Đặt ‘chóp’ đánh dấu đỉnh núi có hoa đỗ quyên đẹp nhất
Thông tin mới nhất từ UBND tỉnh Lai Châu, một doanh nghiệp trên địa bàn cùng đội ngũ ‘Porter’ (người chuyên dẫn đường cho khách leo núi) đã xin phép các cấp chính quyền tổ chức lễ gắn chóp đánh dấu đỉnh núi có nhiều hoa đỗ quyên đẹp nhất.
Hoa đỗ quyên nở lung linh một khoảng trời ở trên núi Putaleng
Đến thời điểm này, mùa hoa đỗ quyên ở Lai Châu đã bắt đầu được gần 1 tháng và đang vào khoảng thời gian đẹp nhất. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 6 đỉnh núi cao, nhiều hoa đỗ quyên. Tuy nhiên, “thánh địa” của “nữ hoàng” đỗ quyên Tây Bắc là tại núi Putaleng ở huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu).
Vẻ đẹp bí ẩn và quyến rũ trên khu rừng cổ thụ của tỉnh Lai Châu
“Nơi đây, có rừng đỗ quyên với những thân cây rêu phủ hàng trăm năm tuổi, cành lá đan nhau thành cả cánh rừng nguyên sinh như trong cổ tích”, một người dẫn đường ở núi Putaleng chia sẻ.
UBND tỉnh Lai Châu cho biết, để giúp các thành viên hoặc câu lạc bộ đam mê leo núi có thể nắm bắt nhanh nhất vị trí có phong cảnh đẹp và nhiều hoa nở, ngày 9-3 vừa qua, một công ty trên địa bàn TP Lai Châu cùng đội ngũ “Porter” của tỉnh Lai Châu đã khảo sát địa hình, địa điểm và tổ chức lễ gắn chóp cho đỉnh đỗ quyên cao 2.619m tại núi Putaleng.
Chóp đã được đặt lên độ cao 2.619m núi Putaleng để đánh dấu khu vực nhiều hoa đỗ quyên
Theo các nhóm đam mê phượt và leo núi, đây được coi là đỉnh đỗ quyên đẹp nhất không chỉ của tỉnh Lai Châu mà của cả vùng Tây Bắc nước ta. Bởi ngoài hoa đỗ quyên, cung đường lên mốc 2.619m này còn băng qua từng lớp rừng già nguyên sinh, phong rêu hàng trăm năm tuổi, rừng trúc xào xạc, những đỉnh núi mờ sương hoặc xanh thẳm trong nắng sớm và rừng thảo quả.
Các vạt rừng hoa đỗ quyên trên và dưới mốc 2.000m so với mực nước biển
Từ dưới chân núi Putaleng có 2 đường leo (trekking) lên chỗ hoa nở. Thứ nhất là theo đường từ xã Giang Ma (nằm trên Quốc lộ 4D Lào Cai – Sa Pa – Lai Châu). Thứ hai là từ bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) – một bản du lịch cộng đồng của khoảng 60 hộ người Dao, cách thị trấn Tam Đường khoảng 6km.
Hai điểm xuất phát để leo lên chỗ có hoa đỗ quyên là xã Hồ Thầu và xã Giang Ma, cùng huyện Tam Đường (Lai Châu)
Thông tin thêm từ anh Đinh Hồng Dương, một cán bộ ở tỉnh Lai Châu, nếu xuất phát từ hướng bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) thì lên tới vị trí gắn chóp đánh dấu ở độ cao 2.619m, tổng quãng đường tương đương 8,2km. Hiện nay, trên đỉnh núi, chính quyền địa phương đã cho phép các “Porter” dựng một vài lán tạm để các phượt thủ nghỉ chân.
Video đang HOT
Hoa đỗ quyên nở trên núi lạnh, kéo dài cả tháng
Cập nhật đến thời điểm này (giữa tháng 3), các thảm hoa ở độ cao khoảng 2.000m trở xuống đã mãn, nhưng các vạt từ độ cao 2.000m lên tới đỉnh Putaleng thì đang nụ (dự kiến cuối tháng 3 sẽ nở rộ).
Đỉnh núi Putaleng theo Google Map
Theo anh Đinh Hồng Dương, Putaleng là đỉnh núi cao thứ 3 ở nước ta, thuộc địa phận huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Sườn núi thuộc các xã: Hồ Thầu, Giang Ma, Tả Lèng có thảm thực vật đa dạng. “Những vạt thẫm xanh là sắc màu của khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại ở nước ta. Nơi này, nước suối cũng trong veo, khí hậu sạch mát, nguyên sơ, tinh khiết”, anh Dương chia sẻ.
Bình minh Putaleng
Không khí trong lành, vẻ đẹp tinh khiết
Ở Việt Nam, cây hoa đỗ quyên có khoảng 30 loài và xuất hiện ở nhiều cánh rừng thuộc Sa Pa, Tam Đảo, Mù Cang Chải, Mẫu Sơn, Nguyên Bình và cả Đà Lạt, nhưng nhiều nhất là Putaleng (với cả vạn cây, vào mùa hoa nở, hàng triệu cánh đủ sắc màu: đỏ, hường, vàng, trắng, cam, tím… kết thành “biển hoa” trên đỉnh trời mây, trải rộng miên man, trở thành một bảo vật mà thiên nhiên ban tặng cho miền Tây Bắc.
