“Đặt hàng” doanh nghiệp cung cấp lợn giống cho người chăn nuôi
Trước việc tái đàn lợn đang gặp một số khó khăn do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó mua lợn giống, giá lợn giống tăng cao, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn diễn ra sáng 6/5 cho rằng, nếu cần, các địa phương cũng nên xem xét đặt hàng các doanh nghiệp để cung ứng lợn giống cho nông hộ, giải tỏa “cơn khát” lợn giống.
Sau thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra, nhiều nông hộ tại các tỉnh, thành không còn đủ vốn, điều kiện để tái đàn lợn.(ảnh: Nguyễn Văn Tề (hơn 70 tuổi) ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình) khóc bên trang trại bị thiệt hại nặng vì dịch tả).
Đặt hàng doanh nghiệp cung cấp giống cho người chăn nuôi
Là một trong những địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất cả nước, ông Võ Văn Chánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay khoảng 2,03 triệu con, giảm trên 19% so với cùng kỳ năm 2019, bao gồm 815 con lợn giống cụ kỵ, ông bà; 215.000 nái sinh sản, trêm 64.500 nái hậu bị, 3.700 con đực giống, 371.755 lợn con theo mẹ và trên 1,37 triệu lợn thịt.
Ông Chánh cho biết thêm, để đảm bảo an toàn cho vật nuôi trên địa bàn, hiện Đồng Nai đang hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và áp dụng quy trình VietGAP trong chăn nuôi lợn. Ngoài ra, địa phương còn tiến hành xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm tránh cung vượt cầu, mất giá, lỗ nặng.
“Nếu đơn vị, nông hộ nào không đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học thì Đồng Nai vẫn chưa cho tái đàn để tránh dịch bệnh tái phát, lây lan”, ông Chánh khẳng định.
Cung cấp thêm thông tin tái đàn của địa phương, ông Chánh khẳng định, đến nay, 10/11 địa phương của Đồng Nai đã triển khai thực hiện (trừ TP Biên Hòa có lộ trình di dời chăn nuôi khỏi đô thị). Kết quả, có 328 cơ sở đã tái đàn, tăng đàn đạt số lượng gần 220.000 con. Trong đó, số cơ sở bị dịch tả lợn châu Phi tái đàn là 247 cơ sở, số cơ sở không bị dịch nhưng ngưng nuôi tái đàn là 81 cơ sở.
Việc tích cực tổ chức tái đàn, phát triển chăn nuôi đã tăng đàn lợn của tỉnh đạt trên 2 triệu con, tăng khoảng 14% so với tháng 1/2020. Việc tái đàn hiện đang gặp một số khó khăn do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó mua lợn giống, giá lợn giống ở mức cao.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh giống lớn như Công ty CP, Japfa, Comfeed, CJ Vina Agri, Công ty CP Nông súc sản Đồng Nai, Công ty CP chăn nuôi Phú Sơn… hầu như chỉ cung cấp lợn giống cho các trang trại chăn nuôi trong hệ thống, không cung cấp ra ngoài.
Do đó, ông Chánh cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng tổng đàn lợn của Đồng Nai lên mức 2,5 triệu con vào cuối năm nay thì cần khuyến khích các cơ sở sản xuất lợn giống phát triển đàn lợn giống để cung cấp cho người chăn nuôi. “Nếu các cơ sở lợn giống quy mô lớn tiếp tục không cung cấp con giống cho các cơ sở chăn nuôi ngoài hệ thống, Nhà nước sẽ xem xét, đăng ký đặt hàng với doanh nghiệp để cung cấp giống cho người chăn nuôi khi cần thiết” – ông Chánh nói.
Ngoài ra, ông Chánh kiến nghị Bộ NNPTNT xem xét, chỉ đạo các trung tâm giống thuộc quản lý của Bộ tăng cường sản xuất để cung cấp con giống cho các cơ sở chăn nuôi và có cơ chế, chính sách hỗ trợ con giống trong giai đoạn hiện nay.
Ông Nguyễn Trọng Long chăm sóc đàn lợn giống tại HTX của mình ở Thanh Oai (Hà Nội).
Cần định hướng phát triển chăn nuôi theo chuỗi
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, chăn nuôi lợn đóng vai trò hết sức quan trọng với Hà Nội, bởi phải phục vụ nhu cầu thực phẩm hàng ngày cho 10 triệu dân nên áp lực rất lớn.
