Đất được miễn thuế, xã vẫn thu theo kiểu “thích nộp thì nộp”
Dù canh tác trên diện tích đất nông nghiệp thuộc diện được miễn thuế, nhưng nhiều năm qua, người dân xã Tịnh Hiệp ( huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) vẫn phải đóng thuế đầy đủ cho chính quyền địa phương.
Vì không biết thông tin đất được miễn thuế nên nhiều năm qua người dân huyện Sơn Tịnh vẫn phải đóng thuế cho chính quyền.
Thích thì nộp, không thích thì… thôi!
Theo Thông tư 112 của Bộ Tài chính ban hành năm 2003 thực hiện cho giai đoạn 2003- 2010 và mới đây nhất là Thông tư 120 ban hành năm 2011, thực hiện chuyển tiếp từ giai đoạn 2003- 2010 sang giai đoạn 2011- 2020, đối tượng có đất trồng cây lâu năm thu hoạch 1 lần sẽ được miễn, giảm thuế.
Quy định là thế nhưng nhiều năm qua người dân xã Tịnh Hiệp vẫn phải đóng thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất trồng cây lâu năm thu hoạch 1 lần.
Nguyên nhân là do người dân không hề hay biết việc phải kê khai diện tích đất đang canh tác để được miễn thuế.
Phản ánh với PV Dân trí, ông Trương Thuận Lực (thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp) cho biết, gia đình ông khai hoang được 4 ha đất trồng keo. Gần 7 năm qua, gia đình ông đã khai thác gỗ keo 3 lần. Cả 3 lần này UBND xã Tịnh Hiệp đều gửi thông báo yêu cầu gia đình ông nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâu năm thu hoạch 1 lần. Lần gần nhất là vào tháng 5/2017, gia đình ông nộp khoản thuế này gần 1 triệu đồng.
“Tôi là người chấp hành pháp luật nên xã có yêu cầu nộp thuế là tôi nộp đúng quy định. Bản thân tôi không hề hay biết đất mình canh tác thuộc diện miễn thuế nên không đi kê khai”, ông Thuận cho biết.
Điều đáng nói hơn là việc nộp thuế của ông Thuận và nhiều người dân ở xã Tịnh Hiệp được thực theo kiểu tự kê khai và không nộp cũng không sao. Vì kiểu quản lý lỏng lẻo đó của chính quyền địa phương nên bản thân ông Thuận và nhiều người đã “lách luật”.
Ông Thuận lấy ví dụ, dù diện tích cây khai thác của ông lên đến 3 ha, thế nhưng khi đến xã nộp thuế ông chỉ khai 1 ha để đóng thuế vẫn được xã chấp nhận mà không hề bị kiểm tra.
“Do xã quản lý không chặt nên có nhiều người không nộp dẫn đến không công bằng. Bản thân tôi là người chấp hành nộp thuế nhưng do xã quản lý như thế nên chính tôi cũng nộp không đủ theo diện tích cây khai thác”, ông Thuận lý giải.
Video đang HOT
Trú cùng thôn với ông Thuận, ông Ao Công Thanh cũng có gần 1 ha đất nông nghiệp trồng cây lâu năm thu hoạch 1 lần thuộc diện miễn thuế. Thế nhưng ông Thanh cũng đã đóng thuế 2 lần. Riêng vào tháng 5/2017, dù nhận được thông báo nộp thuế của xã khi thu hoạch cây nhưng ông Thanh không thực hiện.
“2 lần trước tôi không biết đất mình được miễn thuế nên nộp đầy đủ. Lần khai thác gỗ vào tháng 5 vừa rồi tôi không nộp vì nghe thông tin đất của mình được miễn thuế. Tôi không nộp thuế nhưng xã cũng không nói gì”, ông Thanh giãi bày.
Thu cho đủ dự toán
Liên quan đến việc thu thuế trên diện tích đất nông nghiệp được miễn thuế, ông Phạm Tấn Tài – Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp cho rằng do người dân không kê khai đúng quy định.
Theo ông Tài, muốn được miễn thuế người dân phải thực hiện kê khai số diện tích đất nông nghiệp trồng cây lâu năm thu hoạch 1 lần vào sổ bộ thuế gốc.
“Do người dân không kê khai nên xã phải thu. Dù biết thu như thế cũng chưa đúng nhưng phải thu cho đủ dự toán được giao. Riêng trong năm 2016 khoản thu này chỉ được gần 12 triệu”, ông Tài giải thích.
