộm đỏ bằng máu qua những vết khâu, giờ chỉ còn biết nghiêng đầu lắng nghe từng âm thanh xung quanh. Nhưng chúng biết đâu mình sẽ là “cò mồi” cho buổi đánh sáng mai, lòng tôi chợt thấy thật xót xa.
Ở Nhật Tân, lượng chim, cò được tiêu thụ rất lớn và nhanh. Chỉ cần người mua có nhu cầu thì bất cứ lúc nào cũng có “hàng” đáp ứng, bởi việc săn, bẫy được diễn ra quanh năm. Ông B cho biết: Bây giờ đang là mùa gặt, do đó dân đi săn ở đây chủ yếu là bẫy cò. Khi lượng cò ít đi, khoảng hết tháng 9 (âm lịch) thì cũng là lúc mùa đánh dẽ bắt đầu và bẫy cho đến khi vào vụ cấy, song lại chuyển sang bẫy cò.
Nhật Tân là một làng đa nghề, với ba nghề chính là dệt, mộc và mây dang đan. Tuy nhiên những người không học nghề thì đa phần lại chọn săn, bẫy chim làm công việc chính hằng ngày. Bởi lợi nhuận của nó mang lại rất lớn (hàng trăm ngàn đồng mỗi ngày) nhưng đầu tư thấp.
“Phố thịt chim”
Không chỉ nổi tiếng với nguồn chim dồi dào từ săn bắt, mà Nhật Tân còn nổi tiếng với nhiều nhà hàng đặc sản chim trời. Nhiều thực khách đã gọi vùng quê này là “phố thịt chim”. Trên đoạn đường Biên Hòa, xã Nhật Tân, không khó để tìm các nhà hàng với tên gọi chim – cò, chim trời đủ các món, hiện lên với nhiều dáng vẻ, màu sắc khác nhau, lúc nào cũng tấp nập người ăn, nhưng đông nhất vẫn là quán Ô.V và quán L.Q, với 2 dãy ôtô đậu chật kín vào những ngày cuối tuần.
Mỗi ngày có hàng “đống” chim như thế này bị giết thịt tại “phố thịt chim”
Ở quán L.Q, tôi chưa kịp ngồi xuống ghế, một tiếp viên vừa đưa thực đơn vừa giới thiệu mồm: “Ngoài những loại chim ghi trong thực đơn như dẽ có giá 35.000 đồng/con, cò 40.000 đồng/con… quán chúng em còn có loài chim quý bị cấm như sâm cầm có giá 1triệu đồng/con”. Ngừng một lát để thở, cũng là lúc tiếp viên nhìn tôi nháy mắt: “Đặc biệt, ngoài các món được chế biến từ thịt, quán chúng em còn có một loại rượu ông uống bà khen, bà uống ông khen, được rất nhiều người ưa thích là rượu tiết chim sẻ…”.
Tôi hỏi: Mỗi ngày ở đây có bao nhiêu con chim sẻ bị cắt tiết? Tiếp viên trả lời, giọng có chút tự hào: “Hàng nghìn con chị ạ”. “Thế có bao nhiêu con sâm cầm bị làm thịt?”. “Sâm cầm thì thất thường vì giá hơi đắt…”.
Ô.V là một nhà hàng có lịch sử lâu đời ở “phố thịt chim”. Và ấn tượng lớn nhất của tôi ở đây không phải số khách ăn mà là lượng chim, cò được “làm thịt” mỗi ngày. Tôi rùng mình khi chứng kiến “từng đống” chim được vặt lông sạch sẽ, chỉ còn lại lớp da màu hồng hồng nằm chồng chất, ngổn ngang trong các thùng xốp đang chờ được “bay” trong các chảo dầu hay nồi hấp để phục vụ nhu cầu của những “thượng đế”.