Theo ông Sửu, trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, TP.Hà Nội có tổng đàn lợn là trên 1,8 triệu con, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Sau khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, thời điểm thấp nhất Hà Nội chỉ còn 0,9 triệu đầu lợn, giảm xấp xỉ 50%, nhưng nay đã phục hồi lên 1,2 triệu con.
Video đang HOT
“Tính đến thời điểm hiện tại, TP.Hà Nội đã chi trả 1.150 tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị tiêu hủy bởi dịch tả lợn Châu Phi. Nói thật, đến lúc này chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm bởi quá trình chi trả hỗ trợ tiền tiêu hủy dịch tả lợn Châu Phi an toàn, không xảy ra tiêu cực, không xảy ra khiếu kiện, trục lợi”, ông Sửu khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, Hà Nội vừa qua đã chính thức có quyết định hỗ trợ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó thành phố ưu tiên 150 tỷ đồng hỗ trợ riêng cho lĩnh vực chăn nuôi, chủ yếu tập trung chăn nuôi lợn.
Cụ thể, Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% chi phí tinh lợn ngoại, hỗ trợ 5 triệu đồng/nái, hỗ trợ 3 triệu đồng/đực bố mẹ để đẩy nhanh tăng đàn, tái đàn với mục tiêu khôi phục 1,8 triệu đầu lợn như thời điểm trước dịch vào cuối năm 2020.
Để việc tái đàn đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, thời gian, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề xuất Bộ NN-PTNT cần có chính sách đối với doanh nghiệp hiện đang giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà quy mô lớn bởi đây là thành tố, nguyên liệu quan trọng hàng đầu cho việc tăng đàn nái và tăng đàn lợn thịt trong tương lai.
Bên cạnh đó, thức ăn chăn nuôi cũng là cấu thành, đầu vào quan trọng của chăn nuôi lợn nên Hà Nội đề nghị Chính phủ, Bộ NNPTNT có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay về lãi vay, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, do ảnh hưởng bởi Covid-19 nên việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi công suất các nhà máy đã giảm 30 – 40% so với lúc bình thường.
Vừa qua, TP.Hà Nội đã tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, con giống trên địa bàn để cùng nghe doanh nghiệp chia sẻ khó khăn và tìm giải pháp tháo gỡ, trong đó các doanh nghiệp kiến nghị rất nhiều về việc nhập khẩu và chính sách thuế, vốn vay.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu kiến nghị Bộ NNPTNT, Chính phủ cho kéo dài Quyết định 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2014 về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 – 2020.
Bởi theo ông Sửu, bên cạnh các doanh nghiệp, trang trại, gia trại lớn thì chăn nuôi nông hộ đóng vai trò rất quan trọng trong việc sớm cân bằng thị trường trong bối cảnh mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn ngoài môi trường như hiện nay.
Trao đổi về quan điểm tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, bài học rút ra trong quá trình phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi đến nay là phải chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Nếu làm tốt công tác an toàn sinh học dịch bệnh rất khó để xâm nhập vào chuồng trại hoặc nếu có xâm nhập vẫn đủ thời gian và biện pháp để xử lý, khắc phục để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, hiện nay các địa phương đang được khuyến khích tăng đái, tái đàn, song quan điểm của Bộ NNPTNT phải đảm bảo đáp ứng an toàn sinh học mới được phép tái đàn, bởi thực tế mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn rất nhiều ngoài môi trường, nếu không làm tốt công tác an toàn sinh học, dịch bệnh ngay lập tức sẽ xâm nhập vào trang trại gây thiệt hại rất lớn.
Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi lợn an toàn, bền vững, ông Nguyễn Trọng Long – Giám đốc HTX Chăn nuôi Hoàng Long (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, trong nhiều năm qua và nhất năm 2019 vừa, khi các trang trại, nông hộ trong cả nước quay cuồng trong dịch tả lợn châu Phi thì đàn lợn của HTX vẫn an toàn và phát triển ổn định.
Đến nay HTX Hoàng Long đang giữ được đàn nái trên dưới 500 con và 5.000 lợn.
“Lâu nay chúng tôi đã áp dụng giải pháp chăn nuôi theo chuỗi khép kín đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, HTX cũng xây dựng được khi sơ chế, chế biến sản phẩm thịt lợn đưa vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài Thủ đô cho hiệu quả kinh tế cao”, ông Long nói.