Đủ sắc màu đỗ quyên vàng
Đủ sắc màu đỗ quyên tím, hường
Hoa đỗ quyên trắng tinh khôi, tất cả đều có trên đỉnh núi Putaleng
* Toàn bộ hình ảnh trong bài do anh Đinh Hồng Dương và các “Porter” ở xã Giang Ma, xã Hồ Thầu cung cấp
Hoa đỗ quyên bắt đầu nở rực trời Tây Bắc
Mùa xuân, muôn loài hoa cùng đang khoe sắc, ở miền Tây Bắc, có một loài hoa cũng đang nở rực trong sương, trong mây, mang cái tên như của một nàng thiếu nữ: đỗ quyên.
Hoa đỗ quyên nở thắm một góc rừng già Putaleng (Tam Đường - Lai Châu). Ảnh: LÙ A PÁO
Theo một số "Porter" (người chuyên dẫn đường leo núi) ở khu vực núi Putaleng, năm nay, hoa đỗ quyên ở đây đã nở từ khá sớm (khoảng giữa tháng 2) và đến nay, nhiều nơi vẫn còn đang khoe sắc màu rực rỡ.
Hoa đỗ quyên đang vào chính vụ ở độ cao 2.400m núi Putaleng (tả Hoàng Liên Sơn). Ảnh: LÙ A PÁO
Ở miền núi phía Bắc hiện nay, hoa đỗ quyên có ở một số nơi thuộc Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn... Tại Lai Châu, loài hoa này đang có nhiều tại khu vực đỉnh núi Putaleng nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc địa phận xã Giang Ma và xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường. Đỉnh Putaleng có độ cao 3.049m.
Từ khoảng cuối tháng Giêng, hoa đỗ quyên ở Putaleng bắt đầu khoe sắc. Ảnh: LÙ A PÁO
Hàng năm, cứ mỗi độ khoảng từ cuối tháng Giêng đến đầu mùa hạ, ở bên sườn Putaleng từ độ cao 2.000m trở lên lại khoác lên một tấm áo choàng đủ sắc màu rực rỡ, được đan kết bằng triệu cánh hoa đỗ quyên rừng cổ thụ.
Vẻ đẹp ẩn giấu trên núi rừng Tây Bắc
Hoa đỗ quyên đỏ. Ảnh: LÙ A PÁO
Hoa đỗ quyên vàng. Ảnh: LÙ A PÁO
Một số "Porter" là người bản địa ở xã Giang Ma (Tam Đường - Lai Châu) cho biết, thời điểm hiện tại (ngày 29-2) đến tuần đầu tháng 3-2024, dọc lối "trekking" (leo núi) từ độ cao khoảng 1.850m lên 2.400m thuộc xã Giang Ma bắt đầu vào chính vụ nở của hoa đỗ quyên.
Lù A Páo, một người dẫn đường cho khách du lịch leo núi Putaleng cho biết, năm nay hoa nở rất nhiều và đẹp
Theo anh Lù A Páo, một người dẫn đường leo núi Putaleng ở khu vực xã Giang Ma và Hồ Thầu cùng nhiều đỉnh núi nổi tiếng khác ở Tây Bắc như Fansipan, Lử Thần, Bạch Mộc Lương Tử... thì hoa đỗ quyên Putaleng có thể nở đến đầu tháng 4.
Có hai đường "trekking" lên chỗ có hoa nở. Một là theo đường từ xã Giang Ma (nằm trên Quốc lộ 4D Lào Cai - Sa Pa - Lai Châu). Hai là từ bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) - một bản du lịch cộng đồng của khoảng 60 hộ người Dao, cách thị trấn Tam Đường khoảng 6km.
Nét đẹp của loài hoa mang tên của một nàng thiếu nữ
"Sở dĩ năm nay hoa đỗ quyên ở Putaleng nở sớm hơn so với các năm, vì nắng nóng ở khu vực Tây Bắc năm nay đến sớm, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm", một Porter thông tin cho PV Báo SGGP.
Hoa đỗ quyên ở đỉnh núi Công Sơn (Lộc Bình - Lạng Sơn) chụp ngày 19-4-2023. Ảnh: NGUYỄN MINH CHUYỂN
Trong khi ở phía Đông Bắc, anh Nguyễn Minh Chuyển, cán bộ thuộc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn, cho biết, do năm nay thời tiết ở Đông Bắc bộ lạnh sâu và muộn, nên dự báo tầm khoảng nửa cuối tháng 3, hoa đỗ quyên ở khu du lịch Mẫu Sơn và núi Công Sơn (Lộc Bình - Lạng Sơn) mới nở. "Thậm chí như năm ngoái, tầm ngày 19-4 lên núi vẫn còn đang nở rộ", anh Chuyển chia sẻ.
Dưới đây là chùm ảnh hoa đỗ quyên tại núi Putaleng (tả Hoàng Liên Sơn). Toàn bộ hình ảnh do anh Dương Đinh, anh Lù A Páo và một số Porter ở xã Giang Ma (Tam Đường - Lai Châu) cung cấp cho Báo SGGP:
Chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, ngắm hoa đỗ quyên rực rỡ giữa biển mây Với độ cao 2.428m so với mực nước biển, đỉnh núi Tây Côn Lĩnh thuộc rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Bắc". Rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh trải rộng trên 15 nghìn ha, trong đó khoảng 5 nghìn ha có cây hoa đỗ quyên sinh sống, tập trung nhiều tại xã Cao Bồ (Vị Xuyên)....