Vừa thấy tôi ngó nghiêng, chủ quán đã đon đả tiếp thị: “Đây là chim dẽ, cò, gà đồng, sẻ… nếu em muốn ăn vạc hay vịt trời thì chị sẽ đi làm ngay”. Thấy chúng tôi có ý nghi ngờ chim không tươi, một chị vừa cho mẻ chim dẽ vào chảo vừa nói: “Ở đây chỉ phục vụ toàn chim tươi thôi, đằng sau chim vẫn còn sống đấy”.
Quả đúng vậy, “đằng sau” chim sống nhiều vô kể, với đủ loại và được nhồi trong các bao lưới mỏng hoặc chiếc thùng. Con thì đứng ngóc đầu nhìn lên khi thấy người lạ, con thì ủ rũ với ánh mắt vô hồn mệt mỏi. Bên cạnh là những chậu nước đỏ ngầu, hay những đám lông của những mẻ chim đã được làm sạch trước đó. Một cảnh tượng hãi hùng và tang thương…
Chị Bốn – người phục vụ ở quán thịt chim này – còn cho biết thêm: “Quán không chỉ phục vụ các món mà còn bán cả chim sống khi khách có nhu cầu mua mang về, với giá gà đồng 60.000 đồng/con, chim dẽ là 30.000 đồng/con…”. Cũng theo chị Bốn: “Trung bình một ngày ở quán cung cấp cho khách từ 400 – 500 con dẽ, còn sẻ thì phải hàng nghìn con. Hôm nào cuối tuần khách về đông thì lượng tiêu thụ chim, cò tăng lên”.
Người xưa có câu “đất lành chim đậu”. Nhật Tân là đất lành nhưng ở đây chim lại đã, đang và sẽ chết theo đúng nghĩa đen của từ này. Với cách suy nghĩ “lộc trời tận hưởng” và tận diệt của người dân, cộng với sự thờ ơ của cơ quan chức năng, chắc chắn một ngày không xa, cánh cò, cánh vạc cùng hàng chục loài chim quý khác sẽ chỉ còn trong ký ức của không chỉ người dân Nhật Tân…
Theo 24h
Cần Thơ: Vườn cò bị tận diệt
Dọc quốc lộ 91 (quận Ô Môn và Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) những con cò xám, ốc cao, cồng cộc... được buộc lại thành chùm, treo lỉnh kỉnh trên xe gắn máy chào bán cho người đi đường.
Động tác chào hàng chỉ là cầm chùm chim cò vẫy, khách có nhu cầu cứ ghé vô. Cứ thế, nguy cơ tận diệt chim cò tại vườn cò Bằng Lăng (phường Thuận An, quận Thốt Nốt) đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Ghé vườn cò Bằng Lăng mới tận mắt chứng kiến từng đàn cò lũ lượt bay về nơi trú ngụ. Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ vườn cò Bằng Lăng cho biết, mỗi ngày khi chiều xuống là chúng tôi bắt đầu đón khách đến tham quan.
Khách tham quan ngắm từng đàn cò bay về tổ, nhảy múa trên những cành cây như một thú vui để trút đi những gánh nặng sau một ngày làm việc vất vả. Nhiều năm nay, vườn cò này không những là nơi hội tụ của những người yêu động vật hoang dã mà còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường...
Thế nhưng, nhiều năm nay, số lượng cò giảm đi do người dân vô tư săn bắt, gài bẫy, đe dọa đến nơi trú ngụ của cò.
Theo chân người nhà bà Hoa, chúng tôi đến khu vực bẫy cò tại phường Thuận An. Đây là cánh đồng trống, nằm kế bên vườn cò Bằng Lăng. Trên từng thửa ruộng, cách nhau khoảng 20m có khoảng 10 con cò, cồng cộc đứng thành nhóm. Cứ thế, hàng chục nhóm cò, cồng cộc đứng đầy trên các thửa ruộng, tạo nên cảnh sinh động của một cánh đồng.