Theo ông Long, để chăn nuôi an toàn, tái đàn hiệu quả Nhà nước và Bộ NNPTNT cần hỗ trợ để bà con chăn nuôi theo chuỗi khén kín. “Chúng ta phải hành động ngay và có các giải pháp quyết liệt thì mới giúp bà con tái đàn, tăng đàn lợn hiệu quả”, ông Long khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Sẽ hỗ trợ mạnh cho nông hộ tái đàn lợn
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn diễn ra sáng 6/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ngoài 15 doanh nghiệp nòng cốt chiếm khoảng 35% thị phần chăn nuôi lợn hiện nay, chúng ta đang rất cần sự vào cuộc, chung tay của các trang trại, gia trại, chăn nuôi lợn nông hộ.
Trong đó, HTX và nông hộ đang rất yếu thế cần phải được hỗ t rợ ngay để đối tượng này tái đàn nhanh, hiệu quả và bền vững.
Toàn cảnh Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn diễn ra sáng 6/5 tại Hà Nội
Đàn lợn cụ kỵ, ông bà xấp xỉ 100.000 con vẫn an toàn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cao điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, chăn nuôi lợn chiếm 65 - 70% rổ thực phẩm do thói quen tiêu dùng của đại bộ phận người dân.Tháng 2/2019, Việt Nam ghi nhận ổ dịch dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đầu tiên tại Hưng Yên, sau 4 tháng lan ra toàn quốc, đỉnh điểm tháng 5 năm 2019 hầu hết các, huyện, xã, tỉnh đều bị niễm dịch tả lợn Châu Phi.
Trong khi đó, tổng đàn lợn của thế giới cũng giảm 13%, đặc biệt Trung Quốc só liệu cuối năm 2019 chỉ còn 50% tổng đàn so với trước dịch.Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay Việt Nam đã làm tốt nhất có thể để giảm thiệt hại khi phải đối phó, đối mặt với DTLCP, loại dịch bệnh nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử, chưa có vắc xin, chưa thuốc đặc trị, dịch đi đến đâu tàn phá ngành chăn nuôi lợn của thế giới đến đó.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản giữ được an toàn đàn lợn cụ kỵ, ông bà xấp xỉ 100.000 con, toàn là những tổ hợp gien tốt hàng đầu thế giới. Nhưng với số lượng lợn tiêu hủy do DTLCP khoảng 6 triệu con cộng việc giảm tổng đàn theo tự nhiên ngoài dịch, đến nay Việt Nam đã phục hồi được khoảng 80% tổng đàn so với trước lúc xảy ra dịch tả lợn Châu Phi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, bài học rút ra trong quá trình phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi đến nay là phải chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Nếu làm tốt công tác an toàn sinh học dịch bệnh rất khó để xâm nhập vào chuồng trại hoặc nếu có xâm nhập vẫn đủ thời gian và biện pháp để xử lý, khắc phục để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, hiện nay các địa phương đang được khuyến khích tăng đái, tái đàn, song quan điểm của Bộ NN-PTNT phải đảm bảo đáp ứng an toàn sinh học mới được phép tái đàn, bởi thực tế mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn rất nhiều ngoài môi trường, nếu không làm tốt công tác an toàn sinh học, dịch bệnh ngay lập tức sẽ xâm nhập vào trang trại gây thiệt hại rất lớn.
"Nếu không thực hiện nhanh, hiệu quả việc tái đàn, chúng ta sẽ mất một góc thị phần của ngành hàng quan trọng trị giá 10 tỷ đô", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Chăn nuôi an toàn sinh học đang mang lại hiệu quả cao cho các trang trại ở Hưng Yên.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận và đánh giá cao một số địa phương trong thời gian qua đã tiên phong có chính sách hỗ trợ chăn nuôi lợn tái đàn, tăng đàn rất hiệu quả, điển hình như Hà Nội, hiện hỗ trợ tới 5 triệu đồng/đầu lợn nái.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng là địa phương chi trả hỗ trợ tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi sớm nhất trong cả nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chưa bao giờ ngành gia cầm phát triển mạnh như thời điểm này với tổng đàn gần 500 triệu con, trong đó chủ yếu là gà ta, gà lông màu bản địa chất lượng cao, thịt thơm ngon nên cần tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân thay đổi dần thói quen theo hướng giảm cơ cấu thịt lợn, tăng thịt gia cầm và thủy sản. Tất nhiên, việc thay đổi thói quen cơ cấu thực phẩm của người tiêu dùng trong ngày một ngày hai được.
Đến hết quý 4 sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu con giống, thịt lợn
Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho hay: Hiện, tổng đàn nái của Việt Nam có trên 2,9 triệu con, với tỷ lệ đàn nái ngoại và nái lai chiếm trên 80%, năng suất sinh sản của đàn nái đạt 18 con cai sữa/nái/năm, khả năng sinh trưởng cao nên khối lượng xuất chuồng bình quân đạt 87,5 kg/con. Vì vậy, vẫn đáp ứng được sản lượng thịt lợn tương đương với năm 2018.
Theo báo cáo của các địa phương, đến hết tháng 2/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, tương đương 74% so với tổng đàn lợn trước khi có DTLCP (khoảng 31 triệu con vào 31/12/2018)
Đến tháng 3/2020 cả nước có 9 tỉnh, thành phố có tổng đàn lợn bằng hoặc cao hơn trước khi có DTLCP, với tổng đàn hiện nay là 3,64 triệu con. Có 21 tỉnh, thành phố có đàn lợn đạt 80-dưới 100% so với trước khi có DTLCP, với tổng đàn là 10,35 triệu con; Có 20 tỉnh, thành phố có đàn lợn đạt 50-dưới 80% so với trước khi có DTLCP, với tổng đàn là 7,56 triệu con; Có 13 tỉnh, thành phố có đàn lợn đạt 31-dưới 50% so với trước khi có DTLCP, với tổng đàn lợn là 1,95 triệu con;
Đến hết tháng 4/2020 theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh DTLCP (khoảng 31 triệu con vào 31/12/2018), tăng trưởng bình quân 5,78%/tháng; 9 tỉnh, thành phố có tổng đàn lợn bằng hoặc cao hơn trước khi có DTLCP, với tổng đàn hiện nay trên 4,54 triệu con, có tỉnh tăng rất cao như Bình Phước có đàn lợn bằng 149% so với trước khi có dịch (tổng đàn hiện nay là 1,314 triệu con).
Có 21 tỉnh, thành có đàn lợn bằng 80-dưới 100% trước khi có DTLCP, với tổng đàn hiện nay trên 10,719 triệu con, trong đó Đồng Nai có quy mô trên 2 triệu con, Thanh Hóa gần 1,15 triệu con. Có 26 tỉnh, thành phố có đàn lợn đạt 50-dưới 80% so với trước khi có DTLCP, với tổng đàn trên 8,416 triệu con (tháng 3 là 7,56 triệu con), trong đó Hà Nội có quy mô đàn lợn với gần 1,1 triệu con; có 7 tỉnh, thành phố có đàn lợn đạt 36-dưới 50% so với trước khi có DTLCP, với tổng đàn lợn gần 0,938 triệu con (tháng 2 ở tốp này có 13 tỉnh), đã có 6 tỉnh tăng đàn chuyển từ tốp 4 lên tốp 3.
Theo thống kê, chỉ tính 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn và các điểm liên kết vệ tinh nuôi giữ khoảng 35% đàn lợn thương phẩm và tốc độ tái đàn lợn khu vực này đang rất nhanh, đạt trên 17%.
Nguyên nhân dẫn đến việc tái đàn, tăng đàn lợn gặp khó khăn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ rõ, do bệnh DTLCP rất nguy hiểm đối với lợn, vi rút có sức đề kháng cao, đường lây truyền phức tạp, chưa có vắc xin phòng bệnh; chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, cơ sở vật chất hạn chế, khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, do đó người chăn nuôi nhỏ lẻ sợ dịch, thiếu vốn, thiếu con giống nên chưa thể chăn nuôi trở lại; nhiều địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đànvì e ngại tái phát dịch...
Theo ông Tiến, do các tháng 5, 6 và 7/2019 là giai đoạn cao điểm của bệnh DTLCP, các cơ sở chăn nuôi lợn không cho phối hoặc hạn chế phối giống, nên ảnh hưởng đến nguồn cung con giống ở giai đoạn đầu năm 2020.
"Từ cuối tháng 8/2019 các cơ sở chăn nuôi lớn mới cho phối giống và tăng đàn lợn thịt, các cơ sở chăn nuôi nhỏ phải cuối năm 2019 đầu 2020 mới tái đàn, như vậy dự kiến đến Quý III, Quý IV/2020 đảm bảo cơ bản nhu cầu lợn giống, lợn thương phẩm", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Đồng thời, vừa qua các doanh nghiệp lớn sản xuất lợn giống chủ yếu thay thế nội bộ của doanh nghiệp và mạng lưới gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài. Do đó, nguồn lợn giống cũng khan hơn, nhiều nông hộ, trang trại bên ngoài không tiếp cận được nguồn giống dẫn đến giá mặt hàng này hiện nay tăng rất cao 2,5 đến hơn 3 triệu đồng/con.