Trái ngược với ý kiến của người dân cho rằng không biết quy định giảm thuế, ông Tài lại khẳng định xã đã triển khai văn bản hướng dẫn kê khai nhưng người dân không thực hiện.
“Xã đã thông báo nhưng người dân không thực hiện. Còn việc vì sao người dân không kê khai hay có vướng mắc gì thì tôi không rõ vì tôi mới làm chủ tịch xã từ năm 2016″, ông Tài cho biết thêm.
Dù cho rằng phải thu cho đủ dự toán, thế nhưng ông Phạm Tấn Tài không hề nắm được số hộ cũng như diện tích đất nông nghiệp trồng cây lâu năm của người dân trên địa bàn xã. Đây chính là lý do người dân muốn nộp thuế bao nhiêu… tùy thích.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Chương – Phó Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Sơn Tịnh, cho biết, việc thu thuế tại xã Tịnh Hiệp thực ra là đúng vì người dân chưa kê khai theo quy định. Tuy nhiên, để vụ việc kéo dài suốt nhiều năm mà không hướng dẫn, đôn đốc người dân kê khai có một phần trách nhiệm của UBND xã Tịnh Hiệp.
“Chi cục Thuế huyện Sơn Tịnh đã có hướng dẫn các xã thực hiện việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho người dân từ năm 2011. Vì vậy, việc cho rằng do người dân không kê khai đất nên phải thu thuế cho thấy xã thiếu sâu sát, chưa làm hết trách nhiệm hướng dẫn nhân dân”, ông Chương nhấn mạnh.
Theo ông Chương, tình trạng thu thuế đất nông nghiệp còn diễn ra ở một số xã khác của huyện Sơn Tịnh, như: Tịnh Đông, Tịnh Minh, Tịnh Giang, Tịnh Bình. Vì vậy, Chi cục thuế huyện Sơn Tịnh đề nghị UBND các xã kiểm tra, tạm dừng việc thu thuế và thực hiện hướng dẫn người dân kê khai diện tích đất nông nghiệp đang canh tác để được miễn thuế.
“Huyện Sơn Tịnh là địa phương có tình hình kinh tế đặc biệt khó khăn. Vì vậy, chính quyền các địa phương phải làm lợi cho người dân, không thể để người dân phải nộp thuế trên diện tích được miễn thuế”, ông Chương nêu quan điểm.
Hà Xuyên
Theo Dantri
Ý tưởng chống ùn tắc đoạt giải đặc biệt của chuyên gia Nhật có gì mới?
"Muốn giảm ùn tắc giao thông cần tác động vào nhận thức của người tham gia giao thông, trước hết là giới công chức. Công chức phải làm gương trong việc bỏ phương tiện cá nhân. Ở Nhật Bản, hơn một nửa các cơ quan Nhà nước của Nhật Bản cấm nhân viên dùng xe riêng đi làm" - ông Takagi Michimasa, chuyên gia Nhật Bản cho biết.
Ông Takagi Michimasa với 15 năm kinh nghiệm làm việc ở Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, hiện là Chuyên gia tư vấn cao cấp Công ty Almec, Nhật Bản.
Ý tưởng chống ùn tắc giao thông của ông Takagi Michimasa vừa giành được giải đặc biệt tại Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông tổ chức.
Áp "nặng" thuế, phí với người giàu
Theo chuyên gia Nhật Bản, ý tưởng của ông không có gì mới nhưng là giải pháp được Nhật Bản áp dụng từ lâu và rất hiệu quả. Giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông không có con đường nào ngắn, không có liều thuốc vạn năng nào. Phát triển giao thông công cộng không khó khăn bằng việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
Ông Takagi Michimasa cho rằng, để người dân không dùng phương tiện riêng của mình thì cần có biện pháp mang tính cưỡng chế, biện pháp tác động xã hội như định hướng nhận thức, quan điểm hoặc cũng có thể sử dụng biện pháp mang tính "đánh mạnh vào kinh tế" như thuế, phí... Tất nhiên, biện pháp mang tính cưỡng chế là điều không hề dễ dàng.
"Đó không đơn thuần chỉ là vấn đề quyền cá nhân được quy định trong hiến pháp mà còn rất nhiều vấn đề liên quan khác như: Liệu chính quyền có đủ quyết đoán để thực hiện chính sách mặc dù có sự phản đối của người dân? Liệu giao thông công cộng có đủ sức thay thế đáp ứng nhu cầu của người dân trong trường hợp phương tiện cá nhân bị hạn chế? Liệu có cưỡng chế hiệu quả người vi phạm được không?... Tất cả những điều trên phải được nghiên cứu, cân nhắc kỹ càng trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế" - ông Takagi Michimasa nói.