Nhưng đến gần, chúng tôi không khỏi bất ngờ, vì đó là những con cò, cồng cộc bị buộc 1 chân bên một cành cây cắm sâu xuống đất, cạnh bên là các tấm lưới dài khoảng 10m dùng để bắt cò, cồng cộc...
Bẫy săn bắt chim, cò gần vườn cò Bằng Lăng
Theo anh Đệ, con rể bà Hoa, đó là những con cò, cồng cộc dùng làm cò mồi để dụ đàn cò, cồng cộc bay đáp xuống. Loài này có tính bầy đàn, chúng tưởng đồng loại đang bắt cá, ốc trên đồng nên đáp xuống. Khi ấy, người săn cò núp trong lều (dựng bằng cành, lá cây khô) giật dây và cò mắc lưới. Mỗi ngày, có khoảng vài chục con cò dính bẫy và bị đem bán dọc theo đường quốc lộ hoặc vào các quán nhậu...
Những con chim, cò được đem bán với đủ các loại giá, ốc cao từ 30.000 - 50.000 đồng/con, cò từ 30.000 - 40.000 đồng/con, tùy theo loại, con trống hoặc con mái thì có giá khác nhau. Còn gà nước, vít là loại quí hiếm nên giá cao hơn, từ 70.000 - 100.000 đồng/con.
Nếu khách có nhu cầu mua số lượng lớn chim cò thì người bán sẵn sàng cung cấp không hạn chế. "Đây là những loại chim, cò được bắt từ rừng, đồng trống về. Gà nước, ốc cao, cò... nếu rô-ti hoặc nấu cháo đậu xanh ăn rất ngon, có tác dụng làm mát gan... Nếu anh mua với số lượng lớn, tôi sẽ làm sạch cho anh", một người bán chim, cò quảng cáo với chúng tôi.
Theo bà Hoa, hàng ngày gia đình bà phải mua cá vụn cho cò ăn, nuôi dưỡng những con cò bị thương do sụp bẫy, trồng cây cho cò làm tổ... Nhưng, những mảnh ruộng kế bên thì có người dùng lưới bẫy cò không thương tiếc. Ngoài ra, một số người dân còn dùng thuốc độc tẩm vào thức ăn, rải theo bờ ruộng để bắt cò. Cứ thế, đàn cò ngày càng bị tận diệt. Dù trình báo với chính quyền địa phương nhưng nạn bắt cò vẫn tiếp tục diễn ra.
Vườn cò Bằng Lăng là một sân chim nổi tiếng, khu du lịch sinh thái độc đáo ở TP.Cần Thơ, rộng 14.000 m2. Trước kia, nơi đây là ruộng lúa của gia đình ông Nguyễn Ngọc Thuyền (chồng bà Nguyễn Thị Hoa), được bao quanh bởi các hàng xoài, dừa, tre...Vào năm 1983, có vài trăm con cò về đây cư ngụ. Ông Thuyền không xua đuổi hay săn bắt mà tìm cách tạo điều kiện để cò tụ họp về đông đảo hơn. Đến nay, vườn cò Bằng Lăng có trên 300.000 con, với gần 20 chủng loại: cò quắm, cò ngà, cò cá, cò ruồi, cò ma, cò xanh, cò rằn, cò rán, cò lép, cò đúm, cò sen, cò nhạn...Tuy nhiên, nạn săn bắt diễn ra hàng ngày khiến nhiều loài ở đây cạn kiệt và có nguy cơ tiệt chủng.Theo 24h
Bắc Ninh: Nhức nhối nạn "hủy diệt" vườn cò rộng hàng chục nghìn m2 Trải rộng hàng chục nghìn m2 bao gồm mặt nước và tre, vườn cò Đông Xuyên (Yên Phong, Bắc Ninh) là nơi hàng vạn con cò, vạc làm tổ. Tuy nhiên, nạn săn bắn kiểu "hủy diệt" đang đe dọa vườn cò quý này. Vườn cò Đông Xuyên tại xã Đông Tiến, huyện Yên Phong đã tồn tại từ hàng chục năm nay....