"Dù giá tăng cao nhưng nhiều hộ có tiền, có điều kiện cũng không mua được giống để tăng, tái đàn", ông Tiến nói.
Ảnh: Hiện giá lợn hơi tại các địa phương vẫn đang ở mức cao khoảng trên dưới 90.000 đồng/kg, nhiều hộ dân nhỏ lẻ gặp khó khăn trong tái đàn.
Cũng theo ông Tiến, vừa qua một số tỉnh đã tái đàn lợn và tăng đàn lợn rất tốt với một số kinh nghiệm như tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; kịp thời công bố hết dịch để tạo điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn lợn.
UBND cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo kịp thời, có các giải pháp, chính sách hỗ trợ kinh phí duy trì, tăng đàn nái, đực giống phục vụ tái đàn, tăng đàn như: Hà Nội (bố trí 16 tỷ đồng hỗ trợ con giống, trong đó hỗ trợ 4 triệu đồng/con lợn nái), Nghệ An (hỗ trợ 2 triệu đồng/con lợn nái, hỗ trợ toàn bộ đực giống), Bình Dương (hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ chăn nuôi có từ 20 con lợn trở lên), Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, , Bình Định, Bình Phước, Đồng Nai,....
Là địa phương tiêu biểu trong không chế DTLCP và tái dàn ợn hiệu quả, ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, Yên Bái cho biết, tổng đàn lợn hiện nay của tỉnh Yên Bái là 442.000 con, trong đó có 48.000 con nái, 1.300 con đực giống. Do người dân không tái đàn từ tháng 5/2019 nên số lợn thiếu hụt rất lớn so với nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tỉnh Yên Bái đã ban hành một loạt chính sách nhằm khuyến khích người dân tái đàn, nhất là đàn lợn và đàn gia cầm. Trong đó hỗ trợ 91 cơ sở chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn dịch bệnh, tổng mức hỗ trợ là 3,36 tỷ đồng.
"Chúng ta xác định đã chăn nuôi phải chăn nuôi an toàn sinh học chứ không làm theo phong trào, tái đàn ồ ạt", ông Duy nói.
Ông Duy cho hay: Đối với các hộ trống chuồng nay tái đàn sau DTLCP, tỉnh chủ động hỗ trợ con giống như hộ nuôi 100 con thì được hỗ trợ 30 triệu; hộ nuôi 15 con nái được hỗ trợ 30 triệu; hộ nuôi hỗn hợp 5 nái và 50 lợn thịt được hỗ trợ 20 triệu; gia cầm nuôi 1.000 con/lứa được hỗ trợ 15 triệu đồng.Hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19, hộ nuôi 100 con lợn thịt được hỗ trợ 20 triệu; hộ nuôi 15 con nái được hỗ trợ 20 triệu đồng; các hộ nuôi hỗn hợp 5 nái và 50 lợn thịt được hỗ trợ 15 triệu đồng.
Đối với các doanh ngiệp nuôi lợn nái nếu vay vốn ngân hàng thì được hỗ trợ lãi suất ngân hàng. Tỉnh Yên Bái hiện có 4 doanh nghiệp chăn nuôi lợn nái, mỗi con lợn con bán trong nội tỉnh, có xác nhận của chính quyền địa phương và Phòng nông nghiệp thì mỗi con được hỗ trợ 50.000 đồng.
Để tái đàn an toàn, ông Duy kiến nghị các DN và Bộ NNPTNT hỗ trợ con giống, kỹ thuật và chăn nuôi an toàn sinh học để các trang trại, các hộ tăng, tái đàn để sớm khôi phục sản xuất, chăn nuôi trở lại, bền vững hơn.
Tái đàn lợn có kiểm soát, đừng để sau lại "ngã ngửa" vì giá lợn Phát biểu kết luận Hội nghị Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn diễn ra tại Hà Nội sáng nay (6/5), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý 7 giải pháp trọng tâm, trong đó khẳng định các địa phương nắm quyền quyết định trong thúc đẩy tái đàn, tăng đàn lợn, kiểm soát dịch bệnh và quy mô tăng đàn,...