Muốn giảm ùn tắc giao thông phải tác động vào nhận thức của người tham gia giao thông, mà trước tiên là người giàu, công chức (ảnh: Quang Phong)
Tại Nhật Bản, các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân mang tính cưỡng chế trực tiếp không được sử dụng. Lý do là họ lo ngại sẽ vi phạm hiến pháp quy định về tự do đi lại của người dân. Cùng đó là những lo ngại về khoản chi phí lớn sẽ phải bỏ ra để thực hiện các biện pháp cưỡng chế và khó khăn trong việc cung cấp phương tiện thay thế cho tất cả những người bị hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
"Nhật Bản chủ yếu áp dụng các biện pháp đánh vào kinh tế. Như ở Tokyo, phí đỗ xe được quy định ở mức rất cao khiến người dân thấy đi phương tiện công cộng rẻ hơn mà vẫn đến được điểm cần đến. Thực tế, khi đưa ra quy định này, đã có không ít người dân Nhật Bản phản đối. Tuy nhiên, chính sự tự tin và kiên trì của Tokyo đã khiến biện pháp này thực sự hiệu quả.
Ngoài ra, ở Nhật Bản, làn riêng cho xe buýt được bố trí ngay cả trên những tuyến đường hẹp, mỗi bên chỉ có 2 làn đường. Điều này khiến giao thông chung đi lại khó khăn hơn nhưng chính quyền vẫn chấp nhận đánh đổi để khuyến khích người dân chuyển đổi hình thức đi lại từ phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng" - chuyên gia Nhật Bản thông tin.
Ông Takagi Michimasa cũng dẫn chứng chính sách về ranh giới giá của Singapore. Theo đó, xe cộ qua một số ranh giới (cordon) sẽ phải nộp một khoản phí cao hơn bình thường (pricing).
Đối với những người có thu nhập cao, họ vẫn có thể sử dụng phương tiện cá nhân, nhưng với người thu nhập bình thường (chiếm đa số) thì chính sách này có hiệu quả lớn. Nguồn tài chính thu được từ việc người dân chấp nhận trả phí cao hơn để sử dụng phương tiện cá nhân có thể được sử dụng để trợ giá cho hệ thống giao thông công cộng.
Công chức phải làm gương?
Việc tăng cường sử dụng giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân không chỉ đòi hỏi sự hợp tác từ phía người dân mà còn là từ các cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Thực tế, việc đạt được sự thấu hiểu, ủng hộ của từng người dân là rất khó, cần phải có sự phối hợp, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức vì đây là nơi có tác động trực tiếp nhất tới từng cá nhân. Hoặc nếu các cơ quan, tổ chức đưa ra các quy định hạn chế nhân viên dùng xe máy hoặc ô tô cá nhân đi làm, đi học, khuyến khích sử dụng xe buýt, nhà nước đỡ phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế.
Ông Takagi Michimasa nhận giải đặc biệt tại Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị
Trên thế giới, các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đã áp dụng rất thành công biện pháp này. Các công ty phải thực hiện "trách nhiệm xã hội" (là cam kết của cơ quan, doanh nghiệp đối với đạo đức kinh doanh và đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình họ, cho cộng đồng địa phương và xã hội nói chung). Ngược lại, phía Chính phủ sẽ có những ưu đãi về thuế cho công ty.
Chuyên gia Takagi Michimasa cho hay, hơn một nửa các cơ quan Nhà nước của Nhật Bản cấm nhân viên của họ dùng xe riêng đi làm (muốn đi phải có giấy phép). Ngoài ra, trong khi tuyệt đối không hỗ trợ các khoản phí như xăng dầu, phí đỗ xe cho xe cá nhân, các đơn vị này lại hỗ trợ chi phí đi lại đối với những nhân viên sử dụng phương tiện cộng cộng.
"Khoản hỗ trợ này được tính vào chi phí của công ty và được Nhà nước miễn thuế. Nhân viên được hỗ trợ đi lại cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân với khoản tiền này" - ông Takagi Michimasa nói.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Trưa mai bão vào miền Trung, sóng biển vùng tâm bão cao hơn 10m Cơn bão số 10 rất mạnh, khu vực đổ bộ khá thoáng, thời gian thủy triều dâng cao nhất trong năm, nước dâng và sóng biển cũng là vấn đề quan tâm. Gần tâm bão đi qua, sóng biển ngoài khơi cao trên 10m. Sáng nay 14/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức cuộc